Dù cách xa nhau về địa lý, Việt Nam và Liên Xô trước đây cũng như LB Nga hiện nay đã xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống bền chặt dựa trên tình đoàn kết giữa hai dân tộc.
65 năm qua, sự phát triển năng động của tổng thể quan hệ song phương đã khẳng định tính chất đối tác chiến lược toàn diện. Tình hữu nghị và quan hệ đối tác đã được tôi luyện theo thời gian. LB Nga và Việt Nam thật sự trân trọng mức độ hợp tác mà hai bên đã đạt được trong các lĩnh vực khác nhau: từ đầu tư, thương mại đến an ninh quốc phòng, khoa học, giáo dục và văn hóa. Như Ngoại trưởng LB Nga S.V.Lavrov đã nói: “Sẽ không có gì là phóng đại khi nói rằng, trên thực tế không có lĩnh vực nào mà hai nước chúng ta lại không tạo lập được mối quan hệ hợp tác, gắn bó và chặt chẽ”.
Đối tác quan trọng ở châu Á
Trong một bài viết về quan hệ Việt Nam – LB Nga, Ngoại trưởng S.V.Lavrov đã khẳng định: “Trong những thập kỷ qua ở cả hai nước và trên thế giới đã có những biến đổi sâu sắc và toàn diện. Trong bối cảnh đó, truyền thống hữu nghị, sự tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau giữa LB Nga và Việt Nam vẫn còn đó, và không hề thay đổi. Quan hệ đối thoại tin cậy lẫn nhau ở cấp cao đã tạo ra động lực cần thiết để mở rộng toàn diện quan hệ hợp tác song phương”.
Trên thực tế, danh mục những nhiệm vụ ưu tiên nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa LB Nga và Việt Nam, được thông qua hằng năm kể từ năm 2007 đến nay vẫn đang là cơ sở hết sức quan trọng để thực hiện những thỏa thuận cấp cao. Và mặc dù tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến không thuận lợi, kim ngạch trao đổi thương mại song phương LB Nga - Việt Nam vẫn tăng trưởng một cách bền vững, đạt giá trị 3,97 tỷ USD trong năm vừa qua. Mục tiêu sắp tới của hai nước là nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020.
Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng, có vai trò ngày càng tăng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đại biện lâm thời LB Nga tại Việt Nam Vadim Bublikov cho biết, hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của LB Nga tại khu vực này.
Đặc biệt, đường lối đối ngoại này dựa trên mối quan hệ giàu truyền thống giữa hai nước, bởi LB Nga luôn coi Việt Nam là đối tác tin cậy và lâu dài với mối quan hệ đã được kiểm chứng qua thời gian, đặc biệt là trong những năm tháng cam go nhất. Nhấn mạnh đến việc hai nước đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Hải quan (gồm LB Nga, Belarus, Kazakhstan) và Việt Nam năm 2014, Đại biện lâm thời Vadim Bublikov nói: “Việt Nam là nước đầu tiên mà Liên minh Hải quan ký Hiệp định tự do thương mại.
Lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất giữa hai nước là dầu khí. Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động hiệu quả nhất là Liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Ngoài ra, còn có những dự án của các công ty dầu khí hàng đầu của Nga, như Rosneft và Gazprom. Phải nói rằng, hợp tác của chúng ta mang tính bình đẳng và những dự án như vậy trên lãnh thổ Nga cũng có sự tham gia của các đối tác Việt Nam”.
Còn Ngoại trưởng LB Nga S.V.Lavrov nhấn mạnh: “Theo truyền thống, lĩnh vực dầu khí đã đóng vai trò dẫn đầu trong quan hệ hợp tác kinh tế nhiều mặt giữa hai nước. Ngọn cờ đầu trong lĩnh vực này là Liên doanh Vietsovpetro được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc cùng nhau thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Đồng thời ở Việt Nam cũng đang thành lập Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những công trình đó sẽ đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất về độ an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Khó có thể đánh giá hết ý nghĩa quan trọng của đội ngũ cán bộ chuyên môn cao đối với sự thành công về phát triển kinh tế - xã hội ở bất kỳ nước nào. Xuất phát từ điều này, chúng tôi chủ trương mở rộng quy mô đào tạo chuyên gia cho Việt Nam bằng nguồn ngân sách của Nga cũng như trên cơ sở hợp đồng. Dự án thành lập Trường Đại học Công nghệ Việt - Nga hiện đang được thực hiện sẽ giúp thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận với những chuẩn mực cao về giáo dục đào tạo được công nhận ở Nga”.
