Ngày 24/1, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước; tăng 0,94% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 3 nhóm chỉ số giá giảm là: nhà ở và vật liệu xây dựng (-1,09%); giao thông (-3,96%); bưu chính viễn thông (-0,07%); chỉ số giá nhóm giáo dục gần như không tăng. Các nhóm còn lại tăng từ 0,13% đến 0,53%. Hiện, hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm đều tăng giá do nhu cầu tăng để phục vụ cho Tết Nguyên đán nhưng mức tăng không cao, cụ thể như sau: giá thịt lợn tăng 0,31%; giá thịt bò tăng 0,49%; giá thịt gà tăng 0,71%; giá thịt gia cầm tăng 0,58%; giá trứng gia cầm tăng 0,96%; giá thủy sản tươi sống tăng 0,45%; giá thủy sản chế biến tăng 0,29%.
Bên cạnh đó, một phần do nhu cầu chuẩn bị Tết Nguyên đán cùng với tỷ giá USD tăng nên giá các mặt hàng trong nhóm đồ uống và thuốc lá đều tăng với mức tăng từ 0,17 đến 1,06%; riêng mặt hàng bia hơi giảm 0,07% do vào mùa lạnh nhu cầu giảm. Nhóm may mặc và giày dép tăng 0,51%; theo đó, một số mặt hàng quần áo mùa đông tăng từ 2-4%; vải các loại tăng 0,46%; giày dép tăng 0,34%, dịch vụ may mặc tăng 1,31% so với tháng trước.
Đồng thời, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, nhóm giao thông là nhóm có mức giảm nhiều nhất trong 11 nhóm hàng chính, do xăng dầu giảm giá. Với mức giảm 3,96% của nhóm giao thông đã đóng góp 0,35% vào mức giảm chung của CPI tháng 1/2015. Bên cạnh đó, giá nước sinh hoạt giảm 0,15% và giá điện sinh hoạt giảm 0,48% so với tháng trước do nhu cầu dùng điện trong tháng này giảm.
Giải thích nguyên nhân CPI giảm, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, CPI tháng 1-2015 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu điều chỉnh hai đợt giảm giá vào ngày 22/12/2014 và ngày 6/1/2015, nên chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,96%, đóng góp 0,35% vào mức giảm chung của CPI. Bên cạnh đó, giá gas đã giảm 33.000đ/bình từ ngày 1/1/2015 góp phần cho CPI tháng 1-2015 giảm hơn so với tháng trước.
Bà Ngọc cho biết, mặc dù là tháng giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng lên nhưng do giá xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải giảm theo nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 1 chỉ tăng 0,28% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với tháng 1 của những năm trước.
Đánh giá về tác động của giá xăng dầu đến CPI, bà Đỗ Thị Ngọc cho biết, đây không chỉ là niềm vui của người tiêu dùng mà còn là tín hiệu tốt cho cả nền kinh tế. Theo bà Ngọc, giá xăng dầu tác động tới nền kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Tác động trực tiếp được gọi là tác động vòng 1, tức là tác động đến các hoạt động sử dụng xăng dầu, đặc biệt là vận tải hàng hóa, hành khách. Tác động gián tiếp (vòng 2) là tác động vào các ngành, lĩnh vực không trực tiếp sử dụng xăng dầu, nhưng được hưởng lợi nhờ giảm được chi phí vận tải, vận chuyển.
Theo tính toán của Vụ Thống kê giá, cứ giá xăng dầu giảm 10% thì CPI giảm từ 0,5 đến 0,55 điểm phần trăm. Tính chung lại thì đợt giảm giá xăng dầu ngày 21/1 sẽ làm giảm CPI 0,6 - 0,64 điểm phần trăm. Giá xăng dầu giảm thì CPI sẽ giảm theo (nếu không có biến động đột xuất nào đó như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hay các yếu tố đầu vào của nền kinh tế bị tác động bởi kinh tế thế giới).
Các chuyên gia của Vụ Thống kê giá dự báo, CPI của tháng 2 sẽ ổn định và có thể giảm nhẹ so với tháng 1.
-------------------------
Năm 2014, xuất cấp hơn 1.000 tỷ đồng hàng dự trữ quốc gia
Năm 2014, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xuất cấp hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) đã xuất cấp tổng số lương thực, vật tư, thiết bị trị giá gần 1.019 tỷ đồng cho các địa phương, để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, trong đó, xuất cấp 100.823 tấn gạo, trị giá khoảng 968 tỷ đồng.
Riêng về vật tư thiết bị, đã xuất cấp 50,5 tỷ đồng gồm: 4 bộ xuồng DT4 trị giá khoảng 13 tỷ đồng cấp cho Bộ Quốc phòng để trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển; xuất cấp 200 bộ máy bơm chữa cháy cấp cho Bộ Công an, để trang bị cho các lực lượng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa phương, trị giá khoảng 37,5 tỷ đồng.
