Trót “đắm đuối” với nghiệp sản xuất ô tô “made in VietNam”, Vinaxuki đang phải bán dần sắt vụn để lấy tiền trả lương công nhân. Việc ưu đãi cho doanh nghiệp lắp ráp, bỏ rơi DN đầu tư vào sản xuất khiến họ đang bị dồn đến chân tường.
Từ quyết tâm sản xuất xe Việt
Sau nhiều lần gửi tâm thư lên Thủ tướng kêu cứu về tình cảnh khốn đốn của mình, lần này, ông chủ Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã nản và chỉ biết kêu than.
Tổng giám đốc Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên một lần nữa khẳng định, công nghiệp ô tô Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn là lắp ráp, sản xuất rất ít.
Các DN chỉ chú trọng đầu tư vào lắp ráp và sản xuất các chi tiết thông thường như thùng xe tải, thùng xe khách, ghế ngồi, kính... không cần vốn lớn. Còn đâu, họ lắp ráp toàn xe thương hiệu nước ngoài. Tiêu thụ mạnh và có lợi nhuận cao, cách làm này lại được sự ủng hộ của các nhà băng, được cơ quan thuế khen ngợi nên hưởng rất nhiều ưu đãi.
Giai đoạn từ 2006 đến đầu năm 2009 là rõ. Khi ấy, ông Huyên nói rằng Vinaxuki chỉ nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại thùng xe tải, không đòi hỏi công nghệ cao, thì lợi nhuận rất cao. Năm thấp nhất cũng lãi 90 tỷ đồng, năm cao nhất lãi tới 160 tỷ đồng. Đến 2009 đã thu hồi được toàn bộ vốn đầu tư giai đoạn này.
Tuy nhiên, ông quan điểm nếu muốn bắt kịp các nước trong khu vực thì không thể làm như vậy. Bởi về lâu dài, lắp ráp sẽ phụ thuộc vào nước ngoài. Đến năm 2018, nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, xe không xuất khẩu được thì nguy cơ đóng cửa cao và ngành công nghiệp ô tô không có gì, ông Huyên nói.
Vì thế, nhờ các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển của Chính phủ như: Chương trình cơ khí trọng điểm, đầu tư công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ,... Vinaxuki tự tin đầu tư cho dự án lớn: Sản xuất ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Hơn 600 tỷ đồng từ vốn vay và lợi nhuận tích lũy được Vinaxuki rót vào luyện kim, đúc phôi, sản xuất khuôn mẫu, cùng các thiết bị tự động cho dây chuyền dập, cắt plasma, cắt laser, sơn tự động bằng robot...
Theo tính toán, dự án này hoàn thành và đi vào sản xuất, đến 2018, sản phẩm của Vinaxuki sẽ có cơ hội cạnh tranh ở các dòng xe tải nhỏ dưới 5 tấn, xe con thông thường dùng cho đi lại cá nhân và taxi, xe khách dưới 28 chỗ dùng cho giao thông công cộng.
Trên thực tế, dù chưa đầu tư xong, đến nay Vinaxuki đã tự sản xuất được thân vỏ xe con, satxi xe tải, cabin xe tải...
Đến bán sắt vụn nuôi quân
Tuy nhiên, ông Huyên cho hay Vinaxuki đầu tư nhiều mà không nhận được sự ưu đãi, hỗ trợ, như các chính sách đã ban hành, dẫn đến khó khăn. Để sản xuất ô tô DN chỉ có thể bỏ ra 50-60% số vốn, còn lại phải vay ngân hàng. Tiền cho việc nghiên cứu phát triển, thuê chuyên gia lắp đặt, chế thử cũng chiếm từ 20- 30% tổng chi phí của dự án. Sau khi ra sản phẩm, phải thực hiện chiến lược marketing từ 1-5 năm mới bán được hàng. Song các ngân hàng thương mại, trước năm 2012 chỉ cho vay chủ yếu vốn ngắn hạn một năm. Nếu không trả đúng hạn phạt 150%. Với DN tư nhân, được vay nhiều nhất là 50% tổng vốn dự án.
Năm 2009, Vinaxuki vay được 220 tỷ đồng vốn kích cầu sản xuất từ Ngân hàng Ngoại thương (VCB), thời hạn 3 năm, lãi suất năm 2009 là 6%, năm 2010 là 15%, năm 2011 là 17%. Khoản vay này dự kiến sẽ dùng 250 tỷ vốn vay dài hạn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thay thế. Nhưng khi xin vay, VDB cho rằng dự án đã vay của Ngân hàng Ngoại thương, nên không cho vay, chỉ cho vay dự án mới. Hậu quả cuối năm 2012, Vinaxuki nợ quá hạn VCB. Theo quy định, khi đã nợ quá hạn một ngân hàng, thì cũng không thể được vay ở ngân hàng khác.
Từ đó đến nay, Vinaxuki không thể vay được vốn ở đâu, dù chỉ là vốn lưu động. Tiếp đó, một dự án sản xuất linh kiện ô tô (nằm trong gói dự án đẩy mạnh sản xuất ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa) được Chính phủ đồng ý cho vay ưu đãi theo Chương trình cơ khí trọng điểm với số vốn 250 tỷ đồng từ VDB, đến nay cũng chưa nhận được đồng nào.
Thiếu vốn làm cho dự án của Vinaxuki bị đình trệ kéo dài và mất cơ hội. Năm 2012 Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và gặp rất nhiều khó khăn từ đó đến nay. Gần 3 năm nay để trả lương cho người lao động, Vinaxuki đã phải nhặt nhạnh bán hơn 5.000 tấn sắt vụn, cùng một số máy móc cũ. Số lao động của Vinaxuki trước đây hơn 1.000 người nay giảm xuống còn 300, trong đó có nhiều lao động tay nghề cao, được đào tạo rất tốn kém, buộc phải nghỉ vì không có việc làm.
Bây giờ muốn bán nhà máy cũng không có ai mua. Lý do các nhà đầu tư còn phải chờ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam; chờ quy mô thị trường ô tô Việt Nam tăng; hoặc đã đầu tư sản xuất ở ASEAN, thấy không cần đầu tư, chỉ cần mang phụ tùng sang lắp ráp và nhập xe nguyên chiếc bán... - ông Huyên than thở.
Kết cục, từ đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa nay Vinaxuki rơi vào thảm cảnh, trong khi các DN lắp ráp ô tô lại sống khỏe.
--------------------------
Vượt biên giới đi săn ong mật kiếm vài triệu mỗi ngày
Thời gian gần đây giá ong mật tăng cao, nhiều người đổ xô đi săn ong mật nên lượng ong mật trên địa bàn các huyện miền núi ở An Giang giảm đáng kể. Chính vì vậy, một số nông dân vượt biến giới sang Campuchia săn ong mật, bỏ túi vài triệu đồng/ngày.
Ông Đồng Văn Vũ ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang) có hàng chục năm săn bắt mật ong rừng, cho biết: “Hiện thời điểm này là mùa khai thác mật ong chính vụ. Việc khai thác được tiến hành theo từng nhóm từ 4 – 5 người để sang cánh rừng ở Campuchia khai thác. Với chi phí ăn uống, đi lại khoảng 100.000 đồng/người”.
Giải thích về việc đi bắt ong rừng phải thành nhóm, không đi riêng lẻ, ông Vũ giải thích, đi theo nhóm vừa để đề phòng khi có chuyện không may xảy ra, vừa để giảm nhẹ chi phí cho mỗi người trong một chuyến đi săn. Bởi ngoài chuyện tốn tiền xăng dầu, ăn uống họ còn phải tốn thêm khoảng “lộ phí” mua địa bàn cho những chuyến “vượt” sông – qua biên giới Campuchia.
Thời gian từ tháng 10 – 3 (âm lịch) là thời điểm ong cho nhiều mật nhất. Vì thời tiết thuận lợi, cây rừng ra hoa nhiều nên sản lượng cao hơn và chất lượng tốt hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Cách khai thác ong rừng ở đây cũng không khác gì kiểu truyền thống. Người săn ong khi phát hiện tổ ong sẽ dùng khói để xua ong bay đi, sau đó sẽ thu nguyên tổ ong. Mỗi ngày, một thợ săn bắt được từ 3 – 5 lít mật. Khi thu hoạch, người thợ thu nguyên tổ đến khi bán cho người sử dụng mới tiến hành vắt mật. Mật để trong tổ càng lâu thì mật càng đậm đặc chứ không bị giảm chất lượng.
