Khi doanh nghiệp Việt chấp nhận thua cuộc
Sau hàng loạt thử nghiệm, doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận thua cuộc để thanh lọc, hướng tới sự chuyên nghiệp trong sân chơi chuẩn mực quốc tế.
Tự thanh lọc
Những ngày cuối của năm 2014, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam đã tuyên bố rút khỏi lĩnh vực bán lẻ.
Siêu thị 79 được khai trương 7 tháng trước đã đóng cửa , chấm dứt tham vọng phát triển 79 siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên toàn quốc của Alphanam Food, công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam. 1.000 m2 của siêu thị này được chuyển sang cho người thuê mới là Vinmart.
Từng kỳ vọng siêu thị 79 sẽ là điểm hoàn thiện chuỗi liên hoàn từ trồng trọt đến chế biến thực phẩm và nước giải khát của Alphanam trong năm 2014, song ông Hải đã buộc phải chấp nhận thua cuộc.
“Nhìn vào thị trường này, mình thua toàn diện, cả kinh nghiệm, tiền vốn và thương hiệu. Nếu tiếp tục, phải chấp nhận lỗ dăm năm nữa, với cả trăm tỉ đồng. Chúng tôi còn nhiều khoản đầu tư sinh lời tốt hơn” - ông Hải phân tích một cách thẳng thắn.
Trên thương trường, ông Hải vốn là nhà đầu tư dứt khoát với các chiến lược lui và tiến không theo xu hướng. Ngày cuối cùng của năm 2014 cũng là ngày cuối của mã chứng khoán APL của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam trên sàn HOSE trước khi Công ty chính thức rời sàn, trở về mô hình công ty gia đình sau 7 năm tham gia thị trường chứng khoán. Đây cũng có thể coi là động thái cuối của “kế hoạch đánh bắt” mà Alphanam đã thực hiện trong vài năm qua để tận dụng các cơ hội thị trường.
“Chúng tôi sẽ không mở thêm hoạt động kinh doanh, mà chỉ tập trung vào các hoạt động hiện có, đó là bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hoàn thiện công trình xây dựng và đầu tư tài chính, mua bán - sáp nhập doanh nghiệp. Trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi sẽ chuyển từ nhà đầu tư, nhà đầu cơ đất sang đầu tư phát triển các dự án trên quỹ đất sẵn có, chọn phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng” - ông Hải hé lộ kế hoạch năm 2015.
Nhìn nhận 2015 sẽ là một năm sáng sủa, ông Hải đang đặt cược “kế hoạch đầu tư” vào Dự án khách sạn 4 sao với 390 phòng và 200 căn hộ tại trung tâm TP Đà Nẵng mà Công ty đã khởi công vào cuối năm 2014.
Ông Hải không phải là người duy nhất buộc phải rút chân sớm khỏi là thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam - thị trường đang được nhìn nhận là “mỏ vàng dưới đáy đại dương” với vô vàn cá mập bao quanh. Trước đó, Ocean Mart cũng đã trở thành một viên gạch lát đường .
Ngay cả Hiway (chuỗi siêu thị hiện đại mà ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà - cổ đông chính của Hiway - tin rằng, sẽ mở ra một thương hiệu bán lẻ mới) cũng phải tìm vận may bằng bộ nhận diện mới - Sapo Mart. Mặc dù không có những tuyên bố chính thức, song sự “đoản mệnh” của Hiway với mô-típ na ná một thương hiệu ngoại đình đám cũng trong lĩnh vực này là BigC có thể lý giải được phần nào câu chuyện...
Sóng mới
Sự lột xác của nhà đầu cơ Nguyễn Tuấn Hải thành nhà đầu tư hay việc Sapo Mart đang xoay sở với hướng đi riêng không phải là một chiến thuật truyền thông hay marketing thông thường.
Như chính ông Hải từng chia sẻ tố chất của đầu cơ là nhạy bén với lợi nhuận theo sóng. Khi thị trường hết cửa tạo sóng, hết cơ hội cho các khoản đầu cơ nhờ quan hệ và lỗ hổng pháp lý, thì cơ hội của đầu tư bài bản và chuẩn mực xuất hiện.
