Kỹ năng quản trị doanh nghiệp yếu kém, quản lý tài chính lỏng lẻo là nguyên nhân đẩy nhiều công ty con của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) rơi vào vực phá sản.
Đồng bệnh tương lân
Có một sự giống nhau kỳ lạ trong cách giải thích của Cienco 8 về sự trượt dốc của hai công ty thành viên đang làm thủ tục phá sản là Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Việt - Lào và Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình giao thông 892.
Cụ thể, hành trình trở thành “xác sống” của Công ty Việt - Lào bắt đầu từ năm 2010, khi các dự án mà đơn vị này trúng thầu liên tục bị đình hoãn do thiếu vốn. Do năng lực yếu kém, thi công chậm, nên công ty này đã bị chủ đầu tư cắt, điều chuyển khối lượng giao cho đơn vị khác thi công. Đây là hai lý do được lãnh đạo Tổng công ty dẫn giải cho tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, lên tới hơn 80 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2012) của Công ty Việt - Lào.
Trong khi đó, Công ty 892 bắt đầu bị thua lỗ lớn, mất cân đối hơn 108 tỷ đồng từ năm 2011 cũng với lý do tương tự trường hợp của Công ty Việt - Lào.
Điều trớ trêu là, theo ông Vũ Cao Đàm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco 8, từ ngày thành lập đến khi bắt đầu sa sút, cả Công ty 892 lẫn Công ty Việt - Lào đều hoàn thành tốt các dự án được giao, nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, đời sống cán bộ - nhân viên được bảo đảm.
Được biết, ngoài hai đơn vị thành viên nói trên, Cienco 8 nhiều khả năng sẽ phải sớm đệ đơn lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) làm thủ tục phá sản cho hai công ty con khác nữa là Công ty 874 (lỗ tổng cộng 117 tỷ đồng) và Công ty 889 (lỗ 92 tỷ đồng)… Đây là những đơn vị mà Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đang bế tắc trong việc tìm phương án tái cơ cấu khả thi với các chủ nợ.
Theo một cán bộ của Cienco 8, hiện tại, tình hình tài chính của các đơn vị nói trên thậm chí còn tồi tệ hơn, khi nhiều khoản nợ mới đang tiếp tục bị lộ ra và phải cộng dồn các khoản lãi mẹ, lãi con không được thanh toán, xử lý dứt điểm.
Không có xuất phát điểm thuận lợi như nhiều Cienco khác của Bộ GTVT, các đơn vị thành viên của Cienco 8 có quy mô nhỏ, vốn ít, dẫn đến phụ thuộc nhiều vào ngân hàng. Trong khi đó, máy móc, thiết bị lạc hậu và thiếu, nên khi thi công phải thuê ngoài, nên chi phí bị đội rất nhiều.
Tại thời điểm 31/12/2012, tổng vốn chủ sở hữu thực tế tại 16 công ty con là 137 tỷ đồng, trong đó, 12/16 công ty có số vốn nhỏ hơn 10 tỷ đồng, 4/16 công ty có vốn nhỏ hơn 5 tỷ đồng. Quy mô này rõ ràng không tương xứng quy mô hoạt động sản xuất, không phù hợp với đặc thù thi công xây lắp (chi phí sản xuất lớn).
Bên cạnh đó, 2009 - 2011 là giai đoạn đỉnh điểm về khó khăn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, với việc một loạt dự án bị đình hoãn do thiếu vốn; biến động giá lớn…, nên những doanh nghiệp có năng lực yếu kém của Cienco 8 không trụ được là điều dễ hiểu.
Lỗi hệ thống
Theo Thanh tra Bộ GTVT, căn bệnh “xác sống” tại Cienco 8 xuất phát từ công tác quản trị doanh nghiệp quá yếu. Cụ thể, các đơn vị không xây dựng đủ quy chế nội bộ theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính kế toán, không ban hành hệ thống định mức quản lý chi phí nội bộ, quy chế khoán quản ở các đơn vị ở đơn vị thực hiện khoán; công tác kế toán không được coi trọng, các phương pháp kế toán không được tuân thủ. Nhiều đơn vị bế tắc trong việc cung cấp số liệu, hồ sơ cho hoạt động thanh tra.
