Bắt ép phải tăng ca, không được về sớm dù bụng bầu đã vượt mặt, tìm cách cắt hợp đồng lao động khi nữ nhân viên có bầu…, nhiều Cty đã vi phạm pháp luật trắng trợn nhưng vì sợ mất việc làm nên nhiều người lao động (NLĐ) không dám phản ứng. Đã thế, Cty “được nước” lại… làm càn!
Điều chuyển lung tung vì nghi ngờ CN “nói xấu Cty”
Nữ CN mang thai vẫn chịu nhiều thiệt thòi.
Cuối tháng 10 vừa qua, gần 1.000 công nhân (CN) Cty may mặc T.O (quận Gò Vấp, TPHCM) ngừng việc phản đối cách tính lương mới của Cty. Tại cuộc ngừng việc, các CN trình bày những bức xúc của mình về suất ăn của Cty quá kém chất lượng, Cty ép CN tăng ca thường xuyên, không ký HĐLĐ cho nhiều NLĐ ngoài 30 tuổi hoặc Cty sử dụng lao động trẻ em… Vụ việc sau đó được giải quyết, Cty cũng chấn chỉnh một số nội dung mà CN phản ánh, nhưng sau đó, Cty lại “âm thầm” quay ra truy tìm những người đã “nói xấu Cty”.
Nhiều người trở thành “nạn nhân” của việc truy tìm này, đáng nói nhất là chị M - nữ CN đang mang bầu tháng thứ 6. Từ tổ may, chị bị điều chuyển qua khâu cắt chỉ, được vài hôm, lại có thông báo chuyển chị đi khâu khác, chị không được làm tăng ca. “Em bầu bì rồi, không tăng ca nữa cũng được, nhưng cứ chuyển tới chuyển lui, chưa quen việc đã lại bắt đầu với công việc mới nên năng suất không cao. Lương cũng sẽ thấp đi nhiều”, chị M nói.
Mặc dù nhiều CN, tổ trưởng đã “đánh tiếng” rằng, chị M “vô can” trong việc “nói xấu Cty” nhưng Cty, vẫn kiên quyết điều chuyển chị để “dằn mặt”. “Điều em sợ nhất là sau khi sinh xong, Cty đã ghét rồi thì sẽ không ký tiếp HĐLĐ nữa, xin việc mới cũng khó”, chị M thở dài.
Mang bầu 7 tháng vẫn bị ép tăng ca
Đó là tình trạng mà nhiều CN nữ của Cty Phú Khang Gia Phát (quận 12, TPHCM) phải chịu đựng. Cuối tháng 11 vừa qua, 129 CN của Cty đã ngừng việc phản ứng. Chị V - CN Cty - cho biết, chị đã mang thai tháng thứ 7 nhưng Cty vẫn bắt chị ngày làm 8 tiếng, vẫn phải tăng ca như những CN bình thường khác, khi có ý kiến thì Cty dọa cho nghỉ việc, cắt HĐLĐ. “Gần đến ngày sinh nở, người rất mệt mỏi, đau lưng, tức ngực, ngồi lâu chân tay tê cứng…, nhiều khi chịu không nổi tôi phải xin giảm giờ làm, không tăng ca, vậy mà Cty vẫn không đồng ý. Sợ Cty đuổi việc nên tôi phải gắng gượng đi làm”, chị V nói.
Bên cạnh đó, nhiều CN nữ của Cty cho biết, do Cty nợ BHXH nên nhiều CN nghỉ đẻ vẫn không được hưởng chế độ thai sản, khiến quyền lợi bị thiệt thòi. “Hết chế độ thai sản, em đi làm lại được mấy tháng, con em cũng đã đi nhà trẻ rồi mà vẫn chưa được nhận chế độ. Trong thời gian nghỉ thai sản, tiền bạc không có, chật vật vô cùng”, chị H - CN Cty - bức xúc.
Không chỉ bị chèn ép về thời giờ làm việc, nhiều nữ CN mang thai phải “cam chịu” những quy định hà khắc về thời giờ gian đi vệ sinh ở nhiều Cty. Theo đó, lấy lý do CN lợi dụng chuyện đi vệ sinh để trốn việc, hút thuốc, ảnh hưởng đến sản xuất nên các Cty có những quy định ngặt nghèo về chuyện đi vệ sinh. CN đi vệ sinh phải được người quản lý đi vệ sinh đồng ý, cấp thẻ, ghi rõ thời gian đi, trong mỗi tháng, CN nào đi quá bao nhiêu phút thì bị trừ tiền, trừ lương… “Khổ nhất là những CN nữ mang thai, uống nước cũng không dám uống vì sợ phải đi vệ sinh”, chị P - CN Cty Young Woo (huyện Hóc Môn) - nói.
“Nhà vệ sinh thì rất xa, đi xuống tới chỗ thì đã hết thời gian Cty cho phép, lại vội vội vàng vàng đi lên lại. Bác sĩ dặn đi dặn lại là tôi phải uống đủ nước, không được nín nhịn chuyện đi vệ sinh… Nếu tình trạng nín nhịn kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Bác sĩ nói rõ như vậy nhưng phía Cty không thông cảm thì mình cũng ráng mà chịu”, chị L - CN Cty Vina Duke (huyện Hóc Môn, TPHCM) - nói.
“Đối với lao động nữ, Bộ luật Lao động 2012 có một chương riêng (Chương X) nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ mang thai. Tất cả những hành động trên của các Cty đều đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của lao động nữ mang thai, những hành vi cần được xử lý”, luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn luật sư TPHCM) nói.