Vẫn đang là đồng minh với Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga, tuy nhiên, nhiều tín hiệu cho thấy EU đang tìm kiếm cơ hội riêng để nối lại các mối quan hệ Nga và Tổng thống Vladimir Putin nhằm giảm những ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của cả hai bên.
Xét lại các lệnh trừng phạt
Theo Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) trong buổi họp đầu năm hôm 20/1 chưa có thay đổi đối với các lệnh trừng phạt lên Nga nhưng bắt đầu tìm kiếm cơ hội để cải thiện các mối quan hệ theo hướng tốt đẹp hơn với điện Kremlin của Tổng thống Vladimir Putin.
Theo tinh thần chung, tổ chức này đang xem xét một mối quan hệ thương mại với Nga và sẽ làm việc với nước này về các vấn đề toàn cầu, bất chấp còn nhiều nghi ngờ rằng hợp tác với Nga để giải quyết các xung đột khu vực sẽ có kết quả ngay lập tức.
Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU cho biết, dựa trên tình hình tại Ukraine, các cuộc đối thoại chính trị và sự hợp tác với Nga về vấn đề Trung Đông, vấn đề chống khủng bố... sẽ nhanh chóng được kích hoạt.
"Khởi động thảo luận chiến lược không có nghĩa là thay đổi các mối quan hệ với Nga. Không có bình thường hóa ngay, không có quan hệ về thương mại như bình thường", bà Mogherini chia sẻ trên Bloomberg.
Hiện tại, EU đang áp dụng các lệnh trừng phạt lên Nga, bao gồm: đóng băng các dòng tiền và tài sản của khối này vào Nga và cấm cấp visa cho những công dân Nga có liên quan tới vụ việc sáp nhập Crimea. Ba luật trừng phạt liên quan tới Nga sẽ hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 7 và sẽ được gia hạn thêm một năm nếu được sự đồng thuận của 28 thành viên.
Trong khi chờ quyết định cuối cùng của lãnh đạo các thành viên, bộ trưởng ngoại giao các nước EU đã bắt đầu thảo luận về mối quan hệ lâu dài với Nga. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz thúc giục một chiến lược "quan hệ dài hạn và bền vững với Nga". Trong khi đó, ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo cho rằng EU phải "phân biệt một cách rất rõ ràng" các lệnh trừng phạt Nga về vấn đề Crimea và các lệnh trừng phạt ở mức độ rộng lớn hơn về kinh tế đối với Nga về những ảnh hưởng của nước này trong cuộc xung đột tại phía Đông Ukraine.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết, bảy nước châu Âu ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Nga, bao gồm: Áo, Hungary, Italy, Síp, Slovakia, Pháp và Séc. Còn theo Tiếng nói nước Nga, gần một nửa thành viên EU ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Theo WSJ, EU có thể sẽ co lại một cách đáng kể các lệnh trừng phạt Nga và tái đàm phán với Nga về các vấn đề từ du lịch không cần visa cho tới sự hợp tác về kinh tế, hợp tác về cuộc khủng hoảng ở Libya, Syria và Iraq... nếu có những biến chuyển trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Nhiều ý kiến được thể hiện trên văn bản gần đây cũng cho thấy, các thành viên EU tin rằng đây là thời điểm để hướng tới đối thoại chứ không phải là gây áp lực hơn nữa lên Nga. Đại diện châu Âu hôm 20/1 cũng cho biết, Nga có thể tiếp tục nhập khẩu những loại thực phẩm đã bị cấm nhập từ EU nhưng từ chối cho biết loại thực phẩm nào sẽ được tái phê duyệt.
Bảo vệ lợi ích
Trong vài tháng gần đây, sự phân hóa trong nội bộ EU về quan hệ với Nga trở nên ngày càng rõ ràng hơn. Sự suy sụp về kinh tế và nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trong khu vực đã khiến không ít các thành viên suy xét lại.
Đầu tháng 12/2014, Tổng thống Pháp Francois Hollande trở thành lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra hồi đầu năm. Cho dù chỉ là cuộc ghé qua trên đường về từ chuyến công du Kazakhstan và chặng dừng chân này không nằm trong lịch trình nhưng nó cũng khiến nhiều người hy vọng một sự tan băng trong quan hệ hai bên.
Trong tuần đầu năm mới 2015, ông Hollande cũng đã thừa nhận cuộc khủng hoảng ở Nga không phải là điều tốt đẹp cho châu Âu. Vị tổng thống Pháp cho rằng, ông Putin dường như không mong muốn chiếm giữ miền Đông Ukraine mà có lẽ chỉ muốn duy trì sự ảnh hưởng của Nga lên người láng giềng lâu năm và đưa nước này tránh xa khỏi NATO.
