34 tập thể và 43 cá nhân là những điển hình tiên tiến trong cả nước đã có thành tích xuất sắc trong tái hòa nhập cộng đồng được Bộ Công an tặng Bằng khen, tuyên dương trong Hội nghị tái hòa nhập cộng đồng – là những người đã vượt qua lầm lỗi, trở thành người có ích, làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc của mình, đồng thời giúp đỡ những người lầm lỗi khác. Họ còn là những cá nhân, tổ chức đã làm rất tốt công tác giúp đỡ người thi hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Tâm sự của họ trong buổi lễ tuyên dương không chỉ khiến mọi người xúc động mà còn là những tấm gương tiêu biểu để mọi người noi theo.
Chuyện làm giàu của "đại ca đá đỏ"
Với vẻ mộc mạc của người lao động, anh Lê Thừa Dương Hùng, 37 tuổi, ở ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, chủ cơ sở khắc gỗ Tịnh Tín chia sẻ về cuộc đời mình. Đó là thước phim quay chậm về cuộc sống khó khăn khi còn nhỏ của một đứa trẻ không cha, bị chê bai, chế nhạo. Cuộc sống không êm thấm với bố dượng khiến anh phải bỏ nhà đi bụi đời. Không được học hành, không nghề nghiệp, anh Hùng vào đời bằng những công việc phổ thông nặng nhọc khiến anh nảy sinh tư tưởng muốn kiếm được nhiều tiền nhưng nhàn hạ nên anh đã tham gia vào việc bảo kê nhà hàng. Môi trường phức tạp này đã dẫn anh đến con đường vào tù ra tội.
Sau lần thứ 3 bị bắt, với án phạt 3 năm, 6 tháng tù, anh bắt đầu suy nghĩ về quá khứ sai lầm và tương lai của mình. Được các cán bộ quản giáo động viên, anh quyết tâm làm lại cuộc đời, chấp hành tốt nội quy, tích cực lao động, cải tạo. Chấp hành xong án phạt tù, mặc dù chỉ có hai bàn tay trắng nhưng anh Hùng vẫn quyết vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Không có tiền, anh tự mày mò học nghề điêu khắc gỗ, năm 2002 thi tay nghề và được nhận vào làm ở xưởng điêu khắc kỹ nghệ gỗ Quang Mỹ.
Các đại biểu chia sẻ về kinh nghiệm tái hòa nhập cộng đồng.
Sau 3 năm làm việc, tích lũy được kinh nghiệm và một ít vốn, anh thành lập cơ sở điêu khắc gỗ Tịnh Tín. Nghĩ về hoàn cảnh của mình trong quá khứ, anh Hùng đã quyết định dạy nghề, tiếp nhận các em có hoàn cảnh cơ nhỡ vào làm việc, đến nay, cơ sở của anh đã giúp đỡ, đào tạo tay nghề cho 187 lượt người trong đó có hơn 50 người ra tù, hơn 20 người nghiện hồi gia.
Anh Hùng khiến mọi người ngạc nhiên khi cho biết cơ sở của anh lúc nào cũng treo tấm biển sẵn sàng nhận người cơ nhỡ, lầm lỗi bởi hơn ai hết, anh hiểu những người này, nếu không được giúp đỡ kịp thời thì biết đâu, họ lại phạm sai lầm.
Còn “đại ca đá đỏ” Nguyễn Đình Khang ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An thì cho biết 3 năm cải tạo tại Trại giam số 6 là thời gian quá dài đối với cuộc đời của mình, nên anh đã xác định chỉ có một con đường là hướng thiện, cải tạo lao động tốt mới cứu được cuộc đời của mình. Anh cho biết có được động lực vô cùng quý giá đó là người vợ của anh, chị Nguyễn Thị Nga. Lúc anh bị bắt, hai người mới yêu nhau được 3 tháng, nhưng suốt 3 năm anh ở trại, chị Nga tận tình chăm nuôi, động viên, chờ đợi anh, mặc dù tương lai mờ mịt, gia đình cấm đoán, xóm làng kỳ thị. Tình yêu của người con gái đó đã giúp anh vượt qua tất cả.
