Ngày 5/2, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới Kiev, mang theo kế hoạch hòa bình nhằm giải quyết tình hình xung đột ngày càng leo thang tại miền Đông Ukraine.
Theo nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung, kế hoạch hòa bình mà lãnh đạo Đức và Pháp đề xuất với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bao gồm một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và trao quyền tự trị rộng hơn cho lực lượng đòi độc lập trên một khu vực lãnh thổ lớn hơn diện tích theo thỏa thuận Minsk trước đó.
Cũng theo tờ báo này, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cũng muốn Tổng thống Ukraine hiểu rõ rằng đây có thể là "cơ hội cuối cùng" để tránh một thất bại quân sự và sụp đổ kinh tế.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin tại cuộc gặp ở Kiev, lãnh đạo Ukraine, Pháp và Đức đã ủng hộ giải quyết cuộc xung đột kéo dài 10 tháng qua tại Ukraine bằng con đường hòa bình, trong đó kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại vùng chiến sự Donbass.
Sau cuộc gặp, lãnh đạo Pháp và Đức đã không đưa ra tuyên bố chính thức với báo giới, tuy nhiên theo thông cáo báo chí của tổng thống Ukraine, trong khuôn khổ cuộc hội đàm kéo dài 5 giờ, lãnh đạo ba nước đã bàn thảo việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường giới tuyến, trao trả tù binh cũng như khả năng phát triển đối thoại theo công thức Normandie (Ukraine, Nga, Anh, Pháp).
Các bên ủng hộ việc giải quyết xung đột tại hai tỉnh Donetsk và Lugansk bằng con đường hòa bình, đồng thời bày tỏ hy vọng Nga sẽ tham gia quá trình này.
Sau chuyến thăm Kiev, ông Hollande và bà Merkel sẽ bay tới Moskva ngày 6/2 trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine.
Dự kiến cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Nga sẽ diễn ra vào lúc 17:00 giờ Moskva (21:00 giờ Hà Nội).
Theo tin từ trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov, Moskva hướng đến một cuộc đối thoại tích cực, nhằm tìm ra các thỏa thuận tạo điều kiện ổn định lại tình hình, thiết lập tiếp xúc trực tiếp giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập ở Donbass, tăng hiệu quả làm việc của Nhóm Tiếp xúc về Ukraine, khôi phục lại quan hệ kinh tế giữa Kiev và Donbass./.
Trước tình hình khủng hoảng tại Ukraine, NATO dự định sẽ công bố kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự tại một loạt quốc gia thành viên tại Đông Âu, trong động thái phòng thủ tập thể lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Theo đài BBC, trong ngày hôm nay, Bộ trưởng quốc phòng các quốc gia thành viên NATO sẽ có cuộc họp tại Brussels, Bỉ, để trấn an các quốc gia thành viên tại Đông Âu về việc khối này sẽ tăng cường lực lượng tại đây.
Một lực lượng phản ứng nhanh với quân số có thể lên tới 5.000 người dự kiến sẽ được thành lập, trong đó các đơn vị đi đầu có thể được triển khai trong vòng 2 ngày sau khi nhận thông báo.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố khối này đang đối mặt với “một thay đổi nền tảng” đối với môi trường an ninh của mình do sự hiếu chiến của Nga.
Phát biểu với các Bộ trưởng tại Brussels, ông Stoltenberg cho biết: “Đây là điều chúng ta làm để đáp lại các hành động hiếu chiến chúng ta đã thấy từ phía Nga, vốn vi phạm luật pháp quốc tế cũng như việc sáp nhập Crimea”.
“Tôi rất nhấn mạnh rằng đây là việc chúng ta sẽ làm bởi chúng ta phải điều chỉnh các lực lượng của mình khi thế giới thay đổi”.
NATO cũng sẽ công bố các kế hoạch thành lập một mạng lưới các trung tâm chỉ huy nhỏ tại Estonia, Lithuania, Lativa, Ba Lan, Romania và Bulgaria.