Tổng thống Pháp cũng đã ghi nhận những tích cực của Nga để giải quyết vấn đề Ukraine và cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế dỡ bỏ những lệnh cấm vận kinh tế với Nga.
Những tuyên bố của ông Hollande được đưa ra trong bối cảnh ông cam kết sẽ tái thiết nền kinh tế Pháp vào năm 2015 với nỗ lực đưa tăng trưởng GDP từ mức sát 0 lên 1%.
Trước đó, hàng loạt các thành viên EU cũng đã lên tiếng về việc không cần thiết phải tiếp tục trừng phạt Nga. Nhiều quốc gia cho biết họ đã quá mệt mỏi trong cuộc tranh đấu giữa Nga và Mỹ.
Ngay cả Đức, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel hôm 4/1 cũng bày tỏ lo ngại những tác động xấu từ sự ốm yếu của kinh tế Nga sẽ lan sang EU. Ông Sigmar nhấn mạnh rằng trừng phạt kinh tế Nga không phải với mục đích làm Nga suy yếu, sụp đổ mà để góp phần giải quyết các vấn đề của Ukraine.
Trước các lệnh trừng phạt, ga đã rơi vào tình trạng suy kiệt kinh tế, thiếu vốn, thiếu hàng hóa, đồng Rúp tụt giảm, dự trữ sụp mạnh... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nền kinh tế EU vốn đang ốm yếu lại càng khó khăn hơn bởi chính những lệnh trừng phạt Nga và hành động trả đũa của điện Kremlin.
Trong một động thái mới nhất, ECB dự tính triển khai các biện pháp kích thích kinh tế trị giá 1.300 tỷ đồng để ngăn eurozone rơi vào trạng thái giảm phát. Với Ukraine, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, EU có thể sẽ ngừng hậu thuẫn cho Ukraine bởi những cam kết cải cách không được thúc đẩy nhanh chóng.
Nhiều thành viên EU dường như đang bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn về cuộc đối đầu Đông - Tây trong bối cảnh EU chịu thiệt nặng nề, còn nhiều quốc gia khác lại hưởng lợi. Vấn đề cốt lõi trong các quan hệ quốc tế xưa nay vẫn là lợi ích. Trong khi đó, Nga vẫn là một thực thế, vẫn là hàng xóm của EU và không thể biến mất hay thay đổi vị trí địa lý được.
--------------------------------------
IS chặt đầu con tin Nhật: "Quá tàn nhẫn, không thể tha thứ"
"Điều này quá tàn nhẫn và là hành động bạo lực không thể tha thứ được", Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định như vậy sau khi 1 con tin Nhật đã bị chặt đầu.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trả lời các phóng viên khi ông đến văn phòng mình sau nửa đêm, khi đã sang ngày 25-1 sau khi nhận thông tin 1 con tin Nhật đã bị chặt đầu.
Chính phủ Nhật Bản đã lên án đoạn ghi âm với mục đích công bố việc hành quyết một công dân Nhật bị bắt cóc bởi các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), yêu cầu thả ngay lập tức con tin còn đang bị giữ.
"Chúng tôi cật lực yêu cầu phóng thích ngay lập tức con tin còn lại, Kenji Goto" - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố.
Ông Abe cho biết chính phủ Nhật sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo việc giải thoát con tin còn lại.
"Các bộ trưởng có liên quan sẽ gặp nhau để thảo luận tình hình, tập hợp thông tin", Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết và từ chối trả lời các câu hỏi.
Trong khi đó, tương tự CNN, Reuters không thể độc lập xác nhận nội dung của tập tin âm thanh (giọng đàn ông tự xưng là con tin Goto).
Đây là lần đầu tiên nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đăng tải một thông điệp âm thanh thay cho một đoạn video thể hiện sự kiện thật.
Trước đó, tối 24-1, Chính phủ Nhật tối cho biết đang xem xét đoạn video cho thấy con tin Haruna Yukawa bị xử tử xuất hiện trên mạng.
Trong đoạn phim dài ba phút, con tin thứ hai là nhà báo tự do Kenji Goto cầm bức ảnh thi thể bị chặt đầu của ông Yukawa, nói rằng bọn bắt cóc không muốn tiền chuộc nữa mà yêu cầu trao đổi tù binh.
Sau khi thời hạn chót mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đặt ra cho việc đòi tiền chuộc trôi qua trong im lặng, hôm qua Chính phủ Nhật tuyên bố sẽ không từ bỏ nỗ lực giải cứu hai con tin.
Theo AFP, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Yasuhide Nakayama, người được giao đặc trách cho vấn đề giải cứu hai con tin, đã cùng nhóm công tác có mặt tại Amman (Jordan) để tập trung cho việc “cứu mạng người”.