Khi về nhà, chính quyền, Công an địa phương đã tạo điều kiện cho anh được vay vốn, thuê mặt bằng kinh doanh để kiếm sống. Nuôi ước mơ làm giàu, anh ra Hà Nội tìm các mô hình sản xuất để lập nghiệp. Qua hơn 1 năm học hỏi, anh về quê mở xưởng sản xuất vôi sơn cao cấp Long Vân. Trải qua khó khăn, nhưng với quyết tâm anh đã vượt qua tất cả. Đến nay, cơ sở của anh đã tạo việc làm cho 14 công nhân, trong đó có 2 người chấp hành xong án phạt tù có thu nhập ổn định, cơ sở sản xuất hằng năm đạt hơn 1.000 tấn sản phẩm. Nhờ tiến bộ, anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, được nhiều cấp, ngành khen thưởng.
Ông Mào Văn Niêm, dân tộc Thái, sống tại huyện Tủa Chùa, Điện Biên chia sẻ kinh nghiệm dòng họ Mào của ông đã làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, dòng họ Mào đã có 100% các cháu trong độ tuổi được đến trường, gần 200 cháu học các cấp học từ học sinh đến đại học. Khi có người trong họ chấp hành xong án phạt tù, dòng họ đã trực tiếp đến hỏi thăm, nắm tâm tư, nguyện vọng, động viên, hỗ trợ ban đầu về vật nuôi, giống cây trồng và cho vay thêm tiền để ổn định cuộc sống. Nhờ đó, cả 5 người vi phạm khi trở về địa phương đều có những tiến bộ rõ rệt, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách.
Ly kỳ con đường lập nghiệp của “tỷ phú phân bò”
Anh Mai Xuân Chiến, Chủ tịch Hội Doanh nhân huyện Nga Sơn, Thanh Hóa – nơi khởi tạo mô hình “Doanh nhân với ANTT” được mọi người đồng tình, ủng hộ bởi qua 5 năm thực hiện, mô hình đã tập hợp, huy động được hơn 300 doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất, kinh doanh trong và ngoài huyện tham gia, ủng hộ. Qua đó, đã cho hơn 200 người lầm lỗi vay với số tiền quay vòng là hơn 4 tỷ đồng, trong đó các doanh nhân đã bảo lãnh cho một đối tượng vay 1,4 tỷ đồng để lập nghiệp, ngoài ra còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội lồng ghép, cho vay 160 lượt hộ người lầm lỗi với số tiền quay vòng trên 20 tỷ đồng. Anh Chiến chia sẻ: “Những người lầm lỗi tiến bộ, có vốn làm ăn để trở thành người có ích là việc không đơn thuần là giúp đỡ họ mà cũng chính là giúp đỡ chúng tôi bởi khi những người lầm lỗi hoàn lương, sẽ bớt đi những người càn quấy, trộm cắp, an ninh trật tự đảm bảo, chúng tôi cũng được yên tâm làm ăn”.
Xúc động nhất có lẽ là chia sẻ của “tỷ phú phân bò” – Võ Đại Nghĩa, ở xã Thanh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận. Anh tự nhận về mình như vậy bởi anh cho rằng, công việc mà anh đã làm không cần phải trình độ cao siêu, cũng không cần phải có tài năng nổi trội. Năm 2012, sau khi được đặc xá, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Lúc đó, xã anh rộ lên phong trào nuôi dê, bò nên anh đã xin làm thuê, chăn thả những động vật này. Công việc an nhàn nhưng lương thấp, không đủ chi tiêu nên anh đã suy nghĩ phải làm gì để thoát nghèo. Thấy nhiều gia đình có nhu cầu phân bón từ bò nên hằng ngày đi chăn bò anh mang theo bao để nhặt phân và tích lũy thành từng bao để bán. Thấy có thu nhập, anh liên hệ với các trang trại chăn nuôi, người chăn dắt để mua lại phân.
Một thời gian sau, giá giảm thấp, anh đã được mọi người động viên đi nghiên cứu thị trường ở Lâm Đồng – nơi cần rất nhiều phân bón cho café và các loại cây ăn quả khác. Anh đã tìm đến, có được cơ hội, trở về địa phương thu mua phân bò để đem vào Lâm Đồng bán; năm 2007, anh thành lập Công ty TNHH Anh Trung, kinh doanh nông sản, bởi trong các chuyến đưa phân vào phía Nam bán, anh lại mua nông sản địa phương đưa về thành cầu nối 2 chiều. Cứ như vậy, “tỷ phú phân bò” hiện nay đã có số vốn hơn 2,5 tỷ đồng, thu nhập mỗi năm 500 triệu đồng, đóng thuế cho Nhà nước đúng quy định.
Mỗi người một kinh nghiệm, mỗi tổ chức một trải nghiệm, tất cả họ đã đang góp sức mình làm cho cuộc sống ấm no hơn, yên bình hơn…