Liên quan tới công tác quản lý công nợ, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hầu hết các đơn vị thành viên của Cienco 8 không tuân thủ những nguyên tắc quản lý công nợ tối thiểu, khi cho ứng tùy tiện mà không hề kiểm soát quá trình vay, trả; không phân công rõ trách nhệm cá nhân trong quản lý nợ phải thu.
Không rõ vì lý do gì mà đội ngũ cán bộ quản lý (giám đốc, kế toán trưởng) các công ty con có năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính hạn chế vẫn được bổ nhiệm, sau đó thay đổi lên xuống liên tục. Có đơn vị thành viên 4 năm thay liền 4 giám đốc, kế toán trưởng, khi thay đổi không hề tiến hành bàn giao, xử lý vướng mắc tài chính, không quy được trách nhiệm với những tổn thất tài chính. Trong khi đó, người đại diện vốn nhà nước tuy có, nhưng gần như tê liệt, không hoạt động, không báo cáo, không kiểm soát.
Đáng lưu ý là, từ năm 2004 đến 2012, Kiểm toán Nhà nước đã 3 lần kiểm toán tại Cienco 8 và chỉ ra những yếu kém trong quản lý tài chính cũng như trong điều hành sản xuất, đồng thời kiến nghị xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, Cienco 8 gần như không tiếp thu và tổ chức thực hiện. Ngoài ra, các đơn vị không thực hiện điều chỉnh số liệu kế toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, nên nhiều năm báo cáo tài chính không phản ánh đúng bản chất, đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Được biết, đối với trường hợp của Công ty Việt - Lào, bên cạnh việc quan tâm giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, vào tháng 3/2014, Bộ GTVT yêu cầu Cienco 8 tổ chức phá sản theo đúng quy định, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc doanh nghiệp này lâm vào tình trạng thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, cho đến nay, các yêu cầu trên vẫn chưa được các bên liên quan thực hiện, để lại những khoảng trống lớn về trách nhiệm đối với số phận của các “xác sống” vẫn đang vật vờ chờ ngày thực sự được “hóa kiếp”.
----------------------
Nhà Trầm Bê có hơn 1.500 tỷ đồng tài sản tại Sacombank
Tại Sacombank, gia đình ông Trầm Bê hiện sở hữu tổng cộng 84,22 triệu cổ phần (tương đương với 6,77% vốn điều lệ ngân hàng). Đây cũng là nhóm cổ đông cá nhân có tỷ lệ cổ phần nắm giữ lớn nhất tại Sacombank.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB) vừa công bố Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2014.
Số liệu tại Báo cáo cho thấy, tính đến 31/12/2014, các thành viên trong gia đình ông Trầm Bê vẫn đang nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Sacombank.
Cụ thể, hai con trai của ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân và Trầm Khải Hòa đang sở hữu lần lượt 54,72 triệu cổ phiếu (tương ứng 4,4% vốn điều lệ Sacombank) và 24,03 triệu cổ phiếu (tương đương 1,93% vốn điều lệ).
Bên cạnh đó, con gái ông Bê là Trầm Thuyết Kiều cũng nắm giữ 3,59 triệu cổ phần tại ngân hàng này (tương ứng 0,29%). Bản thân ông Trầm Bê có 1,84 triệu cổ phần (tương ứng 0,15% vốn điều lệ ngân hàng).
Như vậy, tại Sacombank, gia đình ông Trầm Bê hiện sở hữu tổng cộng 84,22 triệu cổ phần (tương đương với 6,77% vốn điều lệ ngân hàng).
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, thị giá của cổ phiếu STB ở mức 18.400 đồng. Như vậy, với số lương nắm giữ kể trên, tổng tài sản chứng khoán của gia đình ông Trầm Bê tại Sacombank vào khoảng 1.549,7 tỷ đồng.