Năm 2015, như phân tích của giới chuyên gia kinh tế, kinh tế vĩ mô ổn định cộng với thời điểm hiệu lực của nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, môi trường đầu tư và thể chế kinh tế thị trường có hiệu lực cùng lúc với hàng loạt cam kết theo các hiệp định thương mại có hiệu lực hoặc được ký kết sẽ tạo sóng mới cho giới đầu tư.
Có thể kể đến những thể chế mới với tư duy “chọn bỏ” thay vì “chọn cho” , đề cao nguyên tắc thị trường trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Đây cũng đang được coi là thời điểm bắt đầu các tác động mạnh nhất của việc cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện… theo yêu cầu của Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn nhận đây là những điều kiện pháp lý để khơi dậy tinh thần kinh doanh, đặc biệt là thúc đẩy sức sáng tạo của người dân, của doanh nghiệp. Đặc biệt, phép thử mang tên taxi Uber với động thái mới trong tư duy điều hành có thể coi là một tín hiệu tích cực cho môi trường kinh doanh Việt Nam, ở cả góc độ nhà quản lý và doanh nghiệp thực thi.
“Phải nói rõ, phần lớn những thay đổi đó sẽ tác động trực tiếp đến tư duy và hành vi ứng xử của lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, của giới công chức, những người trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, từ đó làm thay đổi hành vi của nhà đầu tư, doanh nghiệp” - ông Cung phân tích.
Cuộc chơi dành cho người chuyên nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một buổi làm việc đặc biệt vào Chủ nhật cuối cùng của năm 2014.
Gọi là đặc biệt vì đối tác của cuộc gặp là một doanh nghiệp Việt làm được ốc vít cho đồng hồ của Thụy Sỹ và nội dung là bàn câu chuyện mà lâu nay doanh nghiệp, thậm chí cả nhà hoạch định chính sách vẫn đau đáu - làm cách nào để trở thành một bộ phận của chuỗi sản xuất toàn cầu.
“Đừng đặt câu hỏi doanh nghiệp Việt Nam có làm được ốc vít hay không. Đã có doanh nghiệp 10 năm nay là đối tác gia công phụ kiện cho các hãng đồng hồ của Thụy Sỹ, các hãng sản xuất cơ khí của Đức. Họ đã lắp mình vào nền kinh tế toàn cầu bằng một phương thức khôn ngoan - đó là bắt tay với những người lớn nhất, mạnh nhất” - ông Lộc phản biện khi nhận được câu hỏi doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức để hội nhập không.
Một cách hình ảnh, Chủ tịch VCCI ví nền kinh tế toàn cầu như một trò chơi lego với vô vàn mảnh ghép. Ở đó, những mảnh ghép lớn thường dễ nhận biết và dễ lắp ráp nhanh. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam đa số thuộc phần còn lại - những mảnh li ti, dễ bị che lấp và thậm chí có thể bị lờ đi trong cuộc chơi toàn cầu.
Thực tế đã diễn ra như vậy. Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp). Trong khi đó, những nền kinh tế trong khu vực như Malaysia, Thái Lan có tới 60% doanh nghiệp tham gia các mạng lưới sản xuất.
Hệ lụy của tình trạng trên là sự phân tách giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại, là sự ngắt quãng từ hiệu ứng lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất tới nền kinh tế. Hơn thế, việc thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, công nghệ cao… cũng trở nên khó khăn hơn do thiếu đối tác phụ trợ.
“Tất nhiên, phải có đối sách để chơi được với những người lớn nhất. Bài học quan trọng nhất mà doanh nghiệp Việt Nam đã rút ra được và đang xoay xở theo là tư duy của nhà kinh doanh chuyên nghiệp” - ông Lộc nói.
