Để giải quyết căn bản tình trạng “tín dụng đen” vươn vòi bạch tuộc “hút máu” CN, cần sự mạnh tay từ ngành công an và nỗ lực của các CĐCS để giúp họ không phải lâm vào cảnh khốn khó khi thế chấp thẻ ATM.
Các ngân hàng dường như chưa “mặn mà” với lượng khách hàng đông đảo tại các KCN.
Công đoàn vào cuộc
Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Cty Teakwang Vina (KCN Biên Hoà, Đồng Nai) - cho biết, với hơn 26.000 CNLĐ, Cty Taekwang Vina như một xã hội thu nhỏ, nên tại Cty cũng có một số vấn đề như trong cuộc sống đời thường. Để xử lý các vấn đề này, CĐCS đã luôn gần gũi với NLĐ tìm hiểu các tâm tư nguyện vọng của NLĐ và chủ động đưa ra các giải pháp thương lượng cùng ban GĐ Cty thực hiện. Một trong những hoạt động đó là giúp NLĐ đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.
Thông qua các giải pháp hỗ trợ CN có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn quỹ Cty hỗ trợ cho CĐ thực hiện. Hiện nay mỗi năm Cty cho trên 200 trường hợp được vay với số tiền gần 2 tỉ đồng. Số tiền vay được NLĐ trả dần qua lương trong 10 tháng. Với những CNLĐ khác, nếu muốn vay vốn giải quyết các nhu cầu trong cuộc sống, CĐ bảo lãnh cho họ được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, giúp NLĐ vượt qua các khó khăn trong cuộc sống với số tiền trả hàng tháng phù hợp. Chương trình này nhận được sự hưởng ứng của đông đảo NLĐ với số tiền cho vay hàng năm gần 100 tỉ đồng.
Chưa hết, CĐ còn đề nghị BGĐ Cty cho mở một siêu thị mini trong khuôn viên Cty để phục vụ cho NLĐ với giá bán thấp hơn thị trường và CN được mua hàng trả chậm vào kỳ lương cuối tháng. Còn đối với các CN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, CĐCS kêu gọi tất cả CN trong Cty cùng chung tay đóng góp quỹ “Vòng tay yêu thương” giúp đỡ họ. Hàng năm quỹ này vận động được trên 800 triệu đồng giúp đỡ cho 22 CN vượt qua bệnh tật, khó khăn. Để đa dạng hóa các chương trình phục vụ CNLĐ, CĐCS chủ động phối hợp cùng DN cung cấp các sản phẩm tiêu dùng cho CN với mức giá phù hợp, nhưng được trả góp 6 tháng không lãi suất. “Với nhiều giải pháp trên, CN Cty chúng tôi đã hoàn toàn “Nói không với tín dụng đen” - ông Phúc chia sẻ.
Anh Nguyễn Thanh Nam, CN Cty Teakwang Vina - hồ hởi: “Trước đây vì muốn có xe máy đi làm với các bạn, nên tôi vay “tín dụng đen” 15 triệu đồng, nhưng suốt ngày phải lo trả nợ, nhiều tháng chậm trả còn bị đe dọa, rất lo sợ. Từ khi có chương trình vay vốn ngân hàng do CĐ Cty bảo lãnh, tôi đã xin vay để trả dứt điểm khoản nợ này. Đến nay thì yên tâm rồi, nợ đã trả xong, muốn mua sắm gì chỉ cần đăng ký mua trả góp là có hàng ngay. Cảm ơn CĐ đã chăm lo thiết thực cho CN chúng tôi”.
Cần có ngân hàng vào cuộc
Thượng tá Trần Tiến Đạt - người phát ngôn của CA tỉnh Đồng Nai - cho biết: Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của CN, các đối tượng cho vay nặng lãi tại các KCN trên địa bàn Đồng Nai đang là những “vòi bạch tuộc hút máu CN”, buộc họ phải mang thẻ ATM để cầm cố cho những đối tượng này. CA TP.Biên Hòa và CA huyện Vĩnh Cửu đã xử lý một số đối tượng. Tuy nhiên, để giải quyết căn bản tình trạng này, các CĐCS trong các Cty phải nắm bắt được vấn đề này, cũng như tâm tư nguyện vọng của các CN, để từ đó Cty lập quỹ tín dụng hỗ trợ cho CN vay không lãi suất, để CN không phải vay “tín dụng đen”. “CA tỉnh Đồng Nai sẽ không nương tay, không để “tín dụng đen” có điều kiện hoạt động tại các KCN” - thượng tá Đạt nói.
Cũng phải nhìn nhận rằng với số lượng CN rất lớn tại các KCN, nhưng nhiều ngân hàng vẫn “bỏ trống mặt trận” này. Hoặc là có chương trình cho vay thì thường là phải số tiền lớn và đòi hỏi có sự bảo lãnh, tín chấp với nhiều hồ sơ, thủ tục, trong khi nhu cầu của CN có khi chỉ là một vài triệu đồng và để giải quyết những nhu cầu ngay tức thời. Ông Nguyễn Bá Canh - Trưởng công an xã Long Châu (Yên Phong, Bắc Ninh) - cho rằng, các ngân hàng còn chậm tiếp cận với thị trường nơi có đông CNLĐ đang ở trọ. Tại xã này, hằng ngày có hàng chục người có nhu cầu vay tiền, hầu hết trong số đó là CNLĐ đang ở trọ. Nếu như ngân hàng tiếp cận nhanh, cung ứng tốt dịch vụ ở đây chắc chắn sẽ thu được khoản không nhỏ, nhưng quan trọng hơn là sẽ giúp cho tình hình an ninh - trật tự đỡ phức tạp.
Chị Trần Thị Hiền - CN làm việc tại KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc) - bày tỏ: “Có lẽ các ngân hàng sợ rủi ro khi cho CN vay. Nhưng nếu như biết cách khai thác hợp lý, ngân hàng vẫn có thể tiếp cận tốt để vừa tăng sức cho vay, vừa góp phần giúp CNLĐ đỡ khó khăn, khi họ phải đi vay thế chấp ở bên ngoài với những điều khiện thường quá sức chịu đựng của họ”.
Theo: LĐ