Trong đó, riêng ông Trầm Trọng Ngân có khoảng 1.006,8 tỷ đồng và ông Trầm Khải Hòa có 442,2 tỷ đồng.
Ông Trầm Bê hiện tại Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị tại Sacombank và ông Trầm Khải Hòa (sinh năm 1988) là Thành viên Hội đồng quản trị kể từ 26/5/2012 cho đến nay. Ông Lê Trọng Trí – con rể ông Trầm Bê, mặc dù sở hữu số cổ phần khiêm tốn nhưng là Phó Tổng giám đốc ngân hàng này.
Trong khi đó, ông Trầm Trọng Ngân – người sở hữu số cổ phần lớn nhất tại Sacombank thì lại đang là Phó Chủ tịch thường trực của Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank).
Trở lại với Báo cáo quản trị công ty của Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng – Chủ tịch HĐQT ngân hàng và các thành viên trong gia đình hầu như không nắm cổ phần nào (ngoại trừ Kiều Anh Kiệt có 25 nghìn cổ phần, chiếm tỉ lệ 0,002%).
Ông Nguyễn Miên Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT sở hữu 100,8 nghìn cổ phần (tương ứng khoảng 0,008% vốn); ông Phan Huy Khang – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc nắm 15,92 triệu cổ phần (khoảng 1,28% vốn), bà Dương Hoàng Quỳnh Như nắm 6,96 triệu cổ phần (tương ứng 0,56%)…
Hồi cuối tháng 3 năm 2014, tại Đại hội cổ đông của Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng đã trình Đại hội đồng cổ đông về chủ trương sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Thời điểm đó, HĐQT của Sacombank dự kiến, sau khi đề án được cơ quan chức năng chấp thuận và Đại hội đồng cổ đông thông qua thì sẽ triển khai ngay trong năm 2014. Đề án đã được 97,31% cổ đông Sacombank chấp thuận. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông tin mới về thương vụ này.
-------------------------
Mỹ đã đầu hàng trong cuộc chiến giá dầu?
Cuộc chiến giá dầu căng thẳng nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước giữa bộ ba OPEC - Nga - Mỹ có vẻ như cuối cùng cũng chuẩn bị đi đến hồi kết.
Người Mỹ đã không tránh khỏi một cuộc thoái lui khi hầu hết các giàn khoan của nước này phải giảm sản lượng và sa thải bớt công nhân trong khi "võ đài" chỉ còn lại Nga và OPEC và giá dầu đã xuống đến dưới 40 USD/thùng.
Trước hết, có vẻ như cuộc thoái lui của người Mỹ cũng đã trở thành hiện thực. Các giàn khoan dầu đá phiến ở hầu hết các bang khai thác dầu chủ lực của Mỹ như Texas, North Dakota bắt đầu ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không có giếng dầu mới nào được khoan và lượng công nhân viên thất nghiệp từ ngành dầu đang đi tìm việc làm thì nhiều lên với tốc độ chóng mặt. Giới tài chính cũng bó tay chịu trận khi cả Goldman Sachs và JPMorgan đều công khai khuyên các nhà đầu tư nên thoái vốn khỏi ngành dầu càng sớm càng tốt.
Tuy vậy, sự thoái lui của người Mỹ có vẻ như vẫn chưa khiến OPEC hài lòng. Bất kể những động thái rõ rệt từ phía Mỹ, các nhà lãnh đạo của tổ chức dầu lửa nhiều quyền lực nhất trên thị trường dầu mỏ thế giới vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thay đổi thái độ trong việc nâng giá dầu trở lại.
Iran, một trong những cái đích mà Ả Rập Saudi hướng tới trong việc ghìm giá dầu này, cũng đã lên tiếng về một sự cần thiết đối với việc OPEC hành động để nâng giá dầu trở lại. Nhưng có vẻ như cái đích sau cùng mà Ả Rập Saudi và OPEC đang nhắm tới không ai khác ngoài nước Nga.
