Trong 3 thập kỷ gần đây, chiều cao của người Việt bắt đầu nhích dần lên, cứ 10 năm tăng 1-1,5 cm. Với tốc độ này nếu không có giải pháp cải thiện, Việt Nam phải mất 80 năm mới đạt được chiều cao như người Nhật.
Phó giáo sư Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, người Việt Nam có xu hướng tăng trưởng cân nặng xuất hiện sớm, chiều cao xuất hiện muộn hơn. Trong gần 30 năm 1958-1985, người Việt Nam không tăng trưởng chiều cao. Gần 3 thập kỷ gần đây, chiều cao tăng 1-1,5 cm/10 năm.
“Hiện chiều cao trung bình của nữ giới là 1m53, nam giới là 1m64 - thua người Nhật gần 8 cm. Với mức độ tăng trưởng chiều cao như hiện nay nếu không có giải pháp tích cực phải mất 80 năm người Việt mới có thể cao như người Nhật - thời gian quá dài”, phó giáo sư Mai nhấn mạnh.
Chiều cao của người Việt hoàn toàn có thể được cải thiện thông qua chế độ ăn, luyện tập thể thao, bổ sung các chất cần thiết. Ảnh: N.Phương.
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao là khẩu phần thấp canxi và vitamin D trường diễn. Theo phó giáo sư Mai, tổng hợp kết quả 4 cuộc điều tra trên toàn quốc những năm gần đây cho thấy, giá trị canxi trong khẩu phần không thay đổi, chỉ 500 mg/người/ngày từ những năm 1985-2010. Khẩu phần nghèo canxi, chỉ đáp ứng được 57-64% nhu cầu của cơ thể khiến nhiều người rơi vào tình trạng thiếu canxi trầm trọng.
Nguyên nhân thiếu canxi trước hết là nguồn thức ăn ăn vào không đủ canxi. Sữa là nguồn giàu canxi, dễ hấp thụ, nhưng chưa là khẩu phần bình thường trong bữa ăn mà chỉ dành cho trẻ em, người ốm, người già. "Trong khi đó, cua, tôm, cá nhiều canxi nhưng nếu vậy cua phải ăn cả mai và yếm, cá ăn cả xương, tôm ăn cả vỏ", phó giáo sư Mai phân tích.
Không những thế khẩu phần canxi ít ỏi lại bị mất đi quá nhiều qua nước tiểu bởi thói quen ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều nước ngọt có gas, nhiều protein động vật mà không tăng đồng hành canxi, ăn quá mặn. Tất cả những thói quen này khiến canxi trong khẩu phần không được hấp thu mà bị đào thải ra ngoài. 500 mg canxi có lẽ cơ thể chỉ hấp thu tối đa được 30%.
Không có lượng vitamin D đầy đủ cũng ảnh hưởng đến việc hấp thu canxi. Nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin D làm tăng 30-60% hấp thụ canxi. Tuy nhiên, mức đáp ứng nhu cầu vitamin này ở phụ nữ chỉ là 8%, với trẻ em chưa đến 11%. Nguồn vitamin này không phải từ khẩu phần ăn. Nếu muốn đủ nhu cầu vitamin D cần thiết thì mỗi ngày phải ăn 13 lòng đỏ trứng gà.
Theo chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, 80-90% vitamin D của cơ thể chủ yếu tổng hợp từ tiền chất vitamin D dưới da nhờ tác động quang hóa của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Nhiều người chưa có thói quen tắm nắng, phụ nữ đi ra đường lại che nắng quá nhiều mà không biết ánh nắng trước 10h sáng và sau 16h rất cần thiết với cơ thể.
Các chuyên gia nhấn mạnh, thấp bé, nhẹ cân không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. Nếu cải thiện được chế độ ăn nghèo canxi như hiện nay thì tầm vóc của người Việt có thể được cải thiện.
Theo: Nam Phương - VEXP