Các hộp đen chuyến bay QZ8501 của AirAsia được trục vớt và cơ quan điều tra hiện đang phân tích để tìm manh mối vụ tai nạn. Một điều tra viên, cũng là bạn của phi công bị tai nạn, cho biết những thông điệp từ hộp đen đôi lúc khiến ông bủn rủn tay chân.
Dù là nhà điều tra với gần 20 năm kinh nghiệm, việc phân tích dữ liệu hộp đen chuyến bay QZ8501 của AirAsia đối với ông Nurcahyo Utomo, điều tra viên của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia, người là bạn của cơ trưởng xấu số vẫn là thử thách tâm lý lớn.
Nurcahyo cho biết, kinh nghiệm cho thấy việc nghe đi nghe lại những đoạn ghi âm từ hộp đen máy bay là công việc đầy khó khăn, đòi hỏi thần kinh phải mạnh mẽ.
“Việc nghe đoạn hội thoại từ hộp đen có liên quan đến một vụ tai nạn không giống như nghe nhạc hay các đoạn đối thoại. Chúng tôi phải nghe bản ghi âm những khoảnh khắc cuối cùng trước khi máy bay rơi, và nó gây xáo động tâm lý rất lớn. Có những thời điểm chính các nhà điều tra cũng không đủ can đảm để nghe đoạn ghi âm”, nhà điều tra tiết lộ với trang tin Viva của Indonesia.
Ông Nurcahyo và các đồng nghiệp từng sởn da gà khi nghe những lời cuối cùng như “Allahu Akbar” (Thánh Allah vĩ đại) được lặp đi lặp lại trước lúc máy bay rơi.
“Allahu Akbar” là tiếng hô của các phần tử Hồi giáo Thánh chiến, không phải tiếng than khóc khi xảy ra tai nạn.
“Nó cứ như thể chúng tôi có thể cảm nhận thấy họ… Allahuakhbar, Allahuakhbar”, Nurcahyo chia sẻ về những vụ việc từng gặp. “Dù tim nặng trĩu, chúng tôi không thể né tranh nhiệm vụ. Nghe những đoạn đối thoại cuối cùng sẽ là mấu chốt để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn của AirAsia”.
Nurcahyo từng là thực tập sinh của cơ trưởng Iriyanto, người đã mất tích cùng chuyến bay QZ8501.
“Indriyanto từng là cấp trên của tôi, ông ấy là người huấn luyện bay cho tôi. Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ ra sao khi nghe những lời cuối của ông ấy”, nhà điều tra này bộc bạch.
Truyền thông Trung Quốc lần đầu công khai nói rằng cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang đã “kết bè kéo cánh” với nhau. Hai “hổ lớn đã sa lưới" từng muốn "điều chỉnh" chính sách mở cửa kinh tế của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng số ra ngày 15/1 trích dẫn một bài báo trên tuần báo Phoenix cho hay 2 nhân vật này đã “kết bè kéo cánh” và quyết tâm sẽ “chơi một canh bạc lớn”. Đây là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc công khai cáo buộc hai quan chức “vang bóng một thời” đã liên kết với nhau, dù từ lâu họ đã được xem là các đồng minh thân thiết.
Theo tuần báo Phoenix, họ Chu và họ Bạc từng bí mật họp mặt và cùng thống nhất sẽ "điều chỉnh" chính sách cải cách và mở cửa kinh tế do phó cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề xướng trong những năm 1970.
Chính sách của Đặng Tiểu Bình đã giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua. Năm 2013, Bộ Chính trị nước này từng khẳng định rằng đường lối của ông Đặng "cần phải được tiếp tục và không bao giờ dừng lại".
Theo Phoenix, Chu Vĩnh Khang hồi năm 2012 đã báo động cho Bạc Hy Lai về việc giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, "cánh tay phải" của Bạc, đang tị nạn ở lãnh sứ quán Mỹ tại Thành Đô. Tuy nhiên, sau đó, những “bê bối động trời” của ông Bạc vẫn bị vỡ lở.
