Tiền công một bộ lư đồng nhỏ 40.000 đồng, bộ lư lớn 70.000 đồng, trung bình một ngày anh Dũng nhận đánh bóng trên 10 bộ lư lớn nhỏ. Tính ra những ngày cận Tết mỗi ngày anh Dũng bỏ túi từ 400.000 - 700.000 đồng.
Anh Trần Văn Dũng - xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - cho biết, anh đã có hơn 5 năm kinh nghiệm với nghề đánh bóng lư đồng dạo. Theo anh Dũng, nghề này chỉ “ăn nên làm ra” vào dịp Tết. Thông thường bước qua tháng 12 âm lịch là bắt đầu hành nghề đánh bóng lư đồng cho đến 30 Tết. Trước kia mỗi ngày anh Dũng làm khoảng 20 bộ lư đồng nhưng hiện tại, do có nhiều người làm nghề này nên bây giờ không nhiều khách thuê như trước nữa.
Dụng cụ đánh bóng lư đồng của anh Dũng khá đơn giản, chỉ vài thanh lơ (thuốc), túm vải, mô tơ, cái máy nổ loại nhỏ để kéo mô tơ. Theo anh Dũng, một bộ lư nhỏ tiền công là 40.000 đồng, bộ lư lớn 70.000 đồng, trung bình một ngày anh Dũng nhận đánh bóng trên 10 bộ lư lớn nhỏ, sau khi trừ chi phí ăn uống, tiền xăng… anh Dũng còn khoảng 500.000 đồng.
Anh Nguyễn Văn Bình – một thợ đánh bóng lư đồng dạo ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - cho biết: “Làm nghề này cũng dễ kiếm tiền nhưng cũng độc hại lắm, vì thường xuyên phải hít bụi đồng, thuốc tẩy…. Bởi vậy, hai anh em tôi chỉ “bám” nghề này trong 1 tháng trước Tết. Còn qua Tết anh em tôi chạy xe ôm”.
Cận Tết, không chỉ nghề đánh bóng lư đồng “vất vả” phục vụ khách mà những nhóm người làm dịch vụ dọn nhà, sơn sửa nhà cũng đắt khách không kém. Anh Nguyễn Trung Mến – đại diện một nhóm thợ xây dựng ở quận Ninh Kiều - cho biết: “Tôi có 3 nhóm thợ trên 15 người, chuyên nhận sơn, sửa nhà... dịp Tết. Thông thường, từ đầu tháng Chạp là 3 đội anh em chúng tôi đã nhận hợp đồng đến 30 Tết. Bởi vậy để kịp tiến độ giao nhà cho khách ăn Tết, có khi chúng tôi phải làm cả ban đêm, nhất là vào những ngày cận tết như 27, 28 Tết.
Về tiền công của nhóm thợ, anh Mến cho biết, nếu thợ chính (sơn hoặc bê tường) anh đang trả 250.000 - 300.000 đồng/ngày, còn đối với thợ phụ dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, vào những thời điểm cận Tết như thế này việc thuê nhân công rất khó, bởi vậy muốn giữ chân người làm, ngoài việc trả tiền công cao hơn ngày thường, anh Mến còn hỗ trợ thêm tiền cà phê, ăn sáng cho nhóm thợ của mình.
Anh Mai Hồng Thanh – một thợ sơn cho anh Mến cho biết: “Tôi làm với anh Mến mấy năm rồi cũng nhờ công việc này mà tết nhất có chút tiền cho vợ con. Khi xong mùa Tết, tôi và mấy anh em tiếp tục theo anh Mến đi xây nhà cho người ta đến tháng 12 là nghỉ để bắt đầu lãnh công việc sơn, sửa nhà… cho người dân đón năm mới”.
“Chỉ tính riêng 10 gốc đào cổ thụ nở bung hoa thì vụ này đã thất thu ít nhất khoảng 50 triệu đồng, đó là còn chưa kể gần 600 gốc đào tơ trị giá hàng trăm triệu đồng cũng đang đâm nụ, chuẩn bị nở hoa”, một người trồng đào ngậm ngùi cho biết.
