Gián điệp Trung Quốc đã đánh cắp "số lượng lớn" thông tin liên quan đến một máy bay chiến đấu tân tiến của Úc, theo các tài liệu tình báo tuyệt mật bị "người thổi còi" Edward Snowden tiết lộ.
Theo thông tin đăng trên tờ tạp chí Đức Der Spiegel và được trang Business Insider Australia (Úc) ngày 19-1 trích đăng, gián điệp mạng của Trung Quốc đã đánh cắp "nhiều terabyte dữ liệu" về thiết kế của máy bay chiến đấu đa năng F-35 Lightning II mới của Úc.
Trong số thông tin bị đánh cắp, có cả thông tin chi tiết về sơ đồ động cơ, hệ thống radar, phương pháp làm mát khí thải... của máy bay.
Theo Fairfax Media, nhà chức trách Úc có biết về vụ đánh cắp thông tin này.
Đây không phải lần đầu tiên gián điệp Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp thông tin máy bay F-35 Lightning II, nhưng là lần đầu tiên gián điệp mạng Trung Quốc bị "chỉ mặt đặt tên".
Máy bay F-35 được mô tả là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới. Thủ tướng Úc Tony Abbott tuyên bố nó sẽ giúp tăng cường khả năng do thám, tình báo và giám sát của Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF).
Tài liệu do Edward Snowden tiết lộ cũng cho biết Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mạng trong tương lai. Theo đó, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã đề nghị khoản chi 1 tỉ USD trong năm 2013 để chuẩn bị cho chiến tranh mạng.
Theo UPI, tài liệu cũng đề cập đến một liên minh giữa Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand với tên gọi "Five Eyes Alliance" - liên minh hợp tác về chiến tranh mạng trong tương lai.
Các bên trong liên minh được cho là muốn có khả năng "làm tê liệt mạng máy tính" để kiểm soát toàn bộ cơ sở hạ tầng, trong đó có cả cung cấp điện và nước, các sân bay, nhà máy...
Sau 34 năm làm việc ở CNN, người dẫn chương trình kỳ cựu Jim Clancy đã ngậm ngùi rời nhiệm sở sau bê bối liên quan cuộc đấu khẩu bắt nguồn từ vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo.
Theo Russia Today (RT), dù cả CNN lẫn Jim Clancy đều không chính thức nói ra nguyên nhân của “cuộc chia tay”, nhưng tất cả các hãng truyền thông lớn đều hiểu đó là kết quả cuộc đấu khẩu trên mạng xã hội Twitter giữa Jim Clancy và một số người ủng hộ Israel.
Vụ việc được khơi mào khi Jim Clancy tung lên tài khoản Twitter của ông thông điệp: “Các bức biếm họa không bao giờ giễu nhại Đấng Tiên tri. Chúng chỉ giễu nhại cách Những Kẻ Hèn Nhát đã xuyên tạc lời ông ấy. Hãy cẩn trọng”. (Nguyên văn có viết hoa).
Thông điệp được đưa lên ngày 7-1 từ tài khoản Twitter của Jim Clancy, tài khoản này sau đó đã bị xóa.
Ngay lập tức một tài khoản Twitter khác có tên là Oren Kessler đã phản biện lại: “Clancy của CNN sai lầm tai hại. Tạp chí này trước đó từng bị khủng bố Hồi giáo để mắt vì đã có một ấn phẩm họ liệt kê nhà tiên tri Mohammed là một trong các biên tập viên được mời tham gia biên soạn”.
Một tài khoản Twitter khác là Elder Of Ziyon còn nói: “Có lẽ ông (Clancy) cần phải xem những bức biếm họa đó trước khi nói gì về chúng. Tôi có cả đống đây: (gửi kèm đường link các bức biếm họa)”.
Đáng lý mọi chuyện sẽ dừng ở đó nếu nhà báo Jim Clancy không gửi cho Oren Kessler thông điệp “Hasbara?”. Ý ông này muốn châm chọc rằng có phải Oren Kessler đang áp dụng chiến dịch tuyên truyền tâm lý chiến Hasbara của người Israel không.
Jim Clancy viết: “Giọng điệu của người về phe Israel tuyệt vời này đang cố [tôi giữ nguyên văn] thuyết phục chúng ta rằng các họa sỹ biếm thực sự là những người chống đạo Hồi và đó là lý do khiến họ bị tấn công. SAI LẦM. Những tài khoản Twitter này là một phần trong chiến dịch PR cho Israel (kể cả chiến lược “Jews Making News” - Người Do Thái tạo ra tin tức”) chứ không hề vì Quyền Con người”.
