Hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do. DC cũng được vận dụng vào tổ chức và hoạt động của những tổ chức và thiết chế chính trị nhất định.
Với tư cách là hình thức tổ chức chính trị của nhà nước, DC xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước. Khác với các hình thức khác của thiết chế nhà nước, trong thiết chế DC, quyền của đa số, quyền bình đẳng của mọi công dân, tính tối cao của pháp luật được chính thức thừa nhận; những cơ quan cơ bản của nhà nước do bầu cử mà lập ra. DC được thực hiện thông qua hai hình thức cơ bản: DC đại diện và DC trực tiếp.
Quan niệm thực sự khoa học về DC lần đầu tiên được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mac - Lênin nêu ra làm sáng tỏ bản chất giai cấp của DC. Khi phân tích nền DC tư sản, các ông khẳng định rằng: các thiết chế DC và quyền công dân chỉ được dành cho những kẻ chiếm hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất; quyền lực chính trị cơ bản nằm trong tay giai cấp tư sản. Mặt khác, một số nguyên tắc DC, quyền DC, những thiết chế DC trong chủ nghĩa tư bản cũng là kết quả đấu tranh của quần chúng. Bởi vậy, giai cấp công nhân cần biết sử dụng những thành quả DC đó để bảo vệ những lợi ích kinh tế, chính trị của mình; để tự tổ chức và giáo dục quần chúng lao động đứng lên làm cách mạng xã hội; thiết lập nền DC xã hội chủ nghĩa.
DC xã hội chủ nghĩa là DC của đại đa số nhân dân, gắn với công bằng xã hội, chống áp bức bất công; được thực hiện trong thực tế trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, được thể chế hoá bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm. Đảng cộng sản là người lãnh đạo trong nền DC đó.