Kể từ khi chính thức xây dựng nhà máy thép ở Việt Nam năm 2012, Formosa lần lượt xin nhiều cơ chế ưu đãi chưa từng có tiền lệ
Mặc dù từng có nhiều đề xuất xin cơ chế ưu đãi riêng bị bác bỏ nhưng Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa, vốn Đài Loan) vẫn tiếp tục đề xuất nhiều cơ chế ưu đãi chưa từng có tiền lệ.
Leo thang từng bước
Mới đây nhất, Formosa đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được giữ lại 100% phí luồng vào cảng Sơn Dương (tỉnh Hà Tĩnh). Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp (DN) phải nộp lại 30% phí bảo đảm hàng hải hằng năm tại luồng hàng hải của DN để đóng góp vào công tác bảo đảm an toàn hàng hải quốc gia. Formosa không muốn giao nộp phí mà đề xuất được giữ lại 30% vì đã có “công” tự đầu tư xây dựng, duy tu luồng cảng Sơn Dương và phương tiện phục vụ hỗ trợ luồng, giảm nhẹ gánh nặng cho Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải thuộc Bộ GTVT.
Ngay trước đề xuất này, Formosa cũng xin Bộ GTVT được thành lập đội tàu thủy nội địa để vận chuyển thép thành phẩm. Lý do vì sau khi 2 tháp lò cao xây dựng xong, mỗi năm Formosa sản xuất 7,1 triệu tấn thép thành phẩm, trong đó có 3 triệu tấn tiêu thụ tại Việt Nam nên cần vận chuyển đến 2 thị trường chính là TP HCM và Hà Nội. Mặc dù theo pháp luật, không quốc gia nào cho phép tàu cắm cờ ngoại được chạy tuyến nội địa nhưng DN này vẫn muốn lập đội tàu riêng.
Công nhân đang thi công tại dự án của Fomosa ở Khu Kinh tế Vũng Áng Ảnh: Thế An
Liên quan đến vận tải thủy, tháng 6-2014, Formosa từng kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập công ty lai dắt tàu biển 100% vốn nước ngoài nhưng không được chấp thuận do trái quy định của pháp luật Việt Nam.
Kể từ khi chính thức xây dựng nhà máy thép ở Việt Nam vào năm 2012, Formosa đã lần lượt xin nhiều cơ chế ưu đãi lạ, từ bảo hộ ngành thép bằng chính sách thuế; được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài; được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...
Khi đã hình thành nên KCN, Formosa dự kiến tăng vốn đầu tư lên 27 tỉ USD với quy mô 15.000 cán bộ nhân viên và tính cả người nhà là 60.000 người. Do đó, Formosa tiếp tục xin được miễn tiền thuê đất xây nhà để bán và cho cán bộ nhân viên thuê; đề xuất được tuyển tổng cộng gần 10.000 lao động nước ngoài vào thi công đẩy nhanh tiến độ dự án. Khi đã đi vào hoạt động, Formosa cũng đề xuất nhiều cơ chế đặc thù khác, trong đó có việc lập đặc khu kinh tế, xây miếu thờ...
Về nguyên tắc, các đề xuất của Formosa đều được Chính phủ xem xét, trong đó có một số đề xuất phù hợp và được chấp thuận.
Không bình thường!
Danh sách đề xuất cơ chế ưu đãi ngày càng dài và chưa thấy điểm dừng của Formosa đang dấy lên quan ngại sâu sắc của dư luận. Trong đề xuất của Formosa muốn xây miếu thờ trong khuôn viên KCN, ban đầu UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý nhưng sau đó yêu cầu dừng vì vấp phải sự phản đối của dư luận.
Hiện Formosa vẫn đang nhận được những ưu đãi ở mức cao nhất như miễn tiền thuê đất 15 năm, miễn thuế đối với các mặt hàng tạm nhập tái xuất, miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tạo tài sản cố định... Thậm chí được vay tín dụng nước ngoài ở Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Tổ chức Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) từng đưa ra cảnh báo Việt Nam đã ưu đãi bằng cách miễn thuế quá nhiều sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, vì cái mà nhà nước thu được từ hoạt động đầu tư là thuế. Do đó, không nên biệt đãi thêm cho Formosa.
Từng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong nhiều năm, TS Lê Đăng Doanh bức xúc: “Không thể giải thích được việc Formosa liên tục đưa ra đề nghị xin cơ chế riêng. Cần đặt ra câu hỏi họ ở vị thế nào mà lúc đòi cái này, lúc đòi cái khác?”.
Ông Doanh cho rằng việc Formosa liên tục xin ưu đãi là điều hết sức không bình thường, cần hết sức cẩn trọng. Đã đến lúc cần xem xét nghiêm túc toàn bộ yêu cầu của Formosa để xem giới hạn có thể chấp nhận như thế nào, sau này họ đòi hỏi gì nữa thì phải có cách ứng xử.
“Nếu cứ thỏa mãn những đòi hỏi của DN thì pháp luật của Việt Nam biến dạng đến mức nào. Nếu được thỏa mãn, họ sẽ có vị trí độc tôn trong nền kinh tế Việt Nam. Khi đó, phải có bộ máy riêng chỉ để quản lý Formosa, không bình đẳng với các DN khác” - ông Doanh cảnh báo.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trước đây từng tham gia thẩm định cấp phép dự án Formosa cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng dự án này có tác động rất lớn bởi quy mô, vị trí địa lý, chính trị.
“Với các đề xuất mới đây của Formosa, theo tôi không nên chấp thuận gì cả, đặc biệt về vận tải nội địa. Tàu Việt Nam còn thiếu hàng phải đi cho thuê thì không cớ gì lại cho DN nước ngoài lập tàu tự vận chuyển trong nội địa. Luồng lạch hàng hải của Việt Nam cũng phải do Việt Nam quản lý, không nên để nước ngoài làm, cơ quan quản lý Việt Nam cần có ý kiến chính thức về vấn đề này” - vị chuyên gia nói.
Theo ông, những đề xuất này sẽ gây nhiều hệ lụy rủi ro, trước hết là về an ninh, quốc phòng bởi vị trí nhà máy xây dựng có vị trí chiến lược...
Trái quy định thì bác bỏ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 21-10, ông Ngô Đình Vân, Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, cho biết: “DN đề nghị là quyền của họ. Việc đồng ý hay không phải căn cứ vào đề nghị đó có phù hợp với luật pháp, với thông lệ quốc tế, với sự bình đẳng giữa các DN. Nếu đề xuất hợp lý thì chúng ta đồng ý, trái quy định thì bác bỏ”.
Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy tính đến ngày 11-10, có 37.511 lao động làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng. Trong đó lao động nước ngoài là 5.917 người (Trung Quốc: 4.268 người). Tại Formosa có 4.154 lao động Trung Quốc, số lao động được cấp phép chỉ 1.400 người.
Ngoài số lao động tập trung trong các nhà lưu trú thuộc khu vực dự án Fomosa thì hằng ngày vẫn có rất nhiều lao động Trung Quốc ở trong các nhà trọ, nhà nghỉ trong các khu dân cư. Để phục vụ lao động Trung Quốc, hàng loạt quán ăn, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn với bảng hiệu chữ Tàu chữ Việt lẫn lộn mọc lên khắp địa bàn huyện Kỳ Anh. Đ.Ngọc