Cạnh tranh nội bộ Trung Quốc gây căng thẳng biển Đông?
Viện Lowy (Úc) vừa công bố báo cáo cảnh báo sự cạnh tranh dữ dội giữa các cơ quan dân sự, bán quân sự và quân sự của Trung Quốc đang thổi bùng nguy cơ xung đột trên biển Đông.
Bản báo cáo dày 55 trang của chuyên gia Linda Jakobson có tên “Các đối tượng an ninh hàng hải khó dự đoán của Trung Quốc” cho rằng trên thực tế chính quyền Bắc Kinh không có một “kế hoạch tổng thể và đồng bộ” về chiến lược thực hiện các hành vi khiêu khích, đòi chủ quyền vô lý trên biển Đông.
Thay vào đó, các chính quyền địa phương, tập đoàn dầu quốc gia và ít nhất năm cơ quan an ninh hàng hải Trung Quốc đang cạnh tranh nhau dữ dội để mở rộng tầm ảnh hưởng hành chính ở biển Đông.
Báo cáo cho biết việc Trung Quốc tái cơ cấu các cơ quan hàng hải từ tháng 3-2013 đã dẫn tới một cuộc cạnh tranh quyền lực ngầm giữa Tổng cục Hải dương quốc gia (SOA) và Bộ An ninh.
“Bên cạnh lực lượng cảnh sát biển (CCG), các đối tượng khác như quan chức quân đội cao cấp, quan chức lãnh đạo các tỉnh ven biển, Bộ An ninh, SOA, Ủy ban Cải cách và phát triển (NDRC), lãnh đạo các tập đoàn dầu khí… sẽ tận dụng mọi cơ hội để giành lợi thế thương mại ở biển Đông” - báo cáo nhấn mạnh.
Chuyên gia Jakobson dự báo trong thời gian tới, các đối tượng an ninh hàng hải Trung Quốc này sẽ tiếp tục thực hiện những hành động thiếu tính tổ chức, mang tính cạnh tranh lẫn nhau. Không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Trung Quốc có một kế hoach tổng thể để quản lý chiến lược của các đối tượng này.
“Có một kế hoạch tổng thể sẽ ít nguy hiểm hơn, bởi việc các đối tượng khác nhau ở Trung Quốc hành động vì lợi ích riêng sẽ dẫn tới sự bất ổn trên biển Đông. Do đó, nguy cơ Trung Quốc thổi bùng xung đột trên biển hoặc trên bầu trời biển Đông là có thật và đáng lo ngại” - báo cáo của Viện Lowy cảnh báo.
Dù vậy, một số chuyên gia khác cho rằng vẫn có sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc trong những hành động gây hấn nghiêm trọng nhất trên biển Đông. Báo Sydney Morning Herald dẫn lời chuyên gia Andrew Chubb thuộc ĐH Tây Úc cho biết: “Những hành động khiêu khích nhất là những hành động có tính phối hợp cao nhất”.
Ông nhắc tới việc Trung Quốc đang cải tạo đất trên biển Đông để xây đảo nhân tạo, đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển Việt Nam, cải cách luật pháp để mở rộng hoạt động trên biển… Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cũng nhận định Bắc Kinh đang có một chiến lược lớn.
“Việc Trung Quốc cải tạo đất trên biển Đông cho thấy nước này đang theo đuổi một chiến lược lớn nhằm chiếm đoạt chủ quyền và kiểm soát cả khu vực phía nam biển Đông” - bà Glaser nhận định.
-------------------------
Báo Nga chỉ trích chính sách ngoại giao của Putin mâu thuẫn
Bất chấp những khác biệt, thậm chí bất đồng về chính trị - kinh tế, điện Kremlin vẫn cố gắng cho thấy họ luôn muốn kề vai cùng Mỹ, châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố. Mặc dù vậy, không phải bất cứ điều gì cũng mang thông điệp tương tự vậy.
Diễn biến chính trị thế giới thời gian qua dễ đưa nhiều người suy nghĩ về một cuộc chiến tranh lạnh mới, như lời cựu Tổng thống Nga Mikhail Gorbachev cảnh báo hồi tháng 11.2014.