Nếu như có một tiền lệ nào về việc cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu trong quá khứ khiến OPEC tỏ thái độ cứng rắn chưa từng thấy ở thời điểm hiện tại, hẳn đó phải là việc bị người Nga hớt tay trên hồi thập niên 1980.
Khi đó, tận dụng việc Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng, Liên Xô đã nâng sản lượng khai thác một cách chóng mặt để nhanh chóng hớt tay trên miếng bánh béo bở mà đất nước Trung Đông kia vừa thả ra.
Sản lượng của Liên Xô khi ấy thậm chí đạt đến mức gần 10.700.000 thùng/ngày, một con số kỷ lục mà giờ đây cả Nga lẫn Mỹ đều chưa thể vượt qua. Ả Rập Saudi và OPEC dĩ nhiên là không quên kỷ niệm cay đắng ấy, giờ đây chẳng có lý do gì để tạm dừng cuộc chiến mà trước đó, Mỹ đã đầu hàng và giờ đến lượt Nga.
Bất kể Nga đã thoát ra khỏi tình trạng nguy ngập về kinh tế cách đây ít lâu, nhưng đồng rúp (Ruble) vẫn luôn có một phần giá trị neo vào giá dầu. Việc tiếp tục đẩy giá dầu xuống sâu hơn ở thời điểm hiện tại cũng đồng nghĩa với việc ép Nga vào khó khăn sâu hơn nữa. Khá nhiều nhà phân tích đã đưa ra dự đoán giá dầu thậm chí có thể chạm đáy ở mức trên 20 USD/thùng, đó có vẻ như sẽ là một thảm họa thực sự cho nước Nga.
Kịch bản tươi đẹp với Ả Rập Saudi và OPEC khó xảy ra
Với việc giảm sản lượng một cách triệt để của Mỹ thì giá dầu sẽ có xu hướng nhích dần lên trở lại thay vì xuống sâu hơn. Vẫn còn một số giàn khoan dầu đá phiến của Mỹ hoạt động và một sự tụt giá thấp hơn nữa của giá dầu sẽ ảnh hưởng đến những giàn khoan này của Mỹ trước, hơn là với Nga.
Đó là chưa kể, theo ước tính của Herman Gref, với giá dầu được duy trì khoảng 45 USD/thùng thì Nga sẽ cần khoảng 46 tỉ USD để ổn định tình hình. Con số 46 tỉ USD không lớn lắm với quỹ dự trữ ngoại hối lên tới gần 400 tỉ USD của Nga ở thời điểm hiện tại.
Giới phân tích đánh giá, Nga đang nắm giữ một lợi thế lớn hơn so với OPEC là thời gian. Vấn đề nối lại quan hệ thương mại giữa Nga và EU sẽ được đưa ra vào cuộc họp vào ngày 19.1. Theo đó, EU sẽ không thông qua bất cứ quyết định nào về các lệnh trừng phạt với Nga và quyết dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ được thông qua vào cuộc họp diễn ra trong tháng 3.
Việc nối lại quan hệ kinh tế với EU được đánh giá có tầm quan trọng với Nga, tương đương với việc giá dầu tăng trở lại, nhất là trong bối cảnh EU đang chuẩn bị triển khai một gói kích thích kinh tế trị giá 500 tỷ Euro. Việc nối lại quan hệ thương mại với EU trong thời điểm đó sẽ đem lại những lợi ích rất lớn cho Nga.
Trong khi Nga có thể nối lại quan hệ kinh tế với EU trong tháng 3, phải đến đầu tháng 6 OPEC mới có thể nhóm họp để đưa ra quyết định chính thức về việc có thay đổi chính sách về sản lượng và giá dầu hay không.
Dù OPEC đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến giá dầu, nhưng không ai dám chắc điều gì có thể xảy ra cho tới tháng 6, khi mà hầu hết các thành viên OPEC đang căng như dây đàn để đáp ứng chính sách giữ nguyên sản lượng hiện tại.
