“Mình cũng chủ quan, quá tin vào báo cáo của điều tra viên Cao Văn Hùng ” - Thượng tá Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, nói.
Về quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng VKSND Tối cao về vụ án Huỳnh Văn Nén, Thượng tá Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, thành viên ban chuyên án hai vụ án “vườn điều” và vụ Huỳnh Văn Nén, nói: “Đây là quyền của viện trưởng VKSND Tối cao, mình không thể chối đi được”.
“Điều tra viên thì mình phải tin chứ”
. Phóng viên: Thưa ông, trong quá trình nghe báo cáo án, với tư cách là phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, có lúc nào ông băn khoăn về hai dấu chân khác nhau và hai con dao tại hiện trường vụ án, trong khi kết luận chỉ có một hung thủ là ông Huỳnh Văn Nén?
+ Thượng tá Đinh Kỳ Đáp: Hai dấu chân thì tôi không để ý tới, còn hai con dao thì theo báo cáo của điều tra viên, Nén dùng dao cùn cắt dây không đứt nên ném đi và dùng con dao khác sắc hơn để cắt dây. Từ lúc đó đến bây giờ tôi chỉ băn khoăn vật chứng của vụ án là chiếc nhẫn và ổ khóa không thu được.
. Tình tiết quan trọng nhất khiến viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị là lá đơn tố giác của anh Nguyễn Phúc Thành từ trại giam Sông Cái tố hai người bạn mình mới chính là hung thủ chứ không phải ông Nén. Lúc đó có phải ông đã cùng điều tra viên Cao Văn Hùng đi xác minh?
+ Sau khi nghe báo cáo có đơn tố giác, tôi đã bảo lấy xe đi ngay và gọi Cao Văn Hùng đi. Tuy nhiên, trưa hôm đó khi đến nơi tôi bị sốt và huyết áp lên cao nên không thể tham dự buổi xác minh được.
Do đã phân công nên khi trích xuất phạm nhân ra, Cao Văn Hùng vào làm việc. hôm đó có đại diện trại giam tham dự không thì mình không biết. Đến khi làm việc xong quay về, trên xe Cao Văn Hùng báo cáo là không có vấn đề gì, lời khai của Thành mâu thuẫn, không có căn cứ nào cả. Do đó tôi có nói nếu có căn cứ, chứng cứ mới phải báo cáo để xác minh ngay.
Việc lấy lời khai của một phạm nhân trong thời gian cải tạo có đơn tố giác nhằm lập công chuộc tội mình cũng phải đề phòng cả hai mặt có thể đúng cũng có thể sai. Tuy nhiên, đúng hay sai vẫn phải xác minh rõ ràng.
. Bây giờ ông có thấy băn khoăn không khi quá tin tưởng cử điều tra viên Cao Văn Hùng, người từng được khen thưởng vì có thành tích phá hai vụ án “vườn điều” và vụ Huỳnh Văn Nén lại đi xác minh đơn tố giác để phủ nhận lại thành tích của chính mình?
+ Điều tra viên thì mình phải tin chứ. Mình cũng chủ quan bởi phù hợp với xác minh trước đây Th. và V. (hai người bị Thành tố cáo là hung thủ) đều có chứng cứ ngoại phạm và cũng quá tin vào báo cáo của ông Cao Văn Hùng như thế.
Ông Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa ngày 31-8-2000. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Nói bóng gió về mớm cung, bức cung, nhục hình
. Thưa ông, vì quá tin vào báo cáo của điều tra viên nên ông không chỉ đạo các bước xác minh tiếp theo như triệu tập Th. và V., xác minh nhân chứng và nơi bán vàng… Nhưng ông có báo cáo lại việc này cho Đại tá Nguyễn Kiến Quốc, trưởng ban chuyên án không? (Thời điểm trên ông Quốc là thủ trưởng Cơ quan CSĐT, phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận - PV)
+ Anh Quốc hả? Tôi không nhớ chắc, thủ trưởng của tôi thì tôi phải báo cáo chứ. nhưng tôi cũng không nhớ có báo cáo hay không vì lâu quá. Mười mấy năm rồi mà bây giờ chú (chỉ phóng viên - PV) hỏi toàn những câu hỏi khó không, ai mà nhớ nổi. Lúc đó chú thường đến cơ quan điều tra thấy rồi đó, hồ sơ ngập đầu, một năm hai, ba trăm vụ, từ án mờ đến án tồn tại, án phát sinh…
. Vậy sau đó ông có nhận được báo cáo của phó Công an xã Tân Minh xác nhận thời điểm vụ án xảy ra Th. và V. vẫn có mặt tại địa phương chứ không phải ngoại phạm như báo cáo của ông Cao Văn Hùng?