---------------------
Viettel tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2014
Ngày 24/1/2015, tại Hà Nội, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã tổ chức Hội nghị Quân chính năm 2014 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.
Tới dự Hội nghị có Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Bí thư quân uỷ TW, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT..vv…
Năm 2014, Viettel đã đạt mức tăng trưởng rất cao, 20% so với mức tăng trưởng chung của các doanh nghiệp: Doanh thu đạt 197.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%. Lợi nhuận trước thuế đạt 42.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Năng suất lao động tăng 14%. Thu nhập của người lao động tăng 10%. Là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước trên 15.000 tỷ đồng. Tạo ra công ăn việc làm cho gần 80.000 người trên toàn cầu.
Như vậy, Viettel đã hoàn thành kế hoạch 5 năm (2010-2015) trước một năm. Viettel đã củng cố vững chắc vị trí là doanh nghiệp viễn thông dẫn đầu và Tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu khi chiếm tới 12% doanh thu và 23% lợi nhuận của toàn bộ gần 1000 doanh nghiệp nhà nước.
Trong năm, Viettel đã khai trương dịch vụ thêm 2 nước Peru và Cameroon. Hiện tại Viettel đã đầu tư tại 9 quốc gia với tổng dân số 175 triệu dân, gần gấp đôi dân số Việt Nam. Tổng doanh thu nước ngoài tăng trưởng 25% và đạt 1,2 tỷ đôla Mỹ, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 156 triệu đôla và tăng trưởng 32%. Tính đến nay, thị trường nước ngoài đã mang về 278 triệu đôla lợi nhuận cho đất nước.
Đặc biệt, công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị được coi là trụ cột thứ 3 trong chiến lược phát triển của Viettel, bên cạnh 2 trụ cột khác là Viễn thông trong nước và Viễn thông nước ngoài. Đã sản xuất và đưa vào sử dụng một số thiết bị viễn thông chủ chốt, các phần mềm viễn thông, phần mềm quản lý. Đã làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị, khí tài quân sự, bước đầu tạo nền tảng cho việc hình thành một tổ hợp công nghiệp quốc phòng.
Không chỉ thế, Viettel còn làm tốt công tác từ thiện xã hội với chương trình 24.000 con bò giống cho các hộ nghèo 11 tỉnh biên giới. Trong năm đã mua và tặng bò cho gần 6.000 hộ. Kế hoạch đến hết 2015, 24.000 hộ nghèo biên giới sẽ có bò giống để thoát nghèo, định cư ổn định, bám và giữ đất biên cương của Tổ quốc.
Tiếp tục chương trình đưa Internet băng siêu rộngBộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và các đại biểu thăm Trung tâm điều hành của Viettel.
bằng cáp quang đến tất cả các trường học của Vietnam. Viettel cam kết trong 2 năm sẽ kết nối cáp quang cho hầu hết các trường để đưa chất lượng giáo dục đẳng cấp quốc gia, quốc tế, đến mọi nơi, cho mọi người trên toàn quốc.
Năm 2015, Viettel tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao 20%, đạt doanh thu 230.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 15%, năng suất lao động tăng 15%...
--------------------------
Đã có 148 dự án FDI đầu tư vào khu vực Tây Nguyên
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính lũy kế đến 15/12/2014 đã có 148 dự án FDI đầu tư vào các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký khoảng 819 triệu USD.
Theo đó, Lâm Đồng là địa phương dẫn đầu với 122 dự án và khoảng 500 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 82% tổng số dự án và 61% tổng vốn đầu tư của cả khu vực. Đắk Lắk đứng thứ hai với 6 dự án và 150 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 4% tổng số dự án và 18% tổng vốn đầu tư của cả khu vực. Đứng ở vị trí tiếp theo là Gia Lai, Kon Tum và Đắc Nông.
Hiện Hồng Kông (Trung Quốc) đứng đầu danh sách trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư vào khu vực này với 9 dự án và 150 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 6% tổng số dự án và 18% tổng vốn đầu tư của toàn vùng. Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai với 48 dự án và 122 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 32% tổng số dự án và 15% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản đứng thứ ba với 15 dự án và 103 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 10% tổng số dự án và 12% tổng vốn đầu tư.
Xét về các lĩnh vực đầu tư thì lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất với 82 dự án và 350 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 55% tổng số dự án và 42% tổng vốn đầu tư của toàn vùng. Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 46 dự án và 198 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 31% tổng số dự án và 24% tổng vốn đầu tư của toàn vùng.
--------------------------