Nga đang thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết mới nhằm chặn đứng nguồn cung cấp tài chính cho tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. IS hiện nay được coi là “tổ chức khủng bố giàu có và tinh vi về mặt tài chính nhất thế giới”.
Nghị quyết sẽ được trình lên HĐBA LHQ trong tuần này sau khi hội đồng lên án mạnh mẽ việc IS sát hại dã man viên phi công người Gioóc-đa-ni. Người phát ngôn của phái bộ Nga tại LHQ A.Dây-xép (Alexey Zaytsev) khẳng định: “Chúng tôi đang chuẩn bị văn kiện này và hy vọng nó sẽ được Hội đồng Bảo an thông qua trong vài ngày tới”.
IS được xem là một trong những nhóm khủng bố giàu nhất thế giới. Không có ước tính đáng tin cậy về giá trị tài sản bí mật của lực lượng này, nhưng trong tháng 10-2014, một quan chức Mỹ cho rằng, IS đã tích lũy khối của cải đồ sộ. Nguồn thu chính hiện nay của IS chủ yếu từ hoạt động bắt con tin đòi tiền chuộc, buôn bán bất hợp pháp dầu mỏ và đồ cổ.
Theo báo cáo của Nga, các phần tử thánh chiến đã thu được ước tính 850.000-1,65 triệu USD/ngày nhờ bán dầu mỏ thông qua các nhà trung gian tư nhân, những người điều hành một đội xe tải trên các tuyến buôn lậu. Nguồn thu lớn thứ hai của nhóm phiến quân là tiền chuộc các con tin. Theo ước tính của Bloomberg, IS kiếm được khoảng 35-45 triệu USD trong năm 2014 từ những món tiền trả cho con tin. Chính phủ nhiều nước đã nhượng bộ và trả tiền chuộc nhưng một số nước như: Mỹ, Anh, Nhật Bản đã từ chối và kết cục là IS sát hại các con tin.
Nguồn thu đáng kể nữa của IS là bán các cổ vật chúng tìm được trên lãnh thổ chiếm giữ trái phép. Một quan chức tình báo nói với Guardian rằng, IS kiếm được 36 triệu USD từ al-Nabuk, một khu vực đồi núi phía tây Damas, Syria gồm có các cổ vật có niên đại lên đến 8000 năm.
Ngoài ra, IS còn thu thuế của chính người dân ở những thành phố đông đúc thuộc lãnh thổ mà chúng nắm giữ, kiểm soát lương thực và các nguồn tài nguyên quan trọng khác. Chúng cũng nhận được nguồn tiền từ các cá nhân ở các quốc gia thuộc vùng Vịnh. Các tài khoản này rất khó bị phát hiện.
Hiện các biện pháp cụ thể trong nghị quyết đang được 5 nước thành viên thường trực của HĐBA xem xét, trước khi gửi đến 10 nước thành viên không thường trực khác, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất cho biết.
HĐBA LHQ hồi tháng 1-2014 từng thông qua một nghị quyết kêu gọi 193 nước thành viên LHQ cắt đứt nguồn thu của các nhóm khủng bố từ hoạt động bắt con tin đòi tiền chuộc. Tháng 11-2014, các chuyên gia điều tra về tổ chức Al-Qaeda của LHQ cũng đã đề xuất tiến hành thu giữ các xe tải chở dầu đi ra từ khu vực do IS và Mặt trận al-Nusra kiểm soát. Họ cũng đề nghị HĐBA LHQ ban hành một lệnh cấm buôn bán đồ cổ được vận chuyển từ Syria và Iraq trên toàn thế giới.
Dù vậy, chặn đứng được nguồn cung tài chính của IS không phải là việc dễ dàng. Ông Matthew Levitt, cựu quan chức chống khủng bố kiêm tình báo tài chính của Bộ Tài chính Mỹ, cho hay: rút kinh nghiệm từ tổ chức tiền thân như Al-Qaeda, IS không dính líu tới hệ thống tài chính quốc tế và vì thế, tổ chức này không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hay các luật chống rửa tiền và các quy định của ngân hàng. Ngoài ra, IS kiếm tiền bằng cách chính thức hóa hệ thống tài chính nội bộ trong “nhà nước” tự xưng của họ như trên. Vì thế, để có thể cắt đứt đường dây tiếp cận của nhóm này với nguồn tài chính từ địa phương rất khó.
