Trong đêm Valentine, Cường quì gối, tặng nhẫn và hứa hẹn suốt đời sẽ yêu thương chị cũng như người thân của chị. Nhưng, cũng đêm đó, chị dắt xe để đi chơi với người yêu mới...
Mối tình "em yêu chị"
Trái với cảnh gia đình bị hại chửi mắng, xem gia đình bị cáo là “phe địch”, phiên tòa hôm ấy, chúng tôi thật bất ngờ, bởi mẹ và bà ngoại của nạn nhân bị sát hại lại nắm tay đi cùng với gia đình hung thủ. Thậm chí, họ cố gắng xin giảm án và dành nhiều lời tốt đẹp cho bị cáo.
Ngồi ở hàng ghế đầu tiên, bà Nguyễn Ngọc Ánh rấm rứt cho hay, mình sinh được hai đứa con gái. Cô con gái đầu có chồng và sinh được một đứa con. Vài năm trước, bà chết lặng khi nhận được thông tin con gái đầu tử vong trong một vụ tai nạn giao thông. Từ đó, bà đón cháu về nuôi nấng.
Cường buồn bã trong suốt phiên tòa
Đứa con út của bà tên là Nguyễn Thị Nhi (28 tuổi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Chị Nhi thấy gia đình khó khăn nên xin mẹ lên thành phố Tây Ninh đi làm. Chị biết, quán karaoke rất phức tạp nhưng vì cơm áo gạo tiền nên vẫn chấp nhận làm tiếp viên. Chị luôn cố gắng giữ thân, tránh xa những lời mời khiếm nhã.
Trong khoảng thời gian làm tiếp viên quán karaoke chị Nhi gặp Phan Châu Cường (24 tuổi, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Chị xót lòng, đồng cảm khi biết gã cũng là con nhà nghèo vì mưu sinh nên phải lên thành thị làm lát la phông. Gã tâm sự niềm mong ước lớn nhất là có một mái ấm hạnh phúc.
Sau một vài lần cùng uống cà phê, dù biết chị Nhi lớn hơn 4 tuổi nhưng Cường vẫn dành tình cảm đặc biệt. Khi gã ngỏ lời, chị ngượng ngùng cho hay có tình ý từ lâu nhưng vì lớn hơn nên còn dằn lòng. Bén duyên, họ quyết định thuê một phòng trọ để sống chung như vợ chồng.
Khi biết tình cảm của họ, cả hai bên gia đình đều không đồng ý. Tuy nhiên, họ quyết định vượt lên mọi định kiến, ngăn trở. Mỗi lần về nhà bạn gái, Cường đều dành các công việc nặng nhọc để làm. Gã lợp lại mái nhà bị dột, sửa lại bức tường bị nứt…
Bên cạnh đó, gã quan tâm cả mẹ và bà ngoại của người yêu. Đôi lần, gã tâm sự, sau này sẽ chăm sóc mẹ con bà Ánh khi về già như chính đấng sinh thành của mình. Dần dà, nhận thấy tấm lòng của gã dành cho chị Nhi nên bà Ánh lẫn mẹ bà Ánh xem gã như con rể của mình.
Lòng bao dung
Một thời gian sau, Cường nhận được giấy triệu tập đi nghĩa vụ quân sự. Suốt những ngày ở trong doanh trại, gã vẫn dành trọn tình cảm cho chị Nhi. Khi gã xuất ngũ, vẫn tiếp tục lên thành phố Tây Ninh làm ăn và dọn về phòng trọ của người yêu ở.
Đầu năm 2014, bà Ánh nghe Cường kể việc con gái có tình cảm với người đàn ông tên Tuấn. Bà gọi điện nói chuyện thì chị Nhi khẳng định lời nói của Cường là không chính xác. Trưa 15/2/2014, bà Ánh chết lặng khi nhận được thông tin chị Nhi bị Ánh sát hại. Khi bà đến phòng trọ thì con gái đã tử vong và hung thủ đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Mẹ con bà Ánh có tấm lòng bao dung
Về sau, bà Ánh được biết, ngày lễ tình nhân (14/2/2014), Cường không đi làm mà ở nhà mua một chiếc nhẫn để làm quà cho chị Nhi. Chừng 16 giờ, chị Nhi đi làm về. Trong bữa cơm hôm đó, Cường quì gối, tặng nhẫn và hứa hẹn suốt đời sẽ yêu thương chị cũng như người thân của chị.
Đến 21h, Cường phát hiện chị Nhi nhận được điện thoại của Tuấn rồi thay áo quần định dắt xe đi. Cường van nài người yêu ở nhà đón Valentine với mình. Tuy nhiên, chị Nhi cự tuyệt. Cường bực mình, thu điện thoại, chìa khóa xe. Chị Nhi yêu cầu trả lại cho mình đi chơi nhưng không được nên dùng tay đánh vào mặt Cường. Trong cơn tức giận, gã bóp cổ người yêu chừng 5 phút. Khi Cường thả tay ra thì người yêu đã chết. Lúc này, Cường uống thuốc tây, dùng dao đâm vào người để tự tử nhưng bất thành.
Trong phiên tòa phúc thẩm, Cường thừa nhận hành vi đã gây ra. Gã cho rằng, mình không hề có ý định sát hại nạn nhân, đó chỉ là một sự cố. Gã cũng khai, trước đây, từng có ý định chết theo người yêu. Tuy nhiên, theo thời gian, gã nhận thấy, mình phải sống để có thể trở về chăm sóc, báo hiếu cho mẹ và bà ngoại của chị Nhi để chuộc lỗi.
Được mời lên thẩm vấn, bà Ánh rơi nước mắt: “Con chết, mẹ nào mà chẳng đau lòng. Tuy nhiên, Cường không phải là đứa côn đồ. Tôi nghĩ, sở dĩ, bị cáo ra tay như vậy là vì quá yêu, quá giận và lỡ tay. Tôi cầu khẩn HĐXX giảm án cho bị cáo”.
Ngay lúc này, bà ngoại chị Nhi đã 78 tuổi, lưng còng, da nhăn nheo, chân run rẩy đưa tay xin có ý kiến. Cụ khó nhọc nói: “Mặc dù Cường và Nhi chưa kết hôn nhưng tôi vẫn xem nó là cháu rể của mình. Tôi chỉ có hai đứa nó là cháu, nay Nhi chết thì còn mỗi Cường. Tôi biết, Cường yêu thương Nhi thật lòng. Nó cũng có hiếu với tôi nữa. Tôi mong, trước khi mình qua đời có thể thấy Cường được ra tù. Mong tòa xem xét”.
Hôm đó, HĐXX nhận định, tội ác của Cường là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, những giọt nước mắt, sự cầu khẩn, xin giảm án của mẹ con bà Ánh là điều hết sức đặc biệt. Cuối cùng tòa quyết định giảm án cho bị cáo từ tù chung thân xuống còn 20 năm về tội Giết người.
Cường được dẫn ra xe bít bùng. Mẹ con bà Ánh vội vàng chạy theo. Cường cố bước thật chậm, quay lui, nước mắt lưng tròng căn dặn: “Mẹ và ngoại cố chờ con nha. Con sẽ cải tạo, ra tù sớm”. Mẹ con bà Ánh đứng chết lặng, nước mắt hòa nụ cười nhìn chiếc xe bít bùng lăn bánh…
(Theo dantri)