Những ngày qua, hàng trăm xe chở gỗ từ Lào nhập cảnh vào Việt Nam, qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) bị dồn ứ vì chưa hoàn tất thủ tục.
Ngày 14/1, theo ghi nhận của PV Dân trí, vẫn còn trên 100 xe chở gỗ bị ùn tắc, chờ làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) để vào nội địa. Trong số đó, nhiều xe bị ách tắc tại đây hơn một tuần nay.
Ngành Hải quan tỉnh Quảng Trị cho biết, nguyên nhân của việc ùn tắc nói trên là do thực hiện theo nội dung Công văn 19128, do Bộ Tài chính ban hành vào cuối tháng 12/2014. Theo đó, tất cả các loại hàng hóa như: gỗ, bia, rượu, thuốc lá…khi nhập cảnh qua cửa khẩu đều phải được kiểm tra 100%.
Trên tinh thần đó, hải quan Quảng Trị phải kiểm hóa, đo kích thước từng thanh gỗ, bất kể là gỗ tròn, gỗ hộp lớn hay gỗ xẻ có kích thước nhỏ. Việc kiểm tra như trên đã khiến hàng trăm xe gỗ bị dồn ứ và chưa thể hoàn tất các thủ tục kiểm hóa. Có nhiều xe bị "mắc kẹt" tại cửa khẩu từ 7 - 10 ngày.
Ngoài việc gây tổn thất, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp vì thời gian chờ làm thủ tục thông quan bị kéo dài, cũng khiến cho lực lượng chức trách làm nhiệm vụ tại đây gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, phương tiện, mặt bằng phục vụ cho công tác, sang tải, hạ tải, kiểm hóa tại Cửa khẩu chưa được hoàn thiện.
Một cán bộ Hải quan tại Cửa khẩu Lao Bảo cho hay, vì phải kiểm tra toàn bộ lô hàng nên thời gian thông quan bị chậm lại. Trước kia, với nguyên tắc quản lý rủi ro, 4 nhân viên kiểm hóa có thể thông quan 2-5 lô hàng một ngày thì nay mỗi ngày chỉ thông quan được một lô. Bởi muốn đảm bảo chính xác, nhân viên hải quan phải đi từng lô hàng, đo kích thước từng thanh gỗ.
Mặt hàng gỗ nhập khẩu vào Quảng Trị thường là gỗ tròn, gỗ xẻ có kích thước cồng kềnh, không đồng nhất. Để kiểm tra 100% lô hàng, hải quan buộc phải yêu cầu doanh nghiệp bốc dỡ toàn bộ số gỗ trên phương tiện xuống để đo đếm chi tiết. Việc kiểm tra thực tế 100% như trên đối với mỗi lô hàng mất từ 4 - 6 ngày
Ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Cửa khẩu Lao Bảo cho biết, từ đầu tháng đến nay, tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã hoàn tất thủ tục thông quan cho 145 xe gỗ. Tuy nhiên, hiện tại số lượng xe gỗ bị ùn ứ tại cửa khẩu là 124 xe.
Tình trạng xe gỗ dồn ứ như trên cũng từng xảy ra tại Cửa khẩu Quốc tế La Lay, huyện Đakrông. Theo thống kê của lực lượng Hải quan, từ đầu tháng 1/2015, đã có hàng trăm xe chở gỗ làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu này, có những thời điểm lên đến gần 100 xe bị ùn tắc.
Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung xử phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.
Bộ Tư pháp vừa đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật.
Xác định đây là một vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân đã được quy định trong Hiến pháp nên Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định hành vi liên quan đến thông tin sai sự thật (đăng, phát, cung cấp, công bố, đưa tin) lĩnh vực báo chí tại Nghị định số 159/2013; lĩnh vực quản lý giá tại Nghị định số 109/2013; lĩnh vực thống kê ở Nghị định số 79/2013/NĐ-CP; lĩnh vực giáo dục ở Nghị định số 138/2013/NĐ-CP; lĩnh vực khí tượng thủy văn tại Nghị định số 173/2013/NĐ-CP…
Trên cơ sở rà soát hành loạt quy định do các bộ ngành xây dựng đòi “xử” báo chí, Bộ Tư pháp đã tổ chức các cuộc họp liên ngành để trao đổi về vấn đề một số báo phản ánh trong thời gian vừa qua. Theo Bộ Tư pháp, đa số các bộ đều thống nhất cho rằng mục đích của việc quy định hành vi liên quan đến thông tin sai sự thật trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là phạt cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, nhưng do mô tả hành vi tại các nghị định chưa thật sự rõ ràng nên có thể hiểu phạt đối với cơ quan báo chí và nhà báo.
