Sau tiếng nổ lớn kèm mùi hoá chất phát ra từ căn nhà của người đàn ông sống vương giả ở quận Gò Vấp, TP HCM, cảnh sát phát hiện đây là xưởng chiết xuất tiền chất ma tuý đá cực lớn.
Những cán bộ nào đã bị 'sờ gáy' sau án oan ông Nguyễn Thanh Chấn?
- Cập nhật : 04/10/2014
Liên quan đến vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết án tù chung thân về tội giết người, đến nay đã có tất cả 3 cán bộ cấp cao của cơ quan điều tra, công tố, xét xử bị khởi tố về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 1-10, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm, (sinh năm 1949, ở cụm Yên Mác, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), nguyên thẩm phán TANDTC, chủ tọa phiên tòa, người đã tuyên bản án oan vào ngày 27-7-2004 đối với ông Chấn. Đây được cho là điều chưa từng xảy ra trong nền tố tụng nước nhà, sẽ có tác động rất lớn đến tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự, với mức phạt cao nhất là 12 năm tù.
Theo kết quả điều tra, ông Chiêm đã không kiểm tra đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên không phát hiện sai sót về tố tụng hình sự. Trong quá trình xét xử phúc thẩm, thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại CQĐT và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn nhận định là “gần đúng với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường” làm chứng cứ buộc tội ông Chấn đã phạm tội giết người. Việc làm của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã vi phạm một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trong đánh giá chứng cứ dẫn đến việc tuyên bản án oan sai.
Bản án phúc thẩm đã tuyên ông Chấn tội giết người và phạt tù chung thân do ông Phạm Tuấn Chiêm là thẩm phán, chủ toạ phiên xét xử ngày 27/7/2004.
Trước đó, ngày 9/5, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó Trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để làm rõ những hành vi sai phạm của hai cán bộ này trong quá trình điều tra, xử lý vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn cách đây hơn 10 năm.
Cả hai bị can trên cùng bị khởi tố về hành vi cố tình "làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo Điều 300 Bộ Luật hình sự với khung hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù giam.
Việc điều tra, truy tố, xét xử với các cựu điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đã bị khởi tố nêu trên sẽ được thực hiện theo đúng quy trình tố tụng hình sự.
Hiện ông Chấn đang làm việc với Tòa Phúc thẩm TANDTC về vấn đề bồi thường án oan sai. Hung thủ đích thực cũng đã được đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Bắc Giang vào ngày 29/9 vừa qua nhưng phiên tòa đã tạm hoãn do đại diện gia đình bị hại có đơn xin vắng mặt.
Việc khởi tố thẩm phán không những là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các thẩm phán khi ngồi tòa, đây còn là một động thái tích cực sẽ trực tiếp làm giảm và mất hẳn sự bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, đúng như bạn đọc Lưu Quang Đạo gửi comment nhận định “Xử lý cơ quan ra bản án - tức là HĐXX và Tòa án - là biện pháp nhanh nhất để chấn chỉnh toàn bộ hệ thống tiến hành tố tụng. HĐXX nghiêm minh, công chính thì VKS phải nghiêm minh theo, và VKS nghiêm minh thì cơ quan điều tra cũng phải như thế. Các hiện tượng bức cung, nhục hình, ra kết luận điều tra, cáo trạng, bản án oan sai sẽ tự động biến mất” .
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm đã được quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985. Tuy nhiên, do yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, nên Quốc hội đã hai lần sửa đổi, bổ sung vào ngày 12/8/1991 và ngày 22/12/1992 theo hướng nghiêm khắc hơn.
Hiện nay, tội này được quy định tại Điều 285 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và so với Điều 220 BLHS 1985 trước đây không có sự thay đổi lớn, chỉ bổ sung loại hình phạt cải tạo không giam giữ và thêm trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng ở khoản 2 của điều luật. Theo đó, khung hình phạt cao nhất được áp dụng theo quy định tại khoản 2 điều này khi người phạm tội “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là hình phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.
Tóm tắt vụ án:
Ông Nguyễn Thanh Chấn bị buộc tội sát hại người hàng xóm và phải nhận mức án tù chung thân về tội giết người. Sau hơn 10 năm ngồi tù ông Chấn đã được minh oan.
Sau bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang, ông Chấn đã làm đơn kêu oan. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm đã tuyên giữ y án sơ thẩm vì cho rằng, trong quá trình điều tra đã nhận dạng được hung khí gây án cùng các tang vật chứng, dấu vết để lại hiện trường phù hợp với hành vi phạm tội.
Mãi cho đến ngày Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì ông Chấn mới được minh oan và được trả tự do sau 10 năm tù tội. Vụ án đã gây chấn động dư luận vì sự bức cung, nhục hình của các cán bộ điều tra.
Những người tham gia xử lý vụ án 10 năm trước gồm: Đại tá Thái Xuân Dũng (nguyên Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Phó Phòng Cảnh sát điều tra). Đại tá Lê Văn Dũng (nguyên Phó Phòng Cảnh sát điều tra trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án.
Ông Đào Văn Biên, Phó Trưởng phòng PC45, ông Nguyễn Đình Dung (Phó trưởng Công an huyện Lục Nam) là cán bộ điều tra chính của vụ án. Ông Nguyễn Trung Thành, điều tra viên, người trực tiếp hỏi cung ông Chấn. Một điều tra viên khác tên là Tân đã chết vì tai nạn giao thông.
Khi đó, Đại tá Phạm Văn Minh (Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang hiện nay) là thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bắc Giang).
Theo Cảnh kiên/khampha
Thành phần HĐXX phúc thẩm vụ ông Chấn (theo bản án)
Chủ tọa phiên tòa: Ông Phạm Tuấn Chiêm - thẩm phán TANDTC
Các thẩm phán TANDTC: Ông Quản Hùng, ông Hoàng Doãn Đức
Đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố phiên phúc thẩm là ông Nguyễn Khắc Du, kiểm sát viên.
Theo: L.THANH // PL