Trong cuộc họp báo, ông khẳng định: “Chúng tôi đang tập trung rà soát lại các thông tin. Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ đưa được họ trở về”.
Còn Ngoại trưởng Fumio Kishida sau khi tổ chức cuộc họp triển khai nhiệm vụ khẩn cấp sáng qua đã thông báo với các phóng viên là “không có gì mới hơn” về vụ việc. Giới chức Nhật Bản cho biết bên cạnh việc điều tra kỹ lưỡng các thông tin, họ vẫn đang cố gắng tăng cường các kênh liên lạc với IS.
Theo cố vấn Yosuke Isozaki của Thủ tướng Shinzo Abe, đã có kênh liên lạc “gián tiếp” với IS, nhưng “không có kênh nào trực tiếp”.
Truyền thông Nhật cho biết Thủ tướng Abe đã cố gắng tận dụng mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để giải cứu con tin.
----------------------
"Giọng nói con tin IS giết không phải của con trai tôi"
Ngày 25-1, sau khi xem clip IS công bố đã hành quyết con tin Nhật Bản, mẹ của nhà báo tự do Kenji Goto, bà Junko Ishido nói rằng giọng nói trong đoạn clip không phải của con trai bà.
Một số ý kiến cũng đồng tình, cho rằng tiếng Anh của ông Goto tốt hơn giọng nói trong đoạn ghi âm.
Hy vọng là giả
Trong khi đó, cha của ông doanh nhân Haruna Yukawa (IS bắt làm con tin) vẫn hy vọng rằng đoạn clip là giả.
Nói với truyền thông Nhật, ông Shoichi Yukawa nói rằng ông không giữ được bình tĩnh khi coi đoạn clip nhưng vẫn cầu nguyện rằng con ông thực sự sẽ vẫn còn sống và sớm trở về nhà.
Mẹ của Kenji Goto, bà Ishido nói bà thấy sốc và phẫn nộ sau những hình ảnh con bà xuất hiện trên truyền hình. “Tôi cho rằng nó đã phải sống trong tình trạng khắc nghiệt hơn nhiều so với tôi có thể hình dung”, bà Ishido nói.
Trước đó, ngày 23-1, bà Ishido cầu xin IS thả con trai bà ra. “Chính quyền Nhật Bản sẽ không để con tôi chết. Nó sẽ trở về”, bà Junko Ishido, 78 tuổi, nói. “Tôi rất choáng váng. Tôi tự hỏi liệu một điều như thế này có thể xảy ra sao. Tôi không tin nổi”.
Cha vợ của Goto cũng đã lên tiếng: “Chúng tôi không thể nói là chúng tôi thấy nhẹ nhõm hơn vì nó còn sống (trên truyền hình). Nó có thể bị giết bất cứ lúc nào. Tôi muốn nó về nhà càng sớm càng tốt”.
Nobuo Kimoto, 70 tuổi, một tư vấn ở công ty của Yukawa, bày tỏ sự đau buồn của ông trên báo Asahi: “Tôi run rẩy trước tin tức này. Tôi chỉ mong những tin tức đó là không có thật”.
Washington luôn sát cánh bên Tokyo
Sáng nay 25-1, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Obama thừa nhận tính xác thực của đoạn clip có hình ảnh con tin Nhật bị chặt đầu là rất cao. Hai nhà lãnh đạo lên án mạnh mẽ hành động này của IS.
“Chúng tôi rất tiếc nhưng không còn lựa chọn nào mà phải nói rằng tính xác thực (của đoạn video) là rất cao”, kênh NHK dẫn lời ông Abe. Thủ tướng Nhật khẳng định sẽ giải thoát con tin còn lại bằng mọi giá nhưng sẽ không nhượng bộ trước bọn khủng bố.
Từ Đức, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã lên tiếng chỉ trích vụ “sát hại tàn bạo” con tin Nhật và tuyên bố Washington sẽ luôn sát cánh bên Tokyo. Ông Obama không nói rõ làm cách nào Mỹ xác định được con tin Nhật đã bị giết.
Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) đăng tải đoạn clip đầu tiên hôm thứ ba đòi 200 triệu USD tiền chuộc hai con tin là nhà báo tự do Kenji Goto và doanh nhân Haruna Yukawa trong vòng 72 giờ.
Trong đoạn clip tiếp theo xuất hiện trên mạng gần nửa đêm hôm qua là ảnh con tin thứ hai Goto cầm bức ảnh chụp thi thể không đầu của ông Yukawa và đoạn băng ghi âm giọng ông Goto nói rằng IS đổi từ tiền chuộc sang trao đổi tù nhân.
Nhiều chuyên gia đã hoài nghi tính xác thực của clip khác thường này. Japan Times cho biết nó không có logo của al-Furqan, cơ quan truyền thông của IS.
