Làm ăn thua lỗ, không có tiền để trả chi phí neo đậu, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT cho phép bán ụ nổi 83M để giải quyết nợ nần.
Ông Lê Triêu Thanh, Phó Tổng Giám đốc Vinalines cho biết, hiện ụ nổi 83M đang neo đậu tại Cảng Gò Đầu, tỉnh Đồng Nai trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đã bị Đăng kiểm rút giấy phép từ tháng 1/2011. Đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ tháng 6-2011.
Theo Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vianlines (VNLSY), để ụ nổi đủ điều kiện khai thác thì phải tiếp tục sửa chữa với chi phí khoảng 50 tỷ đồng. Cùng đó, đến hết ngày 31/12/2014, nợ phải trả của VNLSY là hơn 58 tỷ đồng.
Trong năm 2014, Vinalines đã từng 2 lần kiến nghị được bán ụ nổi, song chưa được chấp nhận. Vinalines đề nghị Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho phép Vianlines được nhượng bán, thanh lý ụ nổi 83M nhằm thu hồi vốn đầu tư, giảm thiểu chi phí phát sinh do tiếp tục neo đậu và phòng tránh rủi ro tiềm ẩn do ụ nổi gây ra.
Ụ nổi 83M được Vinalines mua với giá 9 triệu USD, sau khi thuê vận chuyển về Việt Nam cùng với kinh phí sửa chữa đã đội lên 20 triệu USD. Theo VNLSY, mỗi tháng, ụ nổi 83M tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng. Trước đó, một trong những phương án được Vinalines đưa ra là bán sắt vụn ụ nổi 83M.
Chiều 27/1, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã thông tin liên quan đến kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng đối với một số dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT, do công trình xây dựng cầu vượt kết cấu thép lắp ghép lần đầu được triển khai tại Việt Nam nên nhiều hạng mục chưa có trong định mức dự toán xây dựng công trình.
Khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, Sở GTVT đã vận dụng một số định mức có tính chất tương tự để duyệt giá trị cho mộåt số hạng mục công việc bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế cũng như biện pháp tổ chức thi công.
Để phục vụ cho công tác thanh, quyết toán, liên ngành Sở Xây dựng, GTVT, Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội đã lập, xây dựng các định mức mới cho một số hạng mục công việc. “Các định mức này hiện nay đã được UBND TP phê duyệt, cho phép áp dụng phù hợp với thực tế thi công tại hiện trường. Sở GTVT sẽ nghiệm thu, quyết toán theo đúng kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng nên không thể coi đó là sai phạm và thất thoát được" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Đối với kết luận về việc “bóc tách khối lượng còn thiếu chính xác khi lập, thẩm định và phê duyệt dự toán”, ông Tuấn lý giải nguyên nhân khách quan do công trình phải triển khai gấp rút, vừa thiết kế vừa thi công nên “không tránh khỏi thiếu sót”. Mặt khác, theo ông Tuấn, các công trình này đều được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu, BQL dự án, tư vấn giám sát đã nghiệm thu theo đúng khối lượng thực tế. Khi quyết toán công trình sẽ xử lý tất cả các tồn tại ở khâu dự toán mà Thanh tra Bộ đã chỉ ra nên “chưa gây thất thoát”.
Trước đó, thanh tra Bộ Xây dựng đã đồng ý với kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng với một số dự án đầu tư xây dựng của Sở GTVT Hà Nội…
Theo kết luận này, các công trình trên có những sai sót như: lập dự toán một số công tác thi công chưa căn cứ vào thành phần, nội dung, tính chất công việc thi công và biện pháp thi công được duyệt để vận dụng định mức cho phù hợp. Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận, do tính sai tăng khối lượng, áp sai đơn giá, định mức và một số nguyên nhân khác, dẫn đến làm tăng giá gói thầu tại các dự án thanh tra lên trên 11,04 tỷ đồng.
--------------------------
Chưa quyết định việc bắn pháo hoa khu vực cầu Nhật Tân
Chiều 27/1, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội (VH,TT&DL) - ông Tô Văn Động đã khẳng định, Sở VH,TT&DL mới xin chủ trương xây dựng đề án bắn pháo hoa tại khu vực cầu Nhật Tân và ý tưởng này chưa được cấp nào phê duyệt.
UBND TP Hà Nội đã nhận được văn bản xin chủ trương và giao cho Sở Xây dựng đề án. “Chúng tôi sẽ xây dựng đề án này cùng với việc lắng nghe ý kiến của liên ngành. Còn cá nhân tôi, chưa ký đề án vì vẫn đang xin ý kiến lãnh đạo TP", ông Tô Văn Động cho biết.
Giải thích lý do lựa chọn khu vực cầu Nhật Tân để bắn pháo hoa, ông Động cho rằng, đây là khu vực có bãi cát dưới lòng sông Hồng và Hà Nội cũng mong muốn biến hoạt động này thành địa điểm du lịch, thành sản phẩm du lịch. Sau khi bắn thí điểm, nếu hoạt động này hiệu quả thì sẽ tiếp tục làm, còn không tốt thì dừng. Kinh phí cho hoạt động này là 100% xã hội hóa và đã có 3 đơn vị doanh nghiệp đăng ký với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng.
Ông Động cũng khẳng định, trong Tết âm lịch sắp tới, Hà Nội mới chỉ bắn pháo hoa tại 30 điểm như dự định trước đó, chứ không phải là 31 điểm như báo chí nêu.
-------------------------
Bệnh viện tư thiếu bác sĩ giỏi nên bệnh nhân chưa tin
Bộ Y tế nhận định, vẫn còn nhiều bệnh viện thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao nên chưa thu hút được người bệnh.
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 170 bệnh viện tư nhân với 9.501 giường bệnh, chiếm 11% tổng số các bệnh viện trong cả nước. Trong đó có 6 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế.
Hiện tỷ lệ giường bệnh viện tư nhân khoảng 4% tổng số giường bệnh, đạt khoảng 1 giường bệnh/vạn dân.
Bên cạnh nhiều bệnh viện tư có cơ sở khang trang, trang thiết bị hiện đại, đã ứng dụng được các kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị, cung cấp nhiều dịch vụ có chất lượng cho nhân dân, vẫn còn nhiều bệnh viện thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao nên chưa thu hút được người bệnh.
Cụ thể, theo báo cáo của 106 bệnh viện tư, chỉ có 5% số bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh trên 100%, 17,4% có công suất từ 85% đến dưới 100%, 21,6% có công suất từ 60% đến dưới 85%, còn lại có đến 56% bệnh viện có công suất chỉ từ 20-60%.
-----------------------
Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho hay, Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, không gian và dân số tại các đô thị tăng nhanh. Nhiều đô thị được mở rộng, các thành phố đang trở nên đông đúc hơn.
Ngày 26/1, Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo “Thay đổi cảnh quan đô thị Đông Á: Đánh giá một thập kỷ phát triển không gian”.
Báo cáo cho thấy, Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, không gian và dân số tại các đô thị tăng nhanh. Nhiều đô thị được mở rộng, các thành phố đang trở nên đông đúc hơn.
Cảnh quan đô thị ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh hơn nhiều so với tất cả các thành phố khác. Hai thành phố này mở rộng thêm rất nhiều nhưng vẫn còn rất chật chội.
Báo cáo cho biết, trong thập kỷ 2000-2010, Việt Nam từ vị trí có diện tích đất đô thị lớn thứ 7 trong năm 2000 (2.200 km2) lên vị trí thứ năm trong năm 2010 (2.900 km2) trong hệ thống phân cấp đô thị vượt qua cả Thái Lan và Hàn Quốc.
Về không gian, các khu đô thị của Việt Nam tăng 2,8% hàng năm, nằm trong số các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất khu vực.
Việt Nam có dân số đô thị lớn thứ sáu trong khu vực Đông Á. Trong giai đoạn 2000 với 2010, dân số đô thị tăng 7,5 triệu người.
Trong giai đoạn này, dân số đô thị của Việt Nam thay đổi từ 19% lên 26%. Việt Nam không có các thành phố cực lớn với 10 triệu người hoặc hơn nhưng các khu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (7,8 triệu người) và Hà Nội (5,6 triệu người) nằm trong số các thành phố lớn nhất trong khu vực. Hai thành phố này chi phối cảnh quan đô thị của cả quốc gia.
Báo cáo chỉ ra rằng, trong quá trình mở rộng đô thị ở Việt Nam, tốc độ đô thị tăng nhanh khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tốc độ mở rộng của hai thành phố này lần lượt là 3,8% và 4% hàng năm lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng các khu đô thị của các nước khác trong khu vực trừ Trung Quốc.
----------------------------