Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh&Xã hội, trung bình hàng năm có khoảng hơn 6.000 vụ tai nạn lao động, trong đó có khoảng 500 vụ tai nạn chết người làm hơn 600 người thiệt mạng.
Tai nạn lao động nghiêm trọng chủ yếu tập trung nhiều trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng, đặc biệt tại các doanh nghiệp không chú ý đến việc tuân thủ trách nhiệm xã hội.
Đây là số liệu được đưa tra tại hội thảo “Thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và công tác an toàn, vệ sinh lao động tại Việt Nam” được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức ngày 6/12.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vì điều kiện thiếu vốn sản xuất kinh doanh nên chỉ quan tâm đến yếu tố lợi nhuận, thiếu quan tâm, đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động dẫn đến những tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm, có tới khoảng 1.500 người mắc bệnh nghề nghiệp. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng 28.000 người mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó nhiều bệnh liên quan tới hóa chất, bụi hóa chất.
Bên cạnh vấn đề mất an toàn lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, còn nhiều doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội của mình. Điều đó thể hiện ở các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính, không đảm bảo an toàn lao động, cố ý gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là các vụ xả nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của công ty Miwon, công ty Thành Thái…
Theo số liệu điều tra gần 9.000 doanh nghiệp tại Việt Nam của Tổng Cục Thống kê, những doanh nghiệp lâu năm, quy mô lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có sở hữu của nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tuân thủ các thủ tiêu chuẩn về lao động, về môi trường nhưng lại ít quan tâm hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng.
“Nên quy định rõ hơn về trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng ta nên hướng chọn lọc hơn nữa khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài để đảm bảo phát triển bền vững,” bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nói.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải luôn tuân theo những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động và quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và phát triển cộng đồng.”/.
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)