Tính tới nay, IS đã hành quyết năm người Anh và Mỹ trong vài tháng. Yukawa là công dân Nhật Bản đầu tiên bị IS bắt.
------------------------
Cảnh giác nhưng không lo sợ
Ngay sau chiến dịch chống khủng bố bắn hạ hai nghi can ở Verviers, lực lượng cảnh sát đã xuất hiện thường xuyên ở trước tòa nhà cơ quan nhà nước, trường học, nhà ga, khu vực trung tâm thủ đô nước Bỉ.
Trái với vẻ mặt thân thiện, tươi cười hằng ngày, ánh mắt họ nhìn nghiêm trọng hơn và họ luôn cẩn thận quan sát xung quanh. Cũng không còn cảm giác gần gũi vì ai cũng mang súng trường, mặc áo giáp dày và mũ trùm gần hết mặt.
Anh Trung Hiếu, một người gốc Việt 29 tuổi, sang Bỉ từ lúc lên ba, cho biết đây là lần đầu tiên anh thấy chiến dịch chống khủng bố thắt chặt đến thế. Nhưng anh khẳng định chắc nịch rằng không cảm thấy lo lắng và cũng không muốn cuộc sống của mình và gia đình bị thay đổi bởi mối lo khủng bố.
Theo khảo sát của báo Le Soir đầu tuần này, 72% người Bỉ đồng tình với sự hiện diện của cảnh sát ở nơi công cộng, 78% người nghĩ chính quyền cần đầu tư nhiều tiền bạc hơn để tăng cường an ninh và 89% người đồng tình cần có luật chống khủng bố.
Khi hỏi về phản ứng người dân sau vụ việc ở Verviers, 84% cho biết vẫn đi lại bình thường ở các thành phố lớn.
Chỉ có 23% cho biết cảm thấy sợ người Hồi giáo hơn và 24% tránh đến những nơi đông người.
“Tôi đã sống hơn 20 năm bình yên ở Bỉ. Khác với Mỹ, truyền thông ở đây không làm người dân hoang mang, sợ hãi” - anh Trung Hiếu nhận định. Anh kể rằng có một số bạn bè đạo Hồi, xuất thân từ những gia đình Morocco nhập cư sang Bỉ từ hơn 50 năm trước.
Anh cho rằng chiến dịch chống khủng bố mới đây làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn bè anh. “Tôi biết nhiều người Bỉ có cái nhìn lo ngại hơn với cộng đồng Hồi giáo”.
Còn anh Văn Nguyên, người gốc Việt 36 tuổi, chủ một tiệm phở ở Brussels, cũng cho biết không cảm thấy lo lắng về nguy cơ khủng bố hiện nay. “Cảnh sát đi tuần trong khu vực rất thường xuyên, trong tiệm có camera theo dõi suốt ngày nên chúng tôi cũng an tâm buôn bán”.
Có lẽ mang danh phận là người nhập cư nên cách nhìn vào tình hình của người gốc Việt có khác người dân Bỉ.
Ở Antwerp, thành phố lớn thứ hai của Bỉ, anh Bretch Mouton, một kỹ sư hóa 28 tuổi, cho biết đây là lần đầu tiên anh thấy nhiều binh sĩ và xe quân sự trên đường như thế.
Anh nhận định vấn đề Bỉ đang gặp phải là do trong quá khứ chính phủ chấp nhận nhiều dân nhập cư, bao gồm những người đạo Hồi. Anh thừa nhận những ngày này bản thân tránh tiếp xúc với những người nhập cư có điệu bộ nghi ngờ.
“Ở chỗ đông người, tôi tránh nói chuyện với người lạ. Càng tránh tiếp xúc thì bạn càng tránh nhiều phiền phức, phải không nào?” - anh hỏi mà như đã trả lời.
Một người xuất thân ở Verviers, bà Régine De Myers, 62 tuổi, cũng thấy chút gì đó thay đổi trong cuộc sống thường nhật.
“Quê tôi ở Verviers, nơi tập trung cộng đồng Hồi giáo. Tôi rất bất ngờ khi chị bạn cùng quê gọi điện thoại thông báo về việc hai kẻ khủng bố bị bắn chết ở đó. Tuy nhiên, chị bạn vẫn không có vẻ gì lo sợ và vẫn sống bình thường” - bà kể lại.
Bản thân bà thừa nhận giờ đây khi đi tàu điện ngầm, bà thường có thái độ cảnh giác với những người mang túi xách lớn. Tuy nhiên, do có cảnh sát ở khắp nơi nên bà vẫn cảm thấy an tâm ở nơi công cộng và vẫn đi lại, mua sắm bình thường.
------------------------