Có một khu chung cư, mà mỗi khi nhắc đến, bất cứ ai đã từng sống ở Sài Gòn đều thán phục về sự đồ sộ và kết cấu, kiến trúc tuyệt đẹp của nó. Thán phục, khen ngợi, thế nhưng một nghịch lý thực tế là không có một bóng người ở trong khu chung cư “tam tấu” 33 tầng này. Những câu chuyện xung quanh khu đại chung cư này luôn thu hút, hấp dẫn và bí ẩn với bất kỳ ai mỗi khi nghe nhắc đến nó. Đời sống hiện tại ở đại chung cư vang tiếng này như thế nào, những tin đồn về nó ra sao, chúng tôi đã có mặt tìm hiểu thực hư câu chuyện Liêu trai này.
Đại chung cư Thuận Kiều Plaza mọc lên sừng sững giữa Sài thành
Thời gian gần đây, các khu chung cư ở Sài Gòn mọc lên như nấm sau mưa. Thế nhưng, hầu hết các khu chung cư mới xây dựng đều được thiết kế khu vực ngoại thành như quận 2, quận 9, quận Bình Tân, Bình Chánh v.v… Những khu chung cư này được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu của tầng lớp trung lưu trong xã hội.
Cách đây khoảng 20 năm, một khu phức hợp chung cư được xây dựng ngay trung tâm thành phố Sài Gòn. Và khi “tam tấu” chung cư này được hoàn thiện, người ta sửng sốt bởi vẻ uy nghi, tráng lệ của nó. Sự đồ sộ, tầm cỡ của đại chung cư này làm người dân Sài Gòn hào hoa kinh ngạc bao nhiêu, thì “hậu vận” của nó càng làm cho người dân nơi đây sửng sốt bấy nhiêu.
Sau khi hoàn thành, Thuận Kiều Plaza là niềm vinh dự, tự hào của người dân Sài Gòn hào hoa. Thời điểm vào những năm cuối thiên niên kỷ thứ hai, ắt hẳn rằng, chủ đầu tư công trình này mong muốn Thuận Kiều Plaza sẽ thay đổi bộ mặt trung tâm thành phố và tạo nên một cơn địa chấn trong lĩnh vực kinh doanh cao ốc. Cả chủ đầu tư, giới phân tích kinh tế và người dân chứng kiến sự có mặt của đại chung cư này hoàn toàn có cơ sở để “mơ tưởng” đến một viễn cảnh tốt đẹp cho thành phố và tương lai của khu đại chung cư này.
Bởi thế, từ nhà đầu tư, các nhà thầu, đến các phân đoạn nhỏ của công trình đều ráo riết đẩy nhanh tốc độ thi công. Nhớ lại một khoảng thời gian Thuận Kiều đang được gấp rút xây dựng nhanh vượt tiến độ, ông Nguyễn Trung Hòa (64 tuổi) một người sống ở đường Tân Hưng, sau lưng khu chung cư Thuận Kiều, nhìn lên tòa cao ốc trước mặt nhớ lại:
“Ngày đó, công nhân của công trình cật lực làm việc ngày đêm. Có thể khẳng định một điều rằng, người ta thay ca nhau làm việc 24/24h, không lúc nào ngưng nghỉ. Số lượng công nhân mỗi ca làm như vậy có thể đến cả 400 – 500 người. Hết lớp này nghỉ rồi đến lớp kia làm. Tôi nhớ rõ, trong vòng khoảng 8 – 9 năm công trình được xây dựng, khu này rộn cả lên vì tiếng người, tiếng công cụ, xe cộ ra vào… Tôi thấy được sự háo hức, ráo riết trên gương mặt của tất cả mọi người, từ kỹ sư thiết kế đến công nhân thi công”.