Mặc dù còn hơn 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng những “vựa đào” tại TP Bắc Giang đã nở hoa rực rỡ. Người trồng đào đứng ngồi không yên lo mất Tết.
Những ngày này, người dân tại các xã Dĩnh Trì, Dĩnh Kế của TP Bắc Giang đều đổ ra vườn đào, không phải để chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch mà để… “phá” vườn đào, trồng lại cho vụ Tết năm sau. Theo những người dân, đó là công việc thường diễn ra vào sau Tết, nhưng năm nay do hoa đào nở sớm nên bất đắc dĩ họ phải phá đi, chấp nhận “trắng tay”.
Chị Nguyễn Thị Phương, người dân thôn Núm, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang cho biết: "Trông vườn đào hàng trăm gốc thi nhau nở rộ mà tôi thấy xót xa vô cùng. Công chăm sóc cả năm trời nay coi như trắng tay hoàn toàn. Người nông dân chúng tôi làm ăn đều phụ thuộc tất cả vào thời tiết, nếu thời tiết không ủng hộ thì chúng tôi phải chấp nhận rủi ro rất lớn".
Theo chị Phương, gần nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán mà khách đến mua đào chủ yếu chọn những cây đào mới bắt đầu kết nụ, chứ không ai chọn mua những cây hoa đã tàn, cả vườn đào nở rộ như vậy chẳng biết sẽ tính sao.
“Dù có bán rẻ cũng chẳng ai mua, chỉ còn cách chặt bỏ hoặc bứt hết lá, chờ năm sau trồng tiếp. Nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống gia đình trong dịp tết đều trông chờ vào vụ đào này cả.”
Để có được một gốc đào phục vụ Tết, người trồng phải mất công chăm sóc ít nhất 3 năm. Còn đối với những gốc đào đẹp hơn thì cần thời gian lâu hơn nữa. Ngay khi Tết vừa qua đi, người dân đã phải bắt tay vào việc trồng và chăm sóc cây. Đến khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 thì tuốt lá và tăng cường chăm bón, chọn thời cơ để thúc hoặc hãm cho đào nở hoa.
Anh Vũ Mạnh Hải, người trồng đào tại xã Dĩnh Kế, TP Bắc Giang cho biết: "Gia đình tôi có 600 gốc đào cổ thụ lẫn đào tơ, nếu thuận lợi thì sẽ thu khoảng 200 triệu đồng. Nhưng tính đến thời điểm này đã có 10 gốc đào cổ thụ nở bung hoa. Mười gốc đào này bằng ba ruộng đào tơ của gia đình, chắc chắn vụ này ít nhất thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Đó là chưa kể hàng chục gốc đào tơ đang đâm nụ, cứ thời tiết này thì vài ngày nữa chắc sẽ bung hoa hết".
Theo anh Hải thì năm nay người trồng đào miền Bắc thiệt hại lớn, có nhiều gia đình đầu tư vào một ruộng đào, đến khi hoa đồng loạt nở rộ thì dở khóc dở cười khi “được ăn cả, ngã về không”.
Theo quan sát của PV Dân trí, đã có rất nhiều vườn đào chỉ còn trơ lại gốc, lá và hoa đều bị bứt xuống, rụng đỏ cả vườn. Thậm chí những cây đào cổ thụ đang nở hoa cũng bị người dân chặt bỏ đi không thương tiếc. Theo người dân địa phương, một khi đã nở hoa, cành đào có giá hàng chục triệu đồng cũng gần như không còn giá trị, bởi sẽ không ai mua đào đang tàn về chơi tết. Nên chỉ còn cách chặt bỏ, bứt hoa để sang năm trồng và bán tiếp.
Lý giải hiện tượng đào Tết bất ngờ nở rộ, chị Nguyễn Thị Hoài, người dân trồng đào ở xã Dĩnh Trì cho biết, do năm nay là năm nhuận có tới hai tháng 9 nên việc chăm sóc và chọn thời điểm đào nở hoa cực kỳ khó. Hơn nữa thời gian gần đây thời tiết ấm lên cũng khiến cho hoa đào nở rộ bất thường.