Hợp tác để thúc đẩy các sáng kiến
Lật lại những trang sử của 65 năm về trước, chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do có phần giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô.
Đại biện lâm thời LB Nga tại Việt Nam Vadim Bublikov tâm sự: “Ngày nay chúng tôi tự hào rằng, dân tộc chúng tôi đã từng góp phần vào chiến thắng của nhân dân Việt Nam, cũng như rất vui mừng vì ở Việt Nam người dân hiểu rõ và luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô trong thời điểm khó khăn đó. Quan hệ truyền thống tốt đẹp này giúp chúng ta giải quyết những nhiệm vụ cấp bách nhất trong giai đoạn hiện nay”.
Rõ ràng, yếu tố cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện LB Nga - Việt Nam là sự phối hợp hành động chặt chẽ trên trường quốc tế. Hai nước đã được gắn kết bởi sự tương đồng hoặc gần gũi trong quan điểm về vấn đề hình thành một trật tự thế giới đa trung tâm, dân chủ và bình đẳng, dựa trên những nguyên tắc, nền tảng của luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm và điều phối của Liên Hợp Quốc, sự tôn trọng bản sắc của các dân tộc, chủ trương tìm kiếm giải pháp mang tính tập thể cho các nguy cơ và thách thức toàn cầu. LB Nga và Việt Nam đang phối hợp một cách chặt chẽ trên bình diện song phương cũng như trong khuôn khổ các diễn đàn và tổ chức khu vực và quốc tế.
Ngoại trưởng LB Nga S.V.Lavrov nói: “Đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, khu vực đang có vị thế ngày càng quan trọng trong nền kinh tế và chính trị thế giới - là ưu tiên quan trọng trong hoạt động đối ngoại của LB Nga. Điều kiện cần thiết để phát triển hợp tác tại khu vực này là sự ổn định. Do đó, nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần lập ra tại châu Á - Thái Bình Dương những cơ chế chắc chắn để bảo đảm an ninh bình đẳng và không chia cắt, dựa trên cơ sở không phe khối. Cụ thể, cần thúc đẩy sáng kiến khởi động xây dựng các nguyên tắc khung về cấu trúc khu vực mới được thông qua trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á họp tại Brunei vào tháng 10/2013. Chúng tôi hy vọng phối hợp với các bạn Việt Nam trong việc thúc đẩy sáng kiến này. Trong điều kiện hiện nay, LB Nga và Việt Nam đang đứng trước những nhiệm vụ mới phức tạp hơn. Theo chỉ dẫn của những người đi trước, chúng ta bắt buộc phải sánh bước cùng thời đại. Chỉ có như vậy hai nước chúng ta mới có thể bảo đảm cho mình sự phồn vinh, thịnh vượng và vị thế vững mạnh trong thế giới cạnh tranh cao độ ngày nay. Tôi tin tưởng rằng, chúng ta đủ sức cùng nhau thực hiện những nhiệm vụ đó, với chỗ dựa vững chắc là truyền thống quan hệ hữu nghị và đối tác giữa Nga và Việt Nam đã được tôi luyện qua thời gian”.
--------------------------
Tàu ngầm Kilo thứ 3 của Việt Nam về đến Cam Ranh
Một nguồn tin của PV Dân trí cho biết, vào khoảng 19h ngày 28/1, tàu vận tải Rolldock Star (Hà Lan) chở theo tàu ngầm Kilo thứ 3 của Việt Nam mang tên “HQ-184 Hải Phòng” đã tiến sâu vào vùng nước Vịnh Cam Ranh.
Như vậy, tổng hành trình trên biển từ Nga về Vịnh Cam Ranh của tàu ngầm Kilo Hải Phòng là 44 ngày.