Động thái này được xem như có khả năng răn đe lại bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga đối với các quốc gia vùng Baltic, hoặc khối các quốc gia khác nếu khủng hoảng tại Ukraine lan vượt tầm kiểm soát.
Đến nay Nga vẫn bác bỏ các cáo buộc của Ukraine và phương Tây rằng họ vũ trang cho phe ly khai tại Đông Ukraine, và điều quân chính quy vượt qua biên giới.
Trong ngày thứ Năm, ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk.
Dự kiến hai bên sẽ thảo luận về vấn đề giao vũ khí cho Ukraine cũng như các hình thức hỗ trợ khác của Washington cho Kiev.
Phát biểu tại Ủy ban các lực lượng vũ trang Thượng viện, ông Ashton Carter, người chuẩn bị được phê chuẩn làm Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã tỏ rõ sự ủng hộ với khả năng này.
“Tôi rất nghiêng theo hướng đó, do tôi nghĩ rằng chúng ta cần hỗ trợ Ukraine trong việc bảo vệ chính mình”, ông Carter nói khi được thượng nghị sỹ John McCain chất vấn về việc có ủng hộ chuyển giao “vũ khí phòng thủ” cho Ukraine. Dù vậy ông Carter nói “bản chất của những vũ khí này tôi chưa thể nói vào lúc này”.
----------------------
Cựu bác sỹ quân y 72 tuổi cứu 4 hành khách trên máy bay Đài Loan
Sau khi máy bay TransAsia rơi xuống sông, một cựu bác sỹ quân y 72 tuổi đã bình tĩnh thoát khỏi ghế và tháo dây an toàn cho 4 hành khách khác, giúp họ thoát khỏi máy bay và thoát chết trong khoảnh khắc “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ông Huang Jin-sun, một hành khách trên chuyến bay GE235 của hãng hàng không TransAsia Airways gặp nạn hôm 4/2, cho biết ngay từ khi máy bay cất cánh tại sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, ông đã cảm thấy có vấn đề.
NBC News dẫn lời ông Huang nói trên báo chí địa phương: “Ngay sau khi cất cánh, tôi nghe thấy những tiếng động lạ và cảm thấy động cơ có vấn đề, bởi tôi thường xuyên ngồi máy bay này”.
Ông Huang kể vì công việc, nên ông thường xuyên đi lại bằng máy bay và lần nào cũng chọn chỗ ngồi cuối. Tuy nhiên, lần này khi vừa cất cánh, ông đã có cảm giác kỳ lạ.
“Bên cạnh tôi là một nữ sinh, tôi bảo cháu kiểm tra lại dây an toàn, bám vào lưng ghế trước, và lấy áo trùm đầu lại”. Ông Huang nói và cho biết ông vừa dứt lời thì máy bay rơi.
Sau khi chiếc máy bay rơi xuống sông Cơ Long, Đài Bắc và nước bắt đầu tràn vào, ông Huang đã thoát khỏi ghế, lập tức tháo khóa dây an toàn cho 4 người khác.
“Tôi nhìn thấy mọi người đang chìm dần cùng chiếc máy bay. Chỉ chậm 10 giây nữa, chắc không ai sống nổi. Tôi phải vội vàng cứu người bởi nếu không nhanh chóng thoát ra khỏi máy bay, mọi người sẽ bị ngạt nước”, ông Huang nói khi đang trong bệnh viện điều trị.
Ett Today cho biết, khi nằm viện, ông Huang liên tục nhận được điện thoại cảm ơn, nhưng vẫn canh cánh trong lòng vì không cứu thêm được nhiều người nữa. "Chỉ tiếc là tôi không đủ thời gian để cứu thêm nhiều người nữa", ông thở dài nói.
Ông Huang từng là là một bác sĩ quân y. Dù đã cao tuổi, nhưng ông thường xuyên vận động, dưỡng sinh, do đó rất khỏe mạnh và minh mẫn. Sau vụ tai nạn, các bác sỹ cho biết ngoài cằm và môi bị sưng tím, ông chỉ bị chấn thương nhẹ.