“Nếu như thời tiết lạnh quá, dù có thúc ép thì đào cũng không thể nở, ngược lại nếu thời tiết ấm lên mà hãm lại thì đào vẫn sẽ nở sớm. Để ngăn không cho đào nở, chúng tôi đã huy động cả nhà ra đồng cuốc cho đứt rễ, thậm chí đánh bật cả gốc lên nhưng vẫn không hãm đào nở được”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Viết Xuân, Chủ tịch UBND xã Dĩnh Trì cho biết: Năm nay, do hiện tượng đào nở trước tết nên cũng gây ảnh hưởng, thiệt hại một phần tới đời sống của bà con trong vùng. Hiện nay, do chưa tới thời điểm bán và tiêu thụ đào (khoảng 25 tết), nên chưa thể xác định được bà con có “mất mùa” đào hay không. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại do đào nở hoa sớm nhưng địa phương vẫn đang phối hợp với bà còn tìm phương án khắc phục, giúp đỡ bà con.
Theo ông Xuân, người nông dân nói chung và người trồng đào nói riêng đều phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Nếu như thời tiết thuận lợi, đào nở đúng mùa thì bà con sẽ có thu, còn nở sớm hoặc muộn thì thường bà con sẽ không bán hoặc để sang năm. Nghề trồng đào phục vụ dịp tết Nguyên đán cổ truyền cũng là một nguồn thu của người dân trong vùng nhưng đây không phải là nguồn thu chính của bà con.
Cùng chung nỗi niềm với những người trồng đào ở Bắc Giang, người trồng đào ở Nghệ An cũng đang "méo mặt" vì đào nở rộ. Các chủ vườn đào lo lắng vì không có cách nào hãm cây đào khoe sắc.
Cả năm trông vào dịp Tết nhưng người dân Tết này, các vườn đào Nghệ An cầm chắc không có khách. Cả năm trời bỏ của bỏ công, giờ lại đối diện nguy cơ lỗ lớn.
-------------------------
Thất thoát tiền tỉ, 2 cán bộ bị bắt giam
CQĐT đã bắt tạm giam Hà Văn Tiên, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sơn Tây và Nguyễn Vĩ Cường, nguyên cán bộ địa chính xã Sơn Liên (huyện Sơn Tây). Hai cán bộ này và đồng phạm đã làm sai các quy định quản lý kinh tế của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của người dân, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Liên quan đến dự án thủy điện Đăkđrinh, chiều 5/2, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã khởi tố bị can 3 đối tượng nguyên là cán bộ Nhà nước, về hành vi “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; gồm: Hà Văn Tiên, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sơn Tây; Nguyễn Vĩ Cường, nguyên cán bộ địa chính xã Sơn Liên (huyện Sơn Tây) và Nguyễn Anh Dũng, nguyên Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây. Trong đó, bắt tạm giam đối với Hà Văn Tiên và Nguyễn Vĩ Cường. Nguyễn Anh Dũng đang bị bệnh nên được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Dự án thủy điện Đăkđrinh (công suất 125MW) được khởi công tháng 1/2011, do Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng; trong đó kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 700 tỷ đồng. Qua đó, chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Sơn Tây tiến hành rà soát, thống kê mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân thuộc 3 xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Mùa.
UBND huyện Sơn Tây thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thủy điện Đăkđrinh; phân công ông Tô Cước, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây (đã chết trong tháng 1/2015, do đột quỵ) làm Chủ tịch Hội đồng, Nguyễn Anh Dũng làm Phó Chủ tịch Hội đồng; Hà Văn Tiên làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định; Nguyễn Vĩ Cường tham gia công tác địa chính của xã Sơn Liên và một số cán bộ khác cùng tham gia…
Kết quả điều tra bước đầu, từ năm 2008 đến năm 2013, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an tỉnh Quảng Ngãi, xác định: 4 cán bộ trên đã làm sai các quy định quản lý kinh tế của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của người dân, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, do ông Tô Cước đã mất nên cơ quan điều tra khởi tố bị can 3 đối tượng Tiên, Cường và Dũng; bắt tạm giam Tiên và Cường (ảnh trên) để phục vụ công tác điều tra mở rộng.
---------------------