Xét về mọi góc độ, Thuận Kiều Plaza có quyền “ngẩng cao đầu” để xứng tầm quốc tế. Với diện tích 100 ngàn mét vuông, 3 tháp chọc trời với mỗi tháp 33 tầng với đầy đủ tiện nghi vui chơi giải trí, người ta ví Thuận Kiều như là “một thế giới riêng”, “một thiên đường” được thiết kế sẵn. Chỉ cần có tiền, những người sở hữu một trong những căn hộ nơi đây có thể sinh hoạt và làm việc khép kín cả đời trong khu đại chung cư này, không cần phải giao lưu bên ngoài mà cũng chẳng thiếu thốn gì. Ngày cắt băng khánh thành Thuận Kiều, cả thành phố vui như mở hội.
Vào năm 1998, Thuận Kiều Plaza chứng tỏ sự có mặt của mình bằng một buổi lễ cắt băng khánh thành hoành tráng. Thuận Kiều như là một công trình để Sài Gòn chào đón thiên niên kỷ thứ ba với nhiều hứa hẹn phát triển, như là một điểm tựa để làm sức bật cho địa chính Sài Gòn trước thềm thiên niên kỷ mới. Nó cũng chứng tỏ rằng, không chỉ hào hoa, tráng lệ, Sài Gòn còn sang trọng, bề thế và giàu có nữa.
Thế nhưng khác với dự tính, suy nghĩ, phỏng đoán của nhiều người, trong đó có các chuyên gia kinh tế, Thuận Kiều Plaza như là một “biểu tượng thất bại” của giới kinh doanh địa ốc và của cả Sài Gòn. Khu chung cư hoành tráng, sừng sững ấy, được xây lên chỉ là để “làm vật giải trí”, mua vui cho những người hiếu kỳ và là tâm điểm để người dân tò mò bàn tán. Và, xung quanh những câu chuyện “trà nước”, người ta đồn đoán rất nhiều về nguyên nhân khiến Thuận Kiều lộng lẫy, kiêu sa như tranh vẽ thành “Thuận Kiều ma”, không một bóng người.
Giải mã chuyện cao ốc hoành tráng biến thành “chung cư ma”
Trong những lúc trà dư tửu hậu, ngẫm về “số phận hẩm hiu” của Thuận Kiều bây giờ, người ta kể về rất nhiều câu chuyện khiến nó trở thành “chung cư ma” bất hạnh.
Ngày chúng tôi thực tế tình hình, Thuận Kiều Plaza vẫn nguyên vẻ hoang sơ của nó, dù công trình thế kỷ này đã đi vào hoạt động, sử dụng 17 năm. Cả ba tòa nhà chọc trời không một bóng người ở, không một hoạt động nào được diễn ra trong khu chung cư này, trái ngược với những suy tính của người dân và giới chuyên gia khi nó chưa được hoàn thành. Dường như thiếu đi hơi ấm con người, khu chung cư này trở nên lạnh lẽo và hoang vắng, khiến người ta đặt những nghi vấn về sự kiện khó giải thích này.
Gần 30 năm chạy xe ôm ở đường Hồng Bàng, mặt trước khu chung cư Thuận Kiều, ông Sáu (62 tuổi) nói về khu chung cư này: “Nếu các anh đi khắp Sài Gòn này và cả nước, chưa chắc gì đã tìm được khu chung cư đẹp và có vị trí đắc địa như khu Thuận Kiều này”.
Sao lại không đắc địa cho được, bốn mặt của cao ốc này đều là mặt tiền: Trước mặt là con đường lớn của Thành phố Hồng Bàng rộng rãi thoáng mát, hai bên hông là đường Thuận Kiều và đường Phạm Thạnh Nhật, còn phía sau lưng là tuyến đường Tân Hưng. Với địa thế đó, Thuận Kiều Plaza được mong đợi sẽ làm nên một cơn sốt địa ốc. Thế nhưng điều đó đã không thể xảy ra.
