Hỏi: Vợ tôi là nhân viên văn thư, làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn từ tháng 1.2005 đến hết tháng 6.2014 thì vợ tôi làm đơn xin nghỉ việc và được cơ quan chấp thuận theo nguyện vọng.
Ảnh minh họa
Trong suốt thời gian đó, vợ tôi luôn được nhận xét hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng cơ quan chỉ ký HĐLĐ 12 tháng, hết thời hạn lại ký tiếp hợp đồng làm công tác văn thư. Về tiền lương chỉ áp dụng 1 mức lương văn thư như mức lương của nhà nước, hàng năm không nâng bậc lương.
Tôi muốn hỏi:
1. Cơ quan vợ tôi ký hợp đồng lao động như vậy có đúng không?
2. Việc cơ quan không áp dụng nâng bậc lương cho vợ tôi có đúng quy định không?
3. Khi chấm dứt hợp đồng lao động, cơ quan trả lời không được thanh toán chế độ thôi việc. Vậy, có đúng không? Nếu vợ tôi được hưởng chế độ thôi việc thì các chế độ đó là gì?
doan…………..n@yahoo.com.vn
Trả lời:
Về Hợp đồng lao động
Căn cứ các thông tin mà bạn đọc cung cấp, vợ của bạn là nhân viên làm việc theo chế độ HĐLĐ. Do vậy, các chế độ, chính sách phải được áp dụng theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Khoản 1, Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
“1. HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) HĐLĐ không xác định thời hạn;
HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) HĐLĐ xác định thời hạn;
HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi HĐLĐ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn”.
Thông tin bạn cung cấp chưa rõ là bạn đã ký bao nhiêu hợp đồng xác định thời hạn nên chúng tôi tư vấn về quy định đối với HĐLĐ xác định thời hạn, NSDLĐ được quyền ký tiếp HĐLĐ xác định thời hạn sau khi hợp đồng đầu tiên hết thời hạn. Chỉ đến lần ký hợp đồng thứ ba, NSDLĐ mới phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Về chế độ nâng lương
Điểm e Khoản 1 Điều 23 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
“1. HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;”
Điều 102 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với NLĐ được thoả thuận trong HĐLĐ, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của NSDLĐ”.
Như vậy, trong quan hệ lao động, vấn đề nâng bậc, nâng lương được hai bên thỏa thuận trong HĐLĐ cũng như được quy định trong văn bản của công ty.
Về chế độ khi chấm dứt hợp đồng lao động
Theo những thông tin mà bạn cung cấp, vợ của bạn có đơn xin thôi việc và đã được đơn vị chấp thuận cho thôi việc. Việc xin thôi việc phải tuân thủ thời gian báo trước và nội dung chấm dứt theo điều 37 nếu vợ bạn đang ký hợp đồng xác định thời hạn.
Căn cứ Khoản 1 Điều 48 BLLĐ 2012, khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Ngoài ra, NSDLĐ còn có trách nhiệm trả cho NLĐ tài liệu, giấy tờ , sổ BHXH còn giữ của NLĐ theo Khoản 2, 3 Điều 47 BLLĐ 2012:
“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. NSDLĐ có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà NSDLĐ đã giữ lại của NLĐ.”
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN)