Nhiều sinh viên ở làng đại học cho biết gần đây nạn trộm thường xuyên xảy ra với những thủ đoạn tinh vi, táo bạo hơn.
Những khu nhà trọ của sinh viên ở làng đại học luôn nằm trong “tầm ngắm” của kẻ trộm
- Ảnh: Lê Thanh
Chỉ cần sơ hở một chút thì những món đồ quý giá như xe máy, máy tính xách tay, điện thoại di động… sẽ không cánh mà bay.
Mặc dù lực lượng công an và an ninh trật tự đã có nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi nạn trộm tại khu vực làng đại học (nơi tiếp giáp giữa P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM và P.Đông Hòa, TX.Dĩ An, Bình Dương) nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.
Người dân và sinh viên nếu phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn hãy báo ngay cho Công an P.Đông Hòa qua 3 số điện thoại nóng sau: 0650.3750872, 0650.6257240, 0650.6257241 để kịp thời theo dõi, truy bắt tội phạm
Trung tá Nguyễn Văn Hây
Trung tá Nguyễn Văn Hây, Trưởng công an P.Đông Hòa, TX.Dĩ An, Bình Dương, cho biết: “Khu vực làng đại học là địa bàn rất rộng, lại giáp ranh nên tình hình trộm cắp diễn ra rất phức tạp. Thường vào đầu năm học, khi có nhiều tân sinh viên (SV) nhập học, “đạo chích” xuất hiện với nhiều chiêu thức mới và thủ đoạn rất tinh vi”.
Ông Hây kể thêm, lợi dụng lúc SV còn ngủ (sáng sớm, buổi trưa hoặc chiều tối), do chủ quan không khóa cửa phòng hoặc lúc đi vắng, bọn trộm sẽ tìm cách đập khóa, cạy cửa để đột nhập vào phòng lấy những tài sản có giá trị. Táo tợn hơn, trộm canh me khi SV vừa đi học về, dựng xe máy trước cửa vào nhà để thay đồ hoặc đi vệ sinh thì bẻ khóa chỉ trong vài giây.
Lê Minh Thạnh, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trọ tại khu phố Tân Lập, P.Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương chua chát kể vụ mất đồ: “Trong lúc ngủ trưa, dù đã gài chốt cửa phòng cẩn thận, nhưng khi thức dậy tụi em mới hay kẻ trộm cạy cửa vào lấy mất 1 máy tính xách tay, 1 điện thoại di động”.
Sau lần mất đồ, Thạnh liền chuyển chỗ trọ, nhưng chỗ mới cũng không khác gì chỗ cũ vì “đạo chích” lại tiếp tục ghé thăm. Khác với lần trước, kẻ trộm cạy cửa vào buổi tối lấy 1 máy tính xách tay mới mua, 1 điện thoại di động và ví trong đó có hơn 1 triệu đồng cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân. Khi lấy xong, trộm còn khóa ngoài cửa khiến sáng thức dậy phải nhờ những người ở phòng trọ bên đập khóa mới ra ngoài được.
Không chỉ đột nhập vào phòng trọ, “đạo chích” còn có những chiêu thức tinh vi hơn để lừa SV. Trần Văn Thạnh, Trường ĐH Thể dục - Thể thao TP.HCM, cảnh báo: “Với chiêu thức giả dạng những người đi bán tăm xỉa răng tình thương, kẻ trộm thường rảo quanh các khu nhà trọ canh lúc SV sơ hở là ra tay chôm chỉa đồ đạc ngay”.
Theo Thạnh, cũng có dạng “đạo chích” thường đi xe tay ga, ăn mặc rất lịch sự giả làm nhân viên tiếp thị sản phẩm mới bán với giá cực rẻ. Chúng thường đi hai người, một người bước vào phòng trọ giới thiệu sản phẩm, người còn lại ngồi trên xe tay ga, khi SV sơ hở là trộm đồ ra xe vọt mất.
Lê Văn Minh, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khuyên: “Khi ra khỏi phòng trọ không nên để những món đồ quý giá trong phòng. Nếu mang theo thấy bất tiện thì có thể gửi chủ nhà trọ hoặc những người mà mình cho là đáng tin cậy”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh vấn đề ngăn chặn tình trạng trộm lộng hành, trung tá Hây cho biết: “Công an P.Đông Hòa đã thành lập 2 chốt dân phòng (1 chốt đóng tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - khu phố Tân Lập và 1 chốt đóng tại khu B của ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM - khu phố Tân Hòa). Công an phường cũng cử lực lượng túc trực, tuần tra suốt 24/24 giờ; đồng thời phối hợp Công an P.Linh Trung, Q.Thủ Đức cũng như lực lượng quản lý an ninh trật tự của Trung tâm quản lý và phát triển đô thị - ĐH Quốc gia TP.HCM để tuần tra thường xuyên”.
Trung tá Hây cũng thông báo đến tất cả người dân và SV nếu phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn hãy báo ngay cho Công an P.Đông Hòa qua 3 số điện thoại nóng sau: 0650.3750872, 0650.6257240, 0650.6257241 để kịp thời theo dõi, truy bắt tội phạm.