Một cuộc xuống thang giữa các bên, theo đó cả OPEC lẫn Nga đều giảm sản lượng để nâng giá dầu trở lại đang là kịch bản được khá nhiều chuyên gia hướng tới. Nó không chỉ tốt nhất cho cả OPEC và Nga, mà còn cho cả nền kinh tế thế giới.
----------------------------
Tràn lan tôm độc hại ở chợ
Cần quản lý từ gốc các cơ sở nuôi trồng, chế biến thì mới xử lý triệt để nạn tôm bơm tạp chất, thủy sản nhiễm kháng sinh cấm.
Các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu thủy sản cho biết ngay cả hàng xuất khẩu kiểm soát chặt chẽ vẫn để lọt những lô hàng chứa tôm tạp chất, dư lượng kháng sinh cấm vượt ngưỡng. Thị trường nội địa đang trở thành nơi tiêu thụ cho các sản phẩm thủy sản bẩn trên vì ngay cả cơ quan quản lý cũng không đủ sức kiểm soát.
Thị trường nội địa béo bở
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex, cho biết hiện nay các DN có lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo nhiễm kháng sinh là do khi mua không kiểm, xuất đi đại nên dính. Song những DN có kiểm cũng không kiểm nổi vì chi phí quá lớn. Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) kiểm nhưng không giải quyết được.
“Đó là thị trường xuất khẩu, còn thị trường nội địa thì thủy sản bẩn đã bán tràn lan nhiều năm nay rồi. Không xuất khẩu được thì tiêu thụ nội địa. Đơn giản là không cơ quan nào kiểm tra, ngăn chặn nổi. DN nói kiểm soát vùng nuôi nhưng nói thật kiểm không nổi vì không có quyền quản nông dân dùng thuốc kháng sinh. Không chỉ con tôm mà con cá tra, cá lóc, lươn, ếch đều có nguy cơ cao dư lượng kháng sinh cấm bị vượt ngưỡng. DN còn phải trả tiền cho người nuôi để được kiểm kỹ về dư lượng kháng sinh. Nuôi tôm tất nhiên phải dùng kháng sinh vì con tôm bị hàng trăm thứ bệnh, người nuôi hiện nay lại dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ” - ông Kịch chia sẻ.
Thủy sản nhiễm kháng sinh có thể kiểm ở vùng nuôi nhưng đối với tôm bơm tạp chất còn phức tạp hơn. Nhiều DN cho biết họ phải kiểm, giám sát ở nhiều đầu mối như người nuôi, đại lý thu mua, vận chuyển, cơ sở chế biến và ngay chính “người nhà”.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tiết lộ DN phải tốn cho nhân viên giám sát từ lúc nuôi đến khi thu hoạch, vận chuyển vào tận kho DN. Rất mất thời gian, chi phí, nhân lực. DN nhiều khi phải tính toán thời gian của các xe vận chuyển, tính xem xe thu mua từ vùng nuôi hay đại lý thu mua đến kho của DN mất bao nhiêu thời gian. Từ đó quy định thời gian cho từng xe vận chuyển, nếu xe nào về lâu hơn mức thời gian quy định, DN sẽ kiểm tra lại hàng.
Có nhiều DN dù kiểm chặt vùng nuôi nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhân viên của DN câu kết với đại lý bơm tạp chất (thạch rau câu) vào tôm để tăng trọng lượng, hưởng lợi” - ông Quang kể.
Cần trị từ gốc
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng, cho rằng câu chuyện thủy sản bị bơm tạp chất, kháng sinh vượt mức đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có giải pháp triệt để. Nguyên nhân là cơ quan quản lý và DN đổ lỗi cho nhau. Cơ quan quản lý đổ lỗi DN không kiểm. Còn DN thì đổ trách nhiệm kiểm thuộc về cơ quan nhà nước. Hết đổ cho nhau họ quay sang đổ cho người nuôi.