Để giải quyết tình trạng nêu trên, đầu năm 2014 Bộ Tư pháp đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về xử lý thông tin báo chí phản ánh vấn đề xử phạt đối với báo chí đưa tin sai sự thật, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước theo hướng: mô tả rõ hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật áp dụng đối với cá nhân, tổ chức (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo). Đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện; hành vi cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí do nhà báo thực hiện thống nhất đưa về nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, cụ thể là Nghị định số 159/2013/NĐ-CP. Việc xử phạt các hành vi vi phạm này sẽ do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thực hiện. Mức phạt đối với các hành vi này được giữ nguyên mức phạt tại các nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Riêng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, Bộ Tư pháp cho biết sẽ thực hiện sửa đổi, bổ sung theo hướng mô tả rõ hơn hành vi như cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật tại các nghị định cụ thể. Đối tượng bị xử phạt đối với các hành vi vi phạm này là cá nhân, tổ chức, cơ quan khác (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo) và do các cơ quan có thẩm quyền xử phạt.
Tuy nhiên điểm đáng chú nhất chính là việc tại bản dự thảo nghị định vừa được công bố, Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ bổ sung thêm Điều 8a sau Điều 8 của Nghị định 159/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản với các nội dung như sau:
Điều 8a. Vi phạm quy định về đăng, phát thông tin sai sự thật trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước
1. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố.
2. Phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính, xin lỗi đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.
b) Buộc đính chính thông tin thống kê đã bị đăng, phát sai lệch đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
c) Buộc tiêu hủy hoặc tịch thu tiêu hủy các ấn phẩm có nội dung thông tin sai phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Trao đổi nhanh với PV Dân trí sáng nay 15/1, nhiều nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội cho rằng việc bổ sung quy định xử phạt nặng đối với việc thông tin của các cơ quan báo chí như đề xuất của Bộ Tư pháp là không hợp lý.
------------------------
Ông Trần Văn Truyền chính thức nhận quyết định kỷ luật
Ngày 14/1, tại Tỉnh uỷ Bến Tre, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã trao quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ do vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ.
Dự buổi trao quyết định có ông Nguyễn Tấn Quyên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban thường vụ tỉnh uỷ Bến Tre và cá nhân ông Truyền.
Trước đó, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 9396-CV/VPTW về việc công bố Thông báo của Ban Bí thư về xem xét xử lý kỷ luật ông Trần Văn Truyền.
Theo đó, sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị thi hành kỷ luật ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ về thực hiện chế độ, chính sách nhà, đất ở, Ban Bí thư đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Truyền do có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ.
Ban Bí thư yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm trong việc quyết định, xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền.
Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền trong công tác cán bộ; tiếp tục chỉ đạo thực hiện triệt để việc khắc phục và việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại phiên họp ngày 16/6/2014.
Ban Bí thư giao Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát việc sử dụng nhà ở công vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, kiên quyết thu hồi ngay những trường hợp nhà công vụ sử dụng không đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra kết luận, chỉ rõ những sai phạm về nhà, đất ở, công tác cán bộ của ông Trần Văn Truyền trong thời gian ông còn đương chức...
Chiều 6/12/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức kiểm điểm cá nhân ông Trần Văn Truyền, Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ liên quan việc sai phạm trong cấp đất, nhà theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nội dung kiểm điểm chủ yếu xoay quanh những khuyết điểm, sai phạm của ông Truyền trong việc cấp, cho thuê đất, nhà ở Bến Tre và TP Hồ Chí Minh.
Sau buổi kiểm điểm này, gia đình ông Truyền đã bắt đầu tháo dỡ bảng hiệu, di dời vật tư để trả lại thửa đất 598B5, Nguyễn Thị Định (Phú Khương, TP Bến Tre) đã bị nhà nước thu hồi do cấp sai đối tượng. Đồng thời, Phòng Tài nguyên – Môi trường TP Bến Tre đã hoàn tất các thủ tục nhận lại khu đất số 598B5, đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, TP Bến Tre đã cấp sai cho ông Truyền.
-------------------------------
Vụ cán bộ cấp đất sai quy định cho... vợ: Chuyển cơ quan điều tra
Ngày 15/1, ông Võ Văn Thương - Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng - cho biết, UBND thành phố đã ký quyết định chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ vụ ông Nguyễn Ngôn cấp 41 lô đất tái định cư sai quy định.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo thu hồi sai lô đất mà ông Ngôn đã cấp cho vợ mình ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) và ở đường Trường Sa cũ.
Trước đó, ông Thương cũng cho biết, sẽ có hình thức xử lý đối với bản thân ông Ngôn.
Được biết, khi còn làm Trưởng Ban quản lý các dự án tái định cư TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngôn (hiện là Phó Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) đã bố trí 41 lô đất tái định cư sai quy định, trong đó có 2 lô bố trí cho vợ ông ở vị trí đắc địa.
Theo ông Phan Tấn Tuyền - Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng, ngoài 2 lô cấp cho vợ, việc ông Ngôn bố trí 39 lô đất còn lại là vượt thẩm quyền nhưng không phát hiện được hành vi vụ lợi trong việc này.
------------------------------