Theo bài báo cáo giới quân sự đưa tin cho biết vào ngày 27 - 1, Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc diễu hành quân sự quy mô lớn đầu tiên tại nước này kể từ năm 2009, nhằm "đe dọa Nhật Bản".
Trung Quốc thường tránh né việc phô diễn sức mạnh quân sự có tính chất rộng lớn nói trên. Song, nước này đã cho tổ chức diễu hành vào những dịp trọng đại như: kỷ niệm 50 và 60 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, lần lượt vào năm 1999 và 2009. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, cuộc diễu hành năm nay sẽ được tổ chức để đánh dấu kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến 2.
Trong bài viết của mình, nhà phê bình về tài chính Trung Quốc và toàn cầu Hu Zhanhao nhận xét: Một lý do khác chính quyền muốn tiến hành cuộc duyệt binh là "để đe dọa Nhật Bản và tuyên bố cho cả thế giới biết về quyết tâm duy trì trật tự toàn cầu sau chiến tranh của Trung Quốc".
Ông lập luận: "Chỉ thông qua phô diễn khả năng quân sự thì Trung Quốc mới có thể cho Nhật Bản thấy thái độ và quyết tâm của mình. Đồng thời, cũng là để cho phía Nhật Bản biết rằng bất cứ ai dám thách thức kế hoạch giữ gìn trật tự thế giới sau chiến tranh và xâm phạm đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nước đó sẽ trở thành kẻ thù và cần phải chuẩn bị tâm lý đề phòng Trung Quốc phản công".
Các nguyên nhân khác dẫn đến phê duyệt diễu hành bao gồm việc phô bày sức mạnh quân sự và củng cố niềm tự hào của người dân Trung Quốc. Bài viết trên đã không thông báo ngày giờ cụ thể nhưng cho biết sự kiện sẽ không được tổ chức vào ngày Quốc khánh. Vào ngày hôm qua, một số hãng thông tấn Trung Quốc đã xác nhận tin tức của Nhân dân Nhật báo là có thật.
Tình hình tranh chấp lãnh thổ và lịch sử tại các hòn đảo không người ở trong vùng biển Hoa Đông Trung Quốc giữa Bắc Kinh và Tokyo đang ngày càng trở nên căng thẳng. Tháng 12 năm 2013, chính quyền Bắc Kinh đã “nổi giận” sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe viếng thăm đền thờ Yasukuni ở Tokyo để tưởng nhớ đến các binh sĩ Nhật Bản tử trận trong Thế chiến 2.
Hai bên đã có những bước tiến để làm giảm mối quan hệ căng thẳng, thông qua một thỏa thuận vào tháng 11 mở đường cho cuộc họp song phương chính thức đầu tiên giữa Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề diễn đàn các nhà lãnh đạo APEC châu Á-Thái Bình Dương tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, cuộc gặp mặt đã diễn ra trong bầu không khí “lạnh nhạt”.
Những ký ức về chiến tranh do Nhật Bản gây ra được Bắc Kinh sử dụng như một công cụ quan trọng để củng cố tình cảm dân tộc và làm tiêu tan bất kỳ sự bất mãn nào với chế độ cai trị của Đảng Cộng sản nước này. Mặt khác, Trung Quốc vẫn còn đề cao cảnh giác với các động thái của Tokyo và thường xuyên “nhắc nhở” đất nước láng giềng phải đối diện với sự thật lịch sử của chiến tranh và không được phép tái diễn chúng.
Cái chết của quốc vương Abdullah xảy ra vào một thời điểm khá nhạy cảm khi Ả Rập Saudi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Cái chết của Quốc vương Abdullah khi vừa được loan tin như một cơn gió rúng động thị trường dầu khí thế giới, nhất là trong chu kỳ giảm giá liên lục từ mấy tháng trở về đây. Nhưng có lẽ đó chỉ là cơn gió thoảng, vì ngoài những sắp xếp nhân sự cấp cao, thì tác động ra bên ngoài của sự kiện này vẫn chưa rõ nét.
Đến thời điểm này, bức tranh đang hiện hình với một đường thẳng – sự tiếp nối chính sách dầu khí không thay đổi của Ả Rập Saudi và một đường ngang – mức trần giá dầu, sẽ không có nhiều tăng đột biến.
Khó khăn vây bủa
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Quốc vương Ả Rập Saudi, Tân vương Salman khẳng định sẽ không có sự thay đổi lớn nào về chính sách, kể cả chính sách dầu khí. Ông tuyên bố: “Chúng ta sẽ tiếp tục những chính sách đúng đắn mà Ả Rập Saudi đã theo đuổi từ khi được thành lập đến nay”.
Là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, Ả Rập Saudi còn nổi tiếng là một đất nước bảo thủ. Tuy nhiên, việc ông Salman duy trì những chính sách của anh trai Abdullah không chỉ được xem là hành động truyền thống, mà còn là giải pháp an toàn trong ngắn hạn, xuất phát từ lý do sức khỏe, vị thế quốc gia và những khó khăn đang tăng dần.
Sau sự ra đi của Quốc vương Abdullah, Hoàng tử Salman được chỉ định là người kế vị ngai vàng ở tuổi 79. Tuy nhiên, cũng giống như người anh trai, tình trạng sức khỏe của Tân vương Salman đang trong tình trạng không ổn định. Đã có nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông xuất hiện từ nhiều năm trước.