Theo nguồn tin của PV Dân trí, trước đó, sau cập cảng Singapore để tiếp nhiên liệu, tàu vận tải siêu trường, siêu trọng Rolldock Star mang theo tàu ngầm Kilo Hải Phòng đã rời cảng này vào trưa ngày 26/1 để về Việt Nam.
Được biết, hành trình tàu vận tải Rolldock Star mang theo tàu ngầm Kilo Hải Phòng về Việt Nam tương tự như hành trình tàu vận tải này từng đưa tàu ngầm Kilo TP Hồ Chí Minh về Cam Ranh, vào hồi đầu năm 2014.
Theo đó, sau khi khởi hành từ cảng Kaliningrad ở Saint Petersburg (Nga) vào ngày 15/12 năm ngoái, tàu Rolldock Star đã có chặng dừng chân đầu tiên khi tàu cập cảng SANTA CRUZ DE TENERIFE (Tây Ban Nha), nằm trên Đại Tây Dương, vào ngày 25/12 để tiếp nhiên liệu.
Tiếp đó, sau khi băng qua mũi Hảo Vọng để vào Ấn Độ Dương, tàu Rolldock Star hướng đến quần đảo Indonesia, vượt qua eo biển Sunda vào biển Java, cập cảng Singapore, vào Biển Đông và đến Vịnh Cam Ranh.
Tàu ngầm Kilo “HQ-184 Hải Phòng” là chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636.1 thứ 3 mà Nga đóng cho Việt Nam trong hợp đồng 6 chiếc, trị giá gần 2 tỷ USD, được ký kết vào năm 2009. Hợp đồng còn bao gồm việc Nga giúp Việt Nam xây dựng 1 trung tâm huấn luyện thủy thủ hiện đại, theo chuẩn quốc tế.
Tất cả 6 tàu ngầm đều được đóng tại nhà máy đóng tàu Admiralty của Nga ở Saint Petersburg.
Tàu ngầm điện - diesel lớp Varshavyanka 636.1 thuộc thế hệ thứ ba, trang bị tên lửa chống hạm Club giúp tăng khả năng tấn công từ xa, bên cạnh thuỷ lôi và mìn biển. Tàu có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300m, thuỷ thủ đoàn 52 người. Khi hoạt động trên biển, tàu chạy rất êm, khó phát hiện nên được mệnh danh là “hố đen” trong lòng đại dương.
Trước đó, 2 chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên là “HQ-182 Hà Nội” và “HQ-183 TP Hồ Chí Minh” đã về đến Cam Ranh. Hiện 2 tàu ngầm này đã được biên chế hoạt động trong Hải quân Việt Nam.
Được biết, tất cả các tàu ngầm của Việt Nam đều được hạ thủy vào ngày 28. Cụ thể, tàu ngầm Kilo Hà Nội hạ thủy ngày 28/8/2012; tàu ngầm Kilo Hồ Chí Minh hạ thủy ngày 28/12/2012; còn Kilo Hải Phòng hạ thủy ngày 28/8/2013; tàu ngầm Kilo “HQ-186 Khánh Hòa” hạ thủy ngày 28/12/2014; tàu ngầm Kilo Đà Nẵng được hạ thủy vào ngày 28/3/2014; trong khi đó, chiếc thứ 6 “HQ-187 Bà Rịa - Vũng Tàu”, được đóng vào tháng 5/2014.
------------------------
Đức hỗ trợ dạy nghề cho nông dân Việt Nam
Theo thỏa thuận được ký kết giữa Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Thị Hoàng Anh, cùng đại diện Bộ Lương thực và Nông nghiệp Đức, 7 nông dân trẻ của Việt Nam đã được sang học nghề tại các trang trại của Đức.
Trước đó, hàng chục cán bộ, giáo viên dạy nghề của Hội Nông dân Việt Nam và cơ quan hữu quan được học về công tác dạy nghề, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Hội Nông dân Đức, kinh nghiệm phát triển nông nghiệp và các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn của Đức.
Dự kiến, từ nay đến năm 2017, tại ít nhất 30 trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân Việt Nam sẽ có một giáo viên dạy nghề được tham gia khóa đào tạo nâng cao tại Đức; biên soạn, dịch tài liệu đào tạo về các lĩnh vực như sản xuất sữa, bảo quản, chế biến thức ăn chăn nuôi, quản lý trang trại. Điểm đáng chú ý là, các nông dân sản xuất giỏi, nông dân trẻ của Việt Nam sẽ được tham dự các khóa huấn luyện tại Đức.