Lý giải về hành động bình tĩnh cứu người, ông Huang tâm sự, nhiều năm trước, khi cả nhà ngồi thuyền từ Phúc Kiến sang Đài Loan thì bị đắm. Lúc đó, ông đã phải bơi hàng giờ dưới biển, trước khi có thuyền đi qua cứu lên.
NBC News dẫn lời vợ ông Chen Ming-chung (50 tuổi), một hành khách được ông Huang cứu hôm 4/2, kể lại “chồng tôi đã không thể tự mở khóa, ông ấy hét lên và được một người đàn ông khác giúp đỡ”.
“Sau khi thoát nạn, chồng tôi nói phải tìm bằng được người đàn ông này để đích thân cảm ơn. Sau khi đọc báo tôi được biết đó là ông Huang Jin-sun, ông ấy cũng đã giúp 3 người khác thoát nạn”, vợ ông Chen kể lại.
Chiếc phi cơ ATR 72 số hiệu GE235 của hãng hàng không TransAsia Airways rơi xuống sông chỉ 3 phút sau khi cất cánh từ sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc sáng này 4/2. Trong số 58 người trên máy bay, 15 người sống sót, 32 người thiệt mạng và 11 người vẫn đang mất tích.
Công tác cứu hộ và tìm kiếm người mất tích vẫn đang tiếp tục. Dù đã trục vớt được hai hộp đen, nhưng hiện chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân máy bay rơi. Tuy nhiên, theo báo chí địa phương, cơ trưởng chuyến bay GE235 đã báo động cơ máy bay gặp vấn đề ngay trước khi chiếc phi cơ rơi xuống sông Cơ Long.
---------------------
Bắc Kinh vào cuộc điều tra vụ rơi máy bay tại Đài Loan
Đài Loan xác nhận giới chức Bắc Kinh sẽ tham gia điều tra vụ rơi máy bay TransAsia tại sông Cơ Long, Đài Bắc. Trước đó, hãng TransAsia đã bác tin cơ trưởng chuyến bay GE235 phát hiện "sự bất thường của động cơ" và đề nghị kiểm tra trước khi cất cánh nhưng bị từ chối.
Tờ Taipei Times hôm nay 6/1 dẫn lời phát ngôn viên Hành chính viện, cơ quan hành pháp của Đài Loan, Sun Lih-chyun xác nhận giới chức Bắc Kinh sẽ tham gia cuộc điều tra về tai nạn của máy bay TransAsia Airways và khẳng định điều này “phù hợp với các công ước quốc tế”.
Giám đốc điều hành Hội đồng an toàn hàng không Đài Loan (ASC) Thomas Wang cho biết Bắc Kinh muốn tham gia cuộc điều tra vì trên chuyến bay GE235 gặp nạn sáng 4/2 có 31 khách du lịch là người Trung Quốc đại lục. Phía Đài Loan đã gửi lời mời và nhận được xác nhận từ cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc về việc cử các quan chức đến Đài Bắc.
---------------------
Ngoại trưởng Mỹ, Iran hội đàm hạt nhân tại Đức
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng John Kerry sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Đức vào ngày 7/2 để thảo luận về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán hạt nhân.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói rõ mục đích cuộc gặp nhằm đảm bảo các bên đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran trước hạn chót vào cuối tháng 3 tới.
“Ngoại trưởng Kerry sẽ gặp Ngoại trưởng Iran Zarif tại Munich (Đức) vào thứ Bảy (7/2) để thảo luận về các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra”, quan chức trên xác nhận.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh thời hạn chót về thỏa thuận khung cho chương trình hạt nhân của Iran đang đến gần.
Theo kế hoạch, Iran và nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) phải đạt được thỏa thuận khung chậm nhất vào cuối tháng 3 để làm tiền đề cho việc tiến tới một thỏa thuận toàn diện trước tháng 7 năm nay.
