Hãng tin Yonhap ngày 6/2 cho biết Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae đã hé lộ về khả năng nước này sẵn sàng để bãi bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên (thường được gọi là biện pháp 24/5) nếu như Triều Tiên đáp ứng một số điều kiện thông qua đối thoại.
Theo hãng tin trên, phát biểu cùng ngày tại một diễn đàn ở Seoul, ông Ryoo Kihl-jae cho biết chính phủ Hàn Quốc “đã hoàn tất các nghiên cứu có liên quan” đến nội dung trên.
Ông Ryoo Kihl-jae nói: “Một khi các cuộc đàm phán diễn ra giữa hai miền Nam Bắc, tôi tin rằng đó sẽ là cơ hội để bãi bỏ ệnh trừng phạt kinh tế 24/5." Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận chính phủ Hàn Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng tăng về việc bãi bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng.
Cũng theo Bộ trưởng Ryoo Kihl-jae, nhân kỷ niệm 70 năm bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật Bản, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch cho phép tiến hành các hoạt động trao đổi về văn hóa, xã hội và tôn giáo với Triều Tiên trong năm nay.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế 24/5 được Hàn Quốc áp dụng sau vụ tàu chiến Cheonan của nước này bị chìm vào năm 2010, làm 46 thủy thủ thiệt mạng, trong đó Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đứng đằng sau vụ việc trên, tuy nhiên Bình Nhưỡng luôn phủ nhận có liên quan đến vụ việc.
Theo lệnh trừng phạt trên, Seoul đã ngừng tất cả các hoạt động hợp tác kinh tế liên Triều, ngoại trừ hoạt động tại Khu công nghiệp chung Keasong nằm trên lãnh thổ Triều Tiên gần đường biên giới liên Triều.
Triều Tiên từng nhiều lần đề nghị Hàn Quốc bãi bỏ lệnh trừng phạt trên, tuy nhiên Seoul cho rằng trước hết Bình Nhưỡng phải nhận trách nhiệm và đưa ra lời xin lỗi chính thức về vụ tàu Cheonan.
Vào cuối tháng Một vừa qua, Triều Tiên cũng đã đề nghị Hàn Quốc bãi bỏ lệnh trừng phạt trên, coi đó là điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán cấp cao liên Triều, bao gồm cả việc tổ chức các cuộc đoàn tụ cho những gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, theo đề nghị trước đó của Hàn Quốc, tuy nhiên Seoul đã bác bỏ đề nghị trên và cho rằng Bình Nhưỡng không nên gắn vấn đề mang tính nhân đạo với việc nối lại đàm phán liên Triều./.
Một chỉ huy hải quân Philippines cho biết, TQ đã tiến hành nạo vét quanh bãi ngầm Mischief (Đá Vành Khăn) ở Biển Đông. Theo vị chỉ huy này, đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị mở rộng các hoạt động ở khu vực.
Chuẩn đô đốc Alexander Lopez, chỉ huy quân khu miền tây của Philippines nói với báo giới hôm qua rằng, một tàu nạo vét của TQ đã xuất hiện ở bãi ngầm Mischief Reef, cách đông nam đảo Palawan 135km. “Chúng tôi không rõ họ định làm gì ở Mischief”, ông nói. “Từ lâu họ đã làm việc này, nhưng mọi chú ý dồn vào bãi Chữ Thập vì quy mô lớn hơn”.
Tuần báo quốc phòng Mỹ IHS Jane’s hồi tháng 11 đăng tải các hình ảnh cho thấy, TQ làm đảo nhân tạo ở bãi Chữ Thập có chiều dài ít nhất là 3.000m, chiều rộng 200-300m.
Ông Lopez không nói về thời điểm khi nào TQ bắt đầu công việc nạo vét, hay chi tiết gì về hoạt động cải tạo ở bãi Mischief. Ông chỉ nói công việc là “đáng kể”. Trong khi đó, hãng Reuters đưa ra các hình ảnh cho thấy, có hai cấu trúc gồm một tòa nhà 3 tầng được dựng lên ở bãi ngầm, trang bị các tua bin gió và tấm pin năng lượng mặt trời.
TQ chiếm giữ bãi ngầm Mischief năm 1995, sau đó xây dựng một số nơi trú ẩn tạm thời mà Bắc Kinh nói là dành cho ngư dân trong mùa mưa. Nhưng rồi TQ đã xây dựng một đơn vị đồn trú ở đây, thậm chí còn triển khai cả tàu khu trục, tàu phòng vệ bờ biển.
Lãnh đạo TQ luôn cố trấn an các nước Đông Nam Á về các tham vọng khu vực của mình nhưng hoạt động cải tạo đảo của Bắc Kinh tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông lại chứng minh điều ngược lại.
TQ đã tiến hành hoạt động cải tạo trên 6 bãi ngầm mà họ chiếm giữ trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Các hình ảnh giám sát không gian cho thấy, các bãi ngầm dần trở thành đảo nhân tạo lớn. Reuters năm ngoái có các hình ảnh trên đảo loại này có cả đường băng và bến cảng.
Cũng trong hôm qua, Philippines đã cáo buộc tàu TQ đâm vào các tàu cá của Philippines ở vùng bãi ngầm đang có tranh chấp trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines đã 2 lần gửi phản đối về vụ việc xảy ra hôm 29/1 tại bãi cạn Scarborough cũng như việc các ngư dân TQ bắt các con trai sò cỡ đại, vốn đang bị đe dọa tuyệt chủng, ở cùng khu vực trước đó một tuần.
Theo Philippines, ba tàu cá có treo cờ nước này đã bị một tàu mang số hiệu tàu tuần duyên TQ "cố tình đâm vào", khiến hỏng tàu và đe dọa tính mạng các thủy thủ.
