Cha mẹ vướng vào vòng lao lý đầy oan uổng. Suốt 6-7 năm trời những đứa trẻ ở độ tuổi ăn học đã phải lăn lộn với đời để kiếm sống. Chúng tôi trở về thị trấn nhỏ Tân Minh, ngay sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ra kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén "giết người".
Người dân thị trấn đâu đâu cũng loan tin Nén sắp được minh oan. Và câu chuyện hai mạng người bị giết gần hai chục năm trước không ai muốn nhắc lại, nhưng oan khiên mà gia đình bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ vợ Nén) có tới 8 người vào tù (không kể Nén là con rể), trong đó có cả hai cháu nhỏ chưa đến tuổi thành niên cũng bị khởi tố, thì quả là có một không hai ở đất nước này. Người dân thị trấn tin những người dân lành không phạm tội tày đình "giết người", nhưng án đã tuyên thì biết tin ai?
Ngay cả những nhân chứng cùng làm với Nén ở tận Đồng Nai cũng lặn lội ra tận Bình Thuận để làm nhân chứng, chứng minh Nén ngoại phạm, nhưng án vẫn cứ tuyên. Đau đớn hơn là bà Nguyễn Thị Nhung đã chết trong tù, không chờ nổi đến ngày để nhận được lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận.
Về Tân Minh, ngôi nhà đầu tiên chúng tôi tìm đến là nhà anh Huỳnh Trung Nghĩa - anh rể Nén - địa chỉ mà ông Huỳnh Văn Truyện viết trong đơn thư để liên hệ. Anh Nghĩa là người bỏ cả công việc đưa cha vợ ra Hà Nội kêu oan cho em vợ. Anh Nghĩa kể, chiều thứ bảy, ngày 1.11 vừa rồi, tôi đang rửa xe thì được kêu nhận thư chuyển phát nhanh. Đọc dòng chữ nơi gửi trên phong bì là "Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao" mà tôi phải lặng đi mất một lúc, lấy lại bình tĩnh mới bóc nhẹ phong bì vì sợ rách, nửa mừng, nửa lo. Khi đọc đến phần "xét thấy", từng dòng chữ phân tích về những mâu thuẫn trong việc thu thập chứng cứ, khám nghiệm hiện trường..., tôi rùng mình "em mình oan rồi".
Căn nhà tan hoang của Huỳnh Văn Nén.
Đọc hết 6 dòng phần "quyết định", tôi mới hết lo, thấy mừng. Tôi vội điện thoại báo cho cha vợ đang ở Cà Mau, rồi anh Thận - nguyên Chủ tịch xã Tân Minh- người giúp gia đình tôi đi kêu oan gần 15 năm qua, rồi anh Thành - người đã viết đơn tố giác tội phạm giết bà Bông. Những người hàng xóm cũng đến chia vui với gia đình, dù hành trình đến với công lý của Nén vẫn còn ở tương lai.
Chờ qua ngày chủ nhật, tôi cùng con của Nén cầm quyết định kháng nghị của Viện KSND Tối cao vào trại giam, thông báo cho Nén biết. Cán bộ trại giam hỏi vừa thăm xong sao lại đến. Chúng tôi trình quyết định kháng nghị. Ngay sau đó, anh cán bộ lấy xe vào trại đón Nén ra gặp chúng tôi. Mắt phải Nén đã mờ không đọc được, Con trai Nén đọc cho cha nghe, mà gương mặt Nén vẫn thẫn thờ - dù cho biết là rất vui.
Người thứ hai chúng tôi tìm đến là anh Nguyễn Phúc Thành- người đã viết đơn tố giác tội phạm giết bà Bông- cho biết: Bữa nay, tôi thấy rất thoải mái, trút đi gánh nặng, minh oan cho người không phạm tội. Nghe thông tin đó rất mừng.
