Trong quá trình tham gia một số vụ kiện về tranh chấp lao động tôi nhận thấy phía người lao động còn có rất nhiều hạn chế về kiến thức pháp luật.
Nói như ông Nguyễn Thành Đô (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1, TP.HCM), đây là một lỗ hổng mà các cơ quan chức năng, báo chí phải nhảy vào để bịt lại nhằm giúp cho người lao động thêm nhiều khả năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình (xem thêm Pháp Luật TP.HCM ngày 5-2). Tôi xin chỉ ra một số vấn đề để chúng ta có thể trợ giúp ngay cho người lao động giúp họ bớt gặp thiệt thòi do thiếu hiểu biết hoặc áp dụng luật một cách máy móc...
Thứ nhất, nhận thức về pháp luật còn kém nên người lao động thường hay ký hợp đồng với mức lương thấp hơn thực lãnh để đóng bảo hiểm xã hội ít đi theo như gợi ý của người sử dụng lao động. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hưu trí của người lao động.
Thứ hai, một bộ phận công nhân chưa phấn đấu học tập nâng cao trình độ tay nghề mặc dù đã được các cấp công đoàn tạo điều kiện học tập không đóng tiền học phí, hỗ trợ dụng cụ học tập... Nguyên do họ sợ khi đi học thì công ty sẽ cắt lương hoặc đuổi việc do thời gian lao động thực tế không bảo đảm theo quy định.
Thứ nữa, khi gặp một số vấn đề rắc rối, không ít người lao động không biết tìm đến ai để yêu cầu bảo vệ quyền lợi. Trong khi đó, một số nơi chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa Liên đoàn Lao động và Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến người lao động như giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể, kiểm tra pháp luật lao động các doanh nghiệp đông lao động theo đề nghị của Liên đoàn Lao động...
Về mặt pháp luật, hiện cũng còn một số quy định của Bộ luật Lao động, các văn bản pháp luật khác chưa đầy đủ cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động như chưa có hướng dẫn về việc thanh toán các ngày chưa nghỉ hằng năm theo Điều 114 Bộ luật Lao động (người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại từ bốn đến sáu tháng do Chính phủ quy định, tùy theo điều kiện lao động, tính chất công việc nặng nhọc, độc hại và nơi xa xôi hẻo lánh. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày...), hướng dẫn về trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động theo Mục 1 Chương 8 Bộ luật Lao động...
Luật sư NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI (Đoàn Luật sư TP.HCM)