Nhiều gia đình đã bán đất, nhà ở rồi ra ở trọ để có tiền gửi vào những sàn vàng kinh doanh trái phép.
Huy động vốn đi mua đất, lập xưởng
Vừa qua, sau khi nắm tình hình về hoạt động kinh doanh sàn vàng trái phép trên địa bàn TP Hà Nội, nhằm dụ dỗ, lừa đảo khách hàng góp vốn đầu tư để chiếm đoạt đang diễn ra phức tạp, Phòng PC 50 đã phát hiện một số đối tượng thành lập Công ty cổ phần đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI, có trụ sở tại số 172 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) có hành vi kinh doanh vàng tài khoản, huy động vốn trái phép.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty HGI là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1976, trú tại tổ 3 Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội). Tổng giám đốc là ông Phùng Quốc Huy (SN 1985, ở đường La Thành, phường Lê Lơi, Thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).
Công ty có chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra, cơ quan công an làm rõ ông Trần Việt Hưng (ở Thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) nắm giữ 30% cổ phần công ty, bà Đặng Thị Kim Dung (SN 1977, trú tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội) giữ 40% cổ phần.
Nguyễn Đức Chung (trú phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) là người sáng lập công ty HGI.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, công ty HGI được thành lập từ tháng 5/2009 và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ năm 2009 đến nay. Công ty tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản, có website. Công ty sử dụng phần mềm MT4 được mua của đối tác nước ngoài, công ty sử dụng phần mềm này cho Nhà đầu tư tham gia đầu tư vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ.
Trên sàn HGI, khối lượng giao dịch của mỗi lệnh mua, bán được tính bằng đơn vị "lot) (1 lot = 100 Ounce), giao dịch tối thiểu là 0.1 lot/lệnh và tối đa là 8 lot/lệnh.
Nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch mua, bán vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ chính có mức thanh khoản lớn gồm EUR/USD, GBP/USD, NZD/USD, USD/CAD, USD/CHF, USD/JPY, EUR/JPY, GBP/JPY.
Khi tham gia, nhà đầu tư liên hệ trực tiếp với công ty và được cấp tài khoản. Tiếp đó, nhà đầu tư sẽ được hướng dẫn tải phần mềm MT4 trực tiếp từ website của công ty.
Nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản giao dịch vàng bằng cách đến trụ sở công ty nộp tiền mặt hoặc sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua Internet của các ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản của công ty. Số tiền sẽ được quy đổi ra điểm tương ứng 1 điểm = 21 nghìn đồng.
Đến nay đã có 3037 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tải khoản tại công ty HGI.
Bên cạnh việc kinh doanh vàng tài khoản, từ tháng 5/2012 đến nay, công ty HGI còn tổ chức huy động vốn dưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư với số lợi nhuận cam kết với khách hàng là:
Mức 1, kỳ hạn ủy quyền 3 tháng, tỷ suất lợi nhuận 1,5%/tháng. Ở Mức 2, kỳ hạn ủy quyền là 6 tháng và tỷ suất lợi nhuận là 1,8%/tháng. Tương tự, ở Mức 3, kỳ hạn ủy quyền là 1 năm, tỷ suất là 2%/tháng.
Khi giới thiệu được nhà đầu tư, nhân viên sẽ nhận được 0,3% số tiền của nhà đầu tư ủy thác, nhân viên kế toán hưởng 2,5% số tiền đó.
Công ty HGI đã nhận của các nhà đầu tư với số tiền 270 tỷ đồng và đến nay công ty không có khả năng thanh toán.
Đối với hoạt động huy động vốn, công ty HGI nhận ủy thác đầu tư. Số tiền này công ty đã sử dụng để mua 5 hecta đất tại Phú Quốc với giá 10 tỷ đồng, xây dựng xưởng gốm với số tiền 20 tỷ đồng. Số tiền còn lại công ty huy động được đã sử dụng để chi trả lương thưởng và kinh phí hoạt động của công ty.
Riêng tại chi nhánh Đà Nẵng có 61 khách hàng ủy thác đầu tư với số tiền 14,3 tỷ đồng, 531 nhà đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với số tiền 15,7 tỷ đồng. Số tiền thu được tại chi nhánh Đà Nẵng đã được chuyển ra Hà Nội và đâu tư vào một công ty tại Mỹ với số tiền 15 triệu USD.
