Hơn 300 m3 gỗ rừng tại huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) đã bị giám đốc một công ty tư nhân chuyên về khai thác và chế biến lâm sản tổ chức đốn hạ.
Ngày 24/1, Phòng cảnh sát điều tra về Trật tự kinh tế và Chức vụ Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Hoàng Văn Hiền (36 tuổi), Giám đốc Công ty khai thác và chế biến gỗ Trí Dũng (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) vì vi phạm các quy định về bảo vệ rừng.
Cùng ngày, công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã bắt ông Trương Thanh Hoà (45 tuổi, ngụ tại xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh) cùng tội danh.
Theo thông tin ban đầu từ Công an tỉnh Lâm Đồng, tháng 11/2014, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án liên quan đến việc hơn 300 m3 gỗ rừng tại hai tiểu khu 526 (xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh) và 528 (xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên) bị “lâm tặc” đốn hạ. Đồng thời chuyển hồ sơ vụ án cho Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều tra.
Sau hơn hai tháng điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện Hiền là người tổ chức cho Hoà đưa xe cơ giới và nhân công vào khai thác gỗ tại hai tiểu khu trên.
Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Càng gần tết, lượng thực phẩm bẩn (sản phẩm động vật không có nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh kiểm dịch...) tuồn vào TP HCM tiêu thụ ngày càng nhiều.
Nhiều năm qua, huyện Bình Chánh là “điểm nóng” ở cửa ngõ phía tây của TP HCM về tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép từ các tỉnh miền Tây.
Trinh sát hai tuần vẫn bị lộ
3h30 ngày 23/1, các cán bộ thú y của trạm thú y Bình Chánh “đột kích” vào những điểm nóng về kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn.
Ðiểm đầu tiên là một lò chuyên kinh doanh heo chết tại xã Phong Phú. Lò quay heo chết này nằm ở khu vực thưa dân cư, hoang vắng nên để tiếp cận, các cán bộ thú y phải chạy xe máy len lỏi, men theo các con đường hẹp, đất đá gồ ghề.
Lập 3 đoàn thanh tra
Theo Chi cục Thú y TP HCM, cận tết tình trạng các sản phẩm động vật (trong đó có sản phẩm động vật bẩn) từ các tỉnh, thành đổ về TP HCM tiêu thụ có xu hướng gia tăng.
Do đó, ngoài việc tăng cường kiểm soát tại các trạm kiểm dịch đầu mối, Chi cục Thú y TP HCM đã thành lập ba đoàn thanh tra, kiểm tra công tác thú y và an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật liên quan đến lĩnh vực thú y.
Việc kiểm tra từ 22/12/2014 kéo dài đến ngày 28/2/2015.
Khi đoàn ập vào, các vật dụng để chế biến, quay heo chết vẫn còn nhưng điều lạ thường là lò không một bóng người, tắt điện tối đen.
Sau khi kiểm tra một lượt, một cán bộ thú y nói với cả đoàn “lộ mất rồi” và yêu cầu rút nhanh để kịp đến một điểm khác.
Ông Nguyễn Hồng Triệu - trạm trưởng trạm thú y Bình Chánh - cho biết lò quay heo chết này từng bị trạm bắt quả tang hai lần và cấm hoạt động nhưng vẫn tiếp tục chuyển qua địa điểm khác để làm.
“Ðể nắm được sai phạm và quy luật hoạt động của lò quay heo chết này, chúng tôi phải cử cán bộ đi trinh sát trong vòng hai tuần, do vậy mỗi lần xử lý một điểm nào đó đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian” - ông Triệu nói.
Tại điểm kinh doanh gia cầm (thịt vịt) của ông Dương Hỷ Nhỏ (ấp 1, xã Bình Hưng), khác hẳn với không gian im ắng bên ngoài, khi đoàn liên ngành ập vào khu nhà xưởng phía sau là “bãi chiến trường” giết mổ vịt trái phép quy mô lớn.
Có hơn 10 công nhân đang hì hục nhổ lông, mổ lòng vịt giữa nền nhà dơ bẩn, lênh láng nước. Ở một góc khác, trên nền nhà bê bết máu tập kết 158 con vịt bị trói chân, cánh kêu quang quác chờ mổ. Ngoài ra một lượng lớn vịt đã giết mổ vứt lăn lóc và chất trong năm thùng đá lớn.
“Đua” qua trạm
Rạng sáng 24-1, chúng tôi theo chân cán bộ thú y trạm kiểm dịch Thủ Ðức mật phục tại khu vực Tân Vạn (giáp ranh Bình Dương - Ðồng Nai - TP.HCM). Ðoạn đường này trở thành “đường đua” của những người chở thực phẩm bẩn lạng lách vượt trạm kiểm soát.
Các cán bộ trạm kiểm dịch đứng chốt mật phục chưa nóng chỗ thì tiếng “vèo, vèo” của những người chở thịt bẩn vụt qua. Một số cán bộ thú y nổ máy đuổi theo nhưng họ đã lao đi mất hút.
Ðứng mật phục tại đây, ông Phạm Ngọc Chí - trưởng trạm kiểm dịch Thủ Ðức - nói: “Khó khăn nhất hiện nay là những người chở thực phẩm bẩn bằng xe máy, thường canh cán bộ thú y và mỗi khi vượt trạm đều chạy với tốc độ rất cao, sau đó rẽ vào những đường nhánh về Bình Dương nên rất khó truy bắt”.
Cũng trong rạng sáng 24/1, nhờ sự hỗ trợ của đội CSGT Rạch Chiếc trong việc truy đuổi nên các cán bộ thú y bắt được bốn vụ vận chuyển gia cầm, thịt bò, thịt dê và dê sống trái phép vào TP.HCM. Trước đó ít ngày, trạm cũng bắt gần 500kg phụ phẩm trâu bò trái phép.