---------------------
Châu Âu ra “tối hậu thư” cho Hy Lạp
Ngân hàng trung ương châu Âu đêm 4/2 quyết định tạm ngưng các kênh tín dụng ưu đãi cho các Ngân hàng Hy Lạp là đòn cảnh cáo chính phủ mới của nước này.
Về mặt kỹ thuật, quyết định này đồng nghĩa với việc các ngân hàng Hy Lạp sẽ không còn được vay tiền với lãi suất thấp hơn thông lệ như trước đây và nếu có rủi ro sụp đổ thì các ngân hàng Hy Lạp sẽ phải gánh chịu toàn bộ chứ không còn nhận được sự bảo trợ như trước của ECB.
Về mặt chính trị, đây là một thông điệp rõ ràng và cứng rắn của ECB, một nhân tố quan trọng trong bộ ba troika (ECB, IMF, EU) về việc Hy Lạp phải tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ đã cam kết về thực hiện cải cách để đổi lấy các gói cứu trợ của nhóm. Tân Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, thủ lĩnh Đảng thiên tả Syriza, giờ đây phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: hoặc nhanh chóng chấp nhận ngồi vào đàm phán với các chủ nợ châu Âu theo cách châu Âu mong muốn, hoặc chấp nhận rủi ro vỡ nợ, đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung euro.
Với châu Âu, đặc biệt là nhóm troika, ưu tiên hàng đầu hiện tại là nhanh chóng khóa sổ gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp trị giá 130 tỷ euro. Gói này đã được giải ngân từ năm 2012 và chỉ còn một phần trị giá 3,6 tỷ euro chưa được chuyển cho Hy Lạp. Nếu Hy Lạp không chấp nhận tiến hành tiếp các cải cách đã cam kết với troika, số tiền 3,6 tỷ euro này sẽ lập tức bị đóng băng.
Sau những gì diễn ra trên chính trường Hy Lạp gần đây, quan điểm của nhóm chủ nợ là rất rõ ràng: sẽ không có chuyện xóa nợ cho Hy Lạp, dù chỉ một phần. Đó được xem là lằn ranh đỏ không thể vượt qua bởi nếu Hy Lạp được xóa nợ, nguy cơ lớn tiếp theo là các nước như Bồ Đào Nha hay Ireland sẽ lập tức đòi được đối xử tương tự. Cũng sẽ không có chuyện Hy Lạp được vay tiền mà không chịu sự giám sát. Nhóm troika hoặc một cơ chế khác sẽ theo dõi sát sao các hành động của chính phủ Hy Lạp để đảm bảo nước này có đủ khả năng hoàn trả các khoản nợ.
Những nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Âu, từ Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Hollande và Chủ tịch ECB MarioDraghi đều không có ý nhượng bộ tân chính phủ Hy Lạp, bất chấp Thủ tướng Alexis Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đang cấp tập công du các nước thành viên EU để vận động cho việc thay đổi tái đàm phán các khoản nợ của Hy Lạp.
Đối mặt với sự cứng rắn này, tân chính phủ Hy Lạp đã không còn giữ được quyết tâm mà họ luôn hô hào khi tranh cử. Phát biểu trước báo chí tại Paris hôm 4/2 sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Pháp, ông Alexis Tsipras đã phải hạ giọng khi tuyên bố: “Chúng tôi phải tiến hành cải cách để Hy Lạp trở nên đáng tin cậy hơn”. Những đòi hỏi mà Đảng Syriza đưa ra khi tranh cử gần như khó có thể thực hiện. Sẽ không có chuyện đòi xóa nợ, dù chỉ một phần, của khoản nợ 320 tỷ euro và cũng không có chuyện chính phủ Hy Lạp được đơn phương tuyên bố chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng nếu không có sự đồng ý của troika. Lựa chọn của chính phủ Hy Lạp bây giờ chỉ có một: ngồi vào bàn đàm phán.
Nhưng, đâu là các kịch bản có thể đến trong những ngày tới sau các cuộc đàm phán? Giới phân tích đang nghiêng về khả năng có một “sự kéo dài kỹ thuật”, theo đó gói cứu trợ sẽ được kéo dài thêm 5-6 tháng nữa thay vì kết thúc vào ngày 28/2 tới theo dự kiến. Khoảng thời gian này sẽ giúp cho chính phủ Hy Lạp cũng như các chủ nợ vạch ra một lộ trình thích hợp cho việc thực hiện cải cách phù hợp với lợi ích của tất cả các bên. Trên thực tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng dù cứng rắn nhưng nhóm troika cũng hiểu rằng cần phải nới lỏng các khoản nợ hiện nay của Hy Lạp nếu muốn nước này tìm lại được đà tăng trưởng. Điều này cũng được các nhà lãnh đạo châu Âu nhiều lần tuyên bố, rằng họ sẵn sàng gia hạn các khoản nợ cũng như tính lại lãi suất cho Hy Lạp.
Thách thức lớn nhất, giờ đây, nằm ở phía chính phủ Hy Lạp. Hoặc họ chấp nhận các điều khoản mới theo luật chơi của châu Âu, tức tiếp tục nhận các gói cứu trợ và thực hiện các cải cách khắc khổ, hoặc chấp nhận vỡ nợ và rời khỏi châu Âu. Về mặt chính trị, đó đều là các quyết định khó khăn. Đảng Syriza của ông Alexis Tsipras lên nắm quyền vì hứa sẽ chấm dứt các chính sách khắc khổ vốn khiến cuộc sống của người dân Hy Lạp vô cùng chật vật trong vài năm qua nên sẽ rất rủi ro cho chính phủ mới nếu nuốt lời với các cử tri.
Những khó khăn lớn nhất với tân chính phủ Hy Lạp giờ mới bắt đầu./.