Yonhap đưa tin ngày 25/1, cảnh sát Hàn Quốc đã thắt chặt an ninh xung quanh Văn phòng Tổng thống (Nhà Xanh) sau khi một người đàn ông chưa được nhận dạng gọi điện đe dọa đánh bom.
Cảnh sát cho biết người đàn ông trên, dường như gọi từ một số điện thoại quốc tế, đã gọi tới Văn phòng dân sự của Nhà Xanh 5 lần kể từ lúc 2h39 cùng ngày. Tên này tuyên bố sẽ đánh bom văn phòng “nếu bạn không thể hiện thiện ý vào buổi trưa". Cảnh sát cho biết thêm không rõ ông ta nói “thiện ý” có nghĩa là gì.
Mặc dù hệ thống nhận dạng cuộc gọi hiển thị mã quốc gia của Pháp, song cảnh sát vẫn đang tiếp tục lần theo số điện thoại vì các số có thể bị thay đổi.
Cảnh sát cho hay một cuộc điều tra ban đầu đã được tiến hành quanh văn phòng Tổng thống nhưng không tìm thấy thiết bị nổ nào. Hiện lực lượng an ninh đã được tăng cường để đề phòng mọi tình huống có thể xảy ra.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay (25/1) đã đặt chân tới Ấn Độ trong chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày, trong điều kiện an ninh được thắt chặt chưa từng có, với hơn 40.000 nhân viên an ninh và 1.000 lính bắn tỉa cảnh giới.
Chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama sẽ mang tính lịch sử, khi chưa có một Tổng thống Mỹ nào từng 2 lần tới quốc gia Nam Á này khi còn đương chức. Ông Obama cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên trở thành khách mời chính trong lễ diễu hành mừng ngày quốc khánh Ấn Độ, một sự kiện đầy màu sắc với sự tham gia của cả quân đội và các màn biểu diễn văn nghệ.
Ngay khi bước ra khỏi chuyển cơ Không lực 1, ông Obama đã nhận được cái ôm chặt từ thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi, một cử chỉ mang tính biểu tượng cho những nồng ấm mới trong mối quan hệ song phương, vốn không ít lần căng thẳng.
Modi đã mời ông Obama đồng chủ trì một cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên đài phát thanh, với các câu hỏi được đặt ra qua điện thoại. Ngoài ra, ông Modi được cho là sẽ tổ chức một bữa tiệc tối riêng tại tư gia để mời ông chủ Nhà Trắng và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.
Theo lịch trình ban đầu ông Obama và phu nhân sẽ tới thăm đền Taj Mahal, một công trình mang tính biểu tượng cho tình yêu của Ấn Độ. Tuy nhiên, lịch trình đã được cắt ngắn để nhà lãnh đạo Mỹ có thể tới Ả-Rập Xê-út gặp gỡ tân quốc vương Salman.
Mới chỉ 3 năm trước, ông Modi còn là người bị Nhà Trắng lạnh nhạt, thế nhưng chuyến thăm kéo dài 3 ngày của ông Obama đánh dấu một sự xoay chuyển lớn trong mối quan hệ giữa hai nước, sau những tranh cãi ngoại giao cuối năm 2013, từng làm bùng phát các vụ biểu tình bên ngoài đại sứ quan Mỹ ở Delhi.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ India Today trước khi tới Ấn Độ, ông Obama nói hai nước là “những đối tác tự nhiện”. “Khi tôi phát biểu trước quốc hội Ấn Độ trong chuyến thăm lần trước (năm 2010), tôi đã vạch ra tầm nhìn của tôi về việc chúng ta trở thành các đối tác toàn cầu để đối đầu với những thách thức toàn cầu”, ông Obama nói.
Cả Washington và New Delhi đều có chung một mục tiêu đó là đối trọng với Trung Quốc, trong đó ông Modi được xem là có quan điểm quyết liệt hơn so với các chính quyền tiền nhiệm đối với người láng giềng hùng mạnh.
An ninh chặt chẽ chưa từng có
Để đảm bảo an ninh cho sự kiện mừng quốc khánh 26/1, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Obama, Ấn Độ đang triển khai một chiến dịch an ninh chưa từng có.
Hàng năm, nước này vẫn lập một vùng cấm bay có bán kính 300km quanh New Delhi trong ngày này, nhưng năm nay phạm vi cấm bay được nâng lên 400 km.
Khoảng 15.000 camera an ninh đã được lắp đặt khắp New Delhi trước chuyến thăm của ông Obama, trong đó có 165 camera tại khu vực ông chủ Nhà Trắng xem lễ duyệt binh, kênh NDTV của Ấn Độ đưa tin. Các nhân viên an ninh Mỹ sẽ cùng ngồi trong phòng điều khiển với các đồng nghiệp Ấn Độ để quan sát. Cả tuyến đường qua khu vực này đều đã bị phong tỏa gần một tuần, với lượng lớn binh sỹ canh gác trên từng mét.
Tại khách sạn Maurya Sheraton, nơi những người tiền nhiệm của ông Obama từng nghỉ khi tới thăm Ấn Độ, toàn bộ 438 phòng đã được đặt hết, dành riêng cho phái đoàn Mỹ trong 3 ngày lưu lại. Không một khách lạ nào được phép vào khu vực này, kể cả các nhà hàng của khách sạn.
Một lực lượng lính bắn tỉa hùng hậu hơn 1.000 người cũng được lệnh thường trực trên nóc của hơn 70 tòa nhà cao tầng khắp trung tâm New Delhi, để cảnh giới.
Riêng trong ngày 25/1, khi ông Obama có mặt tại Ấn Độ, khoảng 20.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai tại các vị trí khắp New Delhi. Sang ngày 26/1, tổng số nhân viên an ninh, gồm 10.000 lính bán quân sự và 30.000 cảnh sát sẽ xuất hiện khắp các tuyến phố. Trong đó theo tờ Thời báo Ấn Độ, riêng khu vực quận trung tâm, phía Bắc và New Delhi sẽ có 20.000 cảnh sát túc trực.
Từ nhiều ngày qua, giới chức địa phương cũng đã cấm triệt để những người bán hàng rong, người ăn xin, trên các tuyến phố khắp Delhi cũng như các địa điểm ông Obama có thể đặt chân. Cảnh sát đi gõ cửa từng nhà để kiểm tra nhân thân, trong khi những thú vật thường được thả rông như bò, khỉ bị gom nhốt toàn bộ.
-----------------------