Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2014 của Việt Nam đạt 13%, tăng gấp 3 lần so với thời điểm gia nhập WTO, qua đó, đưa Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp đạt trạng thái xuất siêu, dự kiến trong năm nay xuất siêu 1,5 tỷ USD.
Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 diễn ra sáng 5/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong năm 2014, Việt Nam phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là tình hình phức tạp ở Biển Đông đe dọa nghiêm trọng tình hình ổn định trong khu vực cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, mặc dù kinh tế Việt Nam còn gặp không ít hạn chế yếu kém, phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa, nhưng đến hôm nay nhìn lại, Chính phủ đánh giá, trong năm 2014, Việt Nam đã đạt được những thành quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cả về phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại, cải thiện môi trường kinh doanh.
Quang cảnh Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 diễn ra sáng 5/12
Cụ thể, ước tính, cả năm nay, lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 3%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt cao13% với tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt mức 150 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với thời điểm gia nhập WTO. Qua đó, đưa Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp đạt trạng thái xuất siêu, dự kiến trong năm nay xuất siêu 1,5 tỷ USD.
Đồng thời, cũng trong năm nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng đáng kể, năm 2015 sẽ tiếp tục tăng dự trữ ngoại tệ, luôn đảm bảo từ 12 tuần nhập khẩu trở lên.
Về định hướng điều hành năm tới, trước các đối tác phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân theo Hiến pháp, huy động có sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực.
Chính phủ sẽ nỗ lực cải cách mạnh thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam phát triển và sản xuất kinh doanh, khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
Thủ tướng nhận định, việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân, và hoàn thiện kinh tế thị trường theo Hiến pháp vừa mới ban hành năm 2013 chính là động lực, giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả nền kinh tế Việt Nam.
Tiếp tục những thành quả đạt được, năm 2015, Chính phủ Việt Nam cam kết tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, lạm phát sẽ được chủ động kiểm soát ở mức khoảng 5% để tạo điều kiện phát triển kinh tế; giảm bội chi ngân sách từ 5,3% xuống còn 5% và toàn bộ phần bội chi này sẽ được dành cho đầu tư phát triển.
Nếu như trong năm 2014, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,9% thì sang năm 2015, Chính phủ dự kiến, mức tăng trưởng sẽ được nâng lên khoảng 6,2%. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã dự kiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 với mức tăng trưởng bình quân đạt 6,5% đến 7%/năm.
Trong nội dung ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát để bảo đảm giá trị VND, giữ ổn định tỷ giá hối đoái.
Song song với những nhiệm vụ trên, Việt Nam sẽ chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện đầy đủ hiệu quả các hiệp định thương mại quốc tế (FTA) đã tham gia, và tiếp tục tích cực đàm phán 6 hiệp định thương mại mới. Dự kiến, FTA với EU sẽ kết thúc đàm phán và ký kết vào đầu năm 2015, kết thúc đàm phán FTA với liên minh thuế quan, FTA với Hàn Quốc.
Đồng thời, Việt Nam và các đối tác cung sẽ tiếp tục đàm phán để kết thúc Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trên cơ sở đó, Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi thúc đẩy mạnh thương mại, thu hút nguồn vốn FDI vào hoạt động thương mại và đầu tư thành công ở Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ tích cực tham gia để hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.
Tại diễn đàn, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Riêng nội dụng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), phấn đấu đạt chỉ tiêu cả hai năm 2014 - 2015 cổ phần hóa được 432 DNNN, trong đó có cả các Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty nhà nước. Hoạt động tái cơ cấu không chỉ thể hiện qua số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa mà còn giảm mạnh tỷ trọng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa; nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNN trong môi trường bình đẳng, minh bạch của kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, ở nội dung tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, mục tiêu của Chính phủ là giảm mạnh nợ xấu cuối năm 2015 còn khoảng 3%, gắn với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống.
Cùng với đó, sẽ tiếp tục tái cơ cấu thị trường theo hướng phát triển mạnh thị trường trong nước, và đa dạng hóa thị trường ngoài nước, không để phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, cùng với cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao môi trường cạnh tranh, Việt Nam sẽ tiếp tục các giải pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn, theo hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp; thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài sản, tài chính công, xử lý nghiêm minh tất cả các hành vi tham nhũng.