Yêu cầu này đang trở thành tối thượng trong cạnh tranh kể từ năm 2015, khi hàng loạt cam kết mới của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Nếu không khớp được yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, như vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về môi trường, an sinh xã hội…, thì doanh nghiệp Việt sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
“Doanh nghiệp đang vận động theo thị trường. Họ có thể gọi không đúng tên các hiệp định thương mại sẽ được ký kết trong năm 2015, nhưng doanh số hàng ngày giảm hay tăng họ biết cần thay đổi mẫu mã, chất lượng hay thậm chí đóng cửa để chuyển sang hướng mới. Nhiều doanh nghiệp đã nói với tôi về sản phẩm theo dây chuyền công nghệ châu Âu, công nghệ xanh… Họ đang kết bè để gỡ bài toán về quy mô, đầu tư vào công nghệ để gỡ nút thắt về chất lượng” - ông Lộc nhận định và cho rằng, doanh nghiệp Việt biết chắc, để trụ vững trên thị trường nội địa, họ phải có năng lực cạnh tranh cao và hoạt động chuyên nghiệp.
Theo Khánh An (Đầu tư)
-------------------------
Phó Thống đốc: Sẽ buộc giải thể, phá sản những nhà băng yếu kém
Năm 2015, NHNN sẽ xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, cạnh tranh cao; kiên quyết xử lý pháp nhân những TCTD yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc…
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho biết như vậy khi đề cập tới kế hoạch tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm 2015 này.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn hai đã được khởi động bằng thông tin Vietcombank sẽ nhận sáp nhập ngân hàng khác và "danh tính" được thị trường xác nhận là Saigonbank… Xin bà cho biết, kế hoạch tái cơ cấu hệ thống các TCTD trong năm 2015 thế nào?
Cơ cấu lại hệ thống các TCTD nói chung và từng TCTD nói riêng là một quá trình thường xuyên, liên tục nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại và chủ động đối phó với những thách thức. Trên cơ sở Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, năm 2015, NHNN sẽ tập trung triển khai một số nội dung chính như:
Thứ nhất, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện và đúng quy định pháp luật, trong đó sẽ nâng cao vai trò chủ đạo của các NHTM Nhà nước thông qua việc các NHTM Nhà nước tham gia tích cực vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD khác, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15 và Quyết định số 51 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao theo mục tiêu tại Đề án 254; kiên quyết xử lý pháp nhân theo luật định những TCTD yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc thì kiên quyết xử lý pháp nhân theo luật định..
Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD và lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn điều lệ của TCTD; Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ đi đôi với tiếp tục hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.
Cùng với đó, NHNN sẽ xây dựng và triển khai Đề án nâng cao năng lực tài chính (với trọng tâm là tăng vốn điều lệ) của các NHTM Nhà nước năm 2015;Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án cơ cấu lại của các TCTD đã được phê duyệt; hỗ trợ, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh để đảm bảo các TCTD cơ cấu lại thành công.
Thứ tư, phối hợp với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cơ cấu lại các công ty con là công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu kém gắn với thực hiện thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy sáp nhập, hợp nhất và tăng cường quy mô, năng lực tài chính của TCTD.
NHNN cũng sẽ ban hành các chuẩn mực mới về quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đồng thời triển khai các bước tiến tới áp dụng Basel II; Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của một số loại hình TCTD.
Thứ năm, thúc đẩy việc thực hiện các chuẩn mực mới về quản trị ngân hàng phối hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đồng thời triển khai các bước tiến tới áp dụng Basel II; Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của một số loại hình TCTD. Đẩy mạnh cơ cấu lại Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), kiên quyết xử lý các QTDND yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc NHNN ban hành Thông tư số 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của TCTD, chi nhánh NHNN với các quy định cụ thể và chặt chẽ nhằm kiểm soát dòng tín dụng chảy vào cổ phiếu được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, quan điểm của Phó Thống đốc như thế nào trước thực tế các ngân hàng rót vốn rất mạnh vào trái phiếu Chính phủ thời gian qua?
Trong vài năm qua, tình hình kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, môi trường kinh doanh của các TCTD cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy các TCTD gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động từ nền kinh tế vẫn tăng trưởng khá cao. Trong bối cảnh đó, các TCTD buộc phải tìm kiếm kênh đầu tư an toàn - đó là đầu tư trái phiếu chính phủ. Việc đầu tư mạnh của các TCTD vào trái phiếu chính phủ đã góp phần thực hiện thành công kế hoạch huy động vốn của Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu để gia tăng đầu tư phát triển quốc gia.
