Công ty Timatex VN (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vừa kiện Cục Thuế TP.HCM ra tòa nhằm được hủy bỏ quyết định truy thu thuế mà họ cho là vô lý.
Ông Nguyễn Minh Sang, đại diện Công ty Timatex VN, cho biết: “Cực chẳng đã mới kiện cơ quan nhà nước ra tòa” - Ảnh: Q.Định
Ông Nguyễn Minh Sang, đại diện công ty, cho biết kiện một cơ quan nhà nước ra tòa như vậy là việc cực chẳng đã, song không còn cách nào khác. Chuyên gia và luật sư đã đưa ra quan điểm về vụ kiện này.
Nộp thuế ở Malaysia hay VN?
56 tỉ đồng thành 59 tỉ đồng
Khi nộp đơn kiện truy thu thuế theo yêu cầu của tòa án, Timatex VN phải hoàn thiện nhiều thủ tục giấy tờ.
Ông Sang cho biết việc chứng thực giấy tờ diễn ra suôn sẻ ở Q.Phú Nhuận và Q.Thủ Đức, song khi mang tới Q.12 thì hồ sơ cũng tương tự nhưng bị ách lại với lý do một số chỗ trong chứng từ bị cạo sửa và doanh nghiệp sắp xếp hồ sơ không đúng theo thứ tự như UBND Q.12 yêu cầu.
“Thay vì loại những hồ sơ cạo sửa để tiếp tục với phần hồ sơ còn lại, quận đã từ chối chứng thực. Việc này khiến quá trình hoàn tất hồ sơ tòa án của chúng tôi chậm lại, chúng tôi đành xin tòa cho hoãn phiên xử. Mỗi ngày hoãn như vậy là mỗi ngày chúng tôi thiệt hại vì Cục Thuế TP.HCM vẫn sẽ tính lãi suất nộp chậm thuế khoảng 0,07%/ngày với 56 tỉ đồng truy thu kia. Giờ 56 tỉ đã lên khoảng 59 tỉ đồng rồi” - ông Sang cho hay.
Ông Sang cho biết Cục Thuế TP.HCM đã yêu cầu truy thu khoản tiền hơn 56 tỉ đồng thuế nhà thầu giai đoạn từ ngày 1-1-2009 tới 31-12-2012 đối với Timatex VN.
Theo cơ quan thuế, vì Timatex mẹ tại Malaysia mua cao su thô của các công ty cao su tại VN, sau đó làm thủ tục bán lại cho công ty con là Timatex VN nên phải nộp khoản thuế cho việc mua bán này theo tinh thần thông tư 134/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại VN hoặc không có cơ sở thường trú tại VN nhưng có thu nhập phát sinh tại VN trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa họ với tổ chức, cá nhân VN.
Tuy nhiên, Timatex mẹ cho rằng họ không có cơ sở tại VN mà Timatex VN chỉ là đơn vị liên doanh đầu tư tại đây, hạch toán riêng.
Timatex lý giải theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa VN và Malaysia, Timatex không phải đóng thuế tại VN vì không có cơ sở thường trú tại đây và đã kê khai thuế tại Malaysia.
Trong trường hợp luật VN và luật quốc tế có xung khắc thì phải tuân theo các quy định quốc tế mà VN có tham gia, trong đó có hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
“Cục Thuế ra quyết định truy thu, Timatex không chấp nhận. Cơ quan thuế liền cưỡng chế 30 ngày, đồng thời âm thầm khóa mã số thuế của Timatex VN. Chúng tôi không biết gì về việc khóa mã số thuế này, đến khi ra khai báo làm thủ tục xuất khẩu mới ngã ngửa khi hải quan thông báo không thông quan do mã số thuế bị khóa. Hôm sau cơ quan thuế đã gỡ bỏ việc khóa mã số thuế. Tuy nhiên, phải chờ tới một tuần sau hải quan mới chấp nhận thông quan” - ông Sang kể lại.
Ông Sang cho biết khi Timatex không chấp nhận quyết định truy thu thuế, đòi giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì cơ quan thuế chấp nhận giải tỏa, song vẫn giữ nguyên quyết định truy thu. Vụ việc cứ vậy lình xình tới 6-7 tháng chưa kết thúc.
Cuối cùng, doanh nghiệp này đã quyết định kiện Cục Thuế TP.HCM ra TAND TP.HCM. “Chúng tôi đã trình bày, giải thích song dường như Cục Thuế không có ý thay đổi quyết định. Cực chẳng đã chúng tôi phải làm một việc mà ngay cả mình cũng không mong muốn, đó là kiện cơ quan nhà nước ra tòa” - ông Sang nói.
Quyết truy thu thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết vụ việc đang được thụ lý hồ sơ nên tạm thời chưa bình luận gì thêm. Vị này cho biết Cục Thuế TP.HCM vẫn bảo lưu quan điểm của mình về việc truy thu thuế.
Trong khi đó tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Công ty luật TNHH MTV Anphana, Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng Timatex Malaysia đã đóng phần thuế thu nhập doanh nghiệp này ở Malaysia nên không phải đóng ở VN nữa. Timatex VN không có nghĩa vụ phải đóng thuế thay Timatex Malaysia theo điểm 1 mục III phần B thông tư 134/2008/TT-BTC.
"Dù vậy, khi Công ty Timatex kiện ra tòa hành chính nhằm hủy quyết định truy thu thuế thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác của vụ án nên không thể nói trước khả năng được tòa án xem xét và giải quyết theo hướng có lợi cho Timatex hay Cục Thuế” - ông Trạch nói.
Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết hiện tại số lượng các công ty Malaysia đầu tư tại VN chỉ bằng khoảng 1/5 so với các công ty đến từ Nhật Bản, nên cơ quan quản lý thuế với việc quản lý nhiều công ty Nhật cũng như của các nước có thể đã có nhiều kinh nghiệm hơn khi tiến hành truy đòi thuế song phương hoặc đa phương để không làm trái các điều ước.
“Dù VN có ký điều ước thuế với quốc gia nào thì cũng đều dựa trên mô hình công ước thuế của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Có nghĩa là trong trường hợp này, cơ quan chỉ định thuế quốc gia (cấp có thẩm quyền) của Malaysia và VN sẽ giải quyết vấn đề thuế đối với các doanh nghiệp của mình để họ không bị đánh thuế hai lần” - ông Tiến nêu quan điểm.