Ông Khatteeb, Giám đốc Viện Năng lượng Iraq, cho rằng: Thổ Nhĩ Kỳ phải kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường buôn lậu dầu của IS thông qua khu vực miền Nam nước này. Nếu thực hiện có hiệu quả, biện pháp này sẽ có tác động rất lớn tới lợi nhuận của IS.
Trên tờ New York Times, ông Patrick Johnston và Benjamin Bahney) thuộc Tập đoàn RAND chia sẻ quan điểm: Những chiến lược tập trung vào trừng phạt các hoạt động kinh tế quốc tế (nhằm cắt nguồn tài chính của IS) hiện nay không còn tác dụng. Hai tác giả cho biết: “Nhân viên kế toán, hoạt động kinh doanh dầu của nhóm khủng bố này…” nên là những mục tiêu mà các nhà tình báo cần phải nhắm tới để phá vỡ nguồn tài chính của IS.
Mặt khác, ông Ahmed al-Sanee, Giám đốc Quỹ từ thiện thuộc Bộ Xã hội Kuwait, cho biết: Gần đây nước này “kiểm soát nghiêm ngặt” đối với các hoạt động gây quỹ từ thiện không có giấy phép, tránh tình trạng lợi dụng để quyên tiền cho IS.
-----------------------
Nga cảnh báo Mỹ về dự định cung cấp vũ khí cho Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cảnh báo Mỹ đang hủy hoại quan hệ hai nước bằng ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Nga hôm qua đã lên tiếng cảnh báo Mỹ về dự định cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhấn mạnh động thái này sẽ phá hoại mối quan hệ giữa hai nước.
“Mátxcơva quan ngại sâu sắc trước những bàn thảo ở phương Tây về khả năng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine… Nếu quyết định này được thực hiện sẽ gây tổn hại nghiêm trọng các mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, đặc biệt là khi vũ khí do Mỹ cung cấp gây thương vong cho dân thường ở khu vực Donbass gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết.
Đại diện ngoại giao Nga nêu rõ điều này không chỉ khiến tình hình khủng hoảng ở miền Đông Ukraine thêm nghiêm trọng, mà còn đe dọa an ninh của Nga trong bối cảnh lãnh thổ nước này đã nhiều lần bị pháo kích từ Ukraine.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra tại Kiev sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bóng gió về khả năng Kiev sẽ sớm nhận được vũ khí từ Washington
"Tổng thống Barack Obama đang xem xét tất cả các phương án, trong đó có khả năng cung cấp các hệ thống phòng thủ cho Ukraine. Mục tiêu của chúng tôi là thay đổi cách hành xử của Nga”, ông Kerry khẳng định trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk.
Ông Kerry cũng xác nhận việc Mỹ có thể cung cấp vũ khí sát thương để hỗ trợ Kiev chiến đấu chống lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Trước đó, một số quan chức cấp cao của Mỹ cũng đã đề cập tới khả năng này, trong đó nói rõ Washington sẽ cấp lượng vũ khí có tổng trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine, gồm tên lửa chống tăng, xe bọc thép Humvees, trực thăng tấn công không người lái, radar...
Tất nhiên, theo lời Ngoại trưởng Kerry, quyết định quan trọng này chỉ được đưa ra sau khi Tổng thống Obama cân nhắc kỹ kết quả cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva vào tối nay theo giờ Việt Nam.
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức sẽ tới thủ đô của Nga vào 13h00 ngày 6/2 theo giờ địa phương (17h00 cùng ngày ở Việt Nam) để đưa ra sáng kiến đáp lại kế hoạch hòa bình do ông Putin công bố hồi giữa tháng 1 nhưng không được Kiev chấp thuận
Ý tưởng về cuộc gặp nảy sinh trong cuộc điện đàm trước đó giữa ông Putin với hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, sẽ vào 17h00 ngày 6/2 theo giờ Mátxcơva (21h00 cùng ngày ở Việt Nam), Tổng thống Putin đã có cuộc trao đổi với các thành viên thường trực Hội đồng An ninh về tình hình miền Đông Ukraine.
Tham gia cuộc họp có Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Valentina Matviyenko, Chánh Văn phòng Tổng thống Sergei Ivanov, Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev, Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsov, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) Alexander Bortnikov, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Mikhail Fradkov và thành viên thường trực Hội đồng An ninh Boris Gryzlov.
Ý định của Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine không chỉ gây quan ngại cho Nga, mà còn cả một số thành viên trong liên minh quân sự NATO.
Tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO vừa diễn ra tại Brussel (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng đây là một sai lầm có thể dẫn tới nguy cơ cao leo thang xung đột, đồng thời tạo cớ cho Nga can thiệp quân sự vào tình hình Ukraine. Người đồng cấp Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert và Anh Michael Fallon cũng có quan điểm tương tự và khẳng định chỉ ủng hộ cung cấp thiết bị quân sự phi sát thương cho quân đội Ukraine.
----------------------
Nhật Bản xem xét ban hành luật triển khai quân ra nước ngoài
Thủ tướng Nhật Bản đang xem xét ban hành một đạo luật lâu dài cho phép ngay lập tức triển khai lực lượng phòng vệ ra nước ngoài làm nhiệm vụ hậu cần.
Tại cuộc họp của Ủy ban ngân sách Thượng viện hôm qua 5/2, Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập kế hoạch củng cố những đạo luật về việc đưa binh sỹ ra nước ngoài tham gia các nhiệm vụ đa quốc gia. Hiện nay, mỗi một lần cử binh sỹ ra nước ngoài, chính phủ Nhật Bản phải trình một dự luật đặc biệt cho Quốc hội thông qua và điều này trở nên rất khó khăn nếu Quốc hội đang trong kỳ nghỉ.
Chính vì thế, ông Abê đang cân nhắc xây dựng một đạo luật lâu dài về gửi binh sỹ ra nước ngoài song loại trừ khả năng tham gia vào các sứ mệnh chiến đấu.
Kế hoạch được đưa ra không lâu sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết 2 công dân Nhật Bản dù nước này không tham gia vào liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo do Mỹ dẫn đầu.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm qua cho biết, chính phủ nước này sẽ xem xét lại để nâng cao hiệu quả của các biện pháp chống khủng bố. Trước hết, chính phủ Nhật Bản sẽ xem lại cách phản ứng trong cuộc khủng hoảng con tin bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo hành quyết vừa qua.
Trong vụ việc này có rất nhiều thông tin tình báo vô cùng nhạy cảm và chính phủ Nhật Bản đã chọn cách đàm phán gián tiếp với tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng thông qua một bên mà Tokyo cho là có ảnh hưởng lớn hơn đến nhóm phiến quân này.
Năm 2004, Nhật bản đã giải quyết thành công một vụ khủng hoảng con tin ở Irắc để đòi lại tự do cho 3 công dân của nước này thông qua việc phối hợp với thủ lĩnh các bộ lạc ở đây cũng như những nước có liên quan.
Hôm qua, Hạ viện Nhật Bản đã bỏ phiếu thông qua một dự luật lên án vụ hành quyết 2 công dân nước này là Kenji Goto và Haruna Yukawa, gọi đây là hành động khủng bố tàn bạo và hèn hạ. Nghị quyết của Hạ viện Nhật Bản kêu gọi chính phủ có những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho công dân ở nước ngoài, mở rộng hỗ trợ nhân đạo cho các nước Trung Đông và châu Phi, đồng thời tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trước những đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Thượng viện Nhật Bản hôm nay (6/2) dự kiến thông qua một nghị quyết tương tự./.
-----------------------
Trung Quốc lên tiếng về thông tin 3 công dân nước này bị IS hành quyết
3 tay súng thánh chiến người Trung Quốc này đã bị IS hành quyết khi có ý định rời bỏ hàng ngũ của chúng.
“Ít nhất 3 công dân Trung Quốc đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết trong thời gian qua”. Thông tin do báo chí Trung Quốc tiết lộ này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, vì nó được đưa ra trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng vừa giết hại dã man một con tin người Jordan và 2 con tin người Nhật Bản. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về thông tin nói trên.
Hôm qua (5/2), tờ Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan trực thuộc Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đăng tải thông tin cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hành quyết 3 công dân Trung Quốc tham gia hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria và Iraq trong vòng 6 tháng qua.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một quan chức an ninh người Kurd cho biết, trong vòng 6 tháng qua, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã lần lượt hành quyết khoảng 120 tay súng có ý định rời bỏ hàng ngũ nhưng đã bị bắt trở lại. Trong số 120 tay súng nói trên có 3 công dân Trung Quốc vốn là thành viên của Tổ chức Hồi giáo Đông Thổ. Một tay súng người Trung Quốc bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo bắn chết tại Syria hồi tháng 9/2014 và hai chiến binh khác người Trung Quốc bị chặt đầu hồi cuối tháng 9/2-14 tại Iraq.