Tuy nhiên, việc đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ cũng có thể tạo ra vấn đề. Ví dụ như nguồn vốn huy động của TCTD chủ yếu là vốn ngắn hạn, do vậy nếu đầu tư nhiều cho trung dài hạn thông qua mua trái phiếu chính phủ thì có thể làm tăng rủi ro thanh khoản nếu các TCTD không chủ động cân đối vốn theo kỳ hạn hợp lý, nhất là khi chính sách tiền tệ phải thực hiện theo hướng thắt chặt để kiểm soát lạm phát.
Thông tư số 36 quy định tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của TCTD. Tỷ lệ này được NHNN xác định trên cơ sở kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ hàng năm, số dư đầu tư trái phiếu hiện nay của các TCTD và yêu cầu tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế để bảo đảm mục tiêu điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và an toàn hoạt động của TCTD.Việ c quy định này cũng sẽ khuyến khích TPCP sẽ đa dạng hóa người nắm giữ như ở các nước, không nên quá tập trung vào hệ thống ngân hàng (ở Việt Nam, hệ thống TCTD nắm giữ 80-90% trái phiếu chính phủ).
Một trong những mục tiêu mà ngành chứng khoán hướng đến trong năm 2015 là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế từ mức thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của ngành chứng khoán (thu hút các doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD, đạt thanh khoản cao...), cần có những điều kiện về độ mở của chính sách tiền tệ. Vậy NHNN có sẵn sàng hỗ trợ TTCK Việt Nam nâng hạng trên thị trường quốc tế, mở rộng cơ hội thu hút vốn ngoại vào Việt Nam?
Trong thời gian qua, với việc thực thi đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ, trong đó có chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt của NHNN, diễn biến kinh tế vĩ mô của nước ta đã có những cải thiện tích cực, lạm phát tiếp tục ổn định ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế năm 2014 cải thiện so với năm 2012 và 2013, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định, thông suốt, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư ở mức cao, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên mức cao kỷ lục, ổn định kinh tế vĩ mô được tăng cường. Đây là các kết quả đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, qua đó tiếp tục củng cố sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thể hiện ở luồng vốn vào Việt Nam tiếp tục gia tăng trong năm nay.
Năm 2015, Quốc hội tiếp tục đặt mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 5% và tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,2%. Bám sát mục tiêu của Quốc hội, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Như vậy, các kết quả thuận lợi đạt được trong năm 2014 và sự kiên định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Quốc hội, Chính phủ trong năm 2015 sẽ tiếp tục là những điều kiện thuận lợi để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
- Xin cảm ơn bà!
------------------------
Điểm danh 10 “đại gia” giàu có nhất làng công nghệ thế giới
Năm 2014 là một năm biến động của làng công nghệ thế giới, khi không ít “đại gia” đã “đút túi” nhiều tỷ USD, trong đó không ít người bị “bốc hơi” hàng tỷ USD vì sự biến động mạnh của giá cổ phiếu.
Dưới đây là 10 “đại gia” công nghệ giàu có nhất hiện nay.
1. Bill Gates (tài sản: 81,1 tỷ USD)
Bill Gates tiếp tục nắm ngôi vị người giàu nhất trong thị trường công nghệ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Kết thúc năm 2014, tài sản của Bill Gates ước tính đạt 81,1 tỷ USD.
Mặc dù đã rút lui khỏi vị trí chủ tịch của Microsoft và chỉ nắm chức vụ Cố vấn công nghệ tại công ty này, tuy nhiên trong năm qua, tài sản của Bill Gates cũng tăng thêm 9 tỷ USD nhờ vào giá cổ phiếu của Microsoft tăng cao và những khoản đầu tư, đặc biệt tại Hãng đường sắt Quốc gia Canada và công ty xử lý rác Republic Services cũng của Canada.
Hiện Bill Gates đang cùng vợ mình là đồng chủ tịch của quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation và rất tích cực trong các hoạt động từ thiện và đầu tư những khoản tiền lớn cho những dự án nghiên cứu tìm cách chữa các căn bệnh nan y...
2. Larry Ellison (tài sản: 51,3 tỷ USD)
Sau khi từng làm việc cho CIA với vai trò chuyên gia thiết kế cơ sở dữ liệu, Larry Ellison thành lập hãng phần mềm Oracle vào năm 1977 và giữ vai trò CEO Kiêm chủ tịch từ đó cho đến nay.