+ Không, không, tôi không nhận. Ông ta gửi ở đâu làm sao tôi biết được. Lúc đó, sau khi thành lập ban chuyên án, chúng tôi làm rất nghiêm túc, hằng tuần tôi đều họp với tổ công tác bao gồm cả trinh sát lẫn điều tra viên có mặt thường trực tại Tân Minh. Sau đó tôi về báo cáo lại cho lãnh đạo công an tỉnh và chỉ đạo các hướng điều tra tiếp theo.
. Thưa ông, bài học nghiệp vụ điều tra hình sự rút ra trong vụ này trước đây và hiện nay là gì?
+ Theo tôi rất khó so sánh. Từ sau khi cải cách tư pháp, điều tra viên đều được đào tạo lại, các tiêu chí để bổ nhiệm cũng khác đi. Phương tiện khoa học kỹ thuật hình sự được trang bị để khám nghiệm hiện trường, điều tra tốt hơn. Thời điểm đó khi lấy lời khai toàn là viết tay vớ vẩn, giờ đều được trang bị máy vi tính. Nhiều vụ án có luật sư tham gia từ đầu đã tránh được chuyện mớm cung, bức cung, nhục hình…
. Xin cám ơn ông.
Hội thẩm xử ông Nén: “Tôi luôn tin vào thẩm phán”
Ông Phan Tấn Khế, một trong ba hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án Huỳnh Văn Nén ngày 31-8-2000, cho biết phiên tòa này dự kiến sẽ kéo dài nhưng chỉ xử trong một buổi sáng là xong. “Bởi lúc đó Huỳnh Văn Nén đều thừa nhận tất cả, luật sư cũng chỉ xin giảm nhẹ hình phạt chứ không đưa ra chứng cứ nào để tranh tụng. Tôi nhớ lúc đó đã hỏi đi hỏi lại Nén mấy lần về vật chứng là chiếc nhẫn vàng cướp được, rằng tại sao không đeo vào tay mà bọc túi rồi bỏ chạy để vấp té và rớt mất. Thế nhưng Nén vẫn khai là do quá sợ nên bỏ chạy vào chòi rẫy ngủ và sáng hôm sau quay lại nhà nạn nhân phụ giúp gia đình tổ chức đám tang” - ông Khế kể.
Chúng tôi hỏi ông đã quan tâm đến tình tiết này nhưng khi vào nghị án ông lại không đưa ra thảo luận? Ông Khế nói: “Hội thẩm luôn tin tưởng các thẩm phán vì họ có chuyên môn, còn hội thẩm chủ yếu là xem xét về mặt quan điểm. Khi nghị án vụ này, chúng tôi chỉ thảo luận để xem xét về tội danh và mức án”.
Ông Khế thừa nhận trong vụ án này ngoài một chỉ vàng của nạn nhân, cơ quan điều tra cũng không thu được sợi dây dù dùng để siết cổ nạn nhân và cả ổ khóa. “Đây là thiếu sót khó có thể khắc phục được” - ông Khế nói.
ông Nén sẽ được giải oan?
Như đã đưa tin, viện trưởng VKSND Tối cao vừa có kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án sơ thẩm đã kết án chung thân ông Huỳnh Văn Nén sau khi ông này đã ngồi tù 16 năm.
Ông Nén bị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận quy buộc đã giết chết bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận vào năm 1998. Khi án mạng xảy ra, trong khi cơ quan điều tra chưa tìm ra thủ phạm, ông Nén (vốn là người hay say xỉn) nói đùa chính mình là hung thủ. Vậy là ông bị bắt để điều tra. Từ đây, điều tra viên còn ép ông Nén phải nhận đã cùng chín người bên nhà vợ giết chết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án “vườn điều” xảy ra năm năm trước đó. Chín người này sau đó được xác định là oan, còn ông Nén thì vẫn bị buộc tội giết chết bà Bông để cướp tài sản.
Sau phiên tòa, anh Nguyễn Phúc Thành (người cùng xã với ông Nén và bà Bông, lúc ấy đang thụ án tại trại giam Sông Cái, Ninh Thuận) đã viết đơn tố giác hai người bạn của mình là Nguyễn Th. và Hồ Văn V. mới chính là hung thủ, còn ông Nén bị oan. Điều tra viên Cao Văn Hùng được phân công đi gặp Thành để xác minh. Kết quả, ông Hùng cho rằng tố cáo này không có cơ sở.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM mới đây, ông Cao Văn Hùng nói lúc ấy ông Nén tự nguyện khai ra chứ không phải do ông bày vẽ, áp đặt và “ông Nén có thể bị oan, cũng có thể không”.
(Theo dantri)