Sau khi gây án, Nguyễn Thọ (bạn của Thành - PV) kể lại hành trình giết bà Năm “tép” (Lê Thị Bông). Thọ có ý đồ sẵn từ trước, chuẩn bị sẵn dao, dây dù cắt ở dây cột gàu múc nước giếng, rủ Việt đi theo sau bà Năm choàng dây qua cổ và giật bà ngã ngược ra sau cho tới khi bà Năm chết. Lúc đó tôi cũng không tin, nhưng Thọ lấy chiếc nhẫn cướp được sau khi giết bà Năm tép, cùng nhìn vết máu chạy dài ở lai quần Thọ thì tôi tin. Tôi còn biết Thọ bán chiếc nhẫn đó ở tiệm vàng nào.
Trong khi tôi đang thụ án tại trại giam Sông Cái (tỉnh Ninh Thuận), nghe ông Nén có thể bị xử tử hình, nên tôi tâm sự với lãnh đạo trại giam về vụ việc và được khuyên nên nói hết ra sự thật, thế là tôi viết đơn tố cáo từ căn cứ việc Thọ thú nhận với tôi. Khi đó, tôi chỉ còn khoảng 2 tháng là mãn hạn tù.
Sau khi tôi viết đơn tố cáo, thì Cao Văn Hùng (điều tra viên của CA tỉnh Bình Thuận) đã tiếp xúc với tôi 2 lần, để yêu cầu tôi rút đơn. Điều đó làm tôi sợ, tôi đã làm thêm một cái đơn nữa, chờ gia đình lên thăm nuôi gửi về Chủ tịch UBND xã Tân Minh trình bày rõ sự việc. Đơn của tôi (viết ngày 26.8.2000) được lãnh đạo trại giam cho biết đã fax ngay ra Bộ Công an, nhưng đến ngày 31.8.2000 vụ ông Huỳnh Văn Nén mới được đưa ra xử, nhưng bản tố cáo của tôi cũng không được cơ quan chức năng xem xét.
Ông Nguyễn Thận - khi đó là Chủ tịch UBND xã Tân Minh là người đồng hành với gia đình tù nhân Huỳnh Văn Nén suốt mười mấy năm qua. Ông nhớ lại, khi tiếp nhận đơn thư tố cáo của Nguyễn Phúc Thành, ông trình và được xã (Ban thường vụ xã - BTV) giao viết văn bản gửi các cấp có trách nhiệm, làm rõ nội dung đơn thư tố cáo của Nguyễn Phúc Thành, để nhanh chóng không bỏ lọt tội phạm và minh oan cho Huỳnh Văn Nén. “Cảm xúc hiện tại của tôi là rất phấn khởi, vì đã tìm được sự thật, chính kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSNDTC khiến tôi phấn khởi, thêm niềm tin vào cơ quan pháp luật. Tôi sẽ đi đến cùng, đến khi Huỳnh Văn Nén chính thức được minh oan. Đó là nguyện vọng thiết tha của tôi” - ông Thận chia sẻ.
Rời Tân Minh, câu chuyện buồn về những đứa trẻ là cháu nội, ngoại của bà Lâm, khi cha, mẹ vướng vào vòng lao lý. Cha đi tù, mẹ bỏ đi. Không thể để những đứa trẻ lăn lóc ngoài đời, ông Nguyễn Thận- Chủ tịch xã Tân Minh ngày ấy đã đưa cả 7 đứa trẻ vào làng SOS (Gò Vấp, TPHCM), những đứa trẻ lớn hơn thì phải bươn trải để mà sống. Chúng tôi tới nhà Huỳnh Văn Nén - căn nhà trống hoác, cửa không khóa.
Huỳnh Thành Lượng vừa đến thăm ba về cho hay, cuộc sống ba anh em và mẹ ở nhà rất khó khăn. Anh Công - anh trai Lượng - làm thuê làm mướn ở gần nhà, đã có gia đình nhưng bữa đói bữa no, con cũng làm thuê, ai kêu gì làm đó. Còn đứa em tên Phát cũng làm thuê, mẹ thì đi bán bánh canh ở chợ”. Bà Lâm khi ra tù, thấy gia đình con cái tan nát, thấy các cháu nội, ngoại lang bạt vì án oan mà chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng.