Con số 18 tỉ USD cho toàn bộ dự án chỉ mới là khái toán. Nhìn các dự án metro tăng vốn đầu tư từ 50% đến 170%, nhiều người e ngại điều đó sẽ lặp lại ở dự án sân bay Long Thành.
Trưa 16-10, có mặt tại các đường hạ, cất cánh của sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi ghi nhận được tình trạng máy bay phải xếp hàng chờ đến lượt cất cánh. Lúc 11 giờ 40, trên bầu trời có một chiếc máy bay hạ cánh, do vậy có hơn năm máy bay phải chạy rà rà trên đường băng chờ có “khoảng không” để bay.
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải là một trong những lý do Bộ GTVT đưa ra để cho thấy sự cần thiết của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (gọi tắt là sân bay Long Thành). Sau cuộc họp báo ở Hà Nội, sáng 16-10, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức họp báo về dự án này tại khu vực phía Nam.
Cơ quan chức năng nhất trí cao
“Sân bay Tân Sơn Nhất chiếm 46% tổng sản lượng hành khách cả nước, công suất năm 2014 dự kiến đạt 22 triệu lượt khách/năm. Sân bay này đang trong tình trạng căng thẳng song việc mở rộng có nhiều nhược điểm do sân bay nằm trong nội thành, giao thông tiếp cận khó thể đáp ứng nếu tiếp tục mở rộng công suất” - ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho hay.
Tình trạng máy bay nối đuôi chờ nhau đang diễn ra trên các đường băng Tân Sơn Nhất nhưng phương án xây sân bay mới thay thế còn gây nhiều băn khoăn. Ảnh: MP
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, bổ sung: Chúng tôi đã suy nghĩ việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trong khi chờ sân bay mới nhưng quả thật đây là bài toán khó. Bộ trưởng Bộ GTVT và bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã khảo sát, bàn phương án lấy thêm đất quốc phòng để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 25 triệu khách/năm. Nhưng điểm nghẽn của sân bay này là ở các đường hạ, cất cánh và vùng trời chứ không phải nằm ở nhà ga.
“Dù không quân đã tạo điều kiện hết mức cho hoạt động dân dụng nhưng vẫn không đáp ứng được. Thậm chí nếu chuyển sân bay quân sự Biên Hòa thành dân sự cũng không thể được do có sự chồng lấn trên bầu trời” - ông Thanh cho hay.
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Binh chủng Phòng không không quân Việt Nam, nói thêm: “Chúng tôi có thể cấp thêm đất để mở rộng Tân Sơn Nhất, có thể điều chỉnh hoạt động bay nhưng cũng chỉ đến một mức độ nào đó thì vẫn không thể cục cựa được. Do đó giải pháp cơ bản, lâu dài là xây dựng sân bay Long Thành”.
Tương tự, hầu hết những người chủ trì buổi thông tin (đến từ Bộ GTVT, TP.HCM, Đồng Nai cùng các chuyên gia phản biện cho dự án) đều cho rằng cần nhanh chóng xây sân bay Long Thành.
Lo ngại tăng vốn
Theo phân kỳ, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ cần 164.000 tỉ đồng (khoảng 7,8 tỉ USD) để xây sân bay Long Thành đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tuy con số trên là khái toán để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nhưng đã có nhiều quan ngại dự án sẽ đội vốn. “Dự án mới dừng ở bước tiền khả thi. Nếu được Quốc hội cho chủ trương đầu tư, chúng tôi mới bước vào nghiên cứu, xác định chính xác tổng mức đầu tư” - ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), xác nhận.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời trên, Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: Bộ đã có dự liệu về mức tăng (hay giảm) vốn đầu tư khi triển khai dự án? Bởi trên thực tế, rất nhiều dự án (nhất là các dự án tàu điện ngầm đang được thực hiện trên cả nước) sau khi qua các bước thẩm định, phê duyệt chặt chẽ thì tổng mức đầu tư đều tăng từ 50% đến 172%, trong đó có cả hai dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Trường cho hay có đội vốn hay không là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, vì nếu dự án lập ra mà đội vốn thì vỡ kế hoạch. Cho nên dự án này đã lập ra Hội đồng Thẩm định quốc gia xem xét các yếu tố kỹ thuật, tài chính... để cố gắng không làm đội vốn đầu tư. “Nhưng trước tiên, muốn không đội vốn thì thời gian thực hiện kể từ khi có chủ trương phải ngắn, đồng thời phải tính toán thật kỹ, kiên quyết không để xảy ra việc thay đổi khối lượng. Bộ GTVT sẽ tập trung chỉ đạo để hạn chế thấp nhất việc dự án đội vốn đầu tư” - ông Trường cho hay.
Một điểm nhấn mà Bộ GTVT đặt ra để kêu gọi sự ủng hộ là viễn cảnh biến sân bay Long Thành thành một cảng hàng không trung chuyển quốc tế. Ông Trường khẳng định: Long Thành có thừa đất để xây thành cảng trung chuyển quốc tế. Khu vực này đã có sẵn hệ thống đường cao tốc, quy hoạch đường sắt quốc gia cũng kết nối đến đây. Ngoài ra, chưa một sân bay nào có lợi thế như kết nối bắc - nam, đông - tây và nằm ở trung tâm kinh tế như Long Thành.
“Khi Thái Lan xây dựng cảng hàng không trung chuyển Suvamabhumi có người cũng đặt vấn đề đừng xây vì đã có Changi (Singapore) rồi nhưng sau cùng họ vẫn xây dựng và thành công. Có thực tế hiện nay là nhiều nước châu Âu muốn ta mở đường bay thẳng nhưng Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng được. Do vậy, chưa nói đến cạnh tranh, việc xây dựng sân bay mới là tự đáp ứng nhu cầu phát triển” - ông Trường nói.
________________________________________
21 ha là diện tích xung quanh sân bay Long Thành đã được tỉnh Đồng Nai “vây” lại nhằm tránh việc “mang đô thị vào sân bay”.