Cuộc chiến tranh lạnh ấy không gì khác là tập trung vào thái độ giữa Nga, Mỹ và phương Tây. Nga đã có mối quan hệ xấu nhất với phương Tây từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea, trước đó thuộc Ukraine.
Điều quan trọng là Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ hành xử ra sao, trong bối cảnh phương Tây liên tục nói trên mặt báo rằng họ vẫn “chừa một đường giao hảo với Nga nếu giải quyết vụ Ukraine trong hòa bình”. Tuy nhiên, lúc này chính báo Nga cũng đang... không hiểu ông Putin muốn gì.
The Moscow Times ngày 11.1 qua đã giật hàng tít ấn tượng: “Chính sách ngoại giao của Nga đầy mâu thuẫn”. Đó là nhận xét đến sau những động thái của điện Kremlin và một số trang thông tin Nga trước vụ thảm sát 12 người tại tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở Paris, Pháp.
Itar-Tass ngày 9.1 cho biết ông Putin đã gọi điện cho Tổng thống Pháp Francois Hollande để chia sẻ về vụ thảm sát Charlie Hebdo. Đó là hành động bình thường giữa những nguyên thủ quốc gia. Cũng như năm 2001 ông Putin đã làm tương tự với Tổng thống Mỹ George W. Bush sau vụ 11.9.
Đằng sau đó là gì? Theo The Moscow Times, điều đó ngầm hiểu rằng bất chấp những khác biệt, thậm chí bất đồng về chính trị - kinh tế, điện Kremlin vẫn cố gắng cho thấy họ luôn muốn kề vai cùng Mỹ, châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố.
Mặc dù vậy, không phải bất cứ điều gì cũng mang thông điệp tương tự vậy. Song song với sự “đoàn kết” chống các thế lực thù địch cực đoan, báo chí Nga vẫn giữ lập trường về “sự suy đồi của phương Tây” và phản ánh không tốt xung quanh “đế quốc Mỹ”.
Cụ thể The Moscow Times thẳng thắn chỉ trích trang tin LifeNews, cho rằng những lập luận của LifeNews về việc CIA đứng đằng sau giật dây vụ Charlie Hebdo là “lố bịch”.
Ngoài ra, cũng có nhiều bài báo từ Nga khác đã “bóng gió” cho rằng ông Francois Hollande đã bị “các lực lượng khác” hãm hại vì phản đối lệnh trừng phạt EU áp lên Nga.
Như vậy, cái người Nga đang làm lúc này trông có vẻ tinh vi, thậm chí là “ứng xử hai mặt” một cách khéo léo. Tuy nhiên rốt cục chưa ai hiểu Nga sẽ được gì sau khi khẳng định là đồng minh (chống khủng bố) với kẻ mà họ mắng mỏ (Mỹ), đồng minh với một xã hội suy đồi (EU).
“Nga càng giữ hai chiến lược đối nghịch như vậy lâu bao nhiêu, nó càng ảnh hưởng nặng lên mục tiêu chính của họ. Điều đó sẽ không làm cho Nga trông mạnh mẽ hơn, thậm chí cũng không làm cho họ có vẻ yếu đi. Nó sẽ chỉ khiến ngoại giao Nga như cái gì đó phân liệt và bấn loạn”, The Moscow Times kết, bên cạnh cho rằng hành động của Nga đơn giản là vô nghĩa.
-------------------------
Tập Cận Bình có thể đang nhắm hai “con hổ” cực lớn
Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nhắm tiếp vào 2 “con hổ” cực lớn, gồm Phó Chủ tịch nước đương nhiệm và một cựu Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, theo tạp chí Minh Kính.
“Kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng xã hội thịnh vượng vào năm 2020, song song với việc thực hiện cải cách và pháp quyền toàn diện, cần thực hiện nghiêm minh kỷ luật Đảng và công tác phòng chống tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng là nền tảng cho việc thực hiện cải cách toàn diện”, Tân Hoa xã dẫn phát biểu của ông Tập Cận Bình trong phiên bế mạc hội nghị lần thứ 18 Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ươngĐảng Cộng sản Trung Quốc sáng 13.1.