Tuy nhiên, hồi tháng 9 vừa qua, Ellison đã khiến giới công nghệ phải bất ngờ khi tuyên bố từ bỏ chiếc ghế CEO tại Oracle, tuy nhiên vị tỷ phú này vẫn nắm giữ ghế chủ tịch và Giám đốc công nghệ tại công ty do mình thành lập.
Khác với nhiều lãnh đạo trong giới công nghệ khác chỉ nhận mức lương tương trưng 1USD, Larry Ellison có mức lương rất cao tại Oracle. Trong năm 2013, Larry Ellison nhận lương lên đến 73 triệu USD.
Ellison là một hình mẫu tỷ phú biết kiếm tiền và biết cách tiêu tiền. Ông nổi tới với việc chi tiêu, trong đó có mua một hòn đảo thuộc quần đảo Hawaii với mức giá 300 triệu USD vào năm 2012.
3. Mark Zuckerberg (tài sản: 34 tỷ USD)
Mark Zuckerberg là tỷ phú trẻ tuổi nhất trong top 10 người giàu có nhất trong giới công nghệ, với khối tài sản lên đến 34 tỷ USD. Trong năm qua, Mark Zuckerberg là tỷ phú có khối tài sản tăng trưởng nhanh nhất do giá cổ phiếu của Facebook tăng mạnh, giúp Zuckerberg “đút túi” đến 15 tỷ USD trong năm 2014.
Giá cổ phiếu Facebook tăng mạnh một phần nhờ vào những thương vụ “bom tấn” và táo bạo mà mạng xã hội này đã thực hiện trong năm qua. Đầu tiên vào tháng 2, Facebook đã khiến giới công nghệ phải bất ngờ khi chi ra đến 19 tỷ USD để mua lại dịch vụ nhắn tin miễn phí qua Internet WhatsApp. Chỉ một tháng sau đó, Facebook tiếp tục gây sốc khi chi ra thêm 2 tỷ USD để mua hãng công nghệ thực tế ảo Oculus VR, ngay cả khi công ty này chưa có bất kỳ sản phẩm thương mại nào.
4. Larry Page (tài sản: 31.5 tỷ USD)
3 năm sau khi nhà đồng sáng lập Larry Page ngồi trở lại vào chiếc ghế CEO của Google, “gã khổng lồ tìm kiếm” đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực tiên phong, như kính thông minh, xe hơi tự lái, nền tảng TV thông minh... Google cũng đã thực hiện nhiều thương vụ “bom tấn” trong năm qua, bao gồm việc mua lại hãng sản xuất thiết bị điều nhiệt và cảm biến khói thông minh Nest, hãng camera giám sát Dropcam...
Năm 2014 chứng kiến giá cổ phiếu của Google tăng vọt lên mức kỷ lục, giúp nhà đồng sáng lập Larry Page “đút túi” 6,6 tỷ USD trong năm 2014.
5. Sergey Brin (tài sản: 31 tỷ USD)
Trong khi Larry Page chịu trách nhiệm điều hành Google thì nhà đồng sáng lập còn lại, Sergey Brin chịu phụ trách Google X, đơn vị bí mật của Google chịu trách nhiệm phát triển các dự án mạo hiểm, như kính thông minh Google Glass, kính sát tròng thông minh, máy bay không người lái...
Cũng như Larry Page, nhờ vào giá cổ phiếu Google tăng cao trong năm qua, tài sản Sergey Brin cũng tăng thêm 6,6 tỷ USD trong năm qua.
6. Jeff Bezos (tài sản: 30,5 tỷ USD)
Dưới sự lãnh đạo của Jeff Bezos, Amazon không đơn thuần là hãng thương mại điện tử như trước đây. Sau khi lần lượt đặt chân vào thị trường máy tính bảng vào năm 2013, tháng 4 vừa qua, Amazone ra mắt nền tảng TV thông minh Fire TV; tiếp đó vào tháng 6, smartphone đầu tiên của Amazone chính thức trình làng.