Là một người chứng kiến Thuận Kiều từ khi đặt viên đá đầu tiên cho đến khi khu chung cư này hoàn thành, ông Hòa tiếp tục trò chuyện với chúng tôi: “Sở dĩ Thuận Kiều trở nên vắng tanh như chùa Bà Đanh thế này, theo tôi nghĩ và người dân cũng đồn đoán có vong hồn hiện về lởn vởn trong khu chung cư này. Số là ngày trước khi công trình đang thi công, đã có gần cả chục công nhân chết vì tai nạn lao động. Rồi sau khi chết, hồn họ chưa thể nhập về được với tổ tiên ông bà nên còn lảng vảng nơi đây. Vong hồn họ muốn chọn nơi đây làm nơi trú ẩn nên bất cứ ai đến đây thuê ở, bằng cách này hay cách khác, những vong hồn này đều hướng họ đi nơi khác”.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi chúng tôi khảo sát thực tế, 32 tầng trên của khu chung cư không có một bóng người ở, thế nhưng ở tầng trệt, có một số người nước ngoài “mạnh dạn” thuê kinh doanh nhà hàng, buôn bán các mặt hàng quần áo, đồng hồ… nhưng quan sát chung, nhân viên của cửa hàng nhiều hơn khách đến mua sắm, ăn uống. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều ông chủ đã không chịu được thua lỗ từ kinh doanh nên đành “ngậm bồ hòn” hủy hợp đồng thuê mặt bằng.
Chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên một quán ăn hải sản ở tòa nhà này, là một trong số ít người dám thử sức mình với sự “huyền bí” của khu chung cư này. Khi chúng tôi đến, chị cùng với một nhân viên đồng ngiệp khác ngồi chỏng chơ bên quầy thu ngân. Chị nhìn chúng tôi buồn không thèm nở nụ cười thăm hỏi.
Nhưng khi được tham vấn, chị chia sẻ, cách đây một thời gian, vì hiếu kỳ tò mò về những chuyện đồn đại về tòa nhà này, chị cùng nhân viên kia rủ nhau lên tầng trên thị sát. Thế nhưng, khi vừa bước lên tầng trên, gió thổi vi vu, không gian lạnh tanh, yên ắng làm hai chị nổi hết da gà. Không những vậy thỉnh thoảng còn có những tiếng như là tiếng bước chân người vọng lại làm hai chị hoảng hồn rồi cùng dìu nhau đi xuống. “Từ đó đến nay, chúng tôi không còn ai có ý định đi lên đó nữa”, chị Hồng rùng mình nhớ lại.
Dù rất nhiều lời đồn đoán về nguyên nhân khiến Thuận Kiều trở thành “chung cư ma”, nhưng ông Thiện (58 tuổi), một nhân viên bảo vệ nhà hàng hải sản ở đây lại có một suy nghĩ khác. Ông chia sẻ về cái nhìn của mình:
“Vấn đề khu chung cư đẹp thế này mà không có người ở đúng là một điều khó hiểu. Và những người buôn bán, kinh doanh thuê mặt bằng ở đây phần lớn cũng bị thua lỗ kéo theo là một thực tế. Tuy nhiên, đối với tôi, nó cũng rất dễ giải thích. Tôi hoàn toàn không nghĩ đây là chuyện ma mị, quỷ quái gì, mà nó xuất phát từ thực tế. Người dân nước mình đều có thu nhập thấp, thế nhưng để thuê một căn hộ ở đây sinh sống, một tháng anh phải đóng khoảng 15 – 20 triệu đồng, người lao động phổ thông, ai mà thuê cho nổi. Thế nhưng, những người giàu có, người ta lại không ở chung cư. Những người giàu có, người ta mua đất xây nhà ở độc lập, có ga-ra đậu xe ôtô riêng”.
Người bảo vệ này cũng chia sẻ thêm, bất kỳ công trình lớn nào cũng có những tai nạn lao động nhất định. Tai nạn có thể do chủ quan của người làm, có thể do rủi ro gặp phải… Thế nhưng chuyện những vong hồn đó hiện về lởn vởn trong khu chung cư như lời đồn đoán, rỉ tai của một số người là không đúng sự thật.
“Tôi nghĩ, những chuyện đó chỉ là thông tin đồn thổi của một số người hiếu kỳ. Còn thực tế, nếu ban quản lý chung cư chịu hạ mức giá cho thuê xuống thấp hơn, khu chung cư này sẽ đầy người ở trong nay mai thôi. Mức giá cho thuê hiện nay là quá cao so với mức thu nhập của người dân Sài Gòn trong thời buổi suy thoái kinh tế hiện nay”, người đàn ông này nhận định.