Theo ông Nhiệm, hiện nay giải pháp trị thủy sản bẩn đang làm ở phần “ngọn”, cần giải pháp trị từ “gốc”. Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát những loại thuốc thú y, chất cấm trong thủy sản. Hiện hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường. Có những DN làm ăn bất chính, đóng gói nhãn mác rồi tiếp thị tới người dân. Cơ quan quản lý cần có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn thông tin cho người dân, cần kiểm soát đầu vào việc nhập khẩu các kháng sinh cấm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng, cũng cho biết tôm hiện nay phần lớn DN phải thu mua, còn cá thì tự nuôi nhiều. Con cá thì DN có thể kiểm soát vùng nuôi được. Tuy nhiên, đối với con tôm, cơ quan nhà nước phải kiểm chặt việc bơm tạp chất, xử phạt thật nặng. Chẳng hạn, tại các chợ đầu mối, các cơ quan quản lý phải cùng phối hợp để kiểm tra nguồn gốc hàng, đầu tư máy móc kiểm nghiệm nhanh…
Người tiêu dùng bó tay
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, cho biết đối với việc bơm rau câu vào tôm, chất rau câu sẽ dính vào giữa lớp vỏ và lớp thịt, giữ được độ đông đặc khi để đông lạnh, giúp tăng trọng lượng. Người tiêu dùng khó nhận biết được những loại này nên sẽ thiệt thòi vì bị gian lận trọng lượng. Nhà máy chế biến nguyên liệu, khi lột vỏ tôm thì rau câu cũng đi theo nên cũng bị ảnh hưởng về trọng lượng.
Theo bà Lâm, đối với sản phẩm của công ty, khâu kiểm soát thực hiện từ quá trình đánh bắt đến khi đưa vào chế biến. Sản phẩm nội địa cũng được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn chất lượng của hàng xuất khẩu. Một số DN trong ngành cảnh báo tình trạng sử dụng chất tăng trọng trong tôm đã bóc vỏ. Nếu khi người tiêu dùng về chế biến thấy tôm bị teo lại nhiều đó là bị sử dụng chất tăng trọng. Đây là loại phụ gia vẫn được thế giới cho phép dùng với tỉ lệ nhất định, giúp cho tôm không bị mất trọng lượng mà còn ngon và giòn. Tuy nhiên, ở Việt Nam đã diễn ra tình trạng sử dụng quá tỉ lệ cho phép loại phụ gia này. Có trường hợp tôm bóc vỏ bị ngâm đến vài ba lần, khi về nấu trọng lượng chỉ còn 50%.
Người tiêu dùng khi mua tôm cần lưu ý một số đặc điểm cảm quan như sau: Tôm bị bơm tạp chất thường bị phù đầu, giãn đốt, nhô đầu, gai vểnh, xòe đuôi.
Tuy nhiên, đối với thủy sản nhiễm kháng sinh thì ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết không thể nhận biết được bằng cảm quan. Ngay cơ quan kiểm nghiệm cũng mất nhiều ngày với máy móc hiện đại mới có kết quả.
Bơm tạp chất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản chỉ lấy mẫu kiểm tra cho từng lô hàng nên muốn thủy sản xuất khẩu không bị cảnh báo thì bản thân DN phải tự kiểm chặt nguồn gốc hàng của mình. Còn trong nước, các chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản tăng cường lấy mẫu kiểm về dư lượng kháng sinh. Việc bơm tạp chất, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương, Bộ Công an đang phối hợp kiểm tra xử phạt vấn nạn này. Hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa dối khách hàng, có thể phạt tù ba năm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP
Chỉ có tôm cấp đông mới bị thương lái bơm tạp chất giúp cho tôm nặng ký hơn. Tôm sống không thực hiện được vì con tôm sẽ chết. Cách đây vài tháng, do nghi ngờ bốn vựa có hành vi gian lận thương mại nên chợ đã chủ động lấy mẫu đi kiểm tra. Kết quả phát hiện có một vựa vi phạm việc bơm rau câu vào tôm nhưng số lượng không lớn.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền
--------------------------------