Tuy nhiên, có vẻ như quyết định ra mắt smartphone Fire Phone là quyết định sai lầm của Amazon, khi chiếc smartphone này không thực sự thành công như máy tính bảng của Amazon trước đó, khiến cổ phiếu của Amazon lao dốc nghiêm trọng. Quý III/2014 là quý thua lỗ tồi tệ nhất của Amazon kể từ năm 2008 cho đến nay.
Cổ phiếu Amazon lao dốc khiến tài sản của Jeff Bezos cũng đã bị “bốc hơi” 7,4 tỷ USD trong năm qua. Vị CEO của Amazon chính là người có tài sản bị tụt nhiều nhất trong số các “đại gia công nghệ” trong năm 2014.
7. Steve Ballmer (tài sản: 22,8 tỷ USD)
Năm 2014 chứng kiến sự chuyển giao quyền lực tại Microsoft, khi Steve Ballmer chính thức rời khởi ghế CEO Microsoft sau 14 năm tại vị. Mặc dù không còn nắm giữ vị trí CEO tại Microsoft, tuy nhiên Steve Ballmer vẫn mua lại một lượng cổ phiếu lớn của hãng phần mềm này và chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại Microsoft. Chính điều này đã giúp khối tài sản của Ballmer tăng mạnh trong năm 2014 khi cổ phiếu của Microsoft tăng cao.
Sau khi rời bỏ ghế CEO của Microsoft, Steve Ballmer đã chi ra đến 2 tỷ USD để mua lại hãng bóng rổ Los Angeles Clippers và trở thành chủ tịch của hãng bóng rổ này.
8. Michael Dell (tài sản: 17,7 tỷ USD)
Nhà sáng lập hãng máy tính Dell cho biết công ty máy tính Dell của mình đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi Michael Dell quyết định đưa công ty này thành tư nhân kể từ tháng 10/2013. Sau khi thành công ty riêng, hãng máy tính Dell không phải tiết lộ tình hình tài chính của mình, tuy nhiên Michael Dell khẳng định Dell vẫn đang tăng trưởng nhanh chóng so với các đối thủ như Oracle, IBM, Cisco hay HP...
Bên cạnh doanh thu từ hãng máy tính Dell, tài sản của Michael Dell trong năm 2014 tăng trưởng nhờ vào quỹ đầu tư MSD Capital do chính Dell sáng lập vào năm 1998.
9. Charles Ergen (tài sản: 17,2 tỷ USD)
Charlie Ergen đã nổi lên như một trong những nhà đầu tư khôn ngoan nhất trong lĩnh vực kihn doanh truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh, đã xây dựng 2 dịch vụ truyền hình vệ tinh DISH và EchoStar do chính Ergen sáng lập trở thành những công ty hàng đầu trong lĩnh vực của mình với giá trị hàng chục tỷ USD.
Với giá trị vốn hóa thị trường của DISH và EchoStar ước tính 35 tỷ USD, hiện Charlie Ergen vẫn đang nắm giữ ghế chủ tịch 2 công ty mà mình đã từng đồng sáng lập từ năm 1980.
10. Paul Allen (tài sản: 17,1 tỷ USD)
Paul Allen là bạn học phổ thông với Bill Gates, trước khi theo học đại học tại trường đại học Washing State. Cũng như Bill Gates, Paul Allen bỏ học đại học giữa chừng để làm việc tại Honeywell, trước khi cùng với Bill Gates sáng lập nên hãng phần mềm Microsoft vào năm 1975.
8 năm sau khi Microsoft ra đời, Paul Allen rời bỏ công ty sau khi bị chẩn đoán mắc chứng bệnh Hodgkin (một chứng bênh liên quan đến tế bào máu). Paul Allen sau đó cùng chị gái Jody Allen thành lập công ty đa lĩnh vực Vulcan Inc.
Cũng giống Bill Gates, Paul Allen là người khá tích cực trong các hoạt động nhân đạo khi đầu tư những khoản tiền lớn vào các dự án điều trị bệnh. Bên cạnh đó, Paul Allen cũng là người rất biết cách “tiêu tiền” khi bỏ ra khá nhiều tiền để sở hữu các tác phẩm nghệ thuật và cả nhiều câu lạc bộ thể thao...
-------------------------