Kết quả ban đầu, cơ quan công an xác định hành vi "Kinh doanh trái phép" của công ty HGI đã vi phạm điều 159 Bộ luật hình sự. Hiện phòng PC50 đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra mở rộng.
Nhiều gia đình tan nát
Trong buổi chiều ngày 13/1, có mặt tại trụ sở cơ quan điều tra, nhiều người tham gia vào sàn vàng HGI ngồi ủ rũ một góc, khuôn mặt tất thảy đều lộ rõ vẻ thất vọng khi vừa hay tin sàn vàng trái phép này đã bị bắt.
Ông Vũ Tiến Thịnh (56 tuổi, ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm) buồn chán cho hay: “Qua một số con cháu trong nhà giới thiệu, đầu năm 2014 tôi có đem tiền gửi vào Công ty HGI để lấy lãi hàng tháng với mức lãi suất 1,5%. Do không nắm rõ pháp luật nên giờ công ty bị bắt tôi mới bàng hoàng nhận ra tiên gửi của mình có nguy cơ mất trắng”.
Ông Thịnh chia sẻ, số tiền ông gửi vào HGI lên tới hơn 1 tỷ đồng, ngoài tiền của gia đình còn có tiền của bạn bè cùng tham gia nhờ gửi để lấy tiền lãi hàng tháng. “Mỗi lần nộp tiền, tôi đều mang tiền mặt đến tận công ty để đưa cho các nhân viên”, ông Thịnh nói.
Hiện gia đình ông Thịnh đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn vì toàn bộ số tiền của gia đình đã ném vào công ty HGI và còn thêm khoản tiền nợ từ bạn bè và người thân.
Lâm vào hoàn cảnh còn éo le hơn, ông Ngô Hồng Quân ở Hào Nam, Hà Nội khi nghe lời giới thiệu của bạn bè đã bán ngôi nhà đang ở đi được hơn 1 tỷ đồng để gửi vào công ty HGI lấy tiền lãi sau đó cả gia đình đi thuê nhà trọ để ở.
Sau những tháng đầu phấn khởi nhận được tiền lãi, đến thời điểm sàn vàng Khải Thái ở Hà Nội bị triệt phá, ông Quân mới hốt hoảng định đi lấy lại tiền gửi nhưng phía Công ty HGI cho biết không có khả năng chi trả.
“Giờ tôi không còn biết làm gì để sinh sống khi toàn bộ số tiền đã đem đi gửi, cả gia đình giờ đang phải đi ở trọ vì nhà đã trót bán”, ông Quân buồn rầu chia sẻ.
----------------------------
Vụ bồi thường 78 tỷ đồng "nhầm" đối tượng: UBND TP Hà Nội chính thức lên tiếng
Sau loạt bài điều tra của báo Dân trí về việc 37 hộ dân bỗng dưng bị chiếm đoạt hơn 78 tỷ đồng tiền đền bù đất được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giải quyết, UBND TP Hà Nội đã chính thức có phản hồi. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội lại đề nghị người dân thỏa thuận giải quyết với Công ty CP công trình giao thông 118 MOMOTA.
Sau loạt bài điều tra báo Dân trí đăng tải về việc 78 tỷ đồng, số tiền đáng lẽ của 37 hộ dân bị thu hồi đất phục vụ một dự án của TP Hà Nội được đem đền bù "nhầm" cho Công ty CP 118 (sau này là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng Alphanam) do một công văn bất thường của UBND TP Hà Nội khiến dư luận hết sức bức xúc. Sự việc đã được Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng kết luận rõ ràng thế nhưng trong suốt nhiều năm "đội đơn" đi khiếu nại kêu oan, người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Ngày 21/4/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 165/TB-VPCP giao UBND TP Hà Nội chủ trì phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng giải quyết khiếu nại của ông Trần Thuân và 37 hộ dân.
Ngày 12/12/2014, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 9730/UBND-TNMT gửi ông Đào Quang Động và các hộ dân.
Công văn của UBND TP Hà Nội nêu: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UBND TP Hà Nội giải quyết khiếu nại của công dân theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các hộ dân và Công ty Công trình giao thông 118 (nay là Công ty cổ phần Công trình giao thông 118 MOMOTA).
