Đáp lại đề nghị của đại biểu Quốc hội về việc xác định thông điệp và giải pháp điều hành cho năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (đại biểu tỉnh Vĩnh Long). Đại biểu đặt vấn đề, trong thời gian giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng đã phát biểu: “Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng... nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Đại biểu Thắng bày tỏ, bản thân ông, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước rất ấn tượng và đồng cảm với phát biểu này của Thủ tướng.
Mở rộng vấn đề, ông Thắng viết: “Trong bối cảnh chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ năm 2015, để kết thúc thắng lợi nhiệm vụ 5 năm 2011-2015 cần khắc phục những tồn tại, thách thức nội tại, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền, độc lập, tự chủ của đất nước, nếu Thủ tướng có một thông điệp muốn gửi tới Quốc hội và nhân dân cả nước, thì thông điệp đó là gì cùng với những giải pháp đột phá nào?”.
Văn bản trả lời chất vấn của Thủ tướng gửi tới đại biểu Phạm Tất Thắng nêu rõ, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 là: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014.
Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Quốc hội cũng đã thông qua chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Thủ tướng nhấn mạnh, 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 12.
“Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm; kinh tế xã hội nước ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức; đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hành động quyết liệt, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức để phát triển nhanh và bền vững” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Nghị quyết tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội...
Văn bản trả lời chất vấn của Thủ tướng cũng nhắc lại nhận định, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2015 là rất nặng nề.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả cao các giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 đã được Quốc hội thông qua và đạt mức cao nhất kế hoạch 5 năm 2011-2015.
-----------------------
Tưng bừng khai Hội báo Xuân toàn quốc Ất Mùi 2015
Sáng nay (7/2), tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) diễn ra lễ khai mạc Hội báo Xuân toàn quốc Ất Mùi 2015, với 120 gian hàng trưng bày của 65 đơn vị báo chí Trung ương và địa phương.
Từ sáng sớm, Trung tâm Triển lãm Giảng Võ đã chật kín người đến tham dự lễ khai Hội báo Xuân toàn quốc Ất Mùi 2015. Trong đó, gian báo xuân Dân trí nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc.
Tham gia Hội báo Xuân có 65 đơn vị báo chí, tổ chức Hội ở Trung ương và địa phương, với 120 gian trưng bày các sản phẩm báo Xuân, báo Tết truyền thống, bức tranh tổng thể của báo chí cách mạng, tổng kết thành tựu một năm xây dựng, phát triển của đất nước và bảo vệ Tổ quốc, những hoạch định tương lai hướng tới giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Hội báo Xuân toàn quốc năm nay diễn ra trong không khí cả nước sôi nổi thi đua chào mừng 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại hội báo Xuân còn diễn ra các cuộc hội thảo, tọa đàm về báo chí, truyền thông và doanh nghiệp, các cuộc giao lưu báo chí với công chúng, các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật... phục vụ nhân dân đến thăm, vui đón Tết.
Ban tổ chức sẽ chấm và trao giải thưởng cho các đơn vị có gian trưng bày đẹp, bìa báo, tạp chí Xuân Ất Mùi trình bày đẹp.
-----------------------
Gần 400ha rừng trúc trên núi Phan Si Păng đang chết khô
Theo thông tin từ Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), hiện nay trên đường leo núi Phan Si Păng trên dãy Hoàng Liên có 379 héc ta rừng trúc đang bị chết khô, trong đó có 250 héc ta nằm trên độ cao 2.800 mét có nguy cơ cháy rất cao.
Trong một cuộc họp triển khai công tác của cơ quan gần đây, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên bày tỏ lo lắng sau khi ông cùng đoàn cán bộ của tỉnh đi kiểm tra thực địa và phát hiện một diện tích đáng kể rừng trúc khu vực gần đỉnh núi Phan Si Păng đang bị chết khô mà người dân thường gọi là trúc khuy.
Diện tích rừng chết khô nếu gặp mồi lửa sẽ gây cháy rừng dữ dội. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây cháy rừng Hoàng Liên bất cứ lúc nào, đe dọa toàn bộ vùng lõi của vườn quốc gia Hoàng Liên là nơi có nhiều loài động thực vật quý hiếm phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Công tác phòng chống cháy rừng hiện nay của Vườn quốc gia Hoàng Liên đang được đặt lên hàng đầu, đặc biệt vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, khi có đông du khách leo núi chinh phục đỉnh Phan Si Păng.