Trước đó, ngày 23/1/2015, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin có khoảng 300 phần tử cực đoan người Trung Quốc trốn qua Malaysia để đến Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Hiện Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á để ngăn chặn các phần tử khủng bố và cực đoan trong nội địa Trung Quốc sử dụng địa bàn Đông Nam Á làm điểm trung chuyển để trốn sang Trung Đông tham gia hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Về thông tin 3 công dân Trung Quốc bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hành quyết, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 5/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuy không xác nhận, nhưng cũng không bác bỏ thông tin nói trên.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nêu lại lập trường của nước này về cuộc chiến chống khủng bố, khẳng định: “Trung Quốc phản đối tất cả mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố. Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, tấn công các thế lực khủng bố, trong đó bao gồm cả Tổ chức Hồi giáo Đông Thổ, nhằm duy trì an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới”./.
--------------------
Jordan bất ngờ thả cố vấn tinh thần của Al-Qaeda
Lãnh đạo tinh thần có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al Qaeda vừa được thả, có tên là Sheikh Abu Mohammad al-Maqdisi.
Hiện chưa rõ lý do vì sau nhân vật này được thả chỉ 2 ngày sau khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tổ chức được coi là “con đẻ” của Al Qaeda công bố đoạn băng thiêu sống một phi công người Jordan.
Tuy nhiên, một nguồn tin an ninh khác cho biết, việc Jordan thả tự do cho al-Maqdisi để đổi lại nhân vật này sẽ lên án IS trước cộng đồng Hồi giáo về vụ hành quyết dã man viên phi công Mouath al-Kasaesbeh.
Al-Maqdisi được cho là người hướng dẫn về tinh thần cho lãnh đạo quá cố của Al Qaeda ở Iraq Abu Musab al-Zarqawi nhưng sau này chính ông đã chối bỏ al-Zarqawi vì hành động giết hại dân thường bừa bãi.
Cơ quan chức năng Jordan đã giam Maqdisi suốt 7 năm qua và chỉ thả ra một thời gian ngắn hồi tháng 10/2014 sau khi ông này chỉ trích lãnh đạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi.
Chính vì thế lần này một số quan chức Jordan tin rằng chính phủ vì lo ngại làn sóng phiến quân đe dọa biên giới nên tạo điều kiện để lãnh đạo Al Qaeda này một lần nữa phát ngôn chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng./.
-------------------------
Công ty Trung Quốc tiếp cận anh trai của Tổng thống Mỹ
Mark Obama-Ndesandjo, anh cùng cha khác mẹ của Tổng thống Mỹ Obama cho biết, đã được một công ty Trung Quốc tiếp cận để tham gia một dự án lấy thẻ xanh ở Mỹ.
Chương trình nhập cư, giúp người nước ngoài có thẻ xanh của Mỹ (chứng thư của chính phủ Mỹ cho phép người nước ngoài được làm việc tại nước này) được chứng minh là làm lợi cho một số nhân vật có tên gọi được nhiều người biết.
Anh trai của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là Anthony Rodham cũng có liên quan. Một số chính trị gia quyền lực khác cũng dính líu tới chương trình này như ông Willie Brown ở California và Richard M. Daley ở Chicago.
Một công ty chuyên giúp những người Trung Quốc giàu có tiếp cận với chương trình nhập cư ít người biết này thậm chí còn cố tuyển mộ anh cùng cha khác mẹ của Tổng thống Obama là Mark Obama-Ndesandjo đầu quân cho họ.
"Luôn là những người ở Trung Quốc, những người luôn cố dùng ảnh hưởng và lợi dụng những người nổi tiếng để tìm cơ hội kinh doanh", Mark Obama nói với ABC News.
Chương trình nhập cư hiện đang bị ngờ vực này, nổi tiếng vì việc chỉ định cấp thị thực - EB5. Chương trình này đưa ra một con đường tắt để người nước ngoài có được thẻ xanh, đó là, người ngoại quốc sẵn sàng đầu tư 500.000 USD tới 1 triệu USD vào một số doanh nghiệp hoặc liên doanh Mỹ nhất định.
Mark Obama cho hay, ông đã bị một công ty Trung Quốc đang cố tìm nhà đầu tư Trung Quốc cho một dự án phát triển đường ở El Monte, ngoại ô Los Angeles, tiếp cận.
"Họ nói, sẵn sàng trả nhiều tiền. Tuy nhiên, tôi trả lời là không muốn liên quan tí gì tới việc đó", Mark Obama, người có cùng cha với Tổng thống Mỹ, hiện sống ở Trung Quốc cho hay.
-----------------------