Trên cơ sở cuộc họp ngày 5/5/2014 tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Công ty cổ phần Công trình giao thông 118 MOMOTA đã có văn bản số 58/BC/DAX ngày 16/9/2014 báo cáo đề xuất đầu tư dự án (tại vị trí UBND TP Hà Nội giới thiệu) làm trụ sở kết hợp nhà ở.
“Những nội dung liên quan đến giao dịch dân sự giữa Công ty Công trình giao thông 118 (nay là Công ty cổ phần Công trình giao thông 118 MOMOTA) đề nghị các công dân có quyền, lợi ích liên quan làm việc với Công ty cổ phần Công trình giao thông 118 MOMOTA để thỏa thuận, giải quyết”, Công văn của UBND TP Hà Nội nêu.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận trả lời của UBND TP Hà Nội, ông Đào Quang Động và nhiều hộ dân không đồng tình cho rằng 37 hộ dân đang đi đòi 78 tỷ đồng, số tiền đáng lẽ của các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ một dự án của TP Hà Nội được đem đền bù "nhầm" cho Công ty CP 118 chứ không phải để phối hợp với công ty Công trình giao thông 118 MOMOTA làm dự án.
Ông Động cho rằng Công ty Công trình giao thông 118 (nay là Công ty cổ phần Công trình giao thông 118 MOMOTA) vốn không hề liên quan đến số tiền 78 tỷ đồng đền bù đất của người dân bị thu hồi. UBND TP Hà Nội đem số tiền trên bòi thường cho công ty này là nhầm đối tượng và công ty này phải trả lại số tiền cho người dân.
Tiến trình vụ việc đã được Dân trí thông tin ngày 2/5/1994, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 1057/QĐ-UB về việc giao quyền sử dụng đất cho Công ty Công trình giao thông 118 (Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông I - Bộ Giao thông Vận tải) 5.800m2 đất tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Ngay sau khi có quyết định giao đất, Công ty Công trình giao thông 118 đã thu của 37 hộ gia đình là cán bộ công nhân viên (CBCNV) đóng góp tổng số tiền là 3.096.000.000 đồng nộp cho Nhà nước để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy phép xây dựng.
Ban Lãnh đạo Công ty Công trình giao thông 118 đã phân đất cho 37 hộ đã đóng tiền, sau đó các hộ đều đã xây dựng nhà và ăn ở ổn định không xảy ra tranh chấp suốt từ năm 1995 đến nay.
Ngày 23/2/1995, về lô đất 37 hộ dân nộp tiền mua, Công ty Công trình giao thông 118 đã ban hành Thông báo số 71/TCHC trong đó khẳng định: Kinh phí xây dựng chủ yếu là lấy vốn của CBCNV đóp góp để xây dựng và làm các thủ tục xây dựng. Công ty chỉ hỗ trợ về thủ tục hành chính...
Tại Giấy xác nhận của Công ty CP 118 gửi Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông I ngày 18/8/2010 cũng khẳng định: "Nguồn tiền sử dụng để nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất của công ty tại xã Cổ Nhuế là tiền của cán bộ công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa, Công ty công trình giao thông 118 (nay là công ty CP 118) không đưa giá trị ô đất của công ty thuộc xã Cổ Nhuế vào giá trị doanh nghiệp''.
Như vậy, rõ ràng diện tích đất 37 hộ dân đang không hề liên quan đến quyền sở hữu của Công ty CP 118.
Năm 2008, UBND TP Hà Nội thu hồi diện tích đất của 37 hộ dân đang sinh sống để thực hiện dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Và cả 37 hộ dân đều đồng lòng giao đất đang sinh sống cho TP Hà Nội làm dự án.
Ngày 18/2/2008, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 692/QĐ-UBND do ông Vũ Hồng Khanh - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ký về việc thu hồi 72,927m2 đất tại xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, giao cho Ban Quản lý và đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội để xây dựng tuyến đường số 4, Khu đô thị Tây Hồ Tây (trong quyết định này có thu hồi toàn bộ diện tích của Công ty Công trình giao thông 118 và diện tích nhà, đất của 37 hộ dân nói trên).
Quyết định số 692 nêu rõ: "Điều 2: UBND huyện Từ Liêm có trách nhiệm quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân bàn giao cho Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội theo quy định. Điều 3:...Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Hà Nội có trách nhiệm liên hệ với UBND huyện Từ Liêm để thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tổ chức bồi thường hỗ trợ người đang sử dụng đất bị thu hồi theo quy định".
