Hiệu quả kinh tế của sân bay Long Thành đến đâu, khi chỉ có 3 sân bay trên cả nước đang có lãi, là một trong những câu hỏi nóng được đặt ra tại buổi tọa đàm về “Dự án Long Thành: Cơ hội và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay 17.10.
Về câu hỏi Chính phủ có phải chịu trách nhiệm trả nợ vốn vay ODA nếu dự án thua lỗ, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT không trả lời trực tiếp mà cho rằng, đây là vấn đề lớn.
Sân bay Long Thành liệu có khả năng trả nợ khi chỉ 3 sân bay trên
cả nước có lãi - Ảnh: ACV
Đáng nói, theo ông Tiêu, với 21 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) quản lý hiện nay, chỉ có 3 sân bay có lợi nhuận là Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Nội Bài. Tuy nhiên, ông Tiêu vẫn khẳng định, tuy khó khăn nhưng ACV vẫn hoàn toàn có khả năng trả nợ, vì hạ tầng hàng không sẽ do nhà nước quản lý và quyết định khả năng khai thác.
Cũng theo ông Tiêu, với các dự án sử dụng vốn vay ODA đã có bài học như nhà ga Tân Sơn Nhất (được cho vay ODA với lãi suất 0,95%, vay Chính phủ và chịu phí lãi suất là 1,6%). Nhà ga Nội Bài cũng được Chính phủ Nhật cho vay với lãi suất 0,2%, các phí khác là 0,4%, thời hạn cho vay là 40 năm, nhưng chỉ trả trong 30 năm.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dù ngân sách và nền kinh tế đang khó khăn, nhưng tìm ra một dự án có hiệu quả thì vẫn cần phải làm, phải dùng vốn ODA và trái phiếu Chính phủ, vì đến bây giờ, hạ tầng khu bay, đường băng, sân đỗ vẫn chưa có nhà đầu tư nào quan tâm đầu tư theo hình thức BOT và PPP.
Ông Tiêu cũng cho hay, về vốn vay ODA đã nhận được cam kết giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản. Phía Nhật hứa sẽ dành khoảng 2 tỉ USD cho dự án Long Thành, tuy nhiên sẽ phải đàm phán thêm rất nhiều.