Đây là lần thứ hai Ngoại trưởng hai nước gặp nhau trong chưa đầy 2 tháng. Lần gặp trước diễn ra vào tháng 1 tại Geneva, Thụy Sĩ, trong đó cả hai bên đều có những nhượng bộ lẫn nhau với mục đích có thể đẩy nhanh tiến trình đàm phán.
Cụ thể, Mỹ cho phép Iran giữ lại 6.500 thanh nhiên liệu hạt nhân (thay vì chỉ 4.500 thanh) trong tổng số hơn 10.000 thanh, với điều kiện số các thanh nhiên liệu này phải được tái chế để giảm bớt lượng hàm lượng urani xuống mức không thể chế tạo bom hạt nhân.
Đổi lại phía Iran đồng ý đặt các hoạt động hạt nhân dưới sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế và cho chuyển ra nước ngoài toàn bộ số thanh nhiên liệu còn lại. Iran cũng cam kết sẽ sử dụng ảnh hưởng để cùng Mỹ thiết lập ổn định tại Iraq, Afghanistan và Syria.
------------------------
Nga ủng hộ ngừng bắn tạm thời ở đông Ukraine
Nga hôm qua đã bắn tín hiệu ủng hộ ngừng bắn tạm thời ở miền Đông Ukraine trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. Thông tin trên được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm Nga của hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức trong ngày hôm nay.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày hôm qua 5/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho biết Mátxcơva ủng hộ lệnh ngừng bắn tạm thời ở Debaltsevo, miền đông Ukraine, song điều quan trọng nhất vẫn là một thỏa thuận đình chiến toàn diện.
“Đương nhiên, chúng tôi ủng hộ sáng kiến cho phép sơ tán dân thường khỏi khu vực chiến sự theo như đề xuất của Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và được Tổng thư ký Liên hợp quốc ủng hộ. Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hơn là ngừng mọi hoạt động thù địch và khôi phục đối thoại hòa bình về biện pháp giải quyết xung đột”, ông Lukashevich khẳng định.
Cũng theo nhà ngoại giao này, sáng kiến của Chủ tịch OSCE là một biện pháp tình thế cần thiết, có thể góp phần hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực chiến sự. Tuy nhiên các bên cần có những biện pháp kiên quyết hơn nữa để chấm dứt giao tranh và hành động giết hại dân thường.
Trước đó, Chủ tịch OSCE Ivica Dacic đề xuất ngừng bắn tạm thời tại Debaltsevo để sơ tán dân thường khỏi khu vực này.
Đại diện thường trực của Nga tại OSCE, ông Andrey Kelin, cho rằng cần thiết lập một lệnh ngừng bắn như vậy trên toàn khu vực Đông Nam Ukraine, chứ không chỉ xung quanh Debaltsevo.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Lukashevich đưa ra tuyên bố trên ngay trước thềm cuộc gặp của Tổng thống Vladimir Putin với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Mátxcơva.
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức sẽ tới Mátxcơva vào 13h00 hôm nay theo giờ địa phương (17h00 cùng ngày ở Việt Nam). Ý tưởng về cuộc gặp nảy sinh trong cuộc điện đàm giữa ông Putin với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp.
Hiện, cả bà Merkel và ông Hollande đang có mặt tại Kiev để hội đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về giải pháp chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine.
Trong tuyên bố tại Kiev, ông Kerry khẳng định Mỹ sẽ sớm đưa ra quyết định về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Tuy nhiên, vấn đề này đang gây bất đồng trong nội bộ NATO tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng diễn ra tại ở Brussels, Bỉ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ là một sai lầm. Theo bà, lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine có sự hậu thuẫn không hạn chế về vũ khí và các thiết bị quân sự hạng nặng. Do đó, việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ dẫn tới nguy cơ cao về leo thang xung đột, đồng thời tạo cớ cho Nga can thiệp quân sự vào tình hình Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert và người đồng cấp Anh Michael Fallon cũng khẳng định 2 nước này chỉ ủng hộ cung cấp thiết bị quân sự phi sát thương cho quân đội Ukraine chứ không phải vũ khí chiến đấu như chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc.
--------------------