Vậy nhưng trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã không lập riêng phương án đền bù đối với 37 hộ là CBCNV Công ty Công trình giao thông 118; mà chuyển toàn bộ số tiền hơn 78 tỷ đồng được phê duyệt đáng lẽ 37 hộ dân được hưởng vào tài khoản của Công ty Cổ phần 118.
Hậu quả là ngay sau đó, khi Công ty Công trình giao thông 118 cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Alphanam đã mua toàn bộ cổ phần của Công ty cổ phần 118. Đến cuối năm 2010 đã đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng Alphanam. Và số tiền 78 tỷ đồng đền bù cho 37 hộ dân bị thu hồi đất đã bặt vô âm tín.
Nguyên do sự việc xuất phát từ một công văn bất thường của UBND TP Hà Nội.
Khi dự án đang được tiến hành, 37 hộ dân đã bàn giao đất cho UBND TP Hà Nội thì ngày 22/3/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội bất ngờ có văn bản số 787/TN&MT-KHTH do ông Nguyễn Trọng Đông - Phó giám đốc Sở ký báo cáo, kiến nghị về việc giải quyết những vướng mắc, tồn tại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng khu đất của 37 hộ dân cán bộ, nhân viên Công ty Công trình giao thông 118.
Tại phần kết luận, kiến nghị này đưa ra đề xuất: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118 một khu đất nằm ở vị trí khác có diện tích khoảng 4000m2 trên địa bàn huyện Từ Liêm để công ty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư...".
Từ đề xuất bất thường của Sở TN&MT TP Hà Nội, ngày 7/4/2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2333/UBND-XD do ông Phí Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành chấp nhận với đề nghị của liên ngành, yêu cầu: "Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty CP 118".
Từ văn bản này của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm cùng Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã "răm rắp" tiến hành các bước tiếp theo bất chấp Quyết định số 692/QĐ-UBND ban hành trước đó.
Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã kiên quyết không lập riêng phương án đền bù đối với 37 hộ là CBCNV Công ty Công trình giao thông 118; mà chuyển toàn bộ số tiền hơn 78 tỷ đồng được phê duyệt đáng lẽ 37 hộ dân được hưởng vào tài khoản của Công ty Cổ phần 118.
Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã có công văn số 169/VPBCĐ-VIV ngày 22/4/2011 gửi trực tiếp Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng ban chỉ đạo TP Hà Nội về Phòng chống tham nhũng nêu rõ:
"Việc chỉ đạo giải quyết theo đề xuất của Sở TN&MT không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty 118 là không phù hợp vì nguồn gốc số tiền bồi thường hỗ trợ tiền sử dụng đất là tiền của các hộ gia đình đóng. Công ty CP 118 là một pháp nhân mới, hoàn toàn không phải là đối tượng thụ hưởng, không có trách nhiệm đại diện cho các hộ gia đình.
Thêm nữa, sau khi chuyển số tiền bồi thường hỗ trợ hơn 78 tỷ đồng vào tài khoản, Công ty CP 118 có văn bản số 352/VP xác định rõ: Số tiền bồi thường, hỗ trợ trên có nguồn gốc từ tiền nộp thuế sử dụng đất của cán bộ, công nhân viên đóng góp, không phải tiền của doanh nghiệp, khi cổ phần hóa không đưa giá trị lô đất vào doanh nghiệp".
---------------------------
Chủ đất chết 4 năm, người mua vẫn được công chứng: “Không khởi tố sẽ tạo tiền lệ xấu”
Liên quan đến vụ điều chỉnh sổ đỏ bằng hợp đồng công chứng khi chủ nhà đã chết 4 năm và bán đất công nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Thiên Sơn, Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng việc không khởi tố vụ án có thể tạo ra tiền lệ xấu.