-----------------------
Bốn ngư dân tại Bình Định vay 61 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép
Ngày 3/2, tại Bình Định, BIDV tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ ngư dân tỉnh Bình Định vay vốn đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Đây là hợp đồng tín dụng hỗ trợ những ngư dân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Định. Bốn hợp đồng tín dụng đã được ký kết có tổng trị giá 61 tỷ đồng. Theo đó, BIDV Bình Định ký kết với ba khách hàng là chủ ba tàu cá tại phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn vay vốn đóng tàu vỏ thép lưới vây mạn, công suất 880CV, giá trị đóng mới mỗi tàu là 18 tỷ đồng, trong đó phía ngân hàng hỗ trợ cho vay đến 95% giá trị, tương đương 17,1 tỷ đồng.
BIDV Phú Tài ký kết với một khách hàng là chủ tàu cá tại xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn vay vốn đóng tàu vỏ thép lưới vây mạn, công suất 811CV, giá trị hợp đồng đóng mới tàu là 11,475 tỷ đồng, trong đó ngân hàng hỗ trợ cho vay 9,7 tỷ đồng.
Thời hạn cho vay áp dụng đối với các khoản vay là 11 năm, lãi suất trong năm đầu tiên là 7%/năm, bao gồm cả khoản được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Nếu đủ điều kiện hỗ trợ, bên vay chỉ phải trả một mức lãi suất ổn định là 1% một năm trong suốt thời gian vay. Trong năm đầu tiên tính từ ngày ký kết hợp đồng tín dụng, khách hàng được miễn lãi vay và chưa phải trả nợ gốc. Dự kiến đến tháng 7/2015 các tàu cá này sẽ hoàn thiện, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Ngay khi các tàu cá đi vào vận hành, ngân hàng sẽ hỗ trợ ngư dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm thông qua việc kết nối với các cơ sở thu mua, chế biến hải sản để đảm bảo đầu ra, tạo nguồn thu ổn định cho ngư dân. Ngân hàng cũng xem xét cho vay vốn lưu động đối với khách hàng, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đúng hướng dẫn của Nghị định 67 về các chính sách phát triển thủy sản.
------------------------
Phát động phong trào 'Người Việt dùng hàng Việt'
Chiều 4/1, tại Hà Nội, Công ty TNHH Hòa Bình tổ chức họp báo, phát động phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”. Ngày 31/1/2015.
Với phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”, Công ty TNHH Hòa Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm trong nước có chất lượng, uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hòa Bình cho biết, để triển khai phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”, các công ty liên kết chuẩn bị trao tặng 245.000 túi quà Tết (80.000 đồng/túi quà), gồm các sản phẩm của các đơn vị tham gia chương trình để tặng các gia đình chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…
Ngoài ra, công ty còn tặng 175.000 suất quà cho các gia đình chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hà Nội; tặng 30.000 suất quà cho các gia đình chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Thanh Hóa; tặng 20.000 suất quà cho các gia đình chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Bắc Ninh; tặng 20.000 suất quà cho các gia đình chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Vĩnh Phúc.
--------------------------
Thế giới có hơn 2.000 tỷ phú đôla, Bill Gates vẫn giàu nhất
Số tỷ phú của thế giới đã tăng thêm 222 người trong năm 2014, đạt mức cao chưa từng có từ trước đến nay là 2.089 người.
Hãng tin CNBC dẫn báo cáo tỷ phú toàn cầu thường niên mà tạp chí Hồ Nhuận (Hurun Report) vừa công bố cho biết, ba người giàu nhất thế giới năm 2014 là các tỷ phú Bill Gates, Carlos Slim và Warren Buffett sở hữu khối tài sản 244 tỷ USD, tăng 52 tỷ USD so với năm 2013.
Mức tăng này đồng nghĩa với việc, cứ mỗi phút, ba tỷ phú trên lại kiếm được 100.000 USD.
Dẫn đầu xếp hạng những người giàu nhất thế giới, tỷ phú ngành phần mềm Mỹ Bill Gates nắm trong tay khối tài sản ròng 85 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước. “Ông trùm” viễn thông người Mexico Carlos Slim có 83 tỷ USD, tăng 38%, và nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett sở hữu 76 tỷ USD, tăng 19%.
