Theo thống kê, trong vài năm trở lại đây đã có trên 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó chiếm hơn 80% (hơn 3.000 vụ) trẻ em bị xâm hại tình dục.
Giúp trẻ bị bạo hành vượt nỗi đau: Những ám ảnh còn mãi
- Cập nhật : 03/10/2014
Đối với trẻ bị bạo hành, không chỉ có trường hợp bé Kim Ngân (ở Bình Dương) bị mẹ ruột và 'cha dượng' đánh đập dã man mới để lại di chứng, mà theo các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, ngoài các vết thương thể xác thì chấn thương tinh thần sẽ còn hằn sâu, lâu dài trong đời sống của trẻ.
Sang chấn bé Ngân là rất lớn
Theo chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM), tùy mức độ bị bạo hành nặng nhẹ và tính cách trẻ khác nhau mà quá trình điều trị, phục hồi “vết thương” tâm lý này sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, điều quan trọng theo các bác sĩ, chuyên viên tâm lý, trẻ bị bạo hành mặc dù được điều trị tâm lý nhưng khó lấy lại được trạng thái bình thường như trước khi bị bạo hành.
Chuyên viên Cường nhận định, về trường hợp bé Kim Ngân bị đánh đập dã man, nếu chỉ bị “ba dượng” đánh thôi thì tổn thương tâm lý của bé đỡ nặng nề. Nhưng nếu là người mẹ đánh đến mức độ đó hay cả mẹ và “chồng hờ” của mẹ cùng đánh em thì ảnh hưởng tâm lý rất khủng khiếp.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), mỗi năm có khoảng 6, 7 trường hợp trẻ đến Khoa Điều trị tâm lý có liên quan đến bạo hành. Trong đó, chủ yếu là bị thầy, cô, bạn bè đánh ở trường; 2-3 trường hợp bị lạm dụng tình dục. Còn về trẻ bị chính cha, mẹ ruột đánh, hành hạ dã man thì bệnh viện chưa tiếp nhận điều trị trường hợp nào.
Cách đây 2 năm, BV tiếp nhận điều trị tâm lý cho một bệnh nhi bị chú ruột dùng dây siết cổ. Bé đâm ra hoảng loạn, sốc nặng. Sau đó, bé hầu như co cụm, không dám tiếp xúc với ai. Phải mất hơn một năm điều trị thì bé mới có thể tiếp xúc lại với người thân trong gia đình.
Hậu quả của việc bạo hành để lại cho trẻ trước tiên là tổn thương về cơ thể. Những vết thương, đau đớn bầm tím, xây xát trên mặt mày, chân tay là biểu hiện ai cũng có thể nhìn thấy được.
“Nhưng tổn thương lâu dài và nặng nề hơn trong cuộc sống và sự phát triển của trẻ là tổn thương về tâm lý, hụt hẫng trong tâm hồn. Đây là tổn thương không biểu hiện rõ ràng nhưng nguy cơ về sau, ảnh hưởng lâu dài rất cao”, chuyên viên Cường đánh giá.
Hiện tại, bé Kim Ngân đang được hồi phục tốt về sức khỏe và hy vọng sẽ sớm được người thân (người nhận là cha ruột) hiểu rõ điều này để chăm sóc và giúp em vượt qua nỗi đau này.
Theo các bác sĩ, sau bạo hành, trẻ thường có biểu hiện sợ sệt, ngại tiếp xúc với người bạo hành trẻ và cả mọi người xung quanh, trở nên sống khép kín.
Mặt khác, trẻ sau đó cũng thường có biểu hiện tâm lý không ổn định như giận hờn, nổi nóng vô cớ, khó kiểm soát cảm xúc, tình cảm của mình.
Chịu đau đớn khi bị đánh đập cũng khiến trẻ “mang” những sợ hãi vào trong giấc ngủ, khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ, biểu hiện ngủ mớ, giật mình hoảng loạn khi ngủ.
“Nghiêm trọng hơn là “vết thương” do bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Ví dụ, khi trẻ bị một giáo viên bạo hành thì sẽ dẫn đến tâm lý “đề phòng”, mất niềm tin với tất cả những giáo viên khác”, chuyên viên Cường nhìn nhận.