Ong rừng có nhiều loại nên việc xây tổ và cho mật cũng khác nhau. Vì thế đối với loại ong ruồi có hình dáng nhỏ chuyên hút nhụy hoa được bán với giá cao nhất trong tất cả các loại mật nhưng tổ và lượng mật ít hơn rất nhiều so với các loại khác. Thường thì mỗi tổ ong loại này cho từ 1 – 2 xị mật, tổ lớn cho khoảng 3 xị. Tùy theo từng thời điểm mà giá bán mật khác nhau. Cụ thể, từ tháng 10 – 3 (âm lịch) có mức giá 800.000 – 1.000.000 đồng/lít; tháng 4 – 5 (âm lịch) mật ong có giá từ 1,2 – 1,5 triệu đ/lít.
Chị Võ Thị Nén, chuyên bán mật ong rừng ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, cho biết: “Giá của các loại như ong ruồi (con lớn), ong mật, ong tầng có giá khoảng 500.000 – 600.000 đồng/lít, còn loại ong ruồi (con nhỏ) như thế này sẽ có giá bán cao hơn do chất lượng mật ngon hơn, thơm hơn, đậm đặc, người có kinh nghiệm không khó để nhận biết”.
Do số lượng của loại mật ong này hạn chế nên mỗi ngày chị Mén chỉ có số lượng bán ra thị trường 4 – 5 lít. Tương đương với số lượng thu hoạch hàng ngày của một thợ săn. Thường thì mỗi hộ chỉ mùa vài xị sử dụng, nhưng cũng có gia đình mua trên chục lít để dùng quanh năm.
Được biết, trước đây nông dân ở An Giang chỉ khai thác mật trên địa bàn của các huyện, nhưng do ngày càng có nhiều người khai khác, cũng như săn bắt nhiều nên không đủ địa bạn hoạt động, các thợ săn đành “vượt” sông sang Capuchia để khai thác. Chính từ cái nghề này mà mỗi ngày cũng kiếm được vài triệu đồng mỗi ngày.
---------------------------
Hơn 2.000 nhà đầu tư tham dự hội thảo "Cơ hội và tiềm năng - tập đoàn FLC"
Tuần qua, Tập đoàn FLC tổ chức Hội thảo "Cơ hội và tiềm năng - Tập đoàn FLC” nhằm giới thiệu tới nhà đầu tư về các hoạt động và dự án của Tập đoàn. Hội thảo đã thu hút hơn 2.000 nhà đầu tư tham dự, vượt quá dự kiến ban đầu của Ban tổ chức.
Chứng kiến lượng người tham dự, ông Trần Đắc Sinh - Chủ tịch Sở GDCK TPHCM (HOSE) cho rằng, trong vòng 15 năm qua, có thể nói đây là hội thảo thứ 3 thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư quan tâm, trong đó, hai hội thảo trước đều do HOSE tổ chức là phiên đấu giá cổ phiếu Vinamilk và hội thảo giới thiệu lệnh ATO, ATC.
"Nếu một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có uy tín, sản phẩm đúng tiến độ đề ra và có chất lượng tốt, doanh nghiệp đó sẽ thành công. Khi FLC niêm yết và lọt vào rổ VN30, Hội đồng chỉ số đã nghiên cứu rất kỹ giao dịch của cổ phiếu này. Hôm nay, với số lượng nhà đầu tư đông đảo, tôi tin rằng, chúng ta đã hiểu vì sao cổ phiếu FLC được giao dịch nhiều”, ông Sinh nói.
Tại buổi hội thảo, chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2015, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC cho hay: “Năm 2014, lợi nhuận của FLC là 400 tỷ đồng. Với kế hoạch bán hàng và dòng tiền đã dự tính, chúng tôi tự tin có thể hạch toán lợi nhuận năm 2015 ở mức 1.000 tỷ đồng”.
Về nguồn vốn thực hiện các dự án của FLC, ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc FLC cho biết, FLC đã nhận được cam kết tổng mức tài trợ tín dụng lên tới 20.000 tỷ đồng đến năm 2020. Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Trịnh Văn Quyết, đến thời điểm hiện tại FLC vẫn chưa phải sử dụng tới vốn vay.
"Số dư tiền gửi của Tập đoàn này tại các ngân hàng đến cuối năm 2014 vẫn còn khoảng trên 500 tỷ đồng. Năm 2015, với việc triển khai hàng loạt dự án, FLC dự kiến sẽ phải dùng tới vốn vay, nhưng với dòng tiền dự kiến, thời gian vay cũng sẽ không dài”, ông Quyết nói.
------------------------