Tuy nhiên, không phải tỷ phú nào cũng may mắn chứng kiến tài sản của mình gia tăng mạnh như ba tỷ phú trên. Trong số 2.089 tỷ phú của thế giới, có 869 người bị giảm tài sản trong năm qua, trong khi chỉ có 649 người có tài sản tăng.
Theo tạp chí Hồ Nhuận, tổng tài sản của các tỷ phú thế giới đã giảm 1,5% trong năm qua, còn 6,7 nghìn tỷ USD. Mặc dù vậy, con số này lớn hơn cả GDP của Nhật Bản và Hàn Quốc gộp chung lại.
Trong năm qua, thế giới có 341 tỷ phú mới và 95 người trở thành cựu tỷ phú, khiến số tỷ phú tăng thêm là 222 người. Trong số các tỷ phú mới, có nhiều gương mặt đến từ lĩnh vực công nghệ.
“Công nghệ vẫn đang đi đầu về sản sinh tỷ phú”, Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu của Hồ Nhuận, ông Rupert Hoogewerf, cho biết.
Sa sút tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Nga, là nguyên nhân chính khiến tài sản của giới tỷ phú toàn cầu đi xuống. Có đến 60 tỷ phú Nga bị giảm tài sản trong năm qua, dẫn đầu là hai tỷ phú Vladimir Yevtushenkov và Vagit Alekperov của hãng dầu lửa Lukoil. Hai tỷ phú này chứng kiến tài sản ròng sụt giảm tương ứng 77% và 73%.
Năm 2014 chứng kiến lần đầu tiên Ấn Độ vượt Nga về số lượng tỷ phú, chiếm vị trí thứ ba trong danh sách những nước có nhiều tỷ phú nhất.
Mỹ vẫn đứng đầu danh sách này với 537 tỷ phú, tiếp theo là Trung Quốc với 430 tỷ phú, Ấn Độ với 79 tỷ phú, và Nga có 93 tỷ phú.
Trong khi đó, Trung Quốc là nước có thêm nhiều tỷ phú mới nhất, 72 người, tiếp đến là Mỹ với 56 tỷ phú mới, và Ấn Độ với 27 người.
---------------------------
Chưa đến Tết, bưởi tiến vua đã "cháy" hàng
Bưởi Luận Văn là đặc sản của vùng đất Thọ Xuân. Xưa kia, loại bưởi này được chọn để dâng lên tiến vua. Ngày nay, mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều người “săn” loại bưởi này để bày mâm ngũ quả khiến cho bưởi Luận Văn luôn đắt khách.
Làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là nơi duy nhất còn trồng giống bưởi tiến vua. Bưởi ở đây khi chín có màu đỏ gấc rất đẹp mắt, hương thơm dịu đặc trưng và ăn rất ngon. Mỗi độ tết đến xuân về, nhiều người trong và ngoài tỉnh thường đến Thọ Xuân “săn” loại bưởi đặc biệt này về cúng Tết.
Hiện nay, trên địa bàn xã Thọ Xương đang trồng và thâm canh hơn 5ha bưởi Luận Văn. Trong đó có 3ha trồng chuyên canh theo mô hình vườn đồi, 2ha còn lại được trồng xen canh trong vườn các hộ gia đình. Gia đình ông Nguyễn Văn Khảm (77 tuổi) là hộ dân lưu giữ giống bưởi gốc Luận Văn, ngoài cung cấp cây giống thì hàng năm gia đình ông cũng bán quả ra thị trường Tết.
Ông Khảm cho biết: “Từ đời ông cố của tôi, giống bưởi này đã được trồng trong vườn. Vì là loại quả ngon đặc biệt, có màu sắc khác thường nên những năm gần đây loại bưởi này được nhiều người tìm mua. Mỗi quả bưởi Luận Văn giá bao giờ cũng đắt hơn gấp đôi, gấp ba giá bưởi thường”.
Còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên đến nay bưởi Luận Văn đã không còn hàng để bán ra thị trường. Nguyên nhân được nhiều chủ vườn cho biết, số lượng cây ra quả nhiều năm nay ở địa phương rất ít. Bên cạnh đó, do năm nay nhuận thêm một tháng nên đến thời điểm này bưởi đã già, nhiều cây đã rụng hết quả.
Trồng nhiều bưởi Luận Văn nhưng năm nay gia đình ông Khảm cũng không có bưởi bán Tết. “Những năm trước bưởi ở làng tôi thường chỉ bán trong tỉnh nhưng năm nay nhiều thương lai ở Hà Nội và các tỉnh khác cũng tìm đến mua nên bưởi rất đắt hàng. Bưởi trong vườn nhà tôi đã có khách đặt mua từ trước, đến nay không còn bưởi đến bán vào dịp Tết”, ông Khảm nói.
Theo ông Lê Văn Cần - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thọ Xương, một số vườn đồi lớn của địa phương được nhân giống Luận Văn ra trồng đến nay cũng không có bưởi để bán. “Sau ba năm trồng giống bưởi này ở một số vườn đồi đến nay bưởi mới cho ra bói. Số lượng quả ít, nhưng đều đã được khách hàng đặt mua hết. Một số hộ trồng nhiều ở xã như gia đình ông Lê Minh Tâm, Nguyễn Văn Mâu, Nguyễn Văn Tường, Tết năm nay cũng không có đủ bưởi đến bán ra thị trường”.
Sở dĩ, bưởi Luận Văn được nhiều người tìm mua vì quả bưởi được trồng trên đất Luận Văn giữ được tươi lâu. Khi mua về, chỉ cần lau qua rượu bưởi sẽ chuyển màu đỏ để được khoảng hai tháng. Khi chín có mùi thơm rất đặc trưng, ăn cũng rất ngon. Nhiều người quan niệm, để loại bưởi đỏ tiến vua này trong nhà sẽ đem lại may mắn trong năm mới.
Theo tìm hiểu của Dân trí, tại một số vườn bưởi ở Thọ Xuân cũng có trồng giống bưởi Luận Văn, đến thời điểm này cũng đã hết hàng vì các chủ vườn bưởi đã bán hết. Anh Thành một chủ vườn cho hay: “Đầu tháng Chạp đã có người từ Hà Nội vào đặt mua hết bưởi trong vườn của gia đình nên đến nay không còn bưởi bán. Năm nào các lái buôn ở Hà Nội cũng vào mua đưa ra đó bán rất chạy”.
Cũng theo anh Thành, giá mỗi quả bưởi Luận Văn bán ra vào dịp Tết năm nay có giá từ 70.000 - 200.000đ/quả. Khách có nhu cầu mua với số lượng lớn, giá bán sỉ thấp nhất là 70.000 quả. Giá bán lẻ tùy vào quả có trọng lượng khác nhau có giá từ 100.000 - 120.000đ/quả. Những quả to, màu sắc đẹp mắt được bán với giá 200.000đ.
Ông Lê Duy Cần cho biết thêm, trước nhu cầu của thị trường hiện nay, những năm gần đây xã Thọ Xương đã nhân giống và trồng thêm giống bưởi Luận Văn ở nhiều nơi. “Bưởi Luận Văn giờ đây không chỉ là cây ăn quả bình thường mà còn là cây đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Địa phương luôn quan tâm đặc biệt để phát triển giống bưởi này”, ông Cần nói
Được biết, giống bưởi Luận Văn gốc trong vườn nhà ông Khảm được đưa hai cây giống ra Hà Nội trồng trong vực lăng Bác Hồ năm 1980. “Khi nhà thơ Tố Hữu về thăm Thanh Hóa, được người dân mời ăn bưởi Luận Văn, ăn thấy ngon, nhà thơ mới hỏi giống bưởi này ở đâu? Biết được địa chỉ ông đã đề xuất địa phương đem giống bưởi này ra trồng trong vườn gần lăng Bác. Hai cây bưởi lớn trong vườn nhà tôi đã được đào mang ra Hà Nội trồng”, ông Khảm kể.
-------------------------