Ngày 18/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời báo chí về phản ứng của Việt Nam trước vụ việc một phụ nữ Việt Nam bị Indonesia tử hình về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày18/1/2015, phía Indonesia đã thi hành bản án tử hình đối với công dân Việt Nam Trần Thị Bích Hạnh về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển chất ma túy và cũng là quốc gia luôn tích cực hợp tác với các nước trong việc đấu tranh và phòng, chống các loại tội phạm về ma túy".
“Liên quan đến việc Trần Thị Bích Hạnh bị phía Indonesia thi hành án do vận chuyển trái phép chất ma túy vào Indonesia, kể từ khi Trần Thị Bích Hạnh bị bắt tháng 06/2011 đến nay, lãnh đạo cấp cao, các cơ quan chức năng và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã nhiều lần trao đổi, làm việc, yêu cầu phía Indonesia bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật và xem xét giảm án trên tinh thần nhân đạo”, ông Lê Hải Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với trường hợp này.
Tờ Jakarta Post của Indonesia dẫn lời phát ngôn viên của văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Indonesia, Tony Spontana, cho hay sáng ngày 18/1, Indonesia đã tử hình 6 người về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Công dân Việt Nam Trần Thị Bích Hạnh, 37 tuổi, bị bắt khi vận chuyển 1.1kg ma túy đá, trị giá khoảng 175.000 USD, đã bị xử tử tại huyện Boyolali, miền trung Java. Trong khi đó, 5 người khác bị tử hình trên đảo Nusakambangan, gồm bốn phạm nhân nam người Brazil, Malawi, Nigeria và Hà Lan cùng một phụ nữ người Indonesia.
Theo nguồn tin này, đây cũng là án tử hình đầu tiên được thi hành dưới thời tân Tổng thống Indonesia, Joko Widodo.
Chiều 18/1, Bộ GTVT lần đầu tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo Bộ.
Chiều 18/1, Bộ GTVT lần đầu tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm năm 2014 đối với lãnh đạo Bộ GTVT gồm Bộ trưởng Bộ GTVT và các đồng chí Thứ trưởng. Việc lấy phiếu tín nhiệm là cách làm mới trong công tác đánh giá cán bộ đồng thời là kênh thông tin quan trọng để lãnh đạo Bộ GTVT hoàn thiện mình.
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) Trần Văn Lâm, thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Quy định số 262 của Ban Chấp hành TƯ, ngày 15/11/2014, Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT.
Kết quả, đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT có số phiếu tín nhiệm cao. Điều này không những thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm cao của Đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân cả nước đối với cá nhân đồng chí Bộ trưởng mà còn khẳng định sự đoàn kết, thống nhất của toàn Ngành.
Theo quy định, ngoài việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, các Bộ trưởng còn được lấy phiếu ở cơ quan nơi công tác. Ngoài ra, các đồng chí thứ trưởng cũng được cán bộ chủ chốt của ngành đánh giá qua việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, thời gian qua, ngành GTVT đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được nhân dân ghi nhận và đồng tình ủng hộ. Bộ mặt giao thông trên cả nước đã thay đổi toàn diện, ngày một hiện đại, thuận tiện hơn.
Theo Bộ trưởng, để đạt được thành tích đó, điều quan trọng nhất là lãnh đạo các đơn vị đã đặc biệt cố gắng, nhất là tại các đơn vị trong diện tái cơ cấu mạnh, giảm biên chế nhiều nhưng lãnh đạo các đơn vị này đã cố gắng làm tốt chế độ chính sách cho người lao động, công khai, minh bạch mọi vấn đề.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, việc tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo Bộ là việc làm rất ý nghĩa, là kênh quan trọng để lãnh đạo Bộ GTVT hoàn thiện lại mình. Từ đó, Ban Cán sự có thêm thông tin để sử dụng cán bộ, đáp ứng nhu cầu mới, thực hiện bằng được nhiệm vụ trong thời kỳ mới của Ngành.
“Tôi yêu cầu Ban Tổ chức làm khách quan, công tâm, đảm bảo dân chủ trong bỏ phiếu để các đồng chí lãnh đạo Bộ nhìn lại mình, phấn đấu nhiều hơn. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các đơn vị trong toàn Ngành cần đề cao phát huy tinh thần dân chủ, không làm vì hình thức. Cần đánh giá khách quan để lãnh đạo Bộ thấy cần phát huy cái gì, chấn chỉnh cái gì, để cùng phát huy, rút kinh nghiệm vì sự phát triển bền vững của ngành GTVT, vì sự hài lòng hơn nữa của người dân và doanh nghiệp”- Bộ trưởng yêu cầu.
-------------------------
Tay nhúng chàm thì không thể chống tham nhũng
Đó là khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2015 của Viện KSND tối cao.
Cán bộ, kiểm sát viên làm công tác này phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư nhấn mạnh mặc dù thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, song tham nhũng vẫn đang là thách thức, là vấn đề bức xúc của xã hội; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Vì vậy Tổng bí thư đề nghị viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan để chủ động trong nắm thông tin về tội phạm tham nhũng, nhất là những vụ án tham nhũng lớn, có tổ chức; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, mở rộng điều tra cả hành vi và đối tượng tham nhũng.
Tổng bí thư cũng yêu cầu ngành kiểm sát phải có nội bộ trong sạch, vững mạnh mới có thể chống tham nhũng hiệu quả.
Theo đó, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo viện kiểm sát các cấp phải thường xuyên chăm lo, giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức; duy trì kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh trong đội ngũ cán bộ của ngành, đặc biệt là các đơn vị được giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý án tham nhũng.
Bên cạnh việc nhấn mạnh công tác chống tham nhũng, Tổng bí thư cũng yêu cầu viện kiểm sát phải thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
Tổng bí thư cũng yêu cầu ngành kiểm sát khẩn trương hoàn thiện bộ máy, cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ mới được Quốc hội giao cho, đó là cơ quan điều tra của ngành kiểm sát chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp.
Tổng bí thư nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng và cũng là thách thức lớn đối với ngành kiểm sát.
Theo báo cáo của Viện KSND tối cao, trong năm 2014 công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt kết quả tốt hơn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm. Chất lượng các quyết định truy tố đạt cao, số quyết định truy tố đúng người, đúng tội đạt 98%.
---------------------------