Ông Tập nhấn mạnh, việc xử lý tham nhũng sẽ không có ngoại lệ, dù là quan chức đương nhiệm, cấp cao. “Chúng ta kiên quyết xử lý nghiêm các quan chức cao cấp đã bị bắt như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch, Tô Vinh để lấy lại lòng tin nơi người dân”, theo Tân Hoa Xã.
Sau khi Lệnh Kế Hoạch, quan chức cấp cao trung ương “ngã ngựa”, giới nghiên cứu cho rằng, ông Tập sẽ củng cố quyền lực và tiếp tục đánh những “con hổ” lớn. Thậm chí, trong đó có Phó chủ tịch nước đương nhiệm là Lý Nguyên Triều, người được cho đã thành lập nên “Giang Tô hội”khi làm lãnh đạo ở tỉnh Giang Tô.
Tại “Giang Tô hội”, Dương Vệ Trạch, cựu Bí thư thành ủy Nam Kinh, người vừa bị bắt trong những ngày đầu năm 2015, được xem như thành viên mấu chốt, theo trang tin Boxun.
Tạp chí Minh Kính cho rằng, hai ông Lệnh Kế Hoạch và Lý Nguyên Triều ra sức phát huy thế lực “sứ quân” của “Tây Sơn hội” và “Giang Tô hội” nhằm tạo thế lực mới chi phối chính trường Trung Quốc trong tương lai, với những quan chức có nguồn gốc từ hai địa phương trên.
Theo nguồn tin của tạp chí Minh Kính, thậm chí, tướng Quách Bá Hùng từng giữ chức Phó chủ tịch quân ủy trung ương khóa 17 cũng đang nằm trong mục tiêu chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
Các điều tra cho thấy, ông Lệnh Kế Hoạch có quan hệ mật thiết với ông Quách Bá Hùng. Đồng thời, trong số các tướng lĩnh quân đội “ngã ngựa” trong năm vừa qua có đến 5 người được xem là “thân tín” của cựu Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc.
Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng có thể chưa đến hồi kết. Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương vừa diễn ra mang tính chất định hướng cho chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập chủ trì trong năm 2015, theo một nhà phân tích chính trị Trung Quốc.
-------------------------
Triều Tiên sắp lập thêm 13 đặc khu kinh tế
CHDCND Triều Tiên đã soạn thảo kế hoạch phát triển 13 đặc khu kinh tế trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế, Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ngày 14.1.
Theo kế hoạch đã được Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức quốc hội) thông qua, Bình Nhưỡng sẽ phát triển 13 khu vực trên khắp đất nước thành các đặc khu kinh tế, công nghiệp, du lịch nông nghiệp và khu chế xuất.
Các khu vực phát triển bao gồm thành phố duyên hải miền bắc Chongjin và bờ bắc sông Amnok, cũng như thành phố vùng biên Manpo cũng thuộc miền bắc, theo KCNA.
“Ủy ban nhân dân của các tỉnh, thành liên quan đã soạn thảo các kế hoạch phát triển toàn diện, bao gồm xây dựng các tòa nhà, đường sá cùng các mạng lưới điện tử và viễn thông”, ông Yun Yong-sok, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Kinh tế của Triều Tiên, cho biết.
Triều Tiên có kế hoạch thúc đẩy các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế thông qua những đặc khu nói trên, vốn sẽ đảm bảo đặc quyền cho các hoạt động kinh tế ở Triều Tiên, ông Yun nói thêm.
Triều Tiên cũng dự định tổ chức các hội thảo về quan hệ với nhà đầu tư tại Bình Nhưỡng và nhiều thành phố khác nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Kể từ khi quốc hội Triều Tiên thông qua Luật Đặc khu Kinh tế vào năm 2013, Triều Tiên đã thành lập 19 đặc khu kinh tế, bao gồm 6 khu ra đời hồi năm ngoái.
Ông Cho Bong-hyun, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc ở Seoul, nhận định bước đi mới nhất của Triều Tiên cho thấy nước này quyết tâm hòa nhập tích cực hơn với thế giới bên ngoài nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế.
-------------------------