Khi xe buýt lao lên dải phân cách giữa phố để tránh một xe máy từ ngõ phi ra, nhiều người ngồi trên xe la hét, hoảng loạn.
Theo lời một nhân chứng, 7h30 ngày 4/1, xe buýt số 37 (tuyến xe Giáp Bát - Chương Mỹ) chở hàng chục khách từ thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) chạy hướng về nội thành Hà Nội. Đến trước một trung tâm sửa chữa ôtô trên đường Giải Phóng, do gặp một xe máy đi ngược chiều từ ngõ phi ra, tài xế xe buýt phải đánh lái lao lên dải phân cách cứng.
Xe buýt cán đổ hàng loạt dải phân cách cứng và húc đổ một cột đèn cao áp xuống lòng đường. "Lúc đó, hành khách trên xe la hét, hoảng loạn", nhân chứng nói.
Hiện trường vụ tai nạn cách bến xe Giáp Bát không xa. Sau khi xảy ra, toàn bộ hành khách đã rời khỏi xe, không ai bị thương.
Đội cảnh sát giao thông số 14 cho biết nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế xe buýt phải đánh lái để tránh một xe gắn máy.
Sau vụ cháy chợ Ba Đồn (Quảng Bình), nhiều tiểu thương khóc không thành tiếng khi bỗng dưng trắng tay, thậm chí trở thành con nợ bởi hàng hoá, tiền bạc bị ngọn lửa thiêu rụi.
Gần 2 ngày sau vụ cháy chợ Ba Đồn thiêu rụi hàng hoá trong 24 ki-ốt của 19 hộ tiểu thương, dư luận ở thị xã mới thành lập này vẫn còn bàn tán xôn xao trước những thiệt hại mà các hộ tiểu thương gặp phải. Nhiều tiểu thương khóc nghẹn vì xót của, mất tiền và đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.
Sau khi nỗ lực tìm lại một số vật dụng để lại trong quầy hàng của mình mà không có, ông Nguyễn Văn Sơn (56 tuổi, trú khu phố 5, phường Ba Đồn) ngồi thẫn thờ nhìn đống đổ nát còn lại, lắc đầu nói trong nghẹn ngào.
"Nghe thông báo cháy chợ, tôi vội vã chạy đến thì hàng hoá trong hai quầy nhà mình đã chìm trong ngọn lửa đỏ rực. Toàn bộ hàng hoá trị giá gần 2 tỷ, sổ sách ghi nợ của gia đình tôi bị cháy rụi mất rồi...", ông Sơn nói.
Chia sẻ với PV, các hộ tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy đều nói rằng họ đã tích trữ hàng hoá để bán dịp cuối năm và Tết nguyên đán Ất Mùi 2015. Nhiều hộ dồn toàn bộ vốn liếng vào hàng hoá, thậm chí một số người còn vay thêm tiền bạc để dồn hàng để sẵn trong kho chờ tiêu thụ để rồi bị ngọn lửa cướp mất, trở thành tay trắng.
Thê thảm nhất trong số các tiểu thương bị cháy ki-ốt tại đây là gia đình anh Nguyễn Tiến Duy (28 tuổi) khi tất cả vốn liếng, tiền bạc nợ nần... gần 2 tỷ đồng bị ngọn lửa biến thành tro bụi. Anh Duy kể, vợ chồng anh lấy nhau chưa lâu và mới mua lại quầy hàng chưa đầy 2 năm. Hai người mới ra ở riêng nên cũng cố gắng vay mượn bà con anh em, vay ngân hàng để dồn toàn bộ hàng hoá chờ bán, hy vọng có một cái Tết ấm no nhưng không may vụ cháy lại xảy ra thiêu đốt hết toàn bộ gia sản của họ.
"Chúng tôi bán hàng mấy ngày, còn để lại túi xách chứa 135 triệu trong quầy với một số giấy tờ quan trọng. Tất cả mất hết trong đám cháy, chúng tôi thành con nợ mất rồi...", anh Duy nói không ra hơi.
Ngày 3/1, nhiều tiểu thương vẫn còn đến các ki-ốt bị cháy của mình để lục tìm trong đống tro bụi để hy vọng những tài sản như cuốn sổ nợ, chiếc đồng hồ, vài chỉ vàng còn sót lại. Tuy nhiên, họ đều nhận được sự thất vọng chán chường bởi trận hoả hoạn đã cướp đi tất cả.
Ngồi bệt xuống gốc cây, bà Nguyễn Thị Hồng nói trong nước mắt: "Vợ chồng tôi dánh hết vốn liếng, trữ hàng hoá hết hơn 2 tỷ đồng giờ thành tay trắng. Sổ nợ cũng bị cháy mà tiền chúng tôi vay nợ của người ta thì vẫn còn đó, không biết khi nào mới trả được....".
Ông Trần Văn Lợi, Trưởng Ban quản lý các công trình công cộng thị xã Ba Đồn, người theo sát vụ cháy và những thiệt hại, cho biết vụ cháy chợ Ba Đồn là gây lớn chưa từng có từ khi khu chợ này được đưa vào sử dụng từ cuối năm 1993.
"Tôi thấy nhiều hộ tiểu thương bị mất tiền của mà thương xót cho họ. Thiệt hại về tài sản chỉ một phần, nhiều người còn mất cả số sách ghi nợ ở trong đó nên tổng thiệt hại có thể cao hơn 30 tỷ", ông Lợi nói.
Chợ Ba Đồn được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1993 với diện tích gần 4,6ha, diện tích đặt các ki-ốt, gian hàng kinh doanh là 1,9ha. Nơi đây vẫn còn duy trì hình thức hoạt động chợ phiên truyền thống với 6 phiên theo ngày âm lịch mỗi tháng. Chợ có 3 đình chính và các ki ốt bao quanh được bán lâu dài cho các hộ kinh doanh. Các phần đất trống còn lại tạo nên những bãi chợ trời, phân vùng kinh doanh để bán các mặt hàng theo quy định như: khu vực bán cá, hoa quả, nông sản, dụng cụ, chợ bò, chợ xe đạp...
Ngoài hiệu quả kinh tế, chợ Ba Đồn còn là nơi giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn. Hiện chợ đang thu hút khoảng 1.400 tiểu thương buôn bán cố định và lưu động tại chợ, trong đó số lượng người bán cố định chiếm khoảng 80% với khoảng 1.200 hộ.
--------------------------