Bác sĩ chuyên khoa sản Phạm Thị Lệ Hằng - BVĐK Đồng Nai (phải) - tư vấn cho công nhân.
Sáng 19.10, khoảng 1.000 công nhân Cty Teakwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã tham dự chương trình phổ biến kiến thức pháp luật và giao lưu tư vấn sức khỏe sinh sản do Báo Lao Động phối hợp LĐLĐ tỉnh Đồng Nai và CĐCS Cty tổ chức, với sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ sáng kiến tư pháp (JIFF) và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Không chỉ bản thân tham gia, những công nhân nữ này còn mang theo cả con cái, chồng, người thân tham gia chương trình.
Bạo lực gia đình còn nhiều
Tại buổi giao lưu, công nhân chỉ ra rất nhiều hành vi bạo lực xảy ra thường xuyên trong gia đình như: Chồng say xỉn rồi đánh vợ con, đập phá tài sản gia đình, bị chồng ép "quan hệ"… nhưng họ đều chọn giải pháp “nín nhịn” để có cuộc sống bình yên mà không biết phải làm gì?
Luật sư Vũ Mạnh Hà - Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ tỉnh Đồng Nai - cho rằng: Khi xảy ra bạo lực gia đình, về nguyên tắc có 2 cách xử lý. Đối với cá nhân chúng ta, phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì báo cho cơ quan công an địa phương hoặc báo chính quyền địa phương và chính quyền đoàn thể. Các cơ quan này sẽ có các biện pháp xử lý, quan trọng nhất là các biện pháp hòa giải từ gia đình, tới cơ sở, UBND phường, xã… Ngoài ra, có biện pháp cực kỳ quan trọng và hữu hiệu, ở Việt Nam cũng có, đó là biện pháp cấm tiếp xúc. Người bị hại có quyền làm đơn yêu cầu Chủ tịch UBND xã, phường hoặc tòa án thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc. Nếu vi phạm thì sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng - 30 triệu đồng. Cũng theo luật sư Hà: Có 5 nhóm bạo lực gia đình gồm: Liên quan đến thể xác như đánh đập, đe dọa, giết; liên quan vấn đề tinh thần như chửi bới, lăng mạ; cưỡng ép tình dục mặc dù không muốn; liên quan đến kinh tế như vợ giữ hết tiền của chồng, yêu cầu chồng có mức lương cao hơn; liên quan đến vấn đề tảo hôn, kết hôn, cưỡng ép kết hôn, cưỡng ép ly hôn, cản trở hôn nhân tiến bộ…
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt - nguyên nhân khiến bạo lực gia đình gia tăng là do người phụ nữ thường có tư tưởng sống chịu đựng theo kiểu “mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà, mỗi cảnh”. Bản thân phụ nữ chúng ta chỉ sống cuộc đời duy nhất, bởi vậy mình tự tìm cho mình một cuộc sống tốt, đừng để phụ thuộc vào người khác. Chúng ta không nên im lặng, mà hãy lên tiếng khi là nạn nhân của bạo lực gia đình, để các cơ quan chức năng vào cuộc giúp đỡ.
Cũng tại buổi giao lưu, vấn đề khi phụ nữ mang thai, cần phòng tránh lây nhiễm bệnh cho con như thế nào, được công nhân rất quan tâm và đặt câu hỏi đã được bác sĩ Phạm Thị Lệ Hằng - chuyên khoa Sản (BVĐK Đồng Nai) - giải đáp. “Chúng ta cần làm các xét nghiệm các bệnh viêm nhiễm để khi mang thai khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con tỉ lệ thấp đi, con chúng ta sinh ra cũng rất an toàn” - bác sĩ Hằng tư vấn. Đối với công nhân, bận rộn thì chỉ cần khám thai 3 lần trong suốt thai kỳ: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối là đủ. Những bệnh liên quan trong thời gian mang thai rất nguy hiểm như: Rubella, viêm gan B, HIV… thì cần phải đi chích ngừa ngay, tránh khả năng quái thai xảy ra, trẻ có thể bị mù hoặc mắc các bệnh lý tim mạch khác.
Công nhân đưa cả gia đình tham dự
Chị Lê Thị Phương Loan (36 tuổi - công nhân Cty Teakwang Vina - cùng chồng và đứa con 14 tháng tuổi tham dự buổi giao lưu) chia sẻ: Khi nghe Báo Lao Động tổ chức chương trình này, cùng rất nhiều chuyên gia có chuyên môn cao về sức khỏe sinh sản, nên tôi đã chủ động sắp xếp thời gian, cùng chồng và con trai tham gia chương trình này để được tư vấn về cách giữ gìn sức khỏe sau khi sinh. Đồng thời cũng được nghe chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nói chuyện về cách để vợ chồng giữ được sự nồng ấm, hạnh phúc.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh trình bày quan điểm về cách chống bạo lực gia đình
Vợ chồng anh Trương Anh Thìn (27 tuổi) - công nhân Cty Teawang Vina - cũng chia sẻ mục đích tương tự khi cả gia đình tới tham dự buổi giao lưu. Tuy nhiên, anh Thìn có ý kiến: Chúng tôi mong các cơ quan chức năng cần phải tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động bổ ích như thế này, do công nhân nhiều khi vì ngại, không có thời gian và cũng hạn chế về tiền bạc nên không thể đến được các trung tâm y tế hay bệnh viện lớn để được thăm, khám và tư vấn sức khỏe. Bởi vậy, việc mời được các chuyên gia về ngay tại Cty để công nhân chúng tôi được tư vấn sức khỏe miễn phí thì rất bổ ích và quý giá.
Bà Nguyễn Phước Mạnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho biết: Chương trình nhằm mục đích trang bị cho công nhân nữ những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, cách tạo dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc, được bình đẳng như nam giới, công nhân hiểu được như thế nào là bạo lực gia đình, và khi là nạn nhân của bạo lực gia đình họ phải “gõ cửa” ở đâu.