Cái chết của quốc vương Abdullah xảy ra vào một thời điểm khá nhạy cảm khi Ả Rập Saudi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, cả đối nội lẫn đối ngoại. Từ việc giá dầu trong nước sụt giảm, sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, đến việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Tân vương Salman cũng sẽ phải giải quyết bài toán Yemen khi chính phủ, vốn được Saudi hậu thuẫn, đang có nguy cơ bị lật đổ hoàn toàn bởi phiến quân Houthi được Iran hỗ trợ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, một quan chức Saudi thừa nhận Riyadh xem Yemen là “một mối đe dọa hiện hữu” ở tương lai. Quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Mỹ trong một vài năm gần đây cũng trở nên căng thẳng do những bất đồng xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran.
Ả Rập Saudi cũng tiếp tục bị các quốc gia khác cạnh tranh vị trí nước có vai trò lãnh đạo khu vực. Chủ nghĩa thực dụng và nền kinh tế năng động đang giúp Qatar trở thành một nhân tố đáng gờm và có khả năng đánh bại Ả Rập Saudi, trở thành nước đứng đầu khu vực.
Vào thời điểm hiện tại, sản lượng khai thác dầu của Ả Rập Saudi đang ở mức 6 triệu thùng/ngày, đủ khả năng đáp ứng 11% nhu cầu của toàn thế giới. Tuy nhiên, việc ông Salman quyết định giữ nguyên chính sách dầu mỏ là bước đi củng cố vị trí của Ả Rập Saudi trên thị trường thế giới. Ả Rập Saudi hoàn toàn có thể sử dụng “con bài” OPEC để chi phối giá dầu thế giới như từng làm nhiều lần trước đó.
Nhưng ở bối cảnh hiện tại, sử dụng OPEC sẽ dẫn đến một kết quả khác. Ả Rập Saudi đang vấp phải sự cạnh tranh với nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, kể cả trong nội bộ OPEC. Thêm vào đó, Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, cũng đang dần giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung Trung Đông. Sự thành công của ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến cho phép Mỹ tự chủ hơn trong các vấn đề có liên quan đến Ả Rập Saudi.
Ẩn số giá dầu
Việc ông Abdullah qua đời sẽ làm thay đổi giá dầu như thế nào? Cuối tuần qua, giá dầu thế giới tăng lên, nhưng ở mức vừa phải và chỉ trong thời gian ngắn. Tại Mỹ, giá dầu thô tăng nhẹ khoảng 1,9%, lên mức 47,19 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô Brent tăng 2,1% lên 49,58 USD/thùng. Có lẽ, “thị trường hàng hóa có thể phản ứng theo cách tự nhiên của nó nhưng sẽ sớm ổn định”, theo Larry Goldstein – một cố vấn chuyên về dầu hỏa kì cựu tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Năng lượng.
Giá dầu bắt đầu trượt dài kể từ tháng 6 năm ngoái và sẽ không có dấu hiệu tăng nóng trừ khi Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng hoặc nhu cầu về dầu tăng mạnh. Nước này cũng là nhà sản xuất dầu duy nhất đủ khả năng tăng hoặc giảm sản lượng để đáp ứng với điều kiện thay đổi của thị trường. Theo một số nhà phân tích, nhiều khả năng Ả Rập Saudi sẽ không cắt giảm sản lượng, nhằm duy trì thị phần. Do vậy, nguồn cung dầu vẫn đang “tràn ngập” trên thị trường thế giới.
Những dự đoán này phần nào được củng cố bởi các tuyên bố vừa qua của ông Salman. Hôm thứ 6 vừa rồi, Quốc vương Salman đã trấn an thị trường năng lượng thế giới bằng tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu giữ nguyên sản lượng khai thác ở mức cao. Tuy nhiên, việc giá dầu liên tục trượt dài trong nhiều tháng vừa qua, cùng những áp lực tài chính nội bộ là hai thách thức lớn cho Ả Rập Saudi và tân quốc vương.
Cách đây hai tuần, khi còn trên cương vị Hoàng Thái tử, ông Salman đã có một bài phát biểu thay cho anh trai mình. Khi đó, ông đã đổ lỗi cho sự tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế thế giới là nguyên nhân khiến giá dầu suy giảm. Ông cũng khẳng định vẫn sẽ giữ nguyên vị trí các thành viên trong nội các, bao gồm cả Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Naimi.
Ông Naimi được đánh giá là người biết kết hợp kinh tế và chính trị, tổng công trình sư các chiến lược gần đây của Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, ông này đã thể hiện việc mong muốn được nghỉ hưu. Về ngắn hạn, ông Naimi có thể sẽ tiếp tục ở lại cùng Quốc vương Salman, giúp Ả Rập Saudi giữ vững vị trí của mình như hiện nay.
Sự không ổn định của giá dầu có thể sẽ làm phức tạp những dự định của Ả Rập Saudi. Nếu giá dầu tiếp tục giảm trong một năm tới hoặc lâu hơn, các thành viên OPEC sẽ phải đối mặt với việc thắt chặt chi tiêu. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh sẽ mất khoảng 300 tỷ USD do giá dầu sụt giảm trong năm nay.
-------------------------