Diễn biến ngày càng tồi tệ hơn khi Oren Kessler khó chịu hỏi: “Ông (Clancy) đang nói cái quái gì thế?” thì Jim Clancy trả lời rất bí ẩn: “Chỉ là vui thôi mà”, rồi tiếp tục tung ra một loạt bình luận mang tính phản bác Israel.
Vốn rất thạo tin về các vụ việc quan chức Israel bị đưa ra xét xử tại Tòa án hình sự quốc tế (ICC) và cả những chiêu trò dàn xếp nhằm né tội của họ, Clancy đã tuôn ra tất cả những chuyện này để “xả” giận trên Twitter.
Cao trào của cuộc khẩu chiến là khi Jim Clancy mỉa mai tổ chức hỗ trợ người khuyết tật Do Thái Ruderman Family Foundation (Quỹ gia đình Ruderman) đã lạm dụng những “kẻ què quặt” - một từ mang tính xúc phạm và kỳ thị để chỉ người bị khuyết tật vận động.
Ngay lập tức, người đứng đầu tổ chức này là Jay Ruderman đã gửi thư tới CNN, nói rằng những lời lẽ của Clancy là “rất sốc” và đặt câu hỏi tại sao “trong thời đại này một người dẫn chương trình kỳ cựu tại CNN - tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới - lại có thể dùng một từ như “kẻ què quặt” để nói về người khuyết tật”.
Rất nhiều hãng thông tấn lớn đã đề cập chuyện này. Jim Clancy dù đã xóa bỏ các nội dung đấu khẩu và sau đó bỏ luôn cả tài khoản Twitter cá nhân, nhưng trang tin Gawker và nhiều mạng tin tức khác vẫn giữ lại các ảnh chụp làm bằng cớ của vụ bê bối.
Tới thứ 6 tuần qua (16-1), hồ sơ của nhà báo Clancy đã hoàn toàn bị xóa khỏi website của CNN, kết thúc sự nghiệp hơn 30 năm của ông với lời thông báo lịch thiệp của CNN: “Jim Clancy đã không còn làm việc cho CNN. Chúng tôi cảm ơn ông ấy vì hơn 30 năm làm việc thật xuất sắc, và cầu chúc ông ấy mọi điều tốt đẹp nhất”.
-----------------------------
Gần 50% nhà máy thực phẩm Trung Quốc không đạt chuẩn
Theo khảo sát của Hãng kiểm tra chất lượng AsiaInspection, có tới 48% số nhà máy sản xuất thực phẩm tại Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn mà các đối tác phương Tây đề ra trong năm 2014.
“Ðây rõ ràng là một chuyện khủng khiếp - Hãng tin CNN dẫn lời ông Mathieu Labasse, phó chủ tịch AsiaInspection - Chúng tôi phát hiện nhiều nhà máy Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến các tiêu chuẩn vệ sinh cơ bản. Ở đó công nhân dùng tay trần để xử lý thực phẩm chứ không hề đeo bao tay”.
Hàng loạt sản phẩm thực phẩm Trung Quốc bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, kim loại nặng, các loại vi khuẩn và virút.
Ông Labasse nhấn mạnh sự yếu kém này đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra thực phẩm Trung Quốc còn có những vấn đề khác như dán nhãn sai quy định, có màu sắc bất thường, mùi hôi, vết bẩn... Các mặt hàng hải sản có những lỗi “chỉ có ở Trung Quốc”, ví dụ như một số nhà máy bơm nước vào cá để tăng cân nặng.
Trong vài năm gần đây, hàng loạt xìcăngđan thực phẩm bẩn đã nổ ra ở Trung Quốc. Gần nhất là vụ một nhà máy sản xuất thịt của Mỹ tại Trung Quốc bị cáo buộc bán thịt nhiễm độc và hết hạn sử dụng cho các khách hàng nổi tiếng như McDonald’s, Starbucks, KFC, Pizza Hut...
“Các công ty như McDonald’s hoặc KFC giao dịch từ xa với nhà cung ứng. Họ biết rõ các đối tác nhưng không hiểu những gì diễn ra bên trong nhà máy” - chuyên gia Labasse đánh giá.
Ngoài ra theo báo Bưu Ðiện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), trong một khảo sát gần đây Tổ chức Hòa bình xanh phát hiện 1/3 lượng rau trồng ở tỉnh Quảng Ðông bị nhiễm thuốc trừ sâu quá mức an toàn.
Một số mẫu rau tại tỉnh này có lượng hóa chất trừ sâu cao gấp 64 lần tiêu chuẩn cho phép ở Trung Quốc.
Tổ chức Hòa bình xanh cho biết nông dân trồng rau Trung Quốc thường trộn nhiều loại thuốc trừ sâu với nhau để đạt hiệu quả cao hơn, khiến rau bị nhiễm độc nặng.
Ước tính Trung Quốc có khoảng 500.000 nhà máy sản xuất thực phẩm, 70% trong số đó là các cơ sở nhỏ có dưới 10 nhân công.
AsiaInspection đánh giá với các vụ bê bối chất lượng liên tiếp trong thời gian qua, Trung Quốc khó lòng lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
-------------------------
Mớ bòng bong chống báng bổ, khủng bố, bài Do Thái
Khủng bố không chỉ diễn ra ở Pháp mà còn ở Bỉ. Tuần trước, tại thành phố Verviers, cảnh sát Bỉ tấn công một nhóm khủng bố, bắn hạ hai kẻ tình nghi từ Syria trở về và bắt giữ một kẻ thứ ba.
Điều tra cho thấy vụ tấn công này được điều khiển từ Hi Lạp bởi một cựu thành viên “thánh chiến” từ Syria trở về. Vụ này tiếp sau cuộc thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (tình nghi do Al-Qaeda ở Yemen tổ chức) và vụ bắt con tin trong siêu thị Do Thái ở Paris (mà hung thủ tự nhận là đại diện Nhà nước Hồi giáo) cho thấy đang có những hoạt động vừa “cạnh tranh” vừa phối hợp giữa các tổ chức khủng bố cực đoan.
Những báng bổ của tạp chí Charlie Hebdo chỉ là cái cớ để khởi sự. Vụ tấn công siêu thị của người Do Thái ở Pháp còn là một biểu thị của chủ nghĩa bài Do Thái.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã cảnh báo một khi có quá nhiều người Do Thái rời nước Pháp thì có nghĩa “nền Cộng hòa Pháp đã thất bại”, nước Pháp như là một đại cộng đồng đoàn kết tan rã.
Các ước tính dự kiến có trên 10.000 người Do Thái sẽ hồi hương trong năm nay, thay vì chỉ ba, bốn ngàn người vì các lý do “tự nhiên” (lá rụng về cội) trong các năm trước.
Đây là một mục tiêu mà các thế lực chính trị muốn làm tình hình tại Trung Đông bùng nổ hơn nữa nhắm đến mục tiêu hủy diệt tối hậu.
Có bao nhiêu gia đình người Do Thái hồi hương sẽ có bấy nhiêu căn hộ “tái định cư” của người Do Thái được xây cất trong lãnh thổ Palestine. Hồi kết chính là chiến tranh sống mái giữa Israel và Palestine.
Đương nhiên sẽ có những “tiểu bá”, trung bá” khu vực can thiệp vào như từng thấy, nếu được sẽ dẫn đến luôn cả sự xóa sổ sớm Israel.
Ý đồ này được thể hiện qua các hành động bài Do Thái từ “hiền hòa” với các dòng chữ kẻ bài xích đến các vụ tấn công bằng vũ khí, càng làm toàn cảnh bức tranh bạo lực khủng bố ở châu Âu thêm phức tạp.
Làn sóng khủng bố từ đủ mọi gốc gác và mục tiêu vốn dĩ đã quá phức tạp này diễn ra đồng thời với làn sóng bài Pháp ở nhiều nước trên thế giới phản đối “sự báng bổ tôn giáo” của tờ Charlie Hebdo.
Tất cả làn sóng trên đã quyện lại làm một trong cùng bối cảnh, cùng thời điểm, biến thành một phức hợp có hình thái giống như một khối thuần nhất dù người Hồi giáo biểu tình để chống lại sự “báng bổ tôn giáo” chứ không liên quan gì đến các hành động khủng bố, bắn giết, đặt bom bài phương Tây hay bài Do Thái.
Sự quyện lẫn đó chính là mục tiêu của những tổ chức khủng bố nhằm kích động một làn sóng tôn giáo bùng nổ khắp nơi, từ biểu tình đến đập phá.
Hơn thế nữa, chúng muốn khuynh đảo trật tự an ninh các nước mục tiêu, đồng thời qua đó che lấp tính man rợ ngoài vòng pháp luật của các hành động khủng bố.
Không ngạc nhiên khi thấy một số báo, đài Mỹ và Anh tuy chia sẻ quyền tự do ngôn luận nhưng thận trọng không in lại các biếm họa nhằm tránh vạ lây hay gây ra hậu họa.
Nhìn đi nhìn lại sẽ thấy cuộc xung đột Trung Đông không giải quyết ở Libăng, Gaza hay Bờ Tây sông Jordan, càng không ở bàn hội nghị Israel - Palestine hay hạt nhân Iran.
Thực tế nó đang chực giải quyết trên lãnh thổ châu Âu, với những cái cớ hết sức dễ lôi cuốn, để rồi kết thúc bằng một cuộc chiến tranh với Israel.
-------------------------