Sáng 19.10, khoảng 1.000 công nhân Cty Teakwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã tham dự chương trình phổ biến kiến thức pháp luật và giao lưu tư vấn sức khỏe sinh sản do Báo Lao Động phối hợp LĐLĐ tỉnh Đồng Nai và CĐCS Cty tổ chức, với sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ sáng kiến tư pháp (JIFF) và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Không chỉ bản thân tham gia, những công nhân nữ này còn mang theo cả con cái, chồng, người thân tham gia chương trình.
Chữa cảm cúm gây thiệt mạng, lang vườn thách thức gia đình nạn nhân khởi kiện
- Cập nhật : 23/10/2014
Bà Điệp trao đổi với phóng viên.
Sự ra đi bất ngờ của em Nguyễn Thị Hồng Ngọc (SN 1991, trú khối Yên Giang, phường Vinh Tân, TP.Vinh, Nghệ An) làm người nhà, anh em và bà con trong phường vô cùng bàng hoàng, đau xót.
Điều khiến mọi người bức xúc hơn là thầy lang vườn Trần Thị Tâm (trú tại nhà số 3, ngõ 2, đường Phạm Hồng Thái, cùng khối với nạn nhân) - người được cho là đã gián tiếp gây ra cái chết của em Ngọc - lại tỏ ra thờ ơ, thách thức gia đình nạn nhân khởi kiện.
Kết cục đau buồn của cô gái 23 tuổi
Gần 1 tháng sau sự ra đi đột ngột của Ngọc, bà Trần Thị Điệp (SN 1950, mẹ Ngọc) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau bỗng dưng mất con gái. Theo đơn trình bày của gia đình bà Điệp gửi báo chí, sáng 10.7, em Ngọc có triệu chứng sốt, cảm cúm và đi ngoài nên gia đình đã nhờ bà Trần Thị Tâm - y tá thường đi truyền dịch cho các bệnh nhân trong phường - đến nhà truyền dịch cho Ngọc. Tuy nhiên, bà Tâm khuyên gia đình đưa Ngọc xuống nhà bà để điều trị cho tiện.
Khi được đưa đến nhà bà Tâm, Ngọc chỉ có các triệu chứng của bệnh cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày được bà Tâm truyền dịch pha lẫn thuốc kháng sinh, bệnh của Ngọc ngày càng nặng hơn. Gia đình bà Điệp đã nhiều lần xin bà Tâm cho Ngọc đi bệnh viện khám nhưng bà Tâm vẫn một mực khẳng định là có thể chữa khỏi cho em. Ngày 18.7, Ngọc có biểu hiện sốt cao hơn và kiệt sức. Đến 3h sáng 19.7, thấy sức khỏe Ngọc quá yếu, lúc này bà Tâm mới cho gia đình đưa em đi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP.Vinh để cấp cứu.
Tại BVĐK TP.Vinh, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc kháng sinh, có nguy cơ tử vong nên khuyên gia đình đưa Ngọc lên BVĐK Nghệ An. Tại BVĐK Nghệ An, các bác sĩ kết luận, do truyền quá nhiều nước pha thuốc kháng sinh nên Ngọc bị nhiễm độc trong máu, tim phình to, dịch tràn qua tim, phổi. Tuy nhiên, do không có loại thuốc đặc trị nên BVĐK Nghệ An đã giới thiệu Ngọc ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để điều trị.
12h đêm 19.7, Ngọc được đưa vào khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh viện đã tiến hành mổ ngực để rút dịch từ tim và phổi ra. Lượng dịch rút ra từ trong ngực Ngọc lên tới 5 lít. Theo kết luận của các bác sĩ, bệnh nhân Ngọc bị nhiễm trùng máu do truyền quá nhiều nước và điều trị kháng sinh không đúng với bệnh lý khiến dịch tràn phổi, tim phình to, nội tạng có dấu hiệu phân hủy từ từ.
Điều trị được 1 tháng 20 ngày, dù các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã cố gắng hết sức, nhưng đến khoảng 3h15 sáng 8.9, bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Ngọc đã tử vong. “Khi nghe bác sĩ thông báo là con đã chết, tôi không tin vào tai mình nữa. Bệnh của nó chỉ là cảm cúm thông thường thôi mà sao lại ra cơ sự này chứ”, bà Điệp nghẹn ngào.
Gây chết người còn thách thức gia đình nạn nhân
Bà Điệp cho biết, sau khi em Ngọc mất được 15 ngày, bà Tâm mới đến thắp hương cho nạn nhân. Thế nhưng, khi một người hàng xóm hỏi chuyện thì nữ lang vườn này còn tỏ vẻ thách thức gia đình bà Điệp khởi kiện khiến ai nấy đều rất bức xúc.
“Hôm đó, tôi ngồi trong nhà, nghe bà Tâm nói chuyện với hàng xóm bên ngoài cổng. Tôi nghe bà Tâm nói là muốn khởi kiện thì cứ việc, không có bằng chứng thì làm được gì. Bà Tâm là người đã gián tiếp gây ra cái chết của con gái tôi nhưng lại tỏ ra thờ ơ và còn thách thức chúng tôi khởi kiện. Con gái đã mất, nghĩ là người quen nên tôi không muốn làm lớn chuyện. Nhưng do bà ấy quá đáng, buộc lòng tôi phải làm đơn thưa kiện dù cháu đã mất được gần 1 tháng. Phải trả lại công bằng cho con gái và gia đình tôi chứ”, bà Điệp nói trong nước mắt.
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, chúng tôi đã tìm đến nhà bà Tâm, tuy nhiên ngôi nhà của bà đóng kín cửa. Ông Lê Hồng Mão -Trạm trưởng trạm y tế phường Vinh Tân, TP.Vinh - tỏ ra khá bất ngờ trước cái tên y tá Trần Thị Tâm trú tại khối Yên Giang. “Thật tình tôi chưa bao giờ nghe có y tá nào tên Tâm ở khối Yên Giang được cấp phép hành nghề y tại nhà cả. Việc cháu Ngọc tử vong sau khi điều trị tại nhà bà Tâm tôi cũng có nghe mọi người nói, nhưng sự thật thế nào phải chờ các cơ quan có thẩm quyền xác minh, điều tra. Nếu đúng là như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo lên trên yêu cầu xử lý nghiêm khắc”, ông Mão nói.
(Theo laodong)
Trở về