------------------------
Dân nghèo "méo mặt" vì tin lời cán bộ: Đổ lỗi cho nhau!
Trong khi rất nhiều hộ dân nghèo đang méo mặt sống cảnh nợ nần vì trót tin lời chính quyền, vay tiền sửa nhà, thì các lãnh đạo ở huyện Đức Thọ lại đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau.
Báo Dân trí có bài viết “Dân nghèo méo mặt vì trót tin lời cán bộ xã”, phản ánh sự việc rất nhiều hộ nghèo ở xã Đức An, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh được chính quyền khuyến khích xây sửa nhà để được nhận hỗ trợ của nhà nước nhưng sau khi dân nghèo vay mượn tiền sửa nhà xong lại không nhận được một đồng hỗ trợ nào từ chính quyền; không những thế còn bị cắt khỏi danh sách hộ nghèo.
Để làm sáng tỏ sự việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện, cũng như UBMTTQ huyện Đức Thọ. Ông Phạm Văn Đường, Chủ tịch Mặt trận huyện cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền, còn Mặt trận chỉ là phối hợp. “Mặt trận chúng tôi chỉ tham gia phối hợp nắm các đối tượng. Đối tượng thì Mặt trận có thể đề xuất lên, còn tiền thì bên chính quyền họ phải có trách nhiệm rót xuống. Cái này trách nhiệm thuộc về chính quyền không thể đổ lỗi cho Mặt trận được” - ông Đường nói.
Trong khi đó, ông Bùi Hữu Dũng, PCT UBND huyện Đức Thọ phụ trách văn hóa, xã hội lại nói, trách nhiệm để dân làm nhà mà không được hỗ trợ tiền thuộc về bên Mặt trận. “Mặt trận phải lập và chốt danh sách các đối tượng để hỗ trợ, chứ chính quyền chỉ là phối hợp thôi. Cái này là do chỗ Mặt trận họ làm sai”.
Theo ông Dũng, từ năm 2010 đến nay, Nhà nước không còn thực hiện hỗ trợ làm nhà cho đối tượng hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ. "Thỉnh thoảng có các hội, tập đoàn họ hỗ trợ nhà cho các đối tượng chứ Nhà nước không có nữa. Năm 2015 sắp tới thì tiếp tục thực hiện Quyết định 167 về hỗ trợ làm nhà ở cho các đối tượng hộ nghèo đợt 2. Bác Đường (Chủ tịch Mặt trận huyện Đức Thọ-PV) không hiểu nên giải thích sai”, ông Dũng cho biết thêm.
Trong khi hai vị lãnh đạo chính quyền và Mặt trận "đá bóng" trách nhiệm cho nhau, thì Bí thư Huyện ủy Đức Thọ - ông Võ Công Hàm - thừa nhận trong việc này ai cũng có trách nhiệm, cần phối hợp giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho dân. "Sau khi báo Dân trí có bài phản ánh, chúng tôi đã có công văn yêu cầu Mặt trận phối với với UBND huyện yêu cầu tiến hành kiểm tra, rà soát lại để có hướng xử lý cho người dân. Quá trình kiểm tra, ai sai thì sẽ xử lý" - ông Hàm nói.
Một số điều cơ bản của Quyết định số 167/2008/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở:
Đối tượng: Là hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quy định) đang cư trú tại địa phương; Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát…
Mức hỗ trợ: Ngân sách trung ương hỗ trợ 06 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ dân thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì ngân sách trung ương hỗ trợ 07 triệu đồng/hộ. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách trung ương hỗ trợ và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở…
Cách thức thực hiện: Cơ sở thôn, bản tổ chức bình xét đối tượng và phân loại ưu tiên theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch; Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp danh sách số hộ được hỗ trợ, đồng thời lập danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện…
Thời gian và tiến độ thực hiện: Đến cuối năm 2012 hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quy định của Quyết định này. Năm 2013 tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…
----------------------