Chu Vĩnh Khang hiện là thành viên cấp cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra, kể từ sau khi "Bè lũ bốn tên", trong đó có vợ của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, bị xét xử năm 1980. Bộ Chính trị Trung Quốc tháng 12 năm ngoái đã quyết định khai trừ đảng đối với cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang. Ông Chu bị cáo buộc nhiều tội, từ nhận hối lộ tới rò rỉ bí mật quốc gia.
Ông Chu từng là người đứng đầu tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) trong thập niên 1990 và giữ chức Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên năm 1999-2002. Sau đó, ông đảm nhận vị trí Bộ trưởng Công an trước khi được bầu vào Bộ Chính trị. Ông đã về hưu trong một cuộc chuyển giao quyền lực năm 2012.
Trong khi đó, cựu Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai từng được mệnh danh là "người hùng" của thành phố Đại Liên, một “ngôi sao sáng” trên bầu trời chính trị Trung Quốc. Cha Bạc Hy Lai là một trong "bát đại nguyên lão" của giai đoạn cải cách kinh tế Trung Quốc và từng nắm giữ chức vụ Phó thủ tướng dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Tuy nhiên, tháng 9/2013, chính trị gia họ Bạc đã chính thức trở thành một “thế tử ngã ngựa” vì các tội danh nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền, đồng thời ông còn dính líu đến vụ án giết người của vợ. Ông Bạc đã tạo ra một trong những bê bối chính trị “động trời” nhất ở Trung Quốc suốt nhiều thập niên qua.
Đầu tháng này, trong một bài viết được đăng tải trên một trang tin trực thuộc, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã nêu tên một số quan chức cấp cao đã “ngã ngựa” là có dính líu tới cái gọi là “Nhóm Sơn Tây”, “Nhóm Bí thư” và “Nhóm dầu khí”- nhóm do Chu Vĩnh Khang đứng đầu.
Bộ chính trị Trung Quốc đã khẳng định sẽ không dung thứ cho các quan chức lập ra các nhóm chính trị vì mục đích kinh doanh cá nhân. Hiện chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với mục tiêu bài trừ tham quan, từ “hạng ruồi” cho tới “những con hổ” quyền lực vẫn được thực hiện rất tích cực.
-------------------------
Triều Tiên chỉ trích thỏa thuận tình báo của Mỹ-Nhật-Hàn
Bình Nhưỡng ngày 15/1 đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên giữa 3 nước Mỹ-Nhật-Hàn và gọi đây là “nỗ lực nhằm bá chủ khu vực châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ.
Cuối tháng 12/2014, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký kết một thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự nhạy cảm về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Thỏa thuận này nhằm tăng cường khả năng đối phó trước những nguy cơ an ninh đang gia tăng từ Bình Nhưỡng đối với cả trong và ngoài khu vực.
Tờ Rodong Sinmun, báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên ngày 15/1 nhận định thỏa thuận "là bước đi đầu tiên của Mỹ trong cuộc ganh đua hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm củng cố vị thế bá chủ" của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bình Nhưỡng cho rằng, Mỹ-Nhật-Hàn còn chia sẻ những thông tin tình báo liên quan đến Nga và Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Washington "đã sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế các cường quốc này".
"Các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không bao giờ ngồi yên khi đối mặt với âm mưu đằng sau cơ chế liên minh quân sự ba bên này", báo Triều Tiên cảnh báo.
Động thái chỉ trích trên xuất hiện vào thời điểm quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đang rất xấu. Washington hôm 10/1 từ chối đề xuất do Triều Tiên đưa ra với nội dung nước này sẽ tạm ngừng thử nghiệm hạt nhân nếu Mỹ hủy tập trận quân sự với Hàn Quốc.
Gần đây, nhiều quan chức cấp cao của Mỹ cho hay nước này dự định cắt nốt các quan hệ tài chính của Triều Tiên. Trước đó, Washington hồi đầu tháng này đã áp đặt hàng loạt biện pháp cấm vận bởi cho rằng Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công mạng vào hãng phim Sony cuối tháng 11 năm ngoái.
-------------------------