10 tháng tuổi đã bị bạo hành
Không chỉ đánh đập trẻ mà ngay cả việc chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình, trường lớp cũng là gián tiếp bạo hành trẻ - Ảnh: ShutterStock
Trẻ bị bạo hành sẽ bị tổn thương tâm lý nặng nề và lâu dài, thường sợ sệt, ngại tiếp xúc - Ảnh: ShutterStock
Theo chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường, bạo hành có hai trường hợp là bạo hành trực tiếp và bạo hành gián tiếp. “Đừng nghĩ trẻ bị đánh đập thì mới bị tổn thương do bạo hành mà ngay cả việc chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình, trường lớp cũng là gián tiếp bạo hành trẻ, gây tổn thương đến trẻ”, chuyên viên Cường nói.
“Nghiêm trọng hơn là “vết thương” do bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Ví dụ, khi trẻ bị một giáo viên bạo hành thì sẽ dẫn đến tâm lý “đề phòng”, mất niềm tin với tất cả những giáo viên khác”, chuyên viên Cường nhìn nhận.
Tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, chuyên viên tâm lý đang cố tiếp xúc để điều trị cho một em bé mới hơn 10 tháng tuổi. Chứng kiến cảnh ba mẹ đánh nhau, bé bị sốc, với các biểu hiện quấy khóc, bỏ ăn, giật mình khi ngủ và trở nên e sợ khi chỉ ở với một mình ba hoặc mẹ.
“Khi ở một mình với ba thì bé đòi cả mẹ và ngược lại. Bé chỉ vui khi ở cùng cả ba lẫn mẹ và cả hai người cùng cười nói vui vẻ”, chuyên viên Cường cho biết.
Nhiều trường hợp trẻ bị tổn thương tâm lý liên quan đến bạo hành ở trường như bị thầy, cô, bạn bè đánh. Hay chỉ là nhìn thấy bạn bị thầy, cô đánh, bé cũng đã có tâm trạng lo sợ thầy cô đánh bạn thì có thể sau rồi sẽ đến lượt đánh mình.
Trong khi đó, sau 3 buổi được điều trị tại Khoa Tâm lý, bé M.V.T. (4 tuổi, ngụ TP.HCM) đã dần nói chuyện, chơi với bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, khi có người lạ bước vào phòng thì bé sợ sệt, co rúm lại và không nói chuyện, tiếp xúc nữa. Bé được phụ huynh đưa đến bệnh viện khám khi thấy bé thay đổi cảm xúc, hành vi, tự nhiên không chịu đi học. Khi ba mẹ đưa đến trường thì bé khóc ré lên, không còn hiếu động chơi với bạn bè, cô giáo hay tiếp xúc với người xung quanh nữa. Tìm hiểu nguyên nhân thì biết do bé bị cô đánh và phạt ngồi ở góc lớp.
Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Triết (Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM), cho biết: về mức độ bạo hành, nếu trẻ chỉ bị cha mẹ, thầy cô đánh 1-2 roi thì chỉ đau lúc đó. Khi hành động này được ngưng lại tại đó, chấm dứt và không lặp lại nữa thì trẻ sẽ quên, có thể làm lành và không bị tổn thương nữa. Tuy nhiên, nếu hành động đánh đập được lặp lại nhiều lần, kéo dài thì sẽ gây ám ảnh cho trẻ, để lại dấu ấn lâu dài, gây rối loạn stress chấn thương.
Tiếp xúc, theo dõi trường hợp các bé tại nhóm trẻ gia đình ở Thủ Đức bị “bảo mẫu” đánh dã man để ép ăn, bác sĩ Triết, cho biết có hai bé bị ám ảnh về chuyện ăn uống suốt thời gian sau. Bé cứ khóc la không chịu đi học, khi ngủ thì mớ la “ba mẹ cứu con” và bỏ ăn, tới giờ ăn thì bị ói. (Còn tiếp)
Nguyên Mi - Theo: TN