Theo các nhà bảo vệ thực vật, hiện tượng trúc khuy (trúc tự chết cả khóm) là thời kỳ cây trúc ra hoa kết thúc một chu kỳ sinh trưởng. Những nơi có điều kiện, khi trúc khuy người ta thường chặt bỏ cây, đào rễ gốc, khử vôi bột và trồng thay thế cây mới.
Tuy nhiên việc làm này là bất khả kháng đối với diện tích hàng trăm héc ta trúc khuy ở núi Phan Si Păng do địa hình khó khăn, hiểm trở và nguồn tài chính không có; vì thế phải trông chờ vào sự tự phục hồi của rừng trúc này sau nhiều năm nữa.
Từ độ cao 2.200 mét trở lên đỉnh núi Phan Si Păng, ngút ngàn rừng trúc lùn quét trần và trúc cần câu tạo nên phong cảnh ngoạn mục nên thơ.
----------------------
Việt Nam là mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu thế giới
“Chính phủ và doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh. Chuẩn bị sẵn sàng về nội bộ và nội lực để cùng đi vào Cộng đồng ASEAN… Trong năm 2015 này, đây là yêu cầu hết sức cấp bách”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Ngày 6/2, UBND TPHCM phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm “Hội nhập quốc tế - một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ: “Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra đường lối đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới; trong đó chủ trương quan trọng có ý nghĩa đột phá là chuyển từ “chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”, sang chủ trương “triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.
Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, hội nhập quốc tế được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, song tựu chung lại có 4 lĩnh vực quan trọng nhất là kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và các lĩnh vực khác. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, là nội dung chính và quan trọng nhất của tiến trình hội nhập. Đây là quá trình thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hội nhập kinh tế quốc tế ở cấp độ cao hơn, phù hợp với khả năng của đất nước và xu hướng phát triển của kinh tế khu vực và thế giới.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ưu tiên đối ngoại hàng đầu của nước ta là chủ động, tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN – là không gian tồn tại và phát triển của chúng ta; củng cố đoàn kết, duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN trong các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực. Việt Nam hiện là nước đi đầu trong việc triển khai các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN, đạt tỷ lệ 85% so với tỷ lệ trung bình của ASEAN là hơn 80%.
Hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, là công cụ quan trọng đẩy mạnh thu hút FDI, ODA, tăng cường xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, độ mở cửa của nền kinh tế nước ta đã rất lớn, với kim ngạch xuất nhập - khẩu lên đến 160% GDP. Việt Nam đã kết thúc đàm phán 2 trong 6 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, then chốt (với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu gồm Nga – Belarus – Kazakhstan), đặt những viên gạch đầu tiên trong việc định vị Việt Nam là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu trên thế giới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, năm 2015 có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta, với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2011-2015), tiếp tục triển khai mạnh mẽ hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương. Nổi bật là nước ta chủ động tham gia đóng góp tại các cơ chế hợp tác, liên kết trên mọi tầng nấc, với trọng tâm là hình thành Cộng đồng ASEAN, nỗ lực hoàn tất các đàm phán thương mại tự do then chốt TPP, EU, RCEP, hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ MDG do Liên hợp quốc đề ra và xây dựng chương trình nghị sự hậu MDG… Điều này đặt ra cho nước ta nhiều thời cơ, vận hội mới nhưng cũng không ít thách thức cần vượt qua, trong đó có nhiều vấn đề rất mới và chưa có tiền lệ.
“Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện sức cạnh tranh kinh tế. Điều này đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh. Chuẩn bị sẵn sàng về nội bộ và nội lực để cùng đi vào Cộng đồng ASEAN. Phải gấp rút chuẩn bị cho việc tham gia một thị trường ASEAN duy nhất và không gian thống nhất, trước hết là với việc giảm thuế quan, thuận lợi hóa tối đa lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… Trong năm 2015 này, đây là yêu cầu hết sức cấp bách”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
TPHCM luôn là đầu tàu của cả nước trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế. Vì vậy, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu TPHCM và doanh nghiệp trên địa bàn phải là những người đầu tiên nắm bắt được những cơ hội do tiến trình hội nhập quốc tế đem lại, cũng cần là những người đầu tiên biết cách vượt qua những khó khăn, thách thức mà chúng ta sẽ gặp phải khi tham gia sâu rộng vào sân chơi khu vực và toàn cầu.
--------------------------