Giấy chứng tử xác nhận ông Minh qua đời năm 2007
Như thông tin đã đưa, các ông bà Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Khoa, trú tại Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội gửi đơn đến báo Dân trí phản ánh: Ông Nguyễn Thiên Sơn, người cùng xã có dấu hiệu lừa đảo khi thực hiện việc sang tên Giấy chứng nhận QSDĐ (gọi tắt là sổ đỏ) bằng hợp đồng công chứng khống lập 4 năm, sau thời điểm chồng bà Hòa là ông Nguyễn Đắc Minh qua đời. Đối với ông Khoa, năm 2010, ông Nguyễn Thiên Sơn ký chuyển nhượng 50.4m2 đất (trong đó có 16,8m2 đất công của xã Vân Côn không được bán) cho ông Khoa. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền ông Sơn không cung cấp giấy tờ đất để người mua làm thủ tục sang tên sổ đỏ theo thỏa thuận. Nhận thấy quyền lợi bị đe dọa, ông Khoa và bà Hòa đã làm đơn tố giác gửi Công an huyện Hoài Đức. Nhưng tại thông báo trả lời công dân, Công an huyện Hoài Đức quyết định không khởi tố vụ án vì cho rằng đây là tranh chấp dân sự.
Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu cho biết: “Về nội dung đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Hòa, theo nội dung hai bên ký kết thể hiện rõ việc ông Nguyễn Thiên Sơn “tạm giao” số tiền 10 triệu đồng, số còn phải thanh toán là 67,5 triệu đồng trong thời hạn 40 ngày. Vì vậy, số tiền ghi trên giấy biên nhận 70 triệu đồng không khớp, không phù hợp với nội dung hai bên đã cam kết là 77,5 triệu đồng.
Thời điểm ông Sơn làm thủ tục thay đổi tên trên sổ đỏ (2012), chồng bà Hòa, đồng thời cũng là chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Đắc Minh đã chết 5 năm nên việc bà Hòa cho rằng chữ ký trên giấy biên nhận có dấu hiệu bị làm giả là có cơ sở. Trong trường hợp ông Minh chết, hợp đồng công chứng chỉ có giá trị pháp luật khi có đủ chữ ký của bà Hòa và các đồng thừa kế theo quy định. Với trường hợp này, việc Công an huyện Hoài Đức chưa tiến hành thu thập, trưng cầu giám định chữ ký của những người liên quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án là trái các quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Việc không trưng cầu giám định các chữ ký bị tố là giả mạo nhưng lại trả lời cho người tố cáo “không có dấu hiệu hình sự” là trái pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hoài Đức không điều tra, làm rõ hành vi trái pháp luật để chiếm đoạt tài sản đối với ông Sơn, công dân và luật sư có quyền gửi đơn đến Cục điều tra hình sự - Viện KSND Tối cao tố dấu hiệu vi phạm.
Đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng 50.4m2 đất của ông Nguyễn Thiên Sơn cho ông Nguyễn Văn Khoa, sau khi nhận tiền từ ông Khoa, ông Sơn đã tẩu tán tài sản cho em trai mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ giao đất hoặc nghĩa vụ trả lại tài sản đã xảy ra và có đủ chứng cứ, thời điểm tội phạm hoàn thành là khi ông Sơn đã chuyển nhượng cho người khác, làm mất quyền của tài sản và dẫn đến không có khả năng thanh toán của ông Sơn đối với số tiền 500 triệu đồng đã nhận của ông Khoa. Không những thế, việc ông Sơn chuyển nhượng cả tài sản là đất đi thuê của UBND xã Vân Côn, theo quy định của pháp luật thì hành vi chuyển nhượng đất thuê theo hợp đồng mua bán là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Hành vi chuyển nhượng tài sản đã chuyển nhượng cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật hình sự. Hành vi này theo quy định pháp luật là thủ đoạn gian dối, vì hợp đồng chuyển nhượng trước đó giữa ông Sơn và ông Khoa vẫn đang được thực hiện, ông Sơn đã nhận 100% giá trị chuyển nhượng từ bên nhận chuyển nhượng. Hành vi trên đã xâm hại đến quan hệ sở hữu được Luật hình sự bảo vệ, việc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đã phạm vào Điều 139 BLHS. Đồng thời, với giá trị tài sản bị chiếm đoạt cả hai vụ xảy ra tại huyện Hoài Đức lên đến hàng tỷ đồng thì rõ ràng được coi là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên cần phải điều tra và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Việc Công an huyện Hoài Đức ra Quyết định không khởi tố vụ hình sự, bỏ qua trách nhiệm của những cá nhân liên quan có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu, không đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật…”.
-----------------------------