Theo ông Phạm Ngọc Chí, càng gần tết tình trạng vận chuyển các sản phẩm động vật (trong đó có thực phẩm bẩn) qua cửa ngõ của trạm vào tiêu thụ ở TP HCM tăng cao, gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Ðể kiểm soát tình trạng này, trạm thường xuyên phối hợp với đội CSGT Rạch Chiếc đi kiểm tra ngẫu nhiên, ngoài ra thường xuyên tổ chức mật phục tại các điểm nóng để xử lý các trường hợp vi phạm.
Tại trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp rạng sáng 24/1 các cán bộ thú y đã tuần tra ở các tuyến quốc lộ 1K, khu vực quốc lộ 1 đoạn qua cầu Bình Phước... và bắt được hai vụ vận chuyển gia cầm (gà, bồ câu) từ miền Tây vào TPHCM tiêu thụ.
Nhất cử nhất động của cơ quan chức năng đều bị theo dõi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Triệu cho biết dù đã có nhiều phương án bảo mật thông tin để “đột kích” bắt quả tang những cơ sở giết mổ, kinh doanh thực phẩm bẩn nhưng việc bị lộ kế hoạch là chuyện vẫn thường xảy ra.
Lý do, theo ông Triệu, những cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn hay những người vận chuyển gia cầm trái phép đều cử người theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng, nên nhiều khi nhất cử nhất động của cơ quan chức năng đều bị theo dõi.
“Ngoài việc cử cán bộ trinh sát nhiều ngày nắm quy trình, quy mô hoạt động của các cơ sở này, để hạn chế bị lộ, chúng tôi thường cử cán bộ mặc thường phục vào tận nơi xác minh, nếu được thông báo ra ngoài lập tức đoàn sẽ ập vào bắt quả tang ngay” - ông Triệu nói.
------------------------
Vẫn công khai đổi tiền lẻ ở các đình, chùa
Dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nghị định về việc xử phạt hành vi đổi tiền lẻ nhưng nhiều chủ kinh doanh vẫn công khai thực hiện đổi cho khách để ăn tiền chênh.
Vừa qua, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép, trong đó có đưa hoạt động đổi tiền lẻ vào quy định.
“Theo đó, đối với hoạt động đổi tiền lẻ là không được phép hoạt động, do vậy nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Đây là điểm mới trong năm nay”, ông Tú cho biết.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên trong những ngày gần đây, tại một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội như khu di tích Đình - Chùa - Bia Bà La Khê (ở làng La Khê, quận Hà Đông), cổng chùa Hà (quận Cầu giấy)… việc đổi tiền lẻ vẫn diễn ra tràn lan và công khai.
Trong vai một người đi đổi tiền lẻ để đặt lễ, ghé vào một cửa hàng ở khu di tích đình La Khê. Khi thử hỏi đổi tiền lẻ, chủ hàng tên H. ban đầu tỏ ra rất dè chừng. Tuy nhiên, sau một hồi hỏi han, bà H. không ngần ngại chỉ ra từng loại giá mời chào để đổi tiền lẻ.
Theo quan sát, trong tủ đựng tiền của bà H. có rất loại mệnh giá tiền khác nhau như loại 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng…những loại tiền này rất mới phần lớn chưa sử dụng. Khi hỏi giá cả, bà H. cho biết nếu muốn đổi số tiền theo seri (tức loại tiền mới chưa sử dụng) thì 10 ăn 8 (tức là người đổi mất 20% tổng giá trị tiền đổi). Còn nếu đổi tiền đã qua tay (đã qua sử dụng) thì 10 ăn 9 (tức là người đổi mất 10% tổng giá trị tiền đổi). Thử đổi với số tiền 200.000 đồng thì bà H. không đồng ý. Chủ đổi tiền lẻ này cho biết chỉ đổi từ 1 triệu trở lên, ít quá không đổi.
Ngay bên cạnh đó, một cửa hàng đổi lẻ khác, chủ hàng tên T. không ngần ngại khi xẻ cọc tiền ra để đổi cho khách với số tiền 400.000 đồng. Một điều đặc biệt ở cửa hàng của chủ hàng T. đó là hộp đựng tiền của người này có vài tờ tiền giả, chủ hàng T. cho hay rằng, sau khi có thông tin đổi tiền lẻ bị phạt tiền thì những cửa hàng ở đây đều cảnh giác và tìm cách để đối phó.
“Để tiền giả như vậy là tượng trưng và để khách hàng biết đây là chỗ đổi tiền, tránh khi công an vào họ bắt và lấy hết. Nếu lấy thì chỉ vài đồng tiền mệnh giá nhỏ chẳng đáng là bao”, chủ hàng T. nói.
Trái ngược với đình La Khê, trước cổng chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mặc dù tình trạng đổi tiền lẽ vẫn diễn ra nhưng không công khai. Mỗi khi thấy khách hàng có ý định đổi tiền, chủ các cửa hàng bán đồ thờ, đồ lễ vẫn mời chào “đổi tiền lẻ không em”.
Theo báo cáo của NHNN, khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội đã có những chuyển biến tích cực.
Hiện tượng đặt tiền lễ tại các bàn thờ, ném tiền, thả tiền… đã giảm so với các năm trước, hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh. Việc hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã khiến cho tỷ lệ tiền mệnh giá nhỏ quay về hệ thống ngân hàng sau dịp lễ hội thấp hơn nhiều so với các năm trước, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các kho tiền của ngân hàng, tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, kiểm đếm và chọn lựa tiền cũng như đảm bảo